Thứ 4, 17/04/2024, 03:57[GMT+7]

Bóng chùa nhuộm tím sông quê

Thứ 2, 08/02/2021 | 09:34:08
6,593 lượt xem
Gần một năm ròng lênh đênh sông biển tránh sự truy đuổi của quân Chiêm Thành cuối cùng công chúa Trần Huyền Trân được Thượng tướng Trần Khắc Chung cùng đoàn tùy tùng vâng mệnh triều đình giải cứu đưa về Thăng Long qua bao chặng đường hiểm nguy. Chưa hết đau buồn vì vua Chế Mân chết lại gặp ngay điều tiếng thị phi, công chúa Huyền Trân xin Thượng hoàng và vua anh cho về Thái Đường lăng ở huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng khai khẩn đất đai, coi sóc lăng tẩm, phụng thờ tiên đế, dựng chùa tu tập…

Cụm đền chùa Mẫu, thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà), nơi thờ công chúa Huyền Trân mới được tôn tạo.

Các nguồn sử liệu cho biết, tháng 5 năm 1307 Chế Mân (vua Chiêm Thành hay còn gọi là vương quốc Chăm pa) mắc bệnh trọng qua đời, Huyền Trân công chúa là Hoàng hậu Chăm pa theo tục lệ “vua chết, hậu chết theo” phải bước lên giàn hỏa thiêu khi vừa tròn 20 tuổi nhưng may mắn lúc đó Huyền Trân đang mang thai thái tử nên việc hỏa thiêu được lùi lại. Dự định đến tháng 10 năm 1307 Huyền Trân công chúa sẽ lên giàn hỏa thiêu theo tục lệ. Nhận tin dữ, Thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông đã cử Thượng tướng Trần Khắc Chung cùng 5.000 binh mã vào Chiêm Thành giải cứu Huyền Trân…

Câu chuyện “đẫm nước mắt” về cuộc đời đầy oan trái của công chúa Trần Huyền Trân, con Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em Hoàng đế Trần Anh Tông sau khi vua nước Chiêm Thành là Chế Mân chẳng may mắc bạo bệnh chết đẩy số phận công chúa “lá ngọc, cành vàng” của nhà Trần vào con đường bi ai phải lên giàn hỏa thiêu để trọn vẹn tình nghĩa “phu thê cầm sắt” với hoàng đế Chăm pa. Sử liệu ghi chép về công chúa Huyền Trân rất hạn chế và tài liệu về công chúa Huyền Trân ở Long Hưng lại càng ít ỏi. Theo truyền ngôn sau khi được giải cứu ở Chăm pa thoát khỏi giàn hỏa thiêu, một năm sau Huyền Trân mới về tới Thăng Long, không chịu được những lời đồn thổi ly kỳ và gièm pha của kẻ “xấu bụng”, công chúa Huyền Trân đã xin Thượng hoàng và vua anh cho về làng Mả Sao (hay còn gọi là Tinh Cương - Thái Đường), huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng dựng thái ấp, giúp dân khai hóa ruộng đồng, vui nghiệp nông tang, phát triển nghề tiểu thủ công, xây chùa tu tập và cũng để coi sóc phần mộ tổ tiên nhà Trần. Những truyền ngôn ít ỏi ấy cũng đủ để hậu thế soi xét công lao của công chúa Huyền Trân với tông miếu nhà Trần và nhân dân Long Hưng. Vậy mà 390 năm sau cuộc giải thoát công chúa Trần Huyền Trân, năm Chính Hòa thứ 18 (1697), “Đại Việt sử ký toàn thư”, một pho quốc sử chính thống “Nội các quan bản” do sử gia Ngô Sĩ Liên triều Lê vừa viết xong nhưng lại ghi sự việc quan Nhập nội Hành khiển, Thượng tướng Trần Khắc Chung triều Trần được Thượng hoàng Trần Nhân Tông tin cẩn giao nhiệm vụ giải cứu công chúa Huyền Trân với lời lẽ không mấy thiện cảm: “Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hầu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung mượn cớ là sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh, chậm chạp lâu ngày mới đến kinh đô…”.

Các tài liệu khảo cứu cho biết: Vào cuối thời Lý, khi nhà nước Quân chủ suy yếu, rệu rã, lợi dụng cơ hội ấy, Chiêm Thành thường đem thuyền nhẹ tiến ra Đại Việt cướp bóc cư dân ven biển. Sang thời Trần, quân Chiêm Thành ở vùng phía Nam trở thành “mối lo thường trực” của triều đình, vua Trần Thái Tông (1226 - 1258) đã thực hiện chính sách “nhu viễn” nghĩa là “Phủ dụ, đối xử mềm dẻo với người phương xa” thường sai sứ giả Đại Việt sang giao hảo với Chiêm Thành. Chiêm Thành vì thế cũng thường sai sứ thần sang cống Đại Việt nhưng luôn có ý định đòi lại đất ba châu mà vua Chế Củ đã dâng cho nhà Lý vào năm 1069 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Trước hành động và ý đồ của Chiêm Thành, để giữ vững vùng đất đã sáp nhập vào Đại Việt hơn 80 năm trước, năm 1252 vua Trần Thái Tông quyết định phát binh đi đánh Chiêm Thành. Cuộc “Nam Chinh bình Chiêm” này của vua Trần Thái Tông kéo dài đúng 1 năm, từ tháng Giêng đến tháng Chạp năm Nhâm Tý (1252) tức là sang tháng 1 năm 1253 (dương lịch). Quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần Thái Tông đã đại thắng, bắt được vương phi Chiêm Thành là Bố Đà La và rất nhiều tù binh đem về Đại Việt.

Năm 1252, chúa Mông Cổ là Mông Kha sai em là Hốt Tất Liệt và tướng Ngột Lương Hợp Thai tràn xuống Vân Nam, Trung Quốc. Quân của đế quốc Mông Cổ áp sát biên giới nước ta, nhà Trần xác định cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mông Cổ là không thể tránh khỏi. Vua Trần cho đánh Chiêm Thành là để loại trừ hiểm họa phía Nam. Trần Thái Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, dẹp Chiêm Thành, chống Nguyên Mông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhâm Tý, Nguyên Phong năm thứ 2, Tống Thuần Hựu năm thứ 13 (1252), mùa xuân, tháng Giêng, vua thân chinh đánh Chiêm Thành, sai Khâm thiên Đại vương Nhật Hiệu làm lưu thủ. Từ khi nhà Lý suy yếu, quân Chiêm Thành thường đem thuyền nhẹ đến cướp bóc dân cư ven biển. Vua lên ngôi, lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ, tuy họ có ý thường sang cống nhưng có ý đòi lại đất cũ và có ý nhòm ngó nước ta. Vua giận, nên có việc thân chinh này. Mùa đông, tháng 12, bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Đà La và nhiều thần thiếp, nhân dân của y rồi về”. Sử cũ chép trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, hai nước Đại Việt và Chiêm Thành cũng có kẻ thù chung là đế quốc Nguyên Mông, vì vậy đã liên kết, giúp đỡ nhau để bảo vệ độc lập chủ quyền. Cuối năm 1282, đạo quân Nguyên Mông do Toa Đô chỉ huy vượt biển đánh chiếm Chiêm Thành rồi âm mưu đánh lên Đại Việt từ phía Nam, phối hợp với đại quân phía Bắc đánh xuống nhằm chiếm gọn Đại Việt. Nhà Nguyên còn nham hiểm bắt vua Trần cung cấp lương thực và dọn đường bộ để cho quân Nguyên tràn xuống đánh Chiêm Thành. Lịch sử ghi nhận, vua Trần kiên quyết khước từ yêu cầu của nhà Nguyên lại còn gửi 2 vạn quân và 500 chiến thuyền giúp Chiêm Thành đánh bại quân Nguyên.

Theo các nguồn khảo luận, năm 1301 nhận được lời mời từ vua Chế Mân, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông với danh nghĩa tăng lữ bắt đầu cuộc hành trình du ngoạn đất Chiêm Thành. Thái thượng hoàng đã hứa gả công chúa xinh đẹp của mình là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Đổi lại, Chế Mân dâng cho Đại Việt hai châu Ô và Lý, bờ cõi phía Nam Đại Việt được mở mang đồng thời tăng thêm tình thân hữu hai quốc gia Chăm pa - Đại Việt, đó là kế thượng sách mà công lao lớn thuộc về công chúa Huyền Trân.

Cựu chiến binh Lê Văn Vũ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Thái Đường thời Trần có tên nôm là làng Mả Sao, nơi đặt mộ tổ và tông miếu nhà Trần và cũng là nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều Trần cùng các hoàng hậu, công chúa nhà Trần, nơi công chúa Huyền Trân về dựng điền trang, giúp dân khai mở đất đai, dựng chùa tu tập. Lễ hội “Giao chạ” làng Tam Đường và Vân Đài (xã Chí Hòa) trải hơn 700 năm vẫn duy trì chính là do công lao của hai chị em Huyền Trân công chúa và Diệu Dong công chúa.

Ông Phan Văn Tư, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiến Đức, Trưởng ban Quản lý di tích thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Tưởng nhớ công đức các vua Trần, đặc biệt là Huyền Trân công chúa, dân làng tôn thờ Huyền Trân công chúa là thánh Mẫu phối thờ trong chùa làng gọi là chùa Mẫu. Chùa Mẫu soi bóng bên sông Thái sư, dòng sông được Thái sư Trần Thủ Độ cho đào với mục đích làm phòng tuyến quân sự, giao thông thuỷ và cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, đồng thời cũng làm hành lang bảo vệ lăng tẩm nhà Trần. Hiện nay sông Thái sư bị bồi lấp, ô nhiễm nặng nề rất cần được nạo vét.

Bà Phan Thị Cúc, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Cùng thân phận, chúng tôi thấu hiểu nỗi đau, nỗi oan khuất của Thánh Mẫu Huyền Trân công chúa. Tuy là “lá ngọc, cành vàng” nhưng hy sinh vì nghĩa lớn, dâng hiến tuổi xuân cho quốc gia, dân tộc, công lao lớn trong việc mở mang bờ cõi nước ta.


Quang Viện

Phạm Chiểu - 3 năm trước

Là độc giả trung thành của báo, tôi góp ý là những bài dài như này thì cần thêm ảnh ở phía trong.

Tải thêm