Thứ 7, 20/04/2024, 19:19[GMT+7]

Vân Đài mây trắng

Thứ 2, 22/02/2021 | 09:34:44
6,799 lượt xem
Tương truyền, để giúp vua cha Trần Nhân Tông mở nghiệp nông tang vùng đất ven biển lộ Long Hưng, Kiến Xương nhằm cung cấp lương thảo cho quân đội nhà Trần, công chúa út của vua là Diệu Dung đã giương cung bắn về phía Đông Nam một mũi tên vàng với lời nguyền nếu mũi tên rơi ở đâu, ở đó là thực ấp của bà.

Đền Mẫu Vân Đài, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà vừa được trùng tu, tôn tạo.

Một hôm, công chúa đến vùng đất có mũi tên vàng rơi xuống, bà nhìn thấy có 36 gò đống nổi lên giữa biển nước mênh mông, công chúa thấy trên trời một quầng mây ngũ sắc, giữa có chiếc đài sen tỏa ánh sáng huyền diệu, xung quanh mây trắng bồng bềnh. Diệu Dung liền đặt tên vùng đất này là Vân Đài.

Các bậc cao niên làng Vân Đài, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà vẫn kể câu chuyện gắn bó keo sơn giữa hai chị em công chúa nhà Trần, chị là Huyền Trân công chúa, hiệu Diệu Từ Ân công chúa và công chúa em là Diệu Dung, hiệu Diệu Từ Dong công chúa có công khai khẩn đất đai, chiêu tập dân xiêu tán về đây cấy cày làm ra nhiều lương thảo giúp quân đội nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông cho các con cháu đời nọ nối đời kia nghe. Chuyện cũng kể rằng khi bà mất, dân làng Vân Đài dựng đền thờ bà, nơi phần mộ của bà, dân làng cũng xây dựng ngôi miếu mà dân gian quen gọi là miếu Bà. Các triều đại phong kiến tiếp sau, vua đều sắc phong cho dân làng Vân Đài được thờ phụng bà, triều đình còn cấp cho làng 100 mẫu ruộng làm ruộng “miễn hoàn” không phải nộp thuế để dân chăm lo hương khói phụng thờ bà.

Truyền ngôn, lúc bà từ kinh thành Thăng Long về mảnh đất 36 gò nổi như đóa hoa sen mà sau đó trở thành làng Vân Đài, công chúa Diệu Dung đã bỏ số vàng của mình mà vua cha ban tặng ra mua 300 mẫu ruộng hạn điền để chia cho dân nghèo, mỗi hộ gia đình được ba sào ruộng cấy cày không phải nộp sưu thuế. Từ đó, người dân làng Vân Đài biết ơn công chúa nhà Trần, tuy “lá ngọc, cành vàng” nhưng Diệu Dung sống chan hòa, gần gũi với người dân. Bà nhận lệnh vua cha về vùng đất ven biển quai đê, lấn biển, thau chua, rửa mặn dựng xây nên làng Vân Đài và cả một vùng đất bãi mênh mông, bà cho thân quyến chiêu tập dân xiêu tán khắp nơi, những người không mảnh đất “cắm dùi” đều được bà cho đất dựng nhà, lập nên làng xóm sớm tối có nhau, cấy cày làm ra nhiều thóc lúa, ngô, khoai giải quyết lương thực, thực phẩm cho dân làng và nuôi quân đội nhà Trần. 

Nguồn sử liệu ghi chép về công lao của Diệu Dung công chúa với làng Vân Đài và dải đất ven biển lộ Long Hưng thời Trần rất sơ sài, hầu như chỉ còn truyền khẩu, nhưng có thể căn cứ vào nguồn sử liệu quốc gia cùng với truyền ngôn ở làng cho thấy Long Hưng là vùng đất màu mỡ, nhìn từ kinh thành Thăng Long vùng đất có sông Hồng, chi lưu sông Luộc, sông Trà Lý, hạ lưu có sông Diêm Hộ, sông Cô, sông Hóa... bồi tụ phù sa có thể làm nên những mùa màng tốt tươi. Hệ thống sông ngòi dày đặc từ Hoàng Giang, huyện Ngự Thiên đổ ra Biển Đông có thể làm phòng tuyến quân sự giúp nhà Trần đánh thắng giặc ngoại bang xâm lược. Cụ thể, sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Diêm Hộ... sẽ giúp quân đội nhà Trần từ Thăng Long rút lui ra biển và ngược lại có thể từ Biển Đông qua hệ thống sông này đi sâu vào nội địa bằng đường thủy, khu vực này còn có rất nhiều rừng ngập mặn, bãi cát, đụn cát, sú vẹt mọc dầy và hàng trăm gò đống lớn nhỏ, tạo thành địa hình “thiên hiểm” có giá trị rất lớn về quân sự. Được công chúa Diệu Dung úy lạo, dân nghèo xiêu tán có ruộng cấy cày, có thóc gạo ăn nên dù “tứ xứ giang hồ” hội tụ về nhưng họ có tinh thần cố kết cộng đồng rất cao và do phải thường xuyên chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt cùng mối lo ngại giặc ngoại xâm tràn đến nên họ đồng cam, cộng khổ, luôn tin tưởng vào triều đình nhà Trần và một lòng, một dạ quyết tâm đánh giặc giữ nước. 

Theo các tài liệu khảo cứu, quân Nguyên Mông, một đội quân thiện chiến, có sở trường trên sa mạc bằng ngựa chiến, vó ngựa bạo tàn tràn đến đâu là chết chóc, tang thương đến đó, nhưng khi xâm lược nước ta, vó ngựa thảo nguyên sa chân vũng bùn, chôn chân tại những thửa ruộng lúa, mạ vừa mới nhú lá non mà chịu trận. Liên tục thất bại thảm hại nhưng quân giặc vẫn không nguôi tham vọng xâm lăng. Lần thứ nhất (1258) thua trận, bạt vía kinh hoàng, lần thứ hai (1285) quân Nguyên Mông thất bại ê chề và lần thứ ba (1288) thất bại thảm hại buộc chúng phải rút chạy bằng đường thủy theo các sông ra biển vậy mà vẫn không thoát khỏi cái chết thảm khốc. Quân hùng, tướng mạnh phải “gửi xác” dưới lòng sông của vùng đất Long Hưng, Đại Việt. 

Sử cũ chép, năm 1288, rút kinh nghiệm hai cuộc chiến trước (1258 và 1285), quân Nguyên Mông bí mật tổ chức một đạo quân thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy với sức mạnh vượt trội, tiến công xâm lược theo hướng biển, buộc quân của triều đình nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy phải lui quân để tính kế quyết chiến nhưng chỉ ít ngày sau, quân dân nhà Trần đã phản công dữ dội khiến quân Nguyên Mông “hồn bay phách lạc”. Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi cùng hàng vạn tàn quân Nguyên Mông bị bắt sống và tiêu diệt. Trong lễ bái yết tổ tông, nhìn những linh vật coi sóc lăng mộ tông tổ nhà Trần ở Thái Đường nghiêng ngả, lấm lem bùn đất, vua Trần Nhân Tông xúc động bật nên câu thơ: “Xã tắc lượng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Nhìn nhận và đánh giá cao vùng đất Long Hưng, triều đình nhà Trần đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân khai hoang, lập làng canh tác, kết hợp làm việc binh, tạo thế trận vững chắc bảo vệ vùng đất ven biển trong đó có công lao to lớn của công chúa Diệu Dung với làng Vân Đài. Với cái nhìn toàn diện về thế trận quân sự lòng dân, vương triều Trần đã sớm xác lập “phòng tuyến biên giới biển” rồi cử con, cháu, người thân đi trấn trị ở một số châu, lộ, cho phép và khuyến khích vương hầu, quan lại chiêu mộ dân nghèo, sử dụng tù binh khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, lập làng ven biển để canh tác, chiêu tập dân xiêu tán đắp đê, lập điền trang, trong điền trang tổ chức các đội quân riêng, ban thái ấp cho vương hầu, quan lại để trấn giữ vùng đất có giá trị về quân sự đồng thời có các biện pháp quản lý chặt chẽ, đề phòng âm mưu do thám của thế lực ngoại bang nhăm nhe xâm lược, góp phần bảo vệ quốc gia Đại Việt từ xa trên biển. 

Các nguồn khảo luận cho thấy nhà Trần tiến hành xây dựng các điền trang, thái ấp, đồn binh ở khu vực ven biển, đặc biệt là vùng đất Long Hưng - Thần Khê, Kiến Xương là biện pháp kết hợp việc dụng binh với phát triển kinh tế, đó là kế sách quan trọng hàng đầu của triều đại phong kiến nhà Trần trong quá trình giữ nước làm cho “quân lương đầy đủ, quốc dụng dồi dào”, lính tráng cũng là nông dân, tay gươm, tay cày, khắp nơi dựng đồn lũy chống giặc, khai khẩn đất hoang để cày bừa, trồng trọt... Mô hình “ngụ binh ư nông” ở làng Vân Đài đã góp phần giúp quân đội nhà Trần vừa lao động sản xuất vừa tích lũy tiềm lực, binh lương đầy đủ, đáp ứng nhu cầu quân lương trọng yếu bảo đảm cho binh lính ăn no khi tập luyện đáp ứng nhu cầu sẵn sàng huy động khi có giặc xâm lăng.

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Đạo, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà

Con đường bao quanh khu đền mẫu, khu miếu Bà và lăng mộ công chúa Diệu Dung đang được hoàn thiện mở ra không gian văn hóa, thu hút khách du lịch tham quan đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống văn hiến, văn hóa, lịch sử đúng với tinh thần Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Liêm, Trưởng thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà

Hơn 700 năm đã qua, nét đẹp văn hóa của tục “giao chạ” nhằm tưởng nhớ công đức hai chị em công chúa Huyền Trân và Diệu Dung vẫn được duy trì là dịp để nhân dân làng Vân Đài tưởng nhớ công đức của các vua Trần, hoàng hậu và công chúa nhà Trần đối với mảnh đất Vân Đài nói riêng và vùng đất Long Hưng, Hưng Hà nói chung.

Ông Hoàng Văn Tộ, thủ từ đền Mẫu Vân Đài, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà

Thương dân làng Vân Đài, công chúa Diệu Dung đã bỏ vàng mua ruộng đất chia cho dân nghèo, vì vậy tục “giao chạ” của làng được duy trì hơn 700 năm qua cũng là dịp để nhân dân tri ân công đức của bà.


Quang Viện