Thứ 7, 20/04/2024, 09:47[GMT+7]

Nặng nghĩa ba sinh

Thứ 2, 05/04/2021 | 09:27:00
4,864 lượt xem
Tương truyền, hễ ai bị bệnh lâu ngày (bệnh mãn tính) chữa trị không khỏi thì đến miếu bà Chúa nơi thờ công chúa Bảo Thanh, hiệu Sùng Thiện hầu ở thôn Duyên Trường, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà mà “sắp” lễ kêu bà “phù hộ, độ trì tai qua, nạn khỏi”... thành tâm xin “vía” bà hái lá thuốc quanh miếu về nấu nước tắm hoặc uống, bệnh sẽ thuyên giảm.

Lăng, miếu và mộ công chúa Bảo Thanh ở đầu làng Duyên Trường và Khánh Lai, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà mới được nhân dân tôn tạo.

Còn những ai “buôn ngược, bán xuôi”, “xây Nam, dựng Bắc”... muốn “xuôi chèo, mát mái” thì nên đến miếu bà Chúa “nhất tâm” kêu cầu dâng lễ xin bà “chỉ đường, dẫn lối” công việc làm ăn ắt sẽ “đi tươi, về tốt”...

Miếu bà Chúa hay còn gọi là “Lăng Miếu mộ Sùng Thiện hầu” theo cách gọi dân gian là nơi thờ công chúa Bảo Thanh, người có công lao xây dựng chợ Đô Kỳ cũng như làng quê ngoại tổ họ Đinh của bà trở thành “đô hội kỳ quan” ở Long Hưng thời nhà Lê. Dân gian có câu ca (có thể là dị bản): “Thứ nhất Đô Kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Đô Kỳ thuộc huyện Thần Khê, phủ Long Hưng, còn phố Hiến thuộc lộ Khoái, nay thuộc thành phố Hưng Yên. Bảo Thanh công chúa là con thứ 7 của vua Lê Thánh Tông, từ nhỏ đã đủ thiên tư thông tuệ, học một biết mười, “công, dung, ngôn, hạnh” vẹn toàn thường được Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao đón vào cung Trường Lạc thân dạy dỗ. Công chúa là người hiếu thuận, từ hòa, mỗi lần được phụ hoàng ban thưởng đều tự thân đem tận nơi chia quà cho Đinh nhũ mẫu (Bà Đinh Thị Thục, người chăm Hoàng tử Lê Tư Thành lúc nhỏ ở quê ngoại Y Đún). Nhiều lần công chúa được phụ hoàng Lê Thánh Tông cho về bái yết ngoại tổ từ đường họ Đinh ở Đô Kỳ, Thần Khê (nay là từ đường Đinh Danh, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà). Bấy giờ, cậu ruột công chúa là Đô hiệu điểm ty, tả hiệu điểm Sùng Thiện hầu Đinh Thế Điểm (húy Thuân) được vua Lê Thánh Tông cho về Đô Kỳ trùng tu Phúc Dụ Điện, trực tiếp giữ chức Tư lễ giám điện, phụng thờ ngoại tổ Đinh Lan (tức Đinh Tôn Nhân), Đinh Thế Điểm... Công chúa tỏ lòng tôn kính ngoại tổ nên mỗi lần được theo phụ hoàng về bái yết ngoại tổ đều khẩn khoản xin vua cha cho ở lại quê ít ngày...

Quá trình điền dã, khảo tả di tích nhóm nghiên cứu chúng tôi được các bậc cao niên làng Duyên Trường, Khả Lai cùng bi ký còn lưu truyền đã “hé lộ” lý do tại sao “lá ngọc, cành vàng” của vua Lê lại bỏ chốn kinh thành hoa lệ, lặn lội về quê nghèo xây chợ, dựng làng. Ngược dòng lịch sử, khi lên ngôi, Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đặt bộ máy nhà nước tập quyền phong kiến triều Lê sơ chỉ có 3 bộ: Lại, Lễ, Dân (tức Bộ Hộ). Đến đời Hoàng đế Lê Thánh Tông, ông tổ chức bộ máy nhà nước thành 6 bộ là: Bộ Lại chuyên trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng và thăng quan tước; Bộ Lễ chuyên việc đặt và tiến hành các nghi lễ, tiệc yến, học hành thi cử, đúc ấn tín, cắt giữ người coi giữ đình, chùa, miếu mạo; Bộ Hộ chuyên điều hành công việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế, kho tàng, chăm lo lương thảo, ngân khố và bổng lộc của quan, binh; Bộ Binh có trách nhiệm trông coi việc binh chính, đặt quan trấn thủ nơi biên cảnh, tổ chức việc giữ gìn các nơi hiểm yếu và ứng phó các việc khẩn cấp; Bộ Hình trông coi việc thi hành luật, lệnh, hành pháp, xét lại các việc tù, đày kiện cáo; Bộ Công chuyên việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện thành trì và quản đốc thợ thuyền. Để thúc đẩy phát triển sản xuất công, nông, thương, Hoàng đế Lê Thánh Tông “khuyến dụ” các quan và thân quyến của mình, đặc biệt là các công chúa rằng: “Trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hoá, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không đuợc trùng hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách hàng của nhau”. Tầm nhìn rộng mở của vị hoàng đế trẻ tuổi triều Lê sơ đối với việc phát triển thương nghiệp nhờ đó mà nông nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ theo. Các nghề thủ công như: ươm tơ, dệt lụa, dệt vải, nghề mộc, nghề chạm bạc, nghề đúc đồng... cũng phát triển. Công chúa Bảo Thanh theo phủ dụ vua cha đã về quê ngoại tổ góp công, góp của dựng chợ Đô Kỳ, mở đường bộ, khai thông sông Đô Kỳ phục vụ giao thông thủy đi các vùng miền, đồng thời phục vụ tưới, tiêu nông nghiệp.

Truyền ngôn, chợ Đô Kỳ thuở trước chỉ có mấy quán chợ liêu xiêu, khi công chúa Bảo Thanh về bỏ tiền mua thêm đất, xây dựng chợ khang trang, thành nơi quy tập hàng hóa, chỉ vài năm đã tấp nập kẻ bán người mua. Có tài liệu ghi chép rằng, chợ Đô Kỳ không những chẳng “thua kém” gì chợ kinh đô Thăng Long mà phẩm vật bày bán đôi khi kinh đô không có. 

Theo tài liệu khảo cứu, công chúa xin phụ hoàng Lê Thánh Tông cho cậu ruột đứng lên xây dựng chợ với quy mô lớn hơn, xứng với tên Đô Kỳ, đất mở chợ được tính vào ruộng “thế nghiệp” của công chúa. Công chúa còn bỏ tiền “chế lộc” thuê người đào sông từ sông Nông Kỳ qua chợ để thuyền buôn cập bến, thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa từ Đô Kỳ và vùng lân cận lên kinh đô và đi ra thiên hạ, vì vậy Đô Kỳ xưa có phố, có phường, thôn trang sầm uất. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức (1487), nhân ngày lễ Ngô quốc mẫu (26 tháng 3 âm lịch) công chúa Bảo Thanh cùng vua Lê Thánh Tông về Đô Kỳ dâng lễ, trong những ngày hành lễ chẳng may công chúa nhiễm bệnh phải nằm dưỡng bệnh tại tư dinh Sùng Thiện hầu, quan Đại phu triều đình về chăm sóc nhưng bệnh tình công chúa không thuyên giảm và đã qua đời ngay tại tư dinh ở Đô Kỳ. Thể lời thỉnh cầu của công chúa trước lúc đi xa, vua ban cho công chúa quan tài gỗ quý và truyền chỉ an táng công chúa tại khu ruộng đất đầu thôn Duyên Trường kề cạnh trang Khánh Lai, tổng Đô Kỳ (nay đều thuộc xã Tây Đô, huyện Hưng Hà). Triều đình sai bộ Lễ về chủ lễ, lập miếu vũ lại cho các quan Hàn lâm viện thị thư viết văn bia, sai bộ Công tạc bia đá, tương truyền bia cao 5 thước, rộng 3,5 thước được đặt trên lưng rùa đá, hiện bia đã bị thất lạc, chỉ còn bệ bia hình con rùa bằng đá, thân rùa dài 2,6m, rộng 1,4m, cổ vươn cao 0,6m, chiều dày bệ đá thân rùa 0,3m. Theo các tài liệu khảo cứu, bia đá được dựng khắc vào thời nhà Lê, kích thước bia đá tương đương bia đá Kiến Vương Tân làng Mỹ Xá (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân) và lớn gấp 3 lần bia trưởng công chúa ở xã Song An, huyện Vũ Thư.

Tương truyền, lúc sinh thời, công chúa Bảo Thanh được triều đình ban tặng 200 mẫu ruộng “thực điền” nằm giữa hai làng Duyên Trường và Khánh Lai, khi công chúa băng hà, nhà vua sắc chỉ cho dân hai làng sử dụng 200 mẫu ruộng cấy cày lấy lộc hương khói, đèn nhang phụng thờ công chúa Bảo Thanh và tu sửa đền, miếu. Hiện miếu thờ công chúa Bảo Thanh đã được con em nhân dân hai làng Duyên Trường và Khánh Lai góp công, góp của xây dựng lại. Lăng mộ có hình lục giác rộng 6m x 6m trên diện tích đất rộng 3 mẫu Bắc Bộ, bên cạnh dòng sông Nông Kỳ. Trong miếu còn hai đôi câu đối ca ngợi phẩm hạnh công chúa Bảo Thanh: “Sinh tại triều Lê, lá ngọc cành vàng trăm vẻ quý/Đền lăng thờ chúa, sông dài, chợ rộng vạn phần linh” - “Gác tía xưa đã từng treo giá ngọc/Lầu son này còn mãi ngát hương hoa”.

Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Theo “Đinh gia thế phả” của dòng họ Đinh ở xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, sinh thời hoàng đế Lê Thánh Tông rất nặng nghĩa với nơi sinh ra mình, ông cho xây Phúc Dụ Điện ở Đô Kỳ để báo đáp. Công chúa Bảo Thanh cũng vì phụ hoàng mà nặng nghĩa với mảnh đất Đô Kỳ, chẳng may bà bạc mệnh, nhân dân nơi đây ghi tạc công đức của bà.

Cựu chiến binh Trần Duy Hưng, Trưởng thôn Duyên Trường, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà

Khu lăng miếu mộ công chúa Bảo Thanh thời nhà Lê thuộc địa phận hai làng Duyên Trường và Khả Lai bên dòng sông Đô Kỳ. Tương truyền, ngày xưa khu lăng miếu mộ này rộng vài chục mẫu lại thêm 200 mẫu ruộng “thế nghiệp” của công chúa nên rất rộng. Trước lăng miếu mộ khoảng 100m có bia đá dựng trên lưng con rùa đá, có khắc chữ Hán. Sau này, đất được lấy ra xây dựng trường học, bia bị lấy đem đi đâu không rõ, chỉ còn linh vật rùa đá.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tây Đô, Phó Ban Quản lý di tích thôn Duyên Trường, huyện Hưng Hà

Nhân dân hai thôn Duyên Trường mong muốn lăng, miếu, mộ công chúa được quy hoạch, tôn tạo và tìm lại được bia đá hoặc bản dập văn bia để dựng lại bia ghi công đức của công chúa với mảnh đất Đô Kỳ.


Quang Viện

  • Từ khóa