Thứ 5, 25/04/2024, 13:04[GMT+7]

Địa linh “Song hiển thánh”

Thứ 2, 09/11/2020 | 09:23:41
5,297 lượt xem

Ngôi đình cổ của làng Cập, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà đã bị phá dỡ, chỉ giữ được phần hậu cung, hiện tại nhân dân xây dựng tạm.

Lộ Long Hưng đời nhà Lý (1009 - 1225), tuy là thực ấp của gia tộc họ Trần ở Hải Ấp nhưng lại nằm trong quyền “kiểm soát” của triều đình nhà Lý. Thái sư Trần Quang Khải (triều Trần) cũng phải thừa nhận trong những ghi chép của ông: “... đây là đất Quan hà 200 năm đời Lý”. Thế nhưng, triều Lý suy vi, nhà Trần lên ngôi, đất đai Long Hưng thuộc quyền nhà Trần nhưng nhiều làng lại tôn thờ Đoàn Thượng, tướng nhà Lý bất mãn chống lại thế lực nhà Trần, sắc phong của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cho Đoàn Thượng là “Đông Hải Đại vương” làm thành hoàng.

Trong chuyến điền dã về vùng đất cổ Long Hưng tìm hiểu về lý do tại sao vùng đất của gia tộc đầy quyền lực họ Trần ở Hải Ấp mà nhân dân nơi đây lại tôn Đoàn Thượng làm thành hoàng làng, nhóm nghiên cứu chúng tôi được cựu chiến binh Trần Văn Thanh, thủ từ đình làng Cập xác nhận, đình làng Cập thờ thành hoàng làng là Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng và dẫn tham quan cụm di tích. Theo thần tích đình làng Cập (xã Thượng Bái, tổng Thượng Bái, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng) nay là các thôn Trung, thôn Bái, thôn Cập, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà thì đình làng Cập thờ “Nhị vị Thành hoàng” làng là “Thiên quan đô đài Đại vương”, húy là Khánh (có tài liệu chép là Khang) và “Đông Hải Đại vương”, húy là Đoàn Thượng. Đình làng Cập tọa lạc trên một khu đất rộng 1.200m², qua các biến đổi thăng trầm của lịch sử, đình được nhân dân tôn tạo mới nhưng vẫn giữ nguyên được cung cấm. Đình hiện còn lưu giữ một số di vật có giá trị như cuốn thư, khán thờ, long kiệu, câu đối, thanh la, bát biểu, mũ quan thời cổ, đặc biệt có nhiều sắc phong trong đó còn nguyên 4 sắc phong qua các triều đại phong thần của vua Tự Đức thứ 13 năm 1572, sắc phong của vua Duy Tân năm 1917, hai sắc phong của vua Khải Định vào tháng 7 năm 1922.

Đi tìm câu trả lời về tục thờ Đoàn Thượng làm thành hoàng, sử cũ chép: Mùa hè năm 1209 lực lượng hương binh họ Trần ở Hải Ấp (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) được cho là “thân” nhà Lý kéo về kinh đô. Trong khi vua Lý Cao Tông vẫn ở Tam Nông (Phú Thọ nay) chạy loạn Quách Bốc. Biết khó có thể ngăn được họ Trần ở Hải Ấp, Cao Tông ra lệnh cho tướng Phạm Du liên kết với quân của Đoàn Thượng gây thế lực “trấn áp” để vua và quần thần trở lại kinh thành. Biết chuyện Lý Hạo Sảm (Thái tử Sảm) lánh nạn ở Hải Ấp được họ Trần dung dưỡng tự ý xưng vương và phong hàm tướng cho gia đình Trần Lý, Cao Tông “nóng mặt” muốn trừng phạt Sảm ngay. Phạm Du đến Bắc Giang chưa gặp được Đoàn Thượng đã bị quân của Nguyễn Nãi, một thế lực của họ Trần ở Bắc Giang, bắt được giải về bản doanh họ Trần. Phạm Du bị chém đầu. Phạm Du chết nghĩa là kế hoạch liên kết với Đoàn Thượng của vua Lý Cao Tông không thành. Nhà vua phải “nằm lại” dài ngày ở Tam Nông trong tâm trạng rối bời, trong lúc triều chính rối ren, đất nước bên bờ vực nội chiến.

Theo các nguồn khảo luận, cuối đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), cơ nghiệp nhà Lý đang đà suy vong, vua ăn chơi sa đọa, triều chính nghiêng ngả bị nhà Trần soán ngôi giết hại tông thất nhà Lý, Đoàn Thượng (1181 - 1228) là trung thần cuối triều Lý đã phản kháng kịch liệt bỏ về lộ Hồng (nay là tỉnh Hải Dương) tụ nghĩa xưng là “Đông Hải Đại vương” chống lại thế lực họ Trần. Căn cứ vào sắc phong của vua Lê Thái Tổ ở đền vua Rộc (Vũ An, Kiến Xương) và ngọc phả còn lưu giữ trong đình Cập thì “Đông Hải Đại vương” là Đoàn Thượng, người làng Trung Độ, lộ Hồng Châu, nay thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Khi biết Lý Chiêu Hoàng thoái vị nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông) thông qua “kịch bản” của thế lực họ Trần, Đoàn Thượng không quy phục, nhất là khi thấy Thái sư Trần Thủ Độ giết hại tông thất nhà Lý, ông bỏ triều đình nhà Lý về lộ Hồng kết bè lập đảng chống nhà Trần. Cũng theo các tài liệu khảo cứu, khoảng “năm sáu năm” toàn bộ tô thuế ở lộ Hồng và trấn Sơn Nam đều do Đoàn Thượng nắm giữ, nhà Trần không làm gì được... Tương truyền, trong cuộc giao chiến chống lại nhà Trần, Đoàn Thượng mắc mưu Trần Thủ Độ, khi bị trọng thương ở cổ, Đoàn Thượng lấy bao lưng bó lại và thúc ngựa chạy về phía Đông, nộ khí bừng bừng. Chạy đến Yên Nhân gặp một đại lão râu tóc bạc phơ, Đoàn Thượng hỏi: “Người đứt cổ có sống được không? Đại lão cười trả lời rằng “Sự hưng vong là số mệnh cả, tướng quân hà tất phải phẫn nộ. Biết tướng quân là người trung liệt, Thượng thiên đã ghi nhận”. Nói rồi đại lão chỉ tay về phía gò đất bên đường nói: “Đó là mảnh đất hương hỏa đang kính chờ Tướng quân”. Đoàn Thượng cưỡi ngựa đến bên gò đất, nằm xuống, lấy thanh gươm gối đầu. Lập tức hàng vạn côn trùng bao kín người làm thành ngôi mộ.

Vị thành hoàng đầu tiên thờ ở đình làng Cập là nhân thần thời Hai Bà Trưng đã “hiển Thánh”. Thời Hai Bà Trưng, lưu vực Buộm - Tảo Sơn (trong đó có làng Cập), thuộc vùng “Đa hương cương”, thời Lý - Trần đổi thành Long Hưng. Thuở đó, họ Cao (dòng dõi các phúc thần thời Hùng Vương như Cao Quán, Cao Đông (Tân Giới, Tân Lễ), Cao Mang (Dương Xá, Phú Sơn) là Cao Văn Thời, lấy vợ làng Ngoạn Khu (Buộm) là Lê Thị Mỹ, sinh ra Cao Thị Nguyên một người “tứ đức vô hà” (ý nói công, dung, ngôn, hạnh của bà không ai sánh nổi). Bà Nguyên lấy ông Phạm Phúc, sinh ra Phạm Khánh là bậc quân tử. Cả nhà được thiên hạ trọng vọng, khiến “quan đô hộ” Thái thú Tô Định lo ngại, vô cớ giết hại Phạm Phúc. Căm giặc cướp nước bạo tàn, hờn Tô Định giết cha, Phạm Khánh bấy giờ đang làm phụ đạo, lập hương binh, liên kết với họ Hoàng, họ Vũ (Tiên La) cát cứ một vùng. Thanh thế của Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục đang đà lên cao, dân Hoàng Nông tích thảo binh lương, dân Thượng Đạo từ Phong Châu (quê nội) không quen làm ruộng nước, bà cho làm ruộng cao (nay là làng Rẫy), dân lưu tán đến nương nhờ, bà cho ruộng, cấp đất làm nhà ở An Nhân (Tân Tiến), lại xây phòng tuyến kiên cố vững như sắt đá ở Nham Lang, cho Ngọc Hoa trông coi cửa Đìa (Hồng An), chỉ trong một năm đã có trên 3.000 nghĩa binh, tự làm chủ cả vùng Đa Cương, bà dựng cờ “Bát Nạn tướng quân”. Trưng Trắc biết thanh thế của quân dân Đa Cương và chí lớn của Vũ Thị Thục là vợ Phạm Hương nghĩa tướng của Thi Sách nên đã cử công chúa Bảo Hoa về tận Đa Cương vận động nghĩa quân về Mê Linh hội quân. Thục nương băn khoăn, hội chúng sĩ cho bàn, vì nghĩa lớn, tướng sĩ nhất tề kéo về Mê Linh tụ nghĩa.

Sử cũ chép: Năm 43 sau Công nguyên, Hán Quang Vũ cử Phục Ba tướng quân Mã Viện làm Chinh Nam tướng quân, men theo bờ biển, theo núi đẳn cây, mở hơn 1.000 dặm tiến vào Lãng Bạc. Các tướng lĩnh, cử súy và con em Đa Cương nhất tề về Mê Linh hội quân cùng Trưng Vương tử chiến với giặc. Trận Lãng Bạc quân ta bất lợi, trận sông Hát quân ta thua to, Hai Bà Trưng tuẫn tiết. Các thủ lĩnh Trần Thông, Trần Mậu, Trần Hiển, Đặng Minh đều hy sinh tại trận (ngày 2 tháng 2). Vũ Thị Thục lui quân về Đa Cương tiếp tục chiến đấu thêm 1 tháng. Ngày 20/3 Lưu Long vây căn cứ Tiên La, bà đã chiến đấu đến nghĩa binh cuối cùng, đến gốc thông bên gò Kim Quy, hết đường, liền tự sát. Lưu Long tiếp tục truy quét cánh quân của Phạm Khánh tại làng Buộm. Nguyễn Thị Ngọc ở Thưởng Duyên, các cử súy thân cô, thế cô, ngày 10 tháng 7 Phạm Khánh phải tự tận, ngày 10 tháng 8 Nguyễn Thị Ngọc hy sinh.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo lệnh của Bà Trưng, các bản, xá, Đa Hương cương đã diệt bọn tay sai thân Hán, tuyên bố phò tá Trưng Vương, đích thân nữ tướng Vũ Thị Thục (vùng Tiên La, nay là xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà) cũng dẫn đại quân đánh tan giặc Tô Định. Dân làng Cập cũng “đóng góp” nhiều trai tráng cho cuộc chinh chiến diệt giặc Đông Hán, Phạm Khánh có nhiều ân huệ với làng nên được dân làng tôn thờ thành hoàng.

Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Đoàn Thượng là một trung thần và dũng tướng đời Lý Huệ Tông, có sức khỏe phi thường. Năm Nhâm Thân (1212), trong nước nhiều biến loạn, triều đình cử Đoàn Thượng về Hồng Châu và lộ Long Hưng mộ dân đánh giặc, người dân làng Cập hưởng ứng cho trai tráng trong làng theo ông.

Cựu chiến binh Trần Văn Thanh, thủ từ đình làng Cập, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà

Đình làng Cập được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2012, được nhân dân trong thôn và quý khách thập phương phụng thờ tạo nên nét đẹp văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau hướng về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh và tri ân những người có công với dân, với nước.


Quang Viện

  • Từ khóa