Thứ 7, 27/04/2024, 00:22[GMT+7]

Sơn Nam cấm địa

Thứ 2, 25/01/2021 | 09:14:01
6,670 lượt xem
Các nguồn sử liệu khẳng định, nhà Lê sơ (1428 - 1527) mở đầu sự nghiệp trị nước nhờ chiến công hiển hách của Lê Lợi và các khai quốc công thần trong cuộc bình Ngô và phát triển đến đỉnh cao của sự hưng thịnh dưới triều vua Lê Thánh Tông, theo quy luật “thịnh, suy”, nhà Lê đã suy vong vào cuối triều Lê sơ khi Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng lập ra triều Mạc.

Ngã ba sông Hồng, sông Luộc địa phận thôn Hà Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, giáp ranh ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, thời Trần là Hoàng Giang, thời nhà Lê được coi là Sơn Nam cấm địa.

Sử cũ chép Mạc Đăng Dung đã bắt hai mẹ con cựu hoàng đế Lê Cung Hoàng phải tự tử sau đó đem xác hai người phơi bày ngoài quán Bắc Sứ rồi đưa về chôn ở lăng Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà). Các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa nhận định đất Ngự Thiên - Long Hưng bao đời sinh nhân kiệt, cuối thời Lê sơ còn sinh ra 4 vị vua. Tuy nhiên, “vận khí” nhân kiệt có giữ được hay không còn phụ thuộc vào vận nước. Vị hoàng đế cuối cùng triều Lê sơ là Lê Cung Hoàng đế và Hoàng Thái hậu khi chết cũng được đưa về Ngự Thiên an táng ở lăng Hoa Dương, cả khu vực từ ngã ba sông Hồng và sông Luộc (Hoàng giang triều Trần) kéo dài hết Hải Ấp (Canh Tân, Hưng Hà), đất ấy được dân gian gọi là “Sơn Nam cấm địa”.

Theo các nguồn khảo luận, năm 1516 đánh dấu “mốc suy vi” của triều đại phong kiến Việt Nam, nước Đại Việt thuở ấy không vua. Ngày 7 tháng 4 năm ấy triều thần mạt Lê tự thiết triều tìm kiếm cơ hội tôn phò vua mới. Cuộc thiết triều thất bại vì triều thần không ai nể ai trong quan điểm lập người kế vị. Sớm hôm sau, ngày 8 tháng 4, Trịnh Duy Đại và Tường quận công Phùng Dĩnh mới trấn an được Trịnh Duy Sản nhượng bộ “phe cánh” của mình, đồng ý lập Lê Quang Trị mới 8 tuổi, con của Mục Ý vương ở Ngự Thiên - Long Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) gọi vua Lê Tương Dực vừa mới bị giết là chú ruột lên làm vua. Vậy là triều đình đã có vua nhưng triều chính vô cùng rối ren, đa phần triều thần không thuần phục. Nguyễn Hoằng Dụ bỏ yểm trợ cho Lại Thúc Mậu kéo binh về Thăng Long. Trịnh Duy Sản và các đại thần khác thấy vậy liền về Ngự Thiên đón Lê Y (Lê Chiêu Tông) là con của Cẩm Giang vương (tức Lê Sùng, cháu nội của vua Lê Thánh Tông, anh ruột của vua Lê Tương Dực) lúc đó mới 11 tuổi cũng gọi Tương Dực Đế bằng chú ruột lên kinh thành lập làm vua. Thời điểm rối ren ấy quân của Nguyễn Hoằng Dụ và Lại Thúc Mậu đã về tới phủ Phụng Thiên (năm 1446 vua Lê Thánh Tông lập phủ Trung Đô của Hoàng thành Thăng Long, đến tháng 3 năm 1469, phủ Trung Đô được đổi thành phủ Phụng Thiên) sai quân lính đốt thành trì để uy hiếp phe Trịnh Duy Sản. Trịnh Duy Sản không muốn đối đầu với Nguyễn Hoằng Dụ bởi thâm tâm Trịnh Duy Sản không muốn đổ máu thêm vì trước đó giết hại vua Lê Tương Dực. Sản cùng thân vương Lê Chiêu Nghĩa, chỉ huy sứ Đô ty Mạc Đăng Dung “rắp tâm” phò vua Lê Y theo về Tây Kinh.

Các nguồn khảo luận cho biết vua Lê Chiêu Tông “sắc dụ” cho Mạc Đăng Dung: “Khanh là chỗ nương tựa của trẫm, nay giặc Cung nhóm họp dư đảng, trộm chiếm vùng Lạng Nguyên, triều đình sai khanh làm đô tướng, tiết chế các doanh quân thủy, bộ cả nước, chia đường tiến đánh, đã từng trèo non lội suối, xông pha mưa gió, phá giặc ở các huyện Phương Nhã Bảo Lộc, đốt phá doanh trại giặc, chém được đầu giặc... Quân đi đến đâu không mảy may xâm phạm của dân, cư dân các xã đều đã ra đầu thú phục tùng”, còn Lê Cung Hoàng đế thừa nhận: “Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp, khi ấy thiên hạ đã không phải của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời, lòng người đều hướng theo về người có đức. Xét Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh sáng suốt có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng, bên trong coi sóc trăm quan mọi việc đều tốt đẹp, công đức lớn, trời cho người theo”. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, triều họ Mạc bắt đầu thì “số phận” Thống Nguyên Lê Cung Hoàng cũng giống như “vua anh” Lê Chiêu Tông trước đây. Năm 1527, sau khi Mạc Đăng Dung cho công bố “bàn dân thiên hạ” tỏ tường chiếu nhường ngôi của vua Lê Cung Hoàng cho An Hưng vương Mạc Đăng Dung, triều Lê sơ chính thức “tiêu vong”, để tránh sự truy sát của họ Mạc, Tiến sĩ Đặng Ất đỗ đạt thời Lê Chiêu Tông, nguyên chức “Triều liệt đại phu đạo Thanh Hoa” của vương triều Lê sơ người xóm Hương Hà, làng Nguyên Xá, xã Phúc Hải, tổng Tống Xuyên, huyện Ngự Thiên (nay là thôn Hà Nguyên, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà), một “bề tôi tiết nghĩa” theo sắc phong của triều Lê trung hưng, phò tá “phế đế” Lê Cung Hoàng “tòng vong” về làng Hà Nguyên, xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiên lánh nạn. Năm 1529, Mạc Đăng Doanh con trưởng Mạc Đăng Dung lên ngôi tiếp tục “diệt thảo trừ căn” quyết truy sát Lê Cung Hoàng. Khoảng năm 1531- 1532, Mạc Đăng Doanh bắt được cựu hoàng đem về kinh đô, Lê Cung Hoàng bị giam ở nội điện phía Tây cùng với người mẹ Trịnh Thị Loan. Cung Hoàng và Hoàng Thái hậu bị ép phải chết bằng thuốc độc. Sử cũ và các nguồn khảo luận chép rằng: “Trước những thị vệ cúi đầu dâng chén thuốc đen ngòm” hoàng thái hậu Trịnh Thị Loan có lời nguyền không khác của vua Lý Huệ Tông hơn 300 năm trước: “Mạc Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế”. Các nguồn sử liệu ghi chép trong vòng gần một năm, “ba mẹ con” Hoàng thái hậu Trịnh Thị Loan cùng hai con trai (cháu nội của vua Lê Thánh Tông) là những vị hoàng đế cuối cùng của triều Lê sơ đều bị chết dưới tay cha con Mạc Đăng Dung.

Cuối đời Lê sơ, “vua tồi quan tối”, nhân cơ hội đó tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Bất bình với hành động đó, các trung thần cũ của nhà Lê đã nổi dậy, tới mùa xuân tháng Giêng năm Tân Mão (1533) một số quan lại do An Thành hầu Nguyễn Kim đứng đầu đã lập một người con vua Lê Chiêu Tông lên làm vua. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép về việc Nguyễn Kim ở “châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy con cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Lê Chiêu Tông là Lê Ninh lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy”. Lê Ninh (tức Lê Trang Tông) lên ngôi, trở thành vị vua đầu của nhà Hậu Lê (giai đoạn trung hưng), đồng thời cũng mở ra cục diện nội chiến Nam - Bắc triều với nhà Mạc ở miền Bắc, nhà Lê ở miền Nam.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch

Tiến sĩ Đặng Ất đỗ đạt thời vua Lê Chiêu Tông, ra làm quan nhà Lê sơ trong lúc triều chính suy vi, sử cũ chỉ ghi ông định cư ở xóm Hương Hà, làng Nguyên Xá, xã Phúc Hải, tổng Tống Xuyên, huyện Ngự Thiên (nay là thôn Hà Nguyên, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà), một “bề tôi tiết nghĩa” của triều Lê đã đưa cựu hoàng đế nhà Lê và Hoàng Thái hậu chạy về Ngự Thiên. Ông được nhà Mạc dụ ra làm quan nhưng khí tiết “Tôi trung không thờ hai vua” nên ông đã tuẫn tiết.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đỉnh, khu Thị An, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
ăm 1959, trước khi tôi nhập ngũ vào Nam chiến đấu, tôi vẫn còn ra cánh đồng “Mả Vua” gần làng Buộm và khu Thị An bây giờ chơi, nơi đó có khu đất bằng phẳng, cao ráo, vuông bàn cờ, bốn góc có bốn cây đại thụ, các cụ cho rằng đó là lăng Hoa Dương. Có một tấm bia đá rất to, khắc chữ Hán Nôm, kẻ gian đập vỡ làm bốn mảnh với ý định đào mộ lấy của cải chôn dưới mộ nhưng bị phát hiện chúng bỏ chạy.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Quý, nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Mấy năm trước có một gia đình họ Nguyễn đến đền thờ các vua Lê (làng Mẽ) nhận mảnh bia đá vỡ chuyển từ khu Thị An về là bia thủy tổ nhà mình. Họ có đến nhà tôi nhờ dịch hộ chữ Hán khắc trên mảnh bia đá đó, tôi đọc được dòng chữ “Lê Cung Hoàng đế...”, thế là người nhà họ Nguyễn lại đem mảnh bia đá đó trả lại đền.

Quang Viện