Thứ 7, 20/04/2024, 16:27[GMT+7]

Hoàng Giang Trần đế

Thứ 2, 11/01/2021 | 09:37:04
6,323 lượt xem
Sử cũ ghi: Sau khi dẹp xong phản loạn Dương Nhật Lễ thời vua Trần Nghệ Tông, khôi phục xã tắc triều Trần, Đại tư đồ Trần Nguyên Đán đã nhìn nhận, đánh giá vùng Ngự Thiên, Long Hưng giống như miền đất Phong Bái phát tích của nhà Hán và là hậu phương vững chắc, một hậu cứ quân sự quan trọng giúp nhà Trần đứng vững qua bao phen binh lửa điêu tàn.

Khu vực ngã ba sông Hồng và sông Luộc, xuôi ra biển, bên phải là Phủ Lý, bên trái là Ngự Thiên, khúc sông này nhà Trần gọi là Hoàng Giang.

Ngự Thiên với bến Hải Thị (nay là khu vực chợ Hới thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) nơi ghi chiến công hiển hách của tướng Trần Khát Chân chém rơi đầu Chế Bồng Nga, dẹp tan quân xâm lược Chiêm Thành…

Nhìn từ kinh thành Thăng Long dọc xuôi theo dòng Nhị Hà (còn gọi là sông Cái, sông Hồng), đến khu vực ngã ba sông Nông Kỳ (còn gọi là sông Luộc) chảy vào bến Hải Thị được nhà Trần gọi là Hoàng Giang. Hoàng Giang thuận theo dòng chảy, bên phải là phủ Lỵ Nhân (nay là Phủ Lý, Hà Nam) xuôi xuống một quãng nữa là phủ Thiên Trường và bên trái là Long Hưng, Ngự Thiên tạo nên thế “tay Long tay Hổ”. Trong suốt 174 năm trị vì, nhà Trần luôn dựa chính vào Long Hưng cung cấp sức người, sức của cho công nghiệp quốc gia đại sự. Kế sách “ngụ binh ư nông” cũng xuất phát từ đây. Đội quân Tinh Cương đánh đông dẹp bắc của nhà Trần cũng “lấy” quân chủ yếu ở Long Hưng và được Thái úy Trần Nhật Hạo tập trung huấn luyện ở thái ấp Dương Xá (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), từng góp mặt ngay từ trận đầu đánh giặc Nguyên Mông.

Đại Việt sử ký toàn thư chép, Ngự Thiên - Long Hưng là nơi để mộ táng của 4 vua Trần, Thọ Lăng là lăng mộ Thái Tổ dựng vào năm 1234, Chiêu Lăng là lăng mộ Trần Thái Tông dựng vào năm 1277, Dụ Lăng là lăng Trần Thánh Tông dựng vào năm 1242 và Đức Lăng là lăng Trần Nhân Tông dựng vào năm 1310. Không chỉ đối với vương thất nhà Trần mà người dân Đại Việt lúc bấy giờ cũng luôn hướng về miền quê Ngự Thiên. Không thế sao Trần Nghệ Tông vị vua cuối triều Trần từng phải “vi cực” bởi loạn phản Dương Nhật Lễ rời bỏ kinh thành chạy loạn, khi “nhàn tản” vẫn nhớ về Ngự Thiên với tâm thức đó là miền quê cha, đất tổ của mình mà thốt lên thành thơ: “Trông tường thấy bóng, ăn canh nhớ Người…”. Long Hưng - Ngự Thiên với miền quê Hải Ấp chính là nơi mà ông, cha vua Trần đã sinh ra và lớn lên cùng với sự lớn mạnh của họ tộc nhà Trần từ khi rời bỏ nghề sông nước vốn đã đưa họ tộc nhà Trần trở thành hào kiệt nức tiếng lên bờ canh tác và bước chân vào kinh thành Thăng Long mà khởi đầu từ triều Lý. Khi đã thống lĩnh thiên hạ xây nghiệp đế để rồi các bậc vương triều khi “về già” lại lui về quê hương bản quán nơi đã sinh ra để gửi thân xác vào vùng đất ngã ba sông.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” tập II, trang 29 có chép cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất ngày 12 tháng 1 năm 1258 quân dân nhà Trần đã rất khó khăn khi phải chống trả thế lực xâm lăng cực mạnh, cực nhanh của đế quốc Nguyên Mông, lúc nguy nan trên đường rút lui chiến lược về Thiên Trường, vua Trần đã hỏi Thái úy Trần Nhật Hạo: “Đội quân Tinh Cương đâu?”. Việc xây dựng đội quân Tinh Cương do Thái úy Trần Nhật Hạo tổ chức, chỉ huy với số lượng binh khá lớn và tinh nhuệ, chiếm 1/4 số quân trong đội quân nhà Trần, chủ yếu là người Long Hưng và Thiên Trường. Điều đáng bàn là đội quân Tinh Cương (lấy tên vùng đất Tinh Cương của huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng) được huấn luyện trên vùng đất Ngự Thiên là tiền đề quan trọng xây dựng Long Hưng - Ngự Thiên thành một hậu cứ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, đồng thời bảo vệ khu lăng tẩm nhà Trần. Để xây dựng phòng tuyến quân sự lâu dài, vững chắc, Thái sư Trần Thủ Độ đã cho đào dòng sông dựa theo những luồng lạch có sẵn gọi là sông Thái sư bắt nguồn từ cửa Xuân Hải của dòng Nông Kỳ (nay thuộc xóm Xuân Hải, còn gọi là xóm Thái sư, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) với dòng chảy quanh co, uốn khúc. 

Sách “Đại Nam nhất thống chí” miêu tả dòng sông với vẻ đẹp thơ mộng nhưng đầy uy lực quân sự chảy từ Bắc xuống Nam của miền Ngự Thiên bao quanh lấy khu lăng tẩm vua Trần. Lúc hòa bình, dòng Thái sư làm nhiệm vụ tưới, tiêu nông nghiệp, giao thông vận tải nội vùng, khi chiến sự ngoài đường giao thông phục vụ quân sự, dòng Thái sư như một chiến hào. Dọc dòng Thái sư, nhà Trần xây dựng đồn lũy bảo vệ khu lăng tẩm nhà Trần, bảo vệ hoàng tộc nhà Trần khi lui về Ngự Thiên. Những tên làng cổ xưa còn sót lại đến bây giờ như làng Quan Chiêm nơi đặt đài quan sát, làng Khám là nơi đặt tiền đồn kiểm soát quân sự… là nhân chứng cho thế trận đi vào lòng dân của nhà Trần.

Với tầm quan trọng về địa quân sự, trước những cuộc tấn công ồ ạt của quân thù, Ngự Thiên được chọn làm hậu cứ kháng chiến lâu dài, chu đáo của nhà Trần. Bước vào cuộc chiến với quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), với kế “thanh dã”, nhà Trần rút lui chiến lược về Ngự Thiên - Long Hưng, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung đã đưa các hoàng thái tử, cung phi và công chúa cùng con cái các vị tướng nhà Trần lui về Ngự Thiên bên bờ Hoàng Giang, nơi Linh từ sinh ra và lớn lên, để nâng niu, giữ gìn dòng tộc chu toàn… 

Đại Việt sử ký cũng ghi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), ngoài là nơi rút lui chiến lược, nhà Trần đã cho “đóng cọc, đắp đê ngăn địch” tại bến Hải Thị - Ngự Thiên mà sách “An Nam chí lược” có ghi quân Nguyên Mông gọi là “cửa Hải Thị” của nhà Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rằng trong cuộc chiến đầy cam go, ác liệt chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2, ngày 10 tháng 5 năm 1285, tướng Trần Quang Khải đã chỉ huy đội quân đánh thẳng vào trung tâm đầu não đóng quân của giặc tại kinh thành Thăng Long và bến Chương Dương khiến quân giặc thiệt hại nặng nề. Nhận tin thắng trận, ngày 15 tháng 5 năm 1285, hai vua Trần đã về Ngự Thiên - Long Hưng làm lễ bái yết tổ tông, báo công thắng trận.

Cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông lần 2 (1285) tạm yên chẳng được lâu thì Đại Việt lại phải đương đầu tiếp cuộc xâm lăng lần thứ 3 (1288), nhà Trần với thế thắng quân thù đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự hợp lòng dân ấy đã được Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương khẳng định khi trả lời vua Trần rằng “Năm nay giặc đến dễ đánh”. Cái “dễ” ấy không phải tự nhiên mà có, để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, gian khổ nhưng bách chiến, bách thắng nhà Trần đã “bỏ ngỏ” Vạn Kiếp, trận tuyến quan trọng trong cuộc chiến lần 2 với quân Nguyên Mông nhưng lại vẫn duy trì phòng tuyến quân sự Ngự Thiên - Long Hưng, bởi đây là vùng đất có nhiều sông, lạch bao quanh tạo nên thế trận hiểm yếu có thể nhử quân giặc chỉ quen cưỡi trên lưng ngựa vào vùng đầm lầy, lau lách để tiêu diệt mà bởi hơn thế nữa chính là vùng đất phì nhiêu nhiều sản vật, giàu lương thực và đông dân cư có thể sung vào đội quân đánh tan giặc dã.

Ông Trần Đăng Sen, 86 tuổi, cán bộ hưu trí khu Kiều Thạch, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Khi chưa sáp nhập vào thị trấn Hưng Nhân khu Kiều Thạch là thôn Kiều Thạch, xã Lam Sơn, trước đó là Cầu Thạch. Thời nhà Lý, Kiều Thạch có tên gọi là làng Tinh Cương thuộc hương Đa Cương trong vùng đất Quan Hà của nhà Lý. Làng Tinh Cương với Hải Ấp là nơi nhà Trần bước lên bờ bỏ nghề đánh cá và trở thành hào trưởng giàu có. Kiều Thạch vẫn còn dấu tích đống San, đống Ruối, đống Quýt, đống Thầu Lâu được cho là dấu tích Tinh Cương đào chỗ nào lên cũng thấy gạch thời Trần và hoa văn đất nung xây cung điện thời Trần.

Ông Đỗ Đức Tụy, 84 tuổi, khu Châu, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Những năm 60, tôi làm bí thư chi đoàn thanh niên xã Phú Sơn có lãnh đạo thanh niên san lấp hai đống đất rất to được cho là dấu tích của hương Tinh Cương gần khu Thị An. Các cụ bảo đó là nơi xây dựng lăng tẩm nhà Trần.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh, 76 tuổi, khu Thị An, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Khu vực Thị An gần làng Buộm có một khoảng đất rộng nhô cao hơn mặt bằng khoảng một đầu gối người bình thường, các cụ xưa nói đây là dấu tích Tinh Cương thời nhà Lý, nhà Trần, có thể dưới lớp đất là một di tích lịch sử chưa được phát lộ.


Quang Viện


  • Từ khóa