Thứ 5, 25/04/2024, 11:44[GMT+7]

Nham Lang tiên hiền

Thứ 2, 30/11/2020 | 09:58:06
7,834 lượt xem
Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa khi về làng Nham Lang, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà khẳng định rằng chữ “Nham” trong “Hán tự” có bộ “thạch” bởi nghĩa của chữ “Nham” là “đá” nên Nham Lang là “hành lang đá” đã khiến giới sử gia phải sửng sốt.

Từ đường Chi tộc Nguyễn Phi Hiển, làng Nham Lang, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà.

Thời Hai Bà Trưng đầu thế kỷ I các xã Đoan Hùng và Tân Tiến, huyện Hưng Hà và cả tỉnh Thái Bình ngày nay chỉ là vùng đất nổi ven biển, không hề có núi đá vậy mà “các cụ” ta lại đặt tên làng là Nham Lang chắc phải có ý nghĩa sâu xa. Có ý kiến cho rằng nơi đây là phòng tuyến quân sự của Bát Nạn tướng quân nên rất có thể bà đã cho xây dựng phòng tuyến quân sự bằng…đá.

Khi nghiên cứu về các tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng, Phó Giáo sư Diệp Đình Hoa (Viện Khảo cổ học) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về thân thế Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, đặc biệt quan tâm về địa đồ quân sự gò Kim Quy (Tiên La), làng Nham Lang, Lương Ngọc nơi Bát Nạn tướng quân đã chọn làm phòng tuyến khi bị giặc Đông Hán với lực lượng quá mạnh tiến đánh, bà không chống trả được đành lui về để củng cố lực lượng, “chiêu binh mãi mã”. Cũng theo tài liệu khảo cổ học, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà ngày nay có ba làng cổ còn giữ nguyên tên là Nham Lang, Lương Ngọc (tên Nôm là Buộm), làng An Nhân (tên Nôm là Rẫy) và có khoảng 30 gò đống, hiện vẫn còn “hiện diện” như: đống Đình, đống Am, đống Giữa, đống Đanh… Dòng Tiên Hưng chảy qua làng Nham Lang xưa có tên “sông Đa Cương hương” (nhiều gò đống) nay các dấu tích gò đống đã nhạt phai do năm tháng bởi con người khai phá, san gò, lấp trũng để sinh cơ, lập nghiệp làm biến dạng địa hình, chỉ còn lại “hình bóng” cánh đồng cổ xưa là Mế, Ma Lác, Ma Thự…

Chuyến điền dã mới đây về làng Nham Lang, nhóm nghiên cứu chúng tôi được cựu chiến binh Bùi Văn Mão, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Nham Lang, người nhiều năm dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm về lịch sử, văn hóa làng Nham Lang cho biết, làng Nham Lang từ thời Hai Bà Trưng đã có 37 bậc tiền nhân anh dũng đi theo Bát Nạn tướng quân đánh giặc Đông Hán. Thời Lê trung hưng, xã Nham Lang, huyện Ngự Thiên, nay là thôn Nham Lang, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà có quan Thượng thư “Bảng nhãn Bùi Viết Lương”. Theo các tài liệu khảo cứu, Bùi Viết Lương sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nối đời làm nghề nông tang, cảnh nhà khó khăn, sau phải theo cha bạt xứ sang xã Dũng Kiều, huyện Nam Sang (nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cày thuê, cuốc mướn rồi sau đó cũng khai khẩn được vài mẫu ruộng. Từ nhỏ, Bùi Viết Lương chịu khó học hành lại được thầy Vũ Vĩnh Trinh dạy bảo. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông xuống dụ tổ chức khoa thi Bính Tuất, sĩ tử cả nước hơn ngàn người về kinh ứng thí, chỉ chọn được 27 người đỗ tiến sĩ, Bùi Viết Lương đỗ thứ nhì được gọi là Bảng nhãn. Đỗ đạt, Bùi Viết Lương được vua vời ra làm quan, thời thịnh trị “vua sáng, tôi hiền” Bùi Viết Lương với năng lực vượt trội đã được vua Lê tin dùng và phong chức “Đông các Đại học sĩ”. Bùi Viết Lương tận tâm giúp vua xem, sửa các chiếu, sắc, lệnh chỉ… sau rồi triều đình lại thăng cho ông đến chức Tả Thị lang bộ Lại, rồi sau tiếp tục phong chức cho ông đến Công Bộ Thượng thư.

Năm Tân Mão (1471), Bùi Viết Lương vâng mệnh triều đình đi sứ Trung Quốc, ông giữ chức Chánh sứ làm bổn phận “tuế cống” thường lệ. Sứ mệnh vua giao sang sứ nước người (Bắc quốc) vốn dĩ phải cung kính, khiêm nhường nhưng Bùi Viết Lương luôn nghĩ vẫn phải giữ thể diện cho vua. Chuyến  đi sứ thành công, Bùi Viết Lương được triều đình “Bắc quốc” cho về nước, vì đối xử đúng lệ và xử trí thông minh nhiều vụ việc để lại tiếng thơm nên khi về nước, Hoàng đế Trung Hoa còn ban cấp nhiều vàng bạc, gấm vóc cho đoàn sứ của ta. Theo gia phả họ Bùi làng Vĩnh Trụ (Hà Nam), sau 10 năm đi sứ Trung Quốc trở về, Bùi Viết Lương đã có nhiều đóng góp với triều đình nhà Lê, cụ thể là chỉ đạo quân sĩ bồi trúc toàn bộ tuyến đê ven biển Bắc Bộ vào năm Hồng Đức thứ 3, xây dựng nhiều cầu cống, mở nhiều lò gạch phục vụ công cuộc xây dựng kinh thành và đất nước, lại mở thêm nhiều bến cảng, đóng nhiều tàu thuyền đánh bắt cá và chiến thuyền phục vụ quân sự. Ông cũng là người chỉ đạo các nhóm thợ sản xuất, chế tạo ra “Bảo Long thông xa, Cự Môn trung xa và Tiểu xa” một loại phương tiện giống như ô tô bây giờ để chuyên phục vụ công việc vận tải phù hợp với các loại địa hình “bán sông biển” nước ta thời bấy giờ. Ngoài ra, ông còn lo việc trị thủy, đắp đê điều, thu phí, cấp phí cho các công trình xây dựng Vạn An (phía Bắc); Tư Dung (phía Nam) không chậm trễ, được vua khen thưởng nhiều lần. Theo các nguồn khảo luận, Bùi Viết Lương là tiến sĩ khai khoa của huyện Diên Hà, là “Bạch đinh” đầu tiên của Long Hưng - Thần Khê triều Lê và là công thần trung tín thời Hồng Đức. Trong suốt cuộc đời làm quan triều Lê trung hưng Bùi Viết Lương tận trung với triều đình, là người có công lao lớn với đất nước. Bước sang triều Mạc, làng Nham Lang có tiến sĩ Nguyễn Uyên tham gia chính trường nhà Mạc từ thời ấu chúa Mạc Phúc Nguyên, trải phụng ba đời vua Mạc (Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, Mạc Kính Chỉ), năm 1566, ông được triều đình nhà Mạc bổ nhiệm chức “Hữu Thuyết thư” sau chuyển thành “Tả Thuyết thư” rồi bổ nhiệm chức “Tả Dụ Đức”… Nguyễn Uyên được thăng chức Thị Lang bộ lại thời Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592) sau đó lại gia thăng Thượng thư.

Chiến tranh Nam - Bắc triều (Lê - Mạc) vào giai đoạn ác liệt, nhiều năm vua Mạc không cử sứ sang cống nhà Minh (Trung Quốc), tình thế “nước nhỏ” (ý chỉ Đại Việt) bị o ép bởi nước lớn Trung Hoa, tháng 12 năm Diên Thành thứ 2 (1579) vua Mạc cử các văn thần Lương Phùng Thì (Chánh sứ), Nguyễn Uyên (Phó sứ), Đỗ Nhân An, Nguyễn Khắc Tuy… sang sứ nhà Minh để “bổ túc cống phẩm còn thiếu trong mấy năm”. Thời nội chiến Trịnh - Mạc việc đi sứ được xem là việc “truân chuyên, cực nhục”. Chuyến đi công cán này trong 4 năm mãi đến tháng 2 năm Diên Thành thứ 5 (1582) nhờ tài biện hộ thấu tình, đạt lý của Lương Phùng Thì, Nguyễn Uyên… vua Minh chỉ khiển trách chiếu lệ rồi mở yến tiệc, “ban yến yên ủy”, xuống lệnh cấp lộ phí cho đoàn sứ bộ nước ta “hồi quốc”. Về nước, Thượng Thư bộ Lại Trần Văn Nghị tiến cử Nguyễn Uyên vào chức Thượng thư song ông chỉ xin giữ chức Tả Thị Lang, nguyện tận tâm, tận lực phục vụ triều đình. Đúng lúc Trung Hưng hầu Trịnh Cối mất, Tả Thị Lang Nguyễn Uyên bàn với Thượng Thư Trần Văn Nghị đưa linh cữu Trung Quận Công qua đèo Tam Điệp (Ninh Bình) để Tiết chế Trịnh Tùng và vua Thế Tông (triều Lê) an táng cho trọn tình huynh đệ. Nhà Mạc sau đó bị dẹp tan, nhà Lê trung hưng nhớ nghĩa tình xướng xuất đưa thi hài Trịnh Cối về Thanh Hóa của Nguyễn Uyên nên vua Lê nhiều lần cử người về vấn an Thượng thư triều cũ Nguyễn Uyên ra nhậm chức. Biết lòng trắc ẩn của vua Lê nhưng Nguyễn Uyên một mực dâng sớ đội ơn vua Lê và lấy cớ tuổi già xin được ở quê dưỡng lão và mở trường dạy học. Con trai ông là Nguyễn Trạch (1571-?) cũng là học trò của ông dạy dỗ mà sau đỗ đạt tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, đời vua Lê Thần Tông trở thành bậc công khanh của triều Lê trung hưng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sách “Văn hóa và cư dân vùng đồng bằng sông Hồng” có ghi: “Thái Bình là tỉnh đồng bằng không có đồi núi, độ cao địa hình từ 0.8m đến 2,5m so với mặt nước biển. Bề mặt địa hình không lộ đá gốc (đá cứng) mà chỉ có các loại đất đá là các trầm tích trẻ bở rời được tạo thành cổ nhất khoảng 6000 năm trước đây và tiếp tục được bồi đắp cho đến ngày nay”.

Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Tương truyền họ Hoàng (họ Vàng thuộc tộc Việt - Mường, dòng quan lang, tổ tiên quốc mẫu Hoàng Thị Mầu, thân mẫu Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục) được dân tôn là Mế đã khai thác đồng Mế, thôn Nham Lang, xã Tân Tiến cho gia nhân làm rẫy. Bãi rẫy ấy là làng Rẫy, nay là thôn An Nhân, xã Tân Tiến.

Ông Bùi Văn Mão, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Nham Lang, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà

Làng Nham Lang xưa kia là một xã nhỏ, có khoảng 3 xóm với khoảng 200 suất đinh. Đến triều Lý (1010) Nham Lang trở thành đất quan ải, quan điền và lộc điền phát triển rực rỡ. Triều Trần, Nham Lang nằm trong hành cung Ngự Thiên nơi lui về của vương thất trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Mông Nguyên.

Quang Viện

  • Từ khóa