Thứ 6, 19/04/2024, 12:36[GMT+7]

Bách nhạn quần cư

Thứ 7, 02/01/2021 | 16:37:10
5,497 lượt xem
Truyền ngôn, từ “ngày xửa, ngày xưa” vùng Hải Ấp, hương Tinh Cương, đặc biệt là khu vực làng Mỹ Xá (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) về mùa hạ, cứ chiều chiều theo làn gió từ biển thổi vào hay chiều đông giá lạnh gió bấc rét buốt luồn da thịt thổi về cũng là lúc từng đàn chim trắng, hạc, nhạn.. bay lượn đậu kín ngọn cây cổ thụ trong làng, có “thầy địa lý” đi qua thấy cảnh tượng đó đã “chấm” vùng đất này là “địa linh” và không quên “thả” lời tiên đoán “đất này ắt sinh nhân kiệt”.

Miếu Mẽ, khu phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà - nơi thờ Hưng Nhân Đại vương Phùng Tá Chu.

Theo các tài liệu khảo cứu, vào thời nhà Lý (1009 - 1225), vùng Hải Ấp, hương Tinh Cương là đất “Quan hà” và cũng là đất hội cư của nhiều dòng họ quý tộc, công thần khai quốc của các triều Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý và Trần... Năm Ất Tỵ (1065) vua Lý Thánh Tông đã về đất Phù Long (hương Tinh Cương) xem đánh cá rồi ngự thuyền rồng ra Kỳ Bố (nay là phường Trần Lãm và Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) cày ruộng tịch điền. Vua Lý Nhân Tông cũng hai lần về Phù Nhân vào năm Đinh Tỵ (1077) và Canh Thân (1080). Phù Nhân là địa danh trong đất quan hà triều Lý và sau đổi thành Hưng Nhân (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà). Nhiều tài liệu khảo cứu có ghi Tả nhai Đạo lục Phùng Tá Thang (triều Lý) quê gốc ở Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam) chuyển sang sinh cơ tại làng Mỹ Xá (khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân). Cụ Phùng Tá Thang sinh ra Phùng Tá Chu, quan Thái phó triều Lý và là nhân vật lịch sử đóng vai trò quan trọng giúp nhà Trần nhận chuyển giao quyền lực từ nhà Lý suy vi.

Tháng 5 năm 2019, nhân có cuộc tập huấn triển khai Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại Trường Chính trị tỉnh, nhà văn Hoàng Quốc Hải (Hội Nhà văn Việt Nam) người đã dành gần 30 năm để nghiên cứu, sưu tầm và viết bộ thiểu thuyết 6 tập “Bão táp triều Trần” giành giải thưởng Bùi Xuân Phái về “tình yêu Hà Nội” được mời làm giảng viên lớp tập huấn. 6 tập tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của ông đã khắc họa triều đại phong kiến nhà Trần (1225 - 1400) để lại dấu ấn khó quên nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bắt đầu từ thời kỳ chuyển đổi chính quyền từ Lý sang Trần và nhà Trần đi vào công cuộc hồi sinh đất nước để chuẩn bị đối phó với quân Nguyên Mông đang sang xâm lược Trung Hoa, “nhất cử lưỡng tiện” lăm le chiếm Đại Việt (thế kỷ XIII), khi đó những cư dân ưu tú Trần tộc ở Long Hưng như Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ... vốn quen nghề sông nước đã bước ra vũ đài chính trị, bắt tay xây dựng sự nghiệp hiển hách cho dòng họ mình và cho cả dân tộc. Trong bối cảnh lịch sử ấy, những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ anh em, thầy trò, những cuộc tranh giành quyền lực đã có cơ hội bùng nổ... Những chuyện tình thơ mộng giữa những người trong cùng họ tộc, hôn nhân “cận huyết”... khiến người đọc đi hết bất ngờ “này” đến bất ngờ “nọ”... Cuối buổi thuyết giảng, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dành chút thời gian ngắn ngủi trước khi về Hà Nội cho học viên nào có câu hỏi thắc mắc về bộ tiểu thuyết dài tập, công phu của ông. Tôi là người cuối cùng được tiếp xúc với nhà văn Hoàng Quốc Hải trước khi ông lên xe về Hà Nội. Không còn nhiều thời gian nên tôi chỉ hỏi ông về những trí thức Long Hưng đã kề vai sát cánh với những người con ưu tú họ tộc nhà Trần ở Long Hưng như Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ... trong đó có hai cha con Phùng Tá Thang và Phùng Tá Chu. Nhà văn đã ôn tồn giảng giải, ông nhấn mạnh: “Tôi không có ý gán ghép khiên cưỡng rằng cha con cụ Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu là dòng dõi viễn tổ Phùng Hưng nhưng tôi cũng không có đủ cứ liệu bác bỏ điều đó. Sử liệu không đủ cho chúng ta khẳng định Phùng Tá Chu thuộc dòng dõi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, quê gốc ở Đường Lâm. Chỉ biết ông là con trai vị cư sĩ nổi tiếng Phùng Tá Thang, quê gốc ở Lý Nhân sau rời sang sinh sống ở Mỹ Xá (làng Mẽ), tổng Thanh Triều (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà). Còn việc Phùng Tá Chu là quan triều Lý lại đi phù giúp nhà Trần từ khi sự nghiệp nhà Trần còn manh nha, thật ra đây là một quyết định khá khó khăn nhưng vô cùng sáng suốt của cụ Phùng Tá Chu và nhóm trí thức Long Hưng”.

Năm 2017, trong chuyến điền dã tìm hiểu về vùng đất Long Hưng, đất phát nghiệp vương triều Trần, tôi đi cùng họa sĩ Nguyễn Hồng Quý, nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và là người dòng tộc họ Nguyễn “gốc rễ” sinh ra và lớn lên ở làng Mẽ cổ xưa dẫn đến thăm cụ Nguyễn Văn Bân (lúc đó cụ tròn 100 tuổi), cây đại thụ làng Mẽ sống qua hai thế kỷ đầy sóng gió, cùng lúc gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Đỉnh, trưởng ban quản lý di tích miếu Mẽ đến gặp cụ Bân để xin ý kiến về giấy mời hội thảo “Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp” do UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) và Ban liên lạc dòng họ Phùng Việt Nam mời dự. Được biết, cuộc hội thảo sẽ làm sáng tỏ vấn đề tộc phả và dòng họ Phùng của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, giấy mời đại diện ban quản lý di tích miếu Mẽ có tham luận đăng ký với ban tổ chức. Cụ Bân lúc ấy tỏ thái độ không đồng tình. Cụ nói, bao đời nay, đời nọ truyền đời kia, cụ Phùng Tá Thang từ phủ Lỵ Nhân (lời cụ Bân) sang đây (làng Mẽ) sinh sống, lấy vợ là con gái tộc Nguyễn, sinh ra Phùng Tá Chu. Thuở nhỏ, Phùng Tá Chu kết bạn thân hữu với Trần Tự Khánh ở Lưu Xá, Hải Ấp (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà). Khi trưởng thành vào làm quan triều Lý với Trần Tự Khánh. Cụ Phùng Tá Chu là con cụ Phùng Tá Thang, cụ Chu sinh ở làng Mẽ, dân làng Mẽ bao đời thờ phụng ngài là thành hoàng làng. Không thể ở Ba Vì được”. Hiểu theo lời “trưởng lão”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đỉnh đã không đi dự cuộc hội thảo đó nữa.

Theo tài liệu khảo cứu của họ Phùng Việt Nam: “Dòng họ Phùng giữa hai triều Lý - Trần vang danh có Phùng Tá Chu. Theo chính sử, ông làm quan Nội hầu của triều Lý. Chính ông là người được vua Lý Huệ Tông gọi đến bàn việc truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng. Ông đã lấy dẫn chứng trong lịch sử để thuyết phục vua nhường ngôi cho con gái. Khi Trần Cảnh lên ngôi vua, ông cùng văn võ bá quan đưa thuyền xe về phủ Tinh Cương đón Trần Thừa vào Kinh. Đầu triều Trần, ông được ban chức Phụ Quốc Thái phó, có công giúp việc tổ chức triều đình nhà Trần những năm đầu dựng nghiệp. Sau được cử đi trấn ngự biên cương ở Nghệ An, lại được phép ban tước từ tá chức, xá nhân trở xuống cho người khác. Năm Giáp Ngọ (1234), lại được phong tước Hưng Nhân Vương. Năm Bính Thân (1236) lại được gia phong Hưng Nhân Đại Vương. Ông là người ngoài hoàng tộc được phong tước vương lại được phong lúc còn sống chứng tỏ nhà Trần rất coi trọng những đóng góp của ông cho vương triều”.


Bà Hoàng Thị Liên, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Tôi là con dâu trưởng cụ trưởng lão Nguyễn Văn Bân thường được nghe cụ kể về lịch sử làng Mẽ, những danh nhân kiệt xuất của làng như Tả Nhai Đạo lục Phùng Tá Thang; Thái phó Phùng Tá Chu và sau này Hoàng hậu nhà Lê trung hưng Phùng Thục Giang cùng bốn vị hoàng đế triều Lê trung hưng gắn với di tích lịch sử quốc gia Thuần Mỹ Điện, cụ Bân khẳng định Thành hoàng làng Mỹ Xá (nay là tổ dân phố Mẽ) chính là Thái phó, Hưng Nhân Đại Vương Phùng Tá Chu.

Ông Nguyễn Văn Tường, Tổ trưởng Tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Từ truyền ngôn đến những tư liệu lịch sử đều có ghi cụ Phùng Tá Thang là thân phụ cụ Phùng Tá Chu quê gốc ở Phủ Lý chuyển sang làng Mẽ sinh sống rồi lấy vợ là con gái tộc Nguyễn ở đây, sinh ra Phùng Tá Chu.

Ông Nguyễn Hồng Thiềng, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Các bậc cao niên trong Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố Mẽ là người làng Mỹ Xá (Mẽ) đều hiểu rằng Thành hoàng bản cảnh làng Mỹ Xá là Hưng Nhân Đại Vương Phùng Tá Chu, chính người làng Mẽ. Tước vương của ngài đến thời nhà Nguyễn được lấy làm tên huyện Hưng Nhân.


Quang Viện

  • Từ khóa