Thứ 6, 29/03/2024, 00:08[GMT+7]

Mậu Lâm sự tích

Thứ 2, 23/11/2020 | 08:06:47
7,489 lượt xem

Miếu Mậu Lâm, làng Mậu Lâm, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà không chỉ là nơi thờ phụng Đại đô Hưng vận Cương nghị Đại vương mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của người cao tuổi.

Tương truyền, miếu Mậu Lâm, làng Mậu Lâm, xã Mậu Lâm, tổng Y Đún, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay là làng Mậu Lâm, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) vốn là nơi đặt đại bản doanh của “Bản quốc Đại đô Hưng vận Cương nghị Đại vương” húy là Phạm Phúc Công, một danh tướng thời Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương) có sông lạch bao quanh thế đất như “rồng chầu hổ phục”, đất không cao mà sa thổ bồi đắp bằng phẳng, sông đã trong mà ngòi giếng lại nhiều, trong thiên hạ hễ gia đình nào có người ốm lâu ngày không khỏi đến miếu đặt lễ xin nước về nấu nước lá thơm tắm sẽ khỏi bệnh...

Theo thần phả, ngọc phả sự tích miếu Mậu Lâm được ghi chép ở Chi Cấn, bộ Đệ Tam Thượng đẳng thần, bản chính lưu ở Bộ Lê, triều Lê (Viện Hán Nôm) cho biết: Phúc Công cùng binh tướng hỗ trợ Thiên tướng đánh đuổi giặc Ân, truy đuổi quân giặc đến bên bờ biển, quân giặc chết đuối gần hết, số còn lại lên thuyền chạy trốn. Bờ cõi sạch bóng quân thù. Phúc Công dẫn binh quay về triều, vua Hùng đích thân ra đón. Ngày lễ mừng thắng trận, Hùng Huy Vương phong Thiên tướng là “Phù Đổng Thiên vương”. Phong cho Phúc Công là “Bản quốc Đại đô Hưng vận Cương nghị Đại vương”, sắc cho dân trang Mậu Lâm nhiều vàng bạc châu báu, rước thần hiệu của Phúc Công về hành cung ở Mậu Lâm xây sinh miếu phụng thờ, lưu truyền mãi mãi. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê... khi quốc tế, cầu đảo đều hiển linh. Bởi vậy các bậc đế vương nhiều lần gia phong mỹ tự là “Thượng đẳng linh thần”. Hàng năm triều đình phong kiến sai mệnh quan đến tế vào mùa xuân và mùa thu để thần được hưởng sự cúng tế thành kính lâu dài đến ức vạn năm, trường tồn cùng trời đất, mãi mãi hưởng phúc lành.

Sử cũ chép: Lại nói lúc ấy truyền đến đời vua Hùng Vương thứ VI là Hùng Huy Vương, đóng đô tại Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) kế thừa vận nước cường thịnh, cốt lấy đức để trị dân, kết nút ghi việc, nhân dân không có gian trá, phong tục rất thuần hậu, chất phác. Khi ấy vua hâm mộ thần Phật, số tăng ni chiếm nửa phần thiên hạ, nhân dân kính Phật, mộ đạo, sống tiết kiệm, yêu thương nhau. Khi ấy, nước Cao Miên có một con voi ba sắc lạc sang đạo Sơn Nam nước Việt ta rồi bị bộ chúa Sơn Nam là Hùng Cao Công (em thứ 10 của Hùng Huy Vương) bắt được. Cao Miên vô cùng yêu mến con voi liền xin chuộc lại bằng một vạn cân vàng. Hùng Cao Công không đồng ý mà lại đem voi ấy “tiến” cho Hùng Huy Vương. Cao Miên tức giận, cử Hắc Thát làm đại tướng, Cao Huyền làm quân sư, Phạm Mô làm tiên phong đem 20 vạn quân tiến đánh Hùng Vương rồi đánh cả huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng. Trận mạc khiến quan trường đến dân chúng đều bị tàn phá tan hoang, phụ nữ bị bắt làm nô tì, bị cưỡng hiếp, làng xóm bị cướp phá.

Truyền rằng ở miền Diễn Châu có nhà họ Phạm, húy là Ngọc, vợ là Hoàng Thị Việt vốn hay tích đức làm việc nhân nghĩa, gia đình phong lưu, giàu có. Phạm Công rất tinh thông phép phù thủy lại giỏi cầm, kỳ, thi, họa, gia đình lại rất giàu có, vợ chồng một niềm trung hậu. Ở địa phương được mọi người khen là gia đình lương thiện cho là tất sẽ được phước lớn. Bấy giờ Phạm Công đã gần 50 tuổi, Hoàng Thị cũng đến tuổi 40 mà chưa có con cái, vì vậy họ thường phiền muộn, không vui mà than rằng: Đức là gốc, tiền tài là ngọn, người ta không có con, tuy có núi vàng, bể thóc cũng chẳng để làm gì, không bằng phát tán tài sản để làm phúc, giúp cho người được nương nhờ, trời sẽ thương cho. Họ bèn đem hết gia tài tiền của chẩn cứu những người nghèo đói, thương người già, xót kẻ khó. Ông thường nói rằng núi vàng, bể thóc xem như cỏ, tử hiếu tôn hiền xem như ngọc. Nhân tiết thanh minh tảo mộ, ông bà đứng trước mộ mà than rằng: Nay tôi đã đến ngũ tuần mà chưa có con nối dõi, trời cao nếu không thương đến, tổ tông mà không âm phù, chẳng may một sớm vợ chồng tôi mất đi thì phần mộ tông tổ biết giao phó cho ai chăm sóc. Đoạn ông bà trở về nhà, giữa đường gặp ông thầy bói liền xin một quẻ xem con cháu sau này ra sao. Thầy bói xem quẻ phán rằng: “Tìm thuyền dưới đáy biển thật khó lắm thay nhưng người làm điều thiện trời tất sẽ thương đến”. Từ đó ông bà ra sức làm phúc, cứu người, điều gì hại người nhất quyết không làm, chút gì lợi mình cũng không màng. Phàm gặp việc gì cứu được người đời, tạo được việc phúc thì làm không tiếc sức mình. Làm việc thiện trời đất sẽ báo đền. Một hôm, trời trong sáng, ông bà ngồi ngắm trăng trước sân nhà, đương khi vui chén rượu, bỗng thấy một con rết lớn, thân dài ba thước từ trên trời rơi xuống ngay trước mâm rượu của Phạm Công. Phạm Công cho đó là sự lạ định bắt con rết đó thì rết biến mất. Ông nói với bà: Nhà ta vốn chỉ làm việc thiện, chưa từng làm điều ác, chuyện con rết vừa rồi cũng không đáng sợ. Điềm lành, điều dữ đều có thể cầu đảo trời đất để xin chứng giám. Hôm sau, ông bèn lập đàn cầu đảo trời đất, cầu nguyện cho vợ chồng sớm gặp được điềm lành, thấm nhuần phúc lớn, mong trời đất chứng giám. Khấn xong đêm đó, hai vợ chồng Phạm Công nằm ở chính phòng mơ màng ngủ thiếp đi chợt mộng thấy bắt được một viên ngọc, trong đó đề bốn câu thơ: “Thủy lưu thanh hề thủy lưu thanh/Thiên Nam đĩnh xuất tuần tài anh/Chung linh giáng tại Hoàng gia thị/Sinh xuất thần linh sự nghiệp thành”. Tạm dịch là: “Nước trong xanh hề, nước trong xanh/Trời Nam xuất hiện bậc tài anh/Thanh minh giáng thế nhà Hoàng thị/Sinh xuất thần linh, sự nghiệp thành”. Phạm Công tỉnh giấc nồng, lòng vô cùng sung sướng, ông nhớ kỹ bài thơ trong mộng, nghĩ thầm giấc mộng có điềm lành. Rồi hai vợ chồng già Phạm Công bỗng nổi loạn “Loan phượng” quấn quýt mà yên giấc ngủ say nồng. Từ đó bà Hoàng thị có mang, đủ 12 tháng mang thai, nhằm ngày Rằm tháng 2 Đinh Sửu niên thì sinh một con trai, phong tư tuấn tú, diện mạo khôi ngô, tròn một tuổi thì nói được, lên năm tuổi thì hiểu được âm luật, cha mẹ hết lòng yêu dấu đặt tên là Phúc Công. Đến năm 12 tuổi, Phúc Công được cha mẹ cho theo học tiên sinh Hòa Tĩnh Đường. Phúc Công học một biết mười, trí tuệ siêu quần, vượt lên cả trăm người, văn võ kiêm toàn, thông minh xuất chúng. Mọi người đều khen Phúc Công là thần đồng giáng thế. Phúc Công ham thích cung tên, thường đọc binh thư mỗi khi nhàn rỗi, bàn chuyện cùng các bạn đồng niên, không ai không kính phục. Đến năm 18 tuổi, ông bà Phạm Công lần lượt qua đời, Phúc Công chỉ còn người cậu ruột là Lại hầu Hoàng Độ cai quản quận Huyền Vũ ở kinh thành.

Vua Hùng liền gọi quần thần bàn bạc, hỏi quần thần xem ai có thể bẻ mũi tấn công của quân giặc, dẹp tan giặc thù. Quần thần chưa kịp tiến cử, Hoàng Độ đã thưa: Thần có người cháu ruột là Phúc Công văn võ toàn tài, tinh thông binh pháp. Nếu bệ hạ dùng được người này chắc sẽ dẹp tan quân giặc. Vua Hùng mừng rỡ cho triệu Phúc Công vào triều trao cho chức tiên phong. Phúc Công nhận chỉ của nhà vua rồi tuân lệnh, bái tạ nhà vua lên đường dẹp giặc.


Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tời, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Đô, huyện Hưng Hà
Các cụ cao niên truyền lại rằng, xưa kia miếu Mậu Lâm nằm giữa khu rừng cây cối um tùm, có cả hùm beo, dê, nai... xung quanh sông ngòi uốn lượn, giếng ngọc mát trong. Trải binh biến và thăng trầm lịch sử, miếu Mậu Lâm bị giặc tàn phá, dân làng bao lần xây dựng lại. Những năm 70 của thế kỷ XX, miếu bị phá dỡ làm nhà kho, đến những năm 90 của thế kỷ XX, dân làng mới tôn tạo lại như ngày hôm nay.
Cựu chiến binh Lê Đình Khởi, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Đô, huyện Hưng Hà
Miếu Mậu Lâm phụng thờ Đại đô Hưng vận Cương nghị Đại vương, trải nghìn đời đều hiển linh, các triều đại phong kiến đều tổ chức quốc tế cầu an. Hiện nay không gian miếu Mậu Lâm bị xâm hại, người cao tuổi chúng tôi kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp hữu quan quan tâm trả lại không gian ngôi miếu, nạo vét ao, ngòi, lạch xung quanh ngôi miếu linh thiêng.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chính, trưởng quan viên miếu Mậu Lâm, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà
i sản Hán Nôm còn lưu giữ được ở miếu Mậu Lâm là ba tấm bia đá khắc chữ Hán Nôm và hai linh vật bằng đá. Chúng tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện về kinh phí để dân làng Mậu Lâm kiến thiết nhà bia nhằm bảo vệ di sản văn hóa quý giá này cho muôn đời sau.

Quang Viện