Tiên sa làng Rẹ
Từ “ngày xửa, ngày xưa” cho đến ngày nay, các bậc cao niên làng Nhân Lý vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện về người con gái dòng họ Vũ tuy gia đình nghèo khó nhưng xinh đẹp như tiên sa, thân thể nõn nà, hương thơm như hoa hồng buổi sớm, đi dưới trời mưa mà không ướt áo, đi dưới trời nắng mà mây trời tỏa bóng râm, nhiều “tao nhân, mặc khách” rập rình mong được kết duyên “cầm sắt”. Tên thật của “tiên nương” ấy là Vũ Thị Chay (có truyền ngôn tên là Quyên). Một đồn mười, mười đồn trăm, tin đồn về người con gái “chân lấm bùn” làng Nhân Lý đẹp như tiên sa đã đến tai vua Lê tận kinh thành Thăng Long. Nghe tin vậy, vua liền sai người mang lễ về làng đón bà vào cung lập làm cung phi. Lúc quan quân triều đình về làng Nhân Lý, các bậc tiên chỉ của làng cùng dân làng ra tận đầu làng nghênh đón thì “tiên nương” của làng vẫn đang mò cua, bắt ốc ngoài đồng, chân tay lấm lem bùn đất. Có người ra mách bảo với “tiên nương” tin vui được nhà vua “vời” vào cung làm cung phi, bà Chay sợ quá bỏ cả giỏ cua mà chạy. Chạy quanh, chạy quẩn chỗ nào cũng thấy lính lệ triều đình vây kín, bà sợ quá liền trèo lên cây si giữa đồng nhưng cuối cùng vẫn bị phát hiện và quan quân triều đình “rước” bà về kinh.
Thương thay “phận má hồng”, sau khi về kinh làm “vương phi” nhưng mãi đến ba năm sau “tiên nương” mới được vua “sủng ái” cho “tựa mạn thuyền rồng”, chẳng may đêm đó bà “đến kỳ” của đàn bà không thể cùng vua hoan lạc, kẻ xiểm nịnh tâu vua tội “khi quân” phải tội chém đầu nhưng vua bỏ ngoài tai, không xử tội bà. Giận mình kém duyên, giận đời bạc bẽo, bà xin vua cho về quê. Vua chiều lòng bà, đồng ý cho bà được toại nguyện. Ngày về quê, bà xin vua cho làng Nhân Lý một ngôi chùa trăm gian, một cây cầu trăm nhịp và miễn thuế cho dân làng Nhân Lý ba năm. Tất cả ước vọng của bà đều được vua chuẩn tấu lại còn ban thêm cho làng Nhân Lý mấy trăm mẫu ruộng “lộc điền” để người dân đỡ phần cơ cực. Ngày trở về cố hương, đoàn quan quân hầu cận cựu “vương phi” về làng “trống rong, cờ mở”, dân làng đón bà như đón người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại. Bước xuống kiệu hoa, bà chạy đến giếng ngọc đầu làng, soi bóng hình qua làn nước mát lành. Bà thấy mình già đi quá nhiều, bao mộng ước tuổi hoa chôn vùi chốn hoàng cung. Thừa lệnh vua ban, dân làng Nhân Lý tìm đất xây chùa trăm gian nhưng làng không đủ đất xây chùa, sông đầu làng quá nhỏ chẳng thể xây được cầu trăm nhịp. Những ngày tháng sống trong nhung lụa chốn đô kỳ đã làm bà “phai hương, nhạt sắc”, nay về quê sống cuộc đời tự do thì mộng ước không thành, bà buồn mà sinh bệnh. Chẳng lâu sau, bà qua đời. Những ngày trước khi về cùng tiên tổ, bà bâng khuâng đứng giữa cánh đồng “lộc điền” vua ban, nhặt hai hòn đất ném về hai hướng khác nhau, một hòn về hướng Nam làng, một hòn phía Bắc làng thành đống Bưởi, đống Gạch, đó cũng là ranh giới ruộng đất dòng họ Vũ được hưởng lộc. Ngẫm cuộc đời ngắn chẳng tày gang, bao mơ ước tuổi hoa niên chôn vùi chốn kinh thành xa lạ, lạnh lẽo chốn phòng the, bà giận đời, nếu chỉ là cô thôn nữ quê mùa, bà đã nên duyên hẹn ước với người mình yêu và bằng lòng với cuộc sống thôn dã “dãi nắng, dầm sương”, với “canh rau muống, cà dầm tương”. Bà gọi người hầu cận đến bên và truyền lại lời nguyền: “Gái làng Nhân Lý đi lấy chồng thiên hạ có con không có của, có của không có con; có con, có của thì hạnh phúc không trọn đời”. Sau khi bà mất, lời nguyền của bà hiển linh. Con gái làng Nhân Lý bao đời sau không dám bước chân ra khỏi làng theo người về xứ lạ. Về sau, các bậc cao niên trong làng phải “thỉnh” thầy pháp cao tay về giải lời nguyền, con gái làng Nhân Lý mới có thể đi lấy chồng xa.
Các bậc cao niên làng Nhân Lý kể, sau khi “tiên nương” của làng mất, vua cho người về cử hành tang lễ, cho xây dựng lăng tẩm thờ bà. Lăng mộ vương phi được bảo tồn cho đến thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp mới bị đạn pháo cày xới để lộ ra lớp đá xung quanh lăng mộ, người ta còn nhìn thấy cả tấm đồng đỏ au bọc quan tài… Dân làng gọi cánh đồng nơi “tiên nương” an nghỉ là cánh đồng Lăng, nơi đặt trụ sở thu thuế cho họ Vũ gọi là “vườn thuế”, nơi thuyền rồng của vua Lê về đón “tiên nương” về cung làm vương phi dân gian gọi là Đầm Rồng. Các địa danh kể trên vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Làng Nhân Lý xưa có tên Nôm là làng Rẹ, một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng biến âm của người Việt cổ “rẹ” nghĩa là “nhẹ”, có người cho rằng ngầm ý sâu xa của tiền nhân thấy đất làng Nhân Lý cao ráo, bằng phẳng với những bờ xôi, ruộng mật làm ăn “thuận buồm xuôi gió” và ai đến làng Nhân Lý cũng thấy “nhẹ” cả người nên đặt tên là làng Rẹ. Có người nghĩ “tục” cho rằng, làng Nhân Lý có nhiều ngòi lạch uốn quanh, nhiều đầm, đìa dân làng Nhân Lý thường hay ra đồng “xả” nỗi buồn, xả xong thì nhẹ cả người nên “tục ngôn” gọi là làng Rẹ. Thực hư câu chuyện xoay quanh tên làng “Rẹ” hay “Nhẹ” vẫn là dấu hỏi tồn nghi rất cần các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa “để tâm” sưu tầm, nghiên cứu… làm sáng tỏ tồn nghi. Thực tế, đời vua Tự Đức và Đồng Khánh, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong “tiên nương” là “Tiên nàng phu nhân Dực bảo trung hưng tôn thần”. Hiện các sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn còn được lưu giữ nguyên bản. Và cũng từ bao đời qua, câu ca nghẹn ngào cứ “bám dai, bám dẳng” đời người làng Nhân Lý: “Bao giờ Nhân Lý có đình/Trạm Chay có chợ/Ngọc Đình có vua”. Trước đó hàng trăm năm, dân làng Nhân Lý nhiều lần đi mua gỗ về làm đình nhưng cứ dựng đình thì đình lại đổ, dựng được đình thì bị quân giặc đốt cháy. Bây giờ làng Nhân Lý đã xây dựng được ngôi đình bằng “bê tông, cốt thép” giả cổ, thế nhưng chưa được cấp có thầm quyền công nhận. Trạm Chay (nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi bà Vũ Thị Chay chạy đến đường cùng thì bị quan quân triều đình bắt được “rước” về kinh) cũng mãi về sau mới có chợ, còn làng Ngọc Đình (thuộc xã Văn Cẩm) đầu thế kỷ XX đã có “vua” kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm.
Ông Phạm Quốc Sự, 73 tuổi, trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đình, chùa Nhân Lý, thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà Tương truyền, di tích “vườn thuế” ngày xưa, bây giờ vẫn còn chính là tư gia họ Vũ ngày trước, nơi mà các chức dịch thuế vụ quanh vùng mang tiền, thóc và mặt hàng thuế khóa khác về làng Nhân Lý nộp cho gia đình họ Vũ để lấy kinh phí xây chùa, xây cầu. Câu ca xưa mong làng Nhân Lý có đình, bây giờ Nhân Lý đã xây được đình rồi, rất mong cấp chính quyền công nhận. Ông Phạm Văn Phóng, 78 tuổi, nguyên trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đình, chùa Nhân Lý, thôn Nhân Phú,xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà Ngày trước, các cụ nhà tôi kể cái giếng ngọc bên chùa nước trong vắt, nhìn rõ cả đáy, nước mát lạnh về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nước giếng trong và luôn luôn đầy nước. Người nào ốm đau lâu ngày ra chùa làm lễ, xin nước về nấu nước pha trà hoặc tắm sẽ khỏi bệnh. Người nào chẳng may ném hoặc để rơi chất bẩn xuống giếng liền bị đau mắt. Thời thuộc Pháp, thực dân Pháp về làng đốt phá chùa chiền, gạch đất bị chúng hất xuống giếng, lấp đầy. Chúng tôi kiến nghị cấp ủy, chính quyền cơ sở tạo điều kiện để dân làng Nhân Lý khơi lại giếng ngọc, trả lại vẻ linh thiêng cho ngôi chùa làng. Ông Vũ Thành Dụy, 76 tuổi, hậu duệ đời thứ 9 vương phi Vũ Thị Chay, thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà |
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh