Thứ 3, 16/04/2024, 17:33[GMT+7]

Tiên nữ công thần

Thứ 2, 12/04/2021 | 08:57:04
4,864 lượt xem
Theo các nguồn khảo luận, vùng đất làng Quan Hà và làng Nhiễm, tổng Quan Bế, huyện Diên Hà (nay là thôn Quan Hà, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà) được xác định là địa bàn Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đánh thắng giặc Lương thu lại giang sơn gấm vóc sau cuộc chiến giữa Lý Bí và giặc Lương thất bại. Trong chiến công lẫy lừng ấy có công lao không nhỏ của “Thiên Tinh bà chúa” là con gái vua Lý Nam Đế.

Đền Mẫu làng Quan Hà, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà.

Xưa, làng Quan Hà và làng Nhiễm có tên nôm là làng Duộm và làng Dậu thờ chung một nữ thần, tên gọi dân gian là “Thiên Tinh bà chúa”, làng Quan Hà có đền thờ còn làng Nhiễm thờ ở đình làng. Tương truyền, “Thiên Tinh bà chúa” chính là con gái vua Lý Nam Đế. Khoảng những năm 544 - 602, vua Lý Nam Đế sinh hạ được một người con gái xinh đẹp “sắc nước, nghiêng trời”, dân gian truyền tụng công chúa là “tiên nữ giáng trần” đầu thai làm con nhà vua. Các bậc cao niên làng Quan Hà kể lại rằng, lúc Lý Bí chưa xưng vương, ông dẫn quân đánh chặn giặc Lương xâm lược nước ta, đêm đó nghỉ lại làng Duộm (Quan Hà), ông nằm gối đầu lên bảo kiếm, chợt ngủ mơ thấy Ngọc Hoàng truyền chỉ sẽ cho một tiên nữ xuống đầu thai vào nhà họ Lý làm con. Quả nhiên không lâu sau đó, phu nhân của Lý Bí mang thai, đến ngày 8 tháng 1 năm Quý Hợi, bà sinh hạ được một người con gái, nhớ lại giấc chiêm bao mà Ngọc Hoàng truyền chỉ, Lý Bí đặt tên con gái là “Thiên Tinh”. Năm 13 tuổi, ái nữ nhà Lý Bí dáng vẻ thanh nhã, khôi ngô, mắt sáng, tóc mượt như dải mây vũ, khuôn trăng đầy đặn, Lý Bí thường ví con gái như ngọc nhưng ông bảo con gái ông sáng và quý hơn ngọc. Thiên Tinh thuở nhỏ học một biết mười, thông kim bác cổ, các loại sách của Khổng Tử, Mạnh Tử không sách nào không đọc, lại đọc cả binh pháp của Tôn Tử, Ngô Khởi làu thông binh pháp, tinh thông âm luật, giỏi đàn nhạc, có tài “xuất khẩu” thành thơ, được người đời gọi là “thần đồng”, bà có nhiều thơ để lại cho đời.

Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí chống nhà Lương (545 - 550) kéo dài 5 năm. Nhà Lương sai tướng giỏi nhất là Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược nước ta. Quân giặc quá mạnh, Lý Bí chống đỡ không nổi nên đã đem quân chạy về Phú Thọ, thấy động Khuất Lão rộng, ngập nước ngỡ quân Lương không vào được nên hạ trại đóng quân. Nhưng không may, năm 548, Lý Bí nhiễm chướng khí lâu ngày ở động Khuất Lão rồi mất ở đó. Trước khi chết, Lý Bí giao toàn bộ binh quyền cho Triệu Quang Phục (con trai đại tướng quân Triệu Túc của Lý Bí đã tử trận). 

Tương truyền, Triệu Quang Phục thấy đất Quan Hà cao ráo, bằng phẳng, dân cư đông đúc, đất đai phì nhiêu lại có nhiều sông ngòi chằng chịt vừa lợi thế đường thủy vừa có nhiều lương thực nuôi quân nên quyết định đem quân sĩ về xây dựng doanh trại. Từ làng Quan Hà, Triệu Quang Phục dễ dàng bài binh bố trận ở đầm Dạ Trạch (nay là huyện Khoái Châu, Hưng Yên) theo binh pháp Tôn Tử mà người tham mưu cho Triệu Quang Phục không ai khác chính là Thiên Tinh bà chúa, con gái vua Lý Nam Đế. Quả nhiên, theo kế sách, Triệu Quang Phục nhanh chóng thu nạp đủ binh sĩ, có trong tay “tướng mạnh, binh hùng” lại được sự trợ giúp của Thiên Tinh, đội quân của Triệu Quang Phục vừa đánh vừa “nhử” giặc vào thế trận bày sẵn ở đầm Dạ Trạch. Khi quân giặc sa lầy, từ căn cứ làng Quan Hà, Triệu Quang Phục huy động đội quân tinh nhuệ xuất binh thẳng hướng đầm Dạ Trạch vây đánh quân Lương. Giặc Lương bị phục kích, không kịp trở tay, tướng giặc bị chém đầu, quân giặc nhanh chóng tan rã. Người dân quanh vùng yêu quý gọi Triệu Quang Phục là “Dạ Trạch Vương”. 

Sử cũ chép: Tháng 1 năm 550, Bá Tiên bàn với các tướng rằng: “Ta chinh chiến lâu ngày, quân của Triệu Quang Phục nên sức yếu, quân ta nhiều nên mạnh. Ta sẽ cầm cự quân binh, lương thực chỉ chờ cho quân Việt uể oải yếu sức ta thừa cơ phản công tất sẽ thắng”. Các tướng đều cho là chính phải, Bá Tiên chuẩn bị tiến hành thì quan hộ vệ Dương Sàn vào nói rằng nhà Lương có loạn, Trần Bá Tiên phải mau về nước (sau này Trần Bá Tiên cướp ngôi vua của nhà Lương năm 557), Trần Bá Tiên cho Dương Sàn ở lại. Triệu Quang Phục nghe tin liền cho quân vây đánh. Dương Sàn bị đánh bất ngờ, chống cự không nổi đã bị giết chết, các tướng nhà Lương cũng lần lượt bị chém đầu ngay tại trận, quân Lương thua trận, tàn quân cố sức chạy về Bắc quốc. Cuối năm 550, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương thống nhất đất nước. Triệu Việt Vương làm vua chọn Long Biên làm kinh đô. Lý Thiên Bảo (anh trai của Lý Nam Đế) làm Đào Lang Vương đóng quân ở động Dã Năng (đầu nguồn sông Đào Giang). Năm 555, Lý Thiên Bảo chết không có con nối dõi, quân chúng suy tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi. 

Sử cũ chép: Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông đánh nhau với Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình. Hai bên năm lần giáp trận, chưa phân thắng bại, quân của Phật Tử có phần kém thế hơn. Phật Tử liệu không thắng được bèn xin giảng hòa xin ăn thề. Triệu Việt Vương nghĩ ông là người họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát ở Từ Liêm, Hà Nội) cho ở phía Tây của nước. Năm Tân Mùi (571), Lý Phật Tử trở mặt đem quân đánh Triệu Việt Vương, hai bên  giao tranh ác liệt; Triệu Việt Vương thua trận, vương quyền về tay Lý Phật Tử, dựng lên nhà Hậu Lý Nam Đế. Cũng thời gian này, Thiên Tinh bà chúa cũng “thăng thiên” ở làng Quan Hà, hôm đó là ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch.

Sử cũ chép: Đầu thế kỷ XV, sau khi nhà Minh tiêu diệt nhà Hồ (1400 - 1407), quân dân Đại Việt đã nổi dậy ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của nhà hậu Trần là Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa này lần lượt thất bại. Trước cảnh nước mất, nhà tan, dân tình ly tán, lầm than khổ cực, Lê Lợi - một hào trưởng vùng Lam Sơn (Thanh Hóa) đã dốc hết tài sản để chiêu tập nghĩa sĩ, bí mật liên lạc với các hào kiệt giúp Lê Lợi xây dựng lực lượng và chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 2 tháng 1 năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn và tự xưng là Bình Định Vương. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua (Lê Thái Tổ) từ điện Tranh ở Bồ Đề vào thành Đông Quan, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm kinh đô, xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, hiệu là Lam Sơn động chủ, sử gọi là Thái Tổ Cao Hoàng đế, dựng lên hoàng triều Lê (sử Việt hiện đại gọi là nhà hậu Lê). Lê Thái Tổ tưởng nhớ công lao các nhân thần, thiên thần đã linh ứng giúp ông đánh tan giặc Minh lên ngôi hoàng đế liền giao cho bộ Lễ soạn sắc phong, phong sắc các vị thần linh và các đền, miếu phụng thờ. 

Ngày 15 tháng 2 âm lịch năm đó, dân làng Quan Hà nhận sắc chỉ của vua Lê sắc phong Thiên Tinh bà chúa là “Tiên nữ công thần” lập đền thờ “Thánh mẫu Quan Hà” cho dân làng Quan Hà hương khói phụng thờ.

Ông Lương Ngọc Hạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Quan Hà, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà

Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Chi bộ, chính quyền và nhân dân thôn Quan Hà tích cực vận động con em trong làng quyên góp được gần 1 tỷ đồng tôn tạo di tích đền Mẫu. Hiện đền còn giữ được 9 sắc phong, chúng tôi rất mong UBND tỉnh xét công nhận đền Mẫu Quan Hà là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được đăng ký bảo vệ.

Ông Trần Ngọc Huy, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Quan Hà, thành viên ban quản lý di tích đền Mẫu, thôn Quan Hà, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà

Đền Mẫu Quan Hà thờ Thiên Tinh bà chúa tương truyền là con gái Lý Nam Đế thế kỷ thứ VI. Đền nằm trên đất thôn An Đậu, làng Quan Hà. Làng Quan Hà có phần mộ của Kiều Phi công chúa cách chùa Chúa khoảng 100 mét. Tương truyền, bà là công chúa nhà Lê, do vậy mang tên xóm Chúa. Cách gọi dân dã khiến nhiều người nhầm tưởng xóm Chúa thờ Thiên Tinh bà chúa.

Ông Trần Ngọc Bạo, nguyên Trưởng thôn Quan Hà, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà

Cán bộ, nhân dân làng Quan Hà chúng tôi rất tự hào về lịch sử vùng đất hơn 1.500 năm về trước đã từng là đại bản doanh của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) lấy đây làm bàn đạp đánh tan giặc Lương, thu lại giang sơn gấm vóc.


Quang Viện

  • Từ khóa