Thứ 7, 20/04/2024, 14:00[GMT+7]

Trăm năm bia đá ...

Thứ 2, 07/12/2020 | 09:07:49
6,919 lượt xem
Tương truyền, từ “ngày xửa ngày xưa”, ở làng Mẽ (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) khi nào người dân thấy đầu “cụ rùa” đội bia đá ở Thuần Mỹ Điện (đền thờ các vua Lê) quay về làng nào xung quanh, bất kể xa hay gần thì làng ấy xảy ra hỏa hoạn hoặc dịch bệnh. Một ngày, làng nọ bị hỏa hoạn, có người bực tức mang búa đập vỡ đầu rùa rồi dân làng lại mang vôi vữa trộn mật lấp kín bốn chân rùa để “cụ” khỏi “ngọ nguậy” quay đầu gây họa...

Trải gần bảy trăm năm, bia đá nhà Lê ở làng Mẽ đội mưa nắng chờ đợi lời giải đáp cho thân phận của mình.

Thực hư câu chuyện truyền kỳ về “cụ rùa” đội bia đá ở Thuần Mỹ Điện quay đầu về làng nào thì làng ấy gặp họa cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp, chỉ biết rằng “cụ rùa” đội bia đá đã “dầm mưa dãi nắng” ngót bảy trăm năm rồi, bia đá đã nhạt phai, mòn mỏi “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đầu bị đập nát, bốn chân chìm trong vôi vữa vậy mà “cụ rùa” vẫn “kiên nhẫn” đội bia đá và “ngỏng cổ” ngóng trông các nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử... có câu trả lời về sự xuất hiện của mình ở làng Mẽ, một ngôi làng cổ xưa của thành Ngự Thiên...

Một chiều cuối thu, trong cái nắng vàng nhạt nhòa, chơi vơi như sắp bị dập tắt bởi đợt không khí lạnh đầu đông, tôi tìm về làng Mẽ (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) để tìm gặp cụ Nguyễn Văn Bân, người sống qua hai thế kỷ và biết nhiều chuyện cổ xưa của làng Mẽ. Thế nhưng, tôi đã về muộn, cây đại thụ 103 tuổi đã về với tiên tổ, đem theo cả “thư viện” sống xuống cõi âm. Tôi nhớ lời cụ dặn khi tôi về thăm cụ lần cuối (2017), cụ bảo: “Làng Mẽ sinh ra bà Phùng Thục Giang, mẹ vua Lê. Khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ XX, có một số người dân đào đất bán cho lò gạch đã phát hiện một ngôi mộ cổ. Người dân báo cho cấp trên, cấp trên cử cán bộ về xem xét, trong đó có cả cán bộ Bảo tàng tỉnh, họ cho biết đó là ngôi mộ cổ, “nghi” là của hoàng hậu triều Lê. Hài cốt được xác định là người đàn bà có quyền lực, “nghi” là của bà hoàng hậu mẹ vua được đem chôn cất ở cạnh bia đá, còn đồ tùy táng được mang đi bảo quản, đến nay (năm 2017) không rõ ở đâu”. Cụ Bân còn cho biết thêm: “Khoảng năm 1936 - 1939, nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ có về làng Mẽ, thuê các cụ già đi “thác bản” các bia đá, cột đá đình, đền, miếu mạo, hễ chỗ nào có hoa văn, có chữ “Nho” thì các cụ “thác bản”. Chẳng biết bia đá nhà Lê ở làng Mẽ có “thác bản” hay không, dưng mà đến nay (2017) cả hai mặt bia không còn chữ nào...”.

Theo các tài liệu khảo cứu, văn bia giai đoạn Lê sơ (1428 - 1527) gắn liền với sự hình thành, phát triển của vương triều nhà Lê trong khoảng 100 năm. Đó là khi nhà nước phong kiến trung ương tập quyền được thành lập vào đầu thế kỷ XV và phát triển cực thịnh ở triều đại vua Lê Thánh Tông, sau bị suy yếu vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XVI. Ở tỉnh ta, các nhà nghiên cứu văn hóa phát hiện bia “Gia Thục công chúa chi mộ ký” được tạo năm Hồng Đức thứ 14 (1483) tại xã Song An, huyện Vũ Thư. 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đỉnh, khu Thị An, thị trấn Hưng Nhân từng đặt chân đến nhiều miền đất của Tổ quốc quả quyết: Bia đá làng Mẽ được các cụ truyền lại là bia đá nhà Lê có kích thước chiều cao, chiều rộng... tương đương với bia đá Lam Kinh (Thanh Hóa). 

Ông Đỉnh cũng đã từng vào Lam Kinh “tay sờ, mắt thấy” bia đá Lam Kinh, đo đạc kích thước bia để so sánh đã khẳng định hai bia đá này có cùng chất liệu đá trầm tích màu xám xanh, có lẫn đốm trắng bóng, hiện vật có hai phần bia và rùa. Để góp thêm những căn cứ xác định bia đá làng Mẽ có thể là “đồng dạng phối cảnh” với “Lam Sơn Vĩnh Lăng bi” (Lam Kinh, Thanh Hóa), nhóm nghiên cứu chúng tôi tiến hành sưu tầm, trích lục các tài liệu nghiên cứu về bia đá thời Lê của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho thấy loại phổ biến nhất là bia đá dựng trong các di tích như lăng mộ hoặc đền chùa. Trong loại này đáng kể là cụm văn bia ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) là những tấm bia to vượt trội so với bia dựng ở địa điểm khác và hoa văn trang trí cũng rất đặc sắc, có thể coi là mẫu mực đối với loại hình bia đá ở Việt Nam.

“Lam Sơn Vĩnh lăng bi” tạo năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), bia Lam Sơn Hựu lăng bi, tạo năm Đại Bảo thứ 3 (1442), bia Đại Việt Lam Sơn Chiêu lăng bi, tạo năm Cảnh Thống thứ 1 (1498), bia Khôn nguyên chí đức chi bi, tạo năm Cảnh Thống thứ 1 (1498), bia Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng bi tạo năm Cảnh Thống thứ 7 (1504). Ngoài ra còn có bia Đại Việt Lam Sơn Kính lăng bi, tạo năm Đoan Khánh thứ 1 (1505) và bia ở khu lăng mộ của các cung phi, công chúa, hoàng tử và các quan đại thần như: bia Thọ An Cung Kính phi Nguyễn thị thần đạo bi, tạo năm Hồng Đức thứ 16 (1485) tại xã Lư Khánh, Thọ Xuân, Thanh Hóa; bia Đại Việt Cẩm Vinh trưởng Công chúa chi bi, tạo năm Cảnh Thống thứ 1 (1498) tại xã Đại La, Thọ Xuân, Thanh Hóa; bia Đại Việt Thụy Hoa công chúa thần đạo bi, tạo năm Hồng Đức thứ 25 (1494), tại xã Quảng Thí, Thọ Xuân, Thanh Hóa; bia Châu quang ngọc khiết chi bi, tạo năm Cảnh Thống thứ 1 (1498) tại lăng Công chúa Thiều Dương, xã Vân Lai, Thọ Xuân, Thanh Hóa; bia Đại Việt Đường Vương thần đạo bi, tạo năm Hồng Đức thứ 23 (1492) tại mộ Đường Vương xã Yên Lạc, Thọ Xuân, Thanh Hóa; bia Gia Thục công chúa chi mộ ký, tạo năm Hồng Đức thứ 14 (1483) tại xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình... Khảo tả di tích, chúng tôi nhận thấy: Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích, màu xám xanh có lẫn đốm trắng. Bia hình chữ nhật, được đặt trên lưng rùa, trán bia hình vòng cung, mặt trước chính giữa được khắc hình vuông, trong hình vuông khắc một hình tròn, chính giữa hình tròn chạm rồng nổi 5 móng (đã mờ, mòn), thân uốn lượn vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, mặt hướng thẳng về phía trước. Hai bên cạnh trán bia mỗi bên chạm nổi hình một con rồng, thân to uốn lượn, đầu đang trong tư thế vươn cao chầu vào hình vuông và hình tròn bên trong có rồng cuộn đầu vươn cao.

Như vậy, “cụ rùa” đội bia đá đứng phong trần mấy trăm năm mưa nắng ở làng Mẽ với biết bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bia đá làng Mẽ là một trong những tấm bia tiêu biểu và điển hình về kỹ thuật gia công chế tác, lắp dựng, điêu khắc, chạm trổ cầu kỳ công phu, mặc dù những nét chạm trổ ấy đã mờ mòn nhưng vẫn gợn lên dấu tích chạm trổ công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Căn cứ vào các chỉ số so sánh và những lời truyền lại của các bậc đại lão làng Mẽ, có thể khẳng định bia đá thời nhà Lê ở Thuần Mỹ Điện (làng Mẽ) là “bản sao” của các bia mộ hoàng đế triều đại Lê sơ còn lại hiện nay trên toàn quốc nói chung và làng Mẽ (Thuần Mỹ Điện) nói riêng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Rất có thể những năm 30 của thế kỷ XX, chính quyền phong kiến dưới sự bảo trợ của thực dân Pháp đã tiến hành khảo sát các di tích lịch sử văn hóa, thuê các cụ già đi “dập” văn bia mà thuật ngữ gọi là “thác bản”, đã dập bia nhà Lê ở làng Mẽ sau đó có thể lưu trữ ở Hà Nội hoặc đem về Pháp. Trải mấy chục năm phong trần dưới tác động của thời tiết cũng như sự vô ý của con người mà mặt bia không còn chữ khắc nữa, hoa văn trang trí cũng mờ mòn.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đỉnh, khu Thị An, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Tôi là người sinh ra và lớn lên ở làng Mẽ, từ tấm bé đã biết “cụ rùa” đội bia đá. Rùa đội bia đá được đặt trên một gò đất cao thoai thoải hướng về phía Nam, bia hình chữ nhật, trán cong hình bán nguyệt, chính giữa có biểu tượng trời/đất (hình vuông, trong tròn), ở chính giữa khắc nổi hình rồng cuộn, uốn khúc quanh mặt trời với ý nghĩa thiên tử (con trời).  

Ông Nguyễn Mạnh, thủ từ đền thờ các vua Lê (Thuần Mỹ Điện), khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Ngày bé tôi vẫn thường ra chỗ “cụ rùa” chơi, sờ tay vào mặt bia thấy vẫn còn nét chữ nhưng không biết đó là chữ gì. Hoa văn trang trí diềm bia vẫn còn, nét uốn lượn đẹp lắm nhưng giờ đây không còn, dấu tích mờ hẳn. Nhân dân khu Mẽ chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để xây dựng nhà che mưa nắng cho bia.


Quang Viện