Thứ 7, 23/11/2024, 07:59[GMT+7]

Lòng đất nghẹn lời ca

Thứ 2, 01/02/2021 | 08:52:29
5,195 lượt xem
Tương truyền, khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, hơn 300 tông thất nhà Trần đã chạy về hành cung Lỗ Giang, làng Thâm Động, xã Thâm Động, phủ Kiến Xương (nay thuộc thôn Đồng Lâm, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) quyết giữ khí tiết không cam chịu quy phục, họ đã cùng nhau xây dựng “Thái Sinh lăng” trong vòng “ba tháng mười ngày”, lăng sâu dưới mặt đất làm nơi thủ tiết. Trong thời gian xây cất lăng mọi người cùng đàn hát vui vẻ.

Miếu Ông trong quần thể di tích.

Ngày thứ 100, Thái Sinh lăng hoàn tất, hơn 300 tông thất nhà Trần cùng nhau “tuẫn tiết” trong lăng bằng cách mở cửa cống để nước dòng Hoàng Giang chảy vào nhấn chìm lăng, vùi lấp tông thất trung thành với triều Trần dưới lòng đất...

Các bậc cao niên làng Thâm Động xưa vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện nhuốm màu sắc tâm linh về Thái Sinh lăng. Câu chuyện ấy kể vào những đêm động trời, mưa giông gió giật cũng là lúc dân làng Thâm Động nghe văng vẳng tiếng đàn, tiếng hát nhiều khi nghe cả tiếng khóc than ai oán vọng từ bãi sông đầu làng. Các cụ già của làng bảo đó là tiếng đàn, tiếng hát, tiếng khóc than của hơn 300 tông thất nhà Trần chết chìm dưới lăng mộ để giữ khí tiết nhà Trần khi nghịch tặc Hồ Quý Ly cướp ngôi. Câu chuyện thủ tiết vì “tôi trung không thờ hai vua” của hơn 300 tông thất nhà Trần ở Thâm Động trải ngót nghìn năm cho đến nay vẫn là sự bí ẩn rất cần các nhà nghiên cứu, khảo cổ tiếp tục làm sáng tỏ.

Trong chuyến điền dã dọc bờ tả dòng Hoàng Giang Trần đế, tôi có dịp ghé thăm cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hiển, 82 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lâm và cựu giáo chức Vũ Văn Quỳ, làng Cổ Trai nơi có ngôi đền thờ Lý Nam Đế để nghe các ông kể câu chuyện về Thái Sinh lăng ở làng Thâm Động (nay là thôn Đồng Lâm). Chuyện do chính các thân phụ của hai ông đã quá cố, nguyên là “ông đồ” nghèo có may mắn được các cụ già trong làng Thâm Động truyền kể cho nghe. Chuyện kể rằng vào cuối triều Trần, Trần Nghệ Tông không có mong muốn làm vua, ông vốn là người văn nhã, yêu văn chương, thi ca, Trần Nghệ Tông dấy binh rồi lên ngôi cũng đều là việc “cực chẳng đã” lại cũng vì không muốn để mất thiên hạ vào tay họ Dương (loạn Dương Nhật Lễ, con nuôi Dụ Tông), các thân vương cùng những quan lại phò tá đều khuyên Nghệ Tông và Nghệ Tông cũng đã làm đúng như lời khuyên ấy. Chỉ đau cho nhà Trần và Trần Nghệ Tông một nỗi vì Nghệ Tông quá tin tưởng Hồ Quý Ly nên mắc lỗi lớn với tổ tông nhà Trần, đã trao quá nhiều quyền vào tay Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly có hai người chị em là cung nhân của vua Trần Minh Tông) và vì nể Quý Ly theo phò Nghệ Tông rất trung thành. Tuy vậy các thân vương trung tín của nhà Trần vẫn không ngừng khuyên can nên Nghệ Tông cũng đã nhận ra “chân tướng” Hồ Quý Ly có tham vọng lớn muốn cướp ngôi nhà Trần, nhưng Nghệ Tông không phế bỏ Hồ Quý Ly. Sự “dùng dằng” của Trần Nghệ Tông là cơ hội vàng cho Hồ Quý Ly thực hiện dã tâm cướp ngôi nhà Trần thành công. Khi ngồi vào ngai vàng quyền lực, Hồ Quý Ly bắt tay ngay vào việc củng cố vương triều Hồ đồng thời với việc “diệt thảo trừ căn”. Tông thất nhà Trần lần lượt chết dưới tay Hồ Quý Ly. Vì phẫn uất với nhà Hồ, nhiều tông thất nhà Trần đã chạy về hành cung Lỗ Giang cũng là nơi yên nghỉ của 7 vị tiên đế cùng Hoàng hậu nhà Trần. Theo các tài liệu khảo cứu và sử cũ cho thấy, tháng 7 năm Canh Thân (1320), vua Trần Anh Tông (1276  - 1320) còn gọi là Thái tử Trần Thuyên mất ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường (thành phố Nam Định nay), sau đó vua Trần Minh Tông nối ngôi đã đưa thi hài cố Hoàng đế Trần Anh Tông về an táng tại Thái Lăng, tân Hoàng đế Trần Minh Tông đã cho xây dựng lăng miếu thờ cố Hoàng đế Trần Anh Tông cùng các vua Trần quá cố, gọi là Thất hoàng Thái lăng.

Theo nguồn sử liệu và nhận định của các sử gia, triều đại nhà Hồ của Hồ Quý Ly được xếp vào loại “ngụy triều” bởi Hồ Quý Ly được Trần Nghệ Tông ân sủng coi là “tôi trung” của nhà Trần mà lại rắp tâm giết hại con trai, cháu nội Thượng Hoàng Nghệ Tông, cướp ngôi nhà Trần, lạm sát tông thất nhà Trần khiến lòng dân không phục. Vì không phục nhà Hồ, dân chúng Đại Việt mong chờ có minh chủ đứng lên tập hợp dân chúng “Phù Trần, diệt Hồ”. Nhà Minh từ lâu chờ đợi cơ hội trả thù Đại Việt, lăm le cướp Đại Việt nhân cơ hội này liền kéo quân sang thực hiện âm mưu bình định Đại Việt. Chúng nêu cao khẩu hiệu “Phù Trần, diệt Hồ” nên dân chúng tưởng nhầm. 7 năm sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, Đại Việt hoàn toàn “rơi vào tay” nhà Minh. Hơn 600 năm trôi qua, nhìn lại nỗi đau mất nước xin được nhắc lại câu nói đầy đau đớn của tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Quý Ly trước cuộc tử chiến với 20 vạn quân Minh kéo đến Hoàng Giang dưới danh nghĩa “Phù Trần diệt Hồ”: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Đó cũng là câu trả lời “vì sao lòng dân Đại Việt không phục nhà Hồ, không theo nhà Hồ đánh quân Minh” để rồi đất nước chìm đắm trong đau thương.

Nếu năm 1224, Trần Thủ Độ làm một cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà mạt Lý sang cho nhà Trần bằng một cuộc dàn xếp hôn nhân và không đổ máu, để rồi triều Trần lớn mạnh, 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông bạo tàn, trải dài 175 thịnh trị rồi suy tàn, thì Hồ Quý Ly cũng thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực nhưng cuộc chuyển giao này “đẫm máu”, bắt đầu bằng việc giết Trần Duệ Tông, ép vua Trần Thuận Tông là cháu nội Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và là con rể của Hồ Quý Ly phải chết thảm sau khi nhường ngôi cho hoàng tử Trần Án mới lên 3 tuổi để làm Thái thượng hoàng và rồi hai năm sau Hồ Quý Ly cũng giết nốt cháu ngoại của mình để chiếm ngôi báu. Tham vọng tột cùng của Hồ Quý Ly khiến lòng dân Đại Việt hướng về triều Trần cho dù triều đại mạt Trần đã “khó bề cứu vãn”.

Sử cũ chép, năm 1470, giặc Minh chiếm gọn Đại Việt và đặt ách thống trị Đại Việt đã cho quân tàn phá nhiều đền, đài, lăng tẩm ở Thăng Long và tàn phá Thái Lăng (Thất lăng). Đến thời Lê, các vua Lê đã cho xây dựng lại Thái Lăng to đẹp ngang bằng thuở ban đầu. Di tích Thái Lăng được gìn giữ từ thời Lê đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945 và được Viện Viễn Đông Bác cổ ghi chép, lập hồ sơ xếp hạng gồm diện tích gần 5.000m², có đủ tắc môn, hoành mã đắp rồng, đắp phượng. Có 3 cung, 3 tòa, 13 gian. Có tả vu, hữu vu, mái cong đắp long, phượng, đao đắp rồng, điện vũ 7 cung thờ và nhiều đồ tế khí (Hiện chỉ còn hai cỗ ngai thờ bài vị do nhân dân cất giữ khi giặc Pháp xây dựng bốt Tịnh Xuyên, bốt Phú Nha, Phú Hậu và tràn vào làng và đốt phá Thất lăng). Hiện tại ở di tích Thất lăng có một ngôi miếu nhỏ gọi là “Miếu Ông” và ngôi đền thờ các bậc tiên đế triều Trần xây dựng thời Nguyễn.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hiển, 83 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lâm, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà

Thôn Đồng Lâm (làng Thâm Động) thuộc xã Thâm Động hay còn có tên khác là A Lỗ. Thời Trần, đất Thâm Động bao gồm cả Hữu Bị (bên kia sông Hồng, thuộc Hà Nam và một phần Hưng Yên nay), làng Thâm Động có lăng mộ và đền thờ 7 vị vua thời Trần gọi là Thất hoàng lăng. Làng có 600 mẫu ruộng thì 300 mẫu giao cho đền Thái Lăng (nơi thờ 7 vị vua Trần) và 300 mẫu giao cho dân làng cày cấy hàng năm đóng góp cúng tế ở đền Thái Lăng và không phải nộp thuế cho triều đình.

Ông Vũ Văn Quỳ, cựu giáo chức, thôn Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà

Tìm hiểu trong sử sách và lời truyền dạy của cha ông chúng tôi, tôi thấy dân gian có vế đối: “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào Lý triều tứ cố cảnh/Tinh Cương, Mỹ Hương, Thái Đường Trần đế thất đại lăng”. Tinh Cương là làng Kiều Thạch, nay là khu Kiều Thạch; Mỹ Hương (làng Mẽ) nay là khu Mẽ thuộc thị trấn Hưng Nhân còn “Thái Đường Trần đế thất đại lăng” theo tôi nghĩ “Thất hoàng Thái lăng” có lẽ là “Thất đại lăng” chăng?

Bà Nguyễn Thị Phiên, thủ từ đền Thái Lăng, thôn Phú Nha, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà

Tôi là đời thứ 4 trong gia tộc tự nguyện ra trông coi, gìn giữ Thất hoàng lăng mà không đòi hỏi chế độ đãi ngộ chỉ vì cha ông chúng tôi nặng lòng với nhà Trần hay nói như lời Phật dạy là có duyên phước. Chính vì thế tôi càng ra sức gìn giữ di tích lịch sử quý giá của quốc gia về triều đại nhà Trần oanh liệt 3 lần chiến thắng quân Nguyên bảo vệ vẹn toàn đất nước ở hành cung Lỗ Giang này.


Quang Viện

  • Từ khóa