Thứ 7, 23/11/2024, 03:32[GMT+7]

“Bình” phục binh, “chinh” túc vệ

Thứ 2, 17/05/2021 | 09:40:28
5,910 lượt xem
Trước khi trở thành vương triều phong kiến thịnh vượng mang quốc hiệu Đại Việt, nhà Trần (1226 - 1400) vốn “nối đời làm nghề chài lưới” dời mộ tổ ở hương Tức Mặc (Thiên Trường - Nam Định) sang Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà) táng và đặt tên lộ Long Hưng. Vì thế, vua tôi nhà Trần thấu hiểu sâu sắc lợi thế sông ngòi trong tổ chức quân đội và vai trò quân thủy trong chiến tranh.

Cống Hậu Thượng, xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng - địa danh được xác định là nơi tập kết quân đội nhà Trần tiến đánh quân Nguyên Mông.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú biên khảo có chép: Trần Thái Tông, năm 1239 chọn đinh tráng làm binh, định làm 3 bậc thượng, trung, hạ. Năm 1241, chọn người có sức khỏe, biết võ nghệ sung làm quân thượng đô túc vệ… Thánh Tông, năm 1261 tuyển đinh tráng các lộ làm binh, số còn thừa cho sung làm sắc dịch ở các sảnh viện cục và các đội tuyển phong ở các phủ, lộ, huyện.

Trong ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, quân dân nhà Trần đã dựa vào thế trận sông nước ở lộ Long Hưng, Kiến Xương, đặc biệt là vùng đất ngã ba sông Hồng và sông Luộc (thường gọi là ngã ba Vàng hoặc Hoàng Giang) bởi nơi đây có nhiều sông, ngòi chằng chịt tạo điều kiện cho quân đội nhà Trần phát huy thế mạnh sông nước “nhử” quân Nguyên Mông thiện chiến quen cưỡi trên lưng ngựa vào thế trận “lầy lội” nhằm tiêu diệt sinh lực địch. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: Đất Long Hưng đã được các vua Trần coi là đất tổ, các quân dân vùng Long Hưng cũng được nhà Trần xem là con em thân thuộc đã được sung vào quân “Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần bên trong”.

Theo các nguồn khảo luận, quân đội nhà Trần có trình độ kỹ thuật chiến đấu khá cao, việc luyện quân làm rất tích cực, các chiến binh đều thông thạo sử dụng binh khí có trong tay, các đơn vị đều luyện tập ban đêm và trên các loại địa hình khác nhau, nhất là ở vùng sông ngòi. Trong những năm chuẩn bị kháng chiến đã có những cuộc diễn tập lớn như cuộc thao diễn thủy bộ năm 1283 và cuộc đại duyệt binh năm 1284. Chỉ huy quân đội, từ cấp quân trở lên đều là người tôn thất họ Trần. Các tướng chỉ huy tôn thất đều phải qua học tập quân sự ở giảng võ đường. Trần Quốc Tuấn đã soạn ra bộ “Binh thư yếu lược” để huấn luyện cho tướng sĩ. Học tập binh pháp là nhiệm vụ bắt buộc cho mọi tướng sĩ. Bộ “Binh thư yếu lược” này gồm 33 mục, là một bộ binh pháp rất có giá trị, nói nhiều về kinh nghiệm, những quy luật về tổ chức và thực hành các phương thức tác chiến trên các loại địa hình. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Quân số cốt phải tinh nhuệ, không cần nhiều, cứ xem như Bồ Kiên có hàng trăm vạn quân cũng không làm gì được”.

Trong chuyến điền dã về làng Hưng Tứ, xã Hồng Việt và làng Hậu Thượng, xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng được các cựu chiến binh Nguyễn Thế Liên, Phạm Văn Hải, Trần Văn Thao cho biết, thời nhà Trần, vùng đất Hồng Việt và Hồng Bạch ngày nay là nơi đồn trú quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lợi dụng triệt để mạng lưới sông ngòi chằng chịt nơi đây để ém quân luồn sông nhỏ ra sông lớn như Trà Lý rồi ra sông Hồng (Hoàng Giang) mở các cuộc tấn công đồn lũy của quân Nguyên Mông ở A Lỗ (hay cửa Phạm Lỗ là ngã ba sông Hồng (sông Cái) với chi lưu sông Trà Lý, nay thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) ngược dòng đánh lên Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử khiến Vạn hộ Lưu Thế Anh của quân Nguyên Mông phải bỏ chạy thục mạng, thây giặc chết nghẽn cả dòng Trà Lý. 

Sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của Giáo sư Hà Văn Tấn cho biết: Trong tháng 4 năm Ất Dậu (1285), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đem quân tấn công đồn Đại Mang (A Lỗ). Đồn này nằm gần chỗ sông Hồng nối với sông Luộc (nay thuộc địa phận huyện Hưng Hà). Có lẽ đây là cứ điểm đầu tiên trên phòng tuyến của quân Nguyên trên sông Hồng nối với sông Luộc ngày nay. Viên tướng Nguyên giữ đồn này là Vạn Hộ Lưu Thế Anh đã phải rút chạy…

Theo các nguồn khảo luận, để xây dựng lộ Long Hưng thành hậu phương lớn của nhà Trần, ngoài việc chăm lo phát triển sản xuất, tích trữ lương thảo, nhà Trần còn đồng thời phải chủ động xây dựng về mặt quân sự, sẵn sàng huy động sức người, sức của cho các cuộc chiến đấu bảo vệ giang sơn xã tắc, chống giặc Nguyên Mông. Nhà Trần đã cho lập hệ thống phòng thủ ở ven sông lớn (sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý) và cửa biển, tuyển mộ binh lính bổ sung vào đội quân túc vệ. 

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: Bính Ngọ năm thứ 15 (1246), mùa xuân, tháng hai định các quân. Chọn người khỏe mạnh sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần... Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: Nhà Trần rất chăm lo, chú trọng đội quân cấm vệ. Thống lĩnh các đội quân ấy là những vương hầu, quý tộc nhà Trần hoặc các tướng giỏi tin cẩn. Quân “Tinh Cương” là quân tuyển mộ những người trong làng Tinh Cương, phủ (lộ) Long Hưng do Thái úy Trần Nhật Hạo (Hiệu) làm thống lĩnh. Tướng Phạm Ngũ Lão quản quân Thiên Thuộc, phủ Long Hưng “Kỷ Hợi (1269), lấy Phạm Ngũ Lão làm Thân vệ tướng quân kiêm quân quản Thiên Thuộc phủ Long Hưng”; Nguyễn Khoái quản quân Thánh Dực “Mậu Tý (1288), tháng 3 ngày mùng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp, Hưng Đạo Vương đem quân đánh, giặc thua to. Nguyễn Khoái đem quân Thánh Dực nghĩa dũng đánh nhau với giặc, bắt được Bình Chương là Áo Lỗ Xích...

Ngoài việc chú trọng đội quân cấm vệ, nhà Trần còn phải chuẩn bị tích cực lập hệ thống phòng thủ ven biển mà các cửa biển lớn như Đại Toàn (tức cửa biển Diêm Hộ, Diêm Điền, Thái Thụy nay); cửa biển Giao Hải (tức cửa Ba Lạt, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải nay) đều là những điểm trọng yếu… Tại cửa Thái Bình, nơi hội tụ của nhiều nhánh sông thuộc hệ thống sông Thái Bình nhà Trần cho lập các điểm phòng thủ chiến lược như Lưu Đồn, Bát Đụn Trang (thuộc các xã Thụy Hồng, Thụy Dũng, huyện Thái Thụy) ngoài nhiệm vụ trấn giữ, điểm phòng thủ này còn là nơi dự bị, sẵn sàng chi viện hoặc chặn đánh đường rút lui của giặc.

Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh

Theo các nguồn sử liệu, để chống lại sức mạnh của quân Nguyên với vũ khí cung nỏ, giáo dài, thiện chiến và hạn chế điểm mạnh của kỵ binh giặc, vua quan nhà Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tận dụng tối đa địa hình sông ngòi chằng chịt của nước ta để khi lui có thể bảo toàn được lực lượng, khi tấn công có thể khiến giặc bất ngờ. Binh pháp của Hưng Đạo Vương đã chỉ rõ: “Lấy đoản binh để chế trường trận, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh…”.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Liên, thôn Hậu Thượng, xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng

Tương truyền vào thời Trần, Hưng Đạo Vương đã đóng quân ở khu vực thuộc các xã Hồng Châu, Hồng Giang, Bạch Đằng (nay là các xã Hồng Bạch, Hồng Giang, huyện Đông Hưng), để tấn công giặc Nguyên Mông tại căn cứ đồn Đại Mang (thuộc đất A Lỗ). Sông Chanh nối từ sông Tiên Hưng chảy qua đất Hồng Việt qua làng Bơn rồi đổ ra sông Trà Lý là tuyến đường thủy lợi hại của nhà Trần đánh quân Nguyên Mông. Đoạn nối sông Chanh với sông Trà Lý hiện bây giờ là cống Hậu Thượng được xây dựng từ năm 1960, nay đã nâng cấp; tương truyền đây là nơi tập kết quân nhà Trần trước khi hội quân ra sông Trà Lý rồi tiến ra sông Hồng, vì thế sau này khi Hưng Đạo Vương mất dân làng các xã kể trên đã lập đền thờ.

Cựu chiến binh Trần Xuân Thao, thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng

Các xã Hồng Bạch, Hồng Giang còn lưu giữ tên của các địa danh có liên quan tới quân đội nhà Trần và Hưng Đạo Vương khi đóng quân, hành quân, tấn công căn cứ đồn giặc ở sông Hồng. Đó là các địa danh: cầu Quân (tương truyền xưa kia nhân dân bắc cầu tre cho quan quân nhà Trần đi đường bộ vượt qua cánh đồng Long Xà (xã Hồng Châu), Bạch Đằng (Hồng Bạch nay), Chí Hòa, Hồng Minh để bất ngờ tấn công căn cứ đồn giặc. Ngoài ra còn có địa danh cống Ba Vạn (tương truyền nơi đây xưa kia là khu vực có 3 vạn quân và thủy quân nhà Trần ém thuyền từ khúc sông (xã Hồng Giang), đến khu vực sông thuộc xã Hồng Châu (nay là Hồng Bạch) và cửa Ba Vạn (xã Hồng Việt) để ra sông Trà Lý.

Quang Viện

  • Từ khóa