Thứ 3, 23/07/2024, 07:25[GMT+7]

Thánh mẫu làng Nứa

Thứ 2, 16/11/2020 | 16:13:01
7,543 lượt xem
Tương truyền, cứ vào đầu năm, đầu vụ lúa, các làng khắp vùng miền cử người mang lễ về miếu làng Nứa, xã Khuông Phù, tổng Tống Xuyên, huyện Hưng Nhân (nay là xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà) dâng đức Thánh mẫu công chúa Trần triều hiển thánh Thiều Dương cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, nhân dân no đủ thì năm đó, làng ấy mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ.

Miếu Nứa - di tích lịch sử kiến trúc văn hóa, làng Nứa, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà.

Truyền ngôn, cánh đồng Quan (làng Nứa) từ xa xưa chính là khởi nguồn khai hoang, lập ấp, vâng lời vua cha (vua Trần Thái Tông) mà công chúa Trần Thiều Dương đã đưa gia nô và quyến thuộc về vùng Phù Ngự, Hải Ấp chiêu tập dân chúng san gềnh lấp trũng, khai khẩn hoang hóa, sản xuất ra lúa gạo, lương thực giúp triều đình củng cố lực lượng quân đội, đánh thắng nhiều đợt tấn công của giặc ngoại bang, giúp dân ăn no, mặc đủ. Trong cuộc sống đời thường với dân chúng, công chúa Thiều Dương gắn bó với dân nghèo, thể hiện hiếu nghĩa với vua cha. Nghe tin vua cha bệnh nặng trong triều bà không về kinh được đã khóc cha mà chết theo cũng là “xưa nay hiếm”, khẳng định bà là người con tận hiếu.  

Đại Việt sử ký toàn thư tập II có đoạn viết về công chúa Thiều Dương, thể hiện công chúa là người con tận hiếu như sau: “Ngày thượng hoàng (Trần Thái Tông) băng hà, công chúa Thiều Dương (con gái thứ của thượng hoàng húy là Thúy) đương ở cữ (ba tháng sau khi sinh con), chợt nghe tiếng chuông đánh liên hồi, nói rằng: “Có lẽ thượng hoàng mất chăng!”. Những người hầu cận nói dối, nhưng không nghe, công chúa cứ thương khóc kêu gào, mắt mờ đi rồi chết. Trước đây thượng hoàng không khỏe, công chúa bấy giờ đã lấy Thượng vị hầu Văn Hưng rồi, thường thường sai người đến thăm hỏi, những người hầu cận đều trả lời là thượng hoàng đã bình phục vô sự. Đến khi nghe tiếng chuông, thương khóc kêu gào mãi rồi chết. Người trong nước ai cũng thương”.

Trong chuyến điền dã về vùng Hải Ấp - Phù Ngự tìm hiểu về dấu tích “đồng quan” trong thời kỳ nhà Trần dựng nghiệp thế kỷ XIII, nhóm nghiên cứu chúng tôi được nghe các bậc cao niên làng Nứa kể về lịch sử dựng đất mở làng có từ thời nhà Lý,  khi các bậc tiền nhân làng Nứa đã cùng công chúa Thiều Dương bỏ bao công sức lập làng, dựng ấp, khi Bà mất đã tôn thờ bà làm “Thành hoàng bản cảnh” của làng. Theo tục thờ cúng thành hoàng của nhiều làng khác trong vùng thì dân làng thường chọn các vị thiên thần hoặc nhân thần nhưng thường phải là “đàn ông” và sau đó lập sớ tâu vua, được vua ban sắc phong thì mới được lập thành hoàng, nhưng ở đây thành hoàng là “nữ nhi” vẫn được nhà vua đồng ý cho lập thành hoàng. Các cụ cho rằng có lẽ đây chính là trường hợp rất đặc biệt, người được thờ cúng làm thành hoàng làng phải có công lao to lớn về khai thiên lập địa. Việc vua sắc phong thành hoàng làng Nứa cho công chúa Thiều Dương càng khẳng định công lao to lớn của bà với triều đình nhà Trần, với quốc gia Đại Việt, với dân làng Nứa và ca ngợi đức hạnh công chúa Thiều Dương trọng hiếu, trọng tình của bà. Giới sử gia và các bậc cao niên làng Nứa qua nhiều thế hệ vẫn tỏ ra tiếc nuối vì sử sách thời phong kiến vẫn ảnh hưởng thói “trọng nam, khinh nữ” nên “bỏ qua” các tài liệu ghi chép về phụ nữ thành đạt thời phong kiến nói chung và công chúa Thiều Dương nói riêng.

Ngọc phả hệ bảo tích của vương triều Trần có chép vua Trần Thái Tông có 5 công chúa: Trưởng công chúa Thái Đường do Hoàng hậu Lý Thuận Thiên sinh ra; 4 công chúa là: Thiều Dương, Thụy Bảo, An Tư, Hoa Dung do ba bà phi khác sinh ra. Theo ngọc phả làng Nứa, cách ngày nay gần 1000 năm, làng Nứa là trung tâm của Hải ấp xưa kia, đây chính là miền phù ngự của nhà Trần kiến tạo lên bởi sự bồi tụ của biển, nơi đây chỉ là vùng trũng, gò đống lau lách, người con gái của nhà vua đầu triều Trần ấy, từ bỏ lầu son, gác tía, vâng mệnh triều đình đã chiêu tập những người dân lưu tán đi khai khẩn ruộng hoang, lập điền trang thái ấp để sản xuất lấy lương thực nuôi quân đánh giặc, bà đã chọn nơi này - đó là cội nguồn của mình để lập điền trang thái ấp, bởi nơi này là điểm trung tâm gắn kết giữa quê ông nội thái thượng hoàng Trần Thừa với bà nội hoàng thái hậu Lê Thị Điện và Thái sư Trần Thủ độ quốc mẫu Trần Thị Dung.

Miếu Nứa được kiến tạo theo lối kiến trúc cổ gồm toà tiền đường rộng 3 gian làm theo kiểu mái cong đao guột, chái bồ câu, nóc đắp 2 con ngạc theo kiểu ngạc long thủy quái, đao đắp 2 con nghê theo kiểu lưỡng nghê chầu nhật được nối thông với tòa hậu cung theo kiểu chuôi vồ gồm 2 gian, 2 góc đao phía trước thiết kế 2 đầu rồng  biểu tượng của sự uy nghi, cổ kính của bản miếu. Kết cấu giằng giữa các gian, các toà nhà bằng những vì nóc, vì kèo, các xà thượng, xà hạ, chéo đao và các bẩy kẻ tạo cho ngôi miếu có thế vững chãi, bền chắc. Các họa tiết, hoa văn được trạm trổ trên các vì kèo, trên bẩy kẻ, trên các xà, trên nóc chủ yếu là tứ linh: Long, ly, quy, phượng ở trên cạn, rùa, cá, tôm, cua ở dưới ao sen, tùng, cúc, trúc, mai là những cây trong bộ tứ quý tạo lên bức tranh vừa uy nghiêm, vừa sinh động, vừa cổ kính, vừa gắn với cuộc sống thường nhật của con người. Hình tượng con rồng được các nghệ nhân chạm khắc khá tinh xảo, lúc thì hiền từ, lúc thì dữ tợn, lúc thì hóa từ cây trúc, lúc thì hóa từ cây cúc, lúc thì uốn lượn, lúc thì nô đùa, khi thì rồng con bám chân rồng mẹ, khi thì như đang bay lượn trên bầu trời. Con phượng như đang xòe cánh bay, con ly như đang cười, con rùa, cá chép, tôm, cua đang vui đùa núp dưới ao sen với những đóa sen đang độ giữa thu, chú chuột mải mê chạy, đầu ngoái lại đằng sau nhìn chú lợn chui ra từ khóm trúc đuổi mình, chú chim khụy chân xuống để chuẩn bị cất cánh bay lên, có chủ mỏ đang mở rộng để hót líu lo. Cả một không gian làng quê Phù Ngự rộng lớn như được thâu tóm trong từng mảng chạm khắc lung linh.

Ông Nghiêm Quang Sáng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liên Hiệp kể đã từng có một đoàn các nhà nghiên cứu kiến trúc quốc gia từ Hà Nội về, khi bước vào trong miếu Nứa đã thốt lên ngỡ ngàng: Miếu Nứa quả thực là một bức tranh huyền ảo, sinh động, đường nét chạm và tạo hình rất tinh xảo. Hiếm có ngôi miếu trong vùng có được những kiến trúc độc đáo, những sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân tài hoa năm xưa như một món quà gửi tặng cho thế hệ hôm nay và mai sau của làng Nứa và đó cũng chính là cái gốc, cái ruột, cái căn nguyên để đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh Thái Bình trình UBND tỉnh phê duyệt miếu Nứa thờ Thiều Dương Công chúa là  di tích lịch sử văn hóa thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Ông Nghiêm Quang Sáng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà

Thờ phụng thành hoàng nói chung, tục thờ phụng công chúa nhà Trần nói riêng ở thôn Nứa cùng với việc thờ cúng tổ tiên thì tín ngưỡng thờ thành hoàng làng đem lại cho người dân làng Nứa ý thức hướng về cội nguồn, về quê cha đất tổ bằng những sinh hoạt văn hóa truyền thống, chấp hành “luật lệ” làng xã, “lề thói” gia phong của làng... Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi người dân và cũng là để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Thế, công chức văn hóa xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà

Thực hiện hiệu quả các quyết định của UBND tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xã Liên Hiệp chỉ đạo chính quyền thôn Nứa tích cực vận động nhân dân phấn đấu đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, củng cố và nâng cao vai trò hoạt động của các đoàn thể trong thôn đạt tiêu chuẩn vững mạnh.

Ông Lương Văn Khiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Nứa, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà

Phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá quê hương, thực hiện tốt Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ và nhân dân thôn Nứa góp của, góp công tôn tạo di tích miếu Nứa thờ phụng công chúa thành hoàng Thiều Dương đi đôi với tập trung giữ vững năng suất 2 vụ lúa, mở rộng cây trồng vụ đông, tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, tập trung làm đường giao thông, hệ thống mương máng tưới, tiêu, góp phần để Liên Hiệp đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.


Quang Viện