Thứ 7, 23/11/2024, 03:34[GMT+7]

“Binh lực” đồng quê

Thứ 2, 24/05/2021 | 08:01:21
4,276 lượt xem

Đền Quỳnh Hoa công chúa cổ ở khu Đặng Xá đã bị phá dỡ, nhân dân mới dựng tạm đền thờ bà. Ảnh chụp trước ngày 28/4/2021

Theo các nguồn khảo luận, thời nhà Trần (1226 - 1400), vua tôi nhà Trần đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của “binh lực” chốn đồng quê trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm và cả lực lượng quân dự bị khi cần thiết đã chủ động chọn lưu vực sông Hồng xây dựng hậu cứ vững mạnh của mình chủ yếu là ba lộ Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm (nay là các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, một phần huyện Vũ Thư và Thái Thụy) đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc là nơi dấy nghiệp nên luôn được triều đình nhà Trần tin cậy và hậu đãi.

Trong chuyến điền dã về làng Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, nhóm nghiên cứu chúng tôi may mắn được tiếp cận một văn bản Hán Nôm là thần tích đình Dương Xá, trong đó ghi chép về thái ấp của tướng quốc Trần Nhật Hiệu (hay còn gọi là Hạo), bản thần tích ghi: “Tướng quốc thu thuế nhẹ, nhân dân đều cảm phục, biết ơn”. Từ điều ghi trong bản thần tích này có thể suy luận rộng ra triều đình nhà Trần đã xác định hậu phương trọng yếu nơi có mộ tổ trên đất Long Hưng, triều đình cho các vương hầu, quý tộc lập điền trang, thái ấp ở khắp mọi nơi và coi trọng đội ngũ trí thức Long Hưng ban cho họ nhiều thực ấp. Theo kết quả điền dã, hiện toàn tỉnh có khoảng vài chục địa danh có lăng mộ và điền trang, thái ấp của các vương hầu, quý tộc nhà Trần trên đất ba lộ Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm (tên gọi thời nhà Trần). Tuy nhiên, quy mô các điền trang, thái ấp cũng “rất gọn gàng” và có thể nằm trong phạm vi từ một đến hai làng. Hầu hết các làng có lăng mộ và thái ấp của các vương hầu, quý tộc nhà Trần đều là làng (cổ) tồn tại từ thời nhà Lý sang thời Trần và có nhiều ruộng đất công sản của triều đình và đặc biệt là thường trấn ngự những vị trí trọng yếu.

Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) vốn là đất “quan hà triều Lý”, bên cạnh đó là các phủ, huyện như Kiến Xương, An Tiêm, Thái Bình, Thần Khê… là vùng đất trù mật, dân cư đông đúc, phong tục thuần hậu… Đến thời nhà Trần, vùng đất này và các làng mạc tiếp tục được khai khẩn, mở rộng ra nhờ kế sách “ngụ binh ư nông” của triều đình, thủy lợi được chú trọng, đê điều được đắp cao tạo điều kiện để dân chúng “dẫn thủy nhập điền”, phù sa của các con sông được dẫn vào đồng ruộng tăng độ phì nhiêu của đất đai góp phần làm nên những mùa vàng bội thu. Sử cũ chép: “Năm 1266 triều đình cho đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, phát triển nghề thủ công trưng dụng trí thức Long Hưng vào việc chấn hưng nông nghiệp khiến cho trình độ thâm canh lúa nước của dân các lộ, phủ phát triển tới đỉnh cao, thóc lúa dư thừa, dân no đủ, trở thành “chỗ dựa” vững chắc của nhà Trần”. Không những tăng cường khuyến nông, năm 1265, 1279 vua hai lần “đại xá thiên hạ”, cho phạm nhân trở về quê tăng gia sản xuất, giảm nhẹ thuế và miễn thuế cho dân chúng những năm mất mùa… Có thể kể ra một số điền trang, thái ấp tiêu biểu thời nhà Trần như: Điền trang của Trung Thành Vương ở Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà; của Trần Tự Khánh ở huyện Thần Khê, Cả Lũ (nay thuộc nhiều xã của huyện Đông Hưng); thái ấp của Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung ở làng Ngừ (nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà); thái ấp của Phụng Càn vương Trần Liễu ở A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ; thực ấp của Bảng nhãn Chu Rinh (chức Vận chánh sứ An Tiêm) nay thuộc thôn Nam Quán, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, từ đường còn bài vị ghi: “Thủy tổ Trần triều Bảng nhãn ngự sử Đô Đài Chu công vị”. Điền trang của Hưng Vũ hầu (Phò Mã triều Trần) ở Tô Xuyên nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ “đứng ra” khai khẩn cánh đồng Đa Bối (nay thuộc xã Duyên Phúc, huyện Thái Thụy) là ruộng vua Trần Thánh Tông ban cho anh em Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Siêu, Nguyễn Việt vào năm 1269. Thực ấp của ba anh em Vương Trang, Vương Duệ, Vương Dương ở làng Mỹ Xá, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ… Ngoài ra còn nhiều ruộng đất của các Hoàng hậu, công chúa nhà Trần như ruộng đất của công chúa Quỳnh Hoa ở làng Đặng Xá (nay là khu Đặng Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà); Bảo Anh phu nhân ở làng Phất Lộc (nay thuộc xã Thái Giang, huyện Thái Thụy và Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng); ruộng của Nguyệt Ảnh phu nhân, vợ vua Trần Anh Tông ở làng Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy; ruộng của bà Phương Dung, tỳ nữ của Huyền Trân Công chúa ở làng Dành, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ… Riêng đất đai thuộc Thái Đường, nơi đặt mộ tổ nhà Trần và là nơi xây lăng tẩm nhà Trần (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) được coi là ruộng “sơn lăng” và được giao cho dân nơi đây cày cấy không thu thuế để nhân dân có điều kiện chăm lo, hương hỏa lăng miếu nhà Trần. 

Theo các tài liệu khảo cứu, điền trang thái ấp của các vương hầu, quý tộc nhà Trần ở Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm đều thuộc về người có công lao với triều Trần và những nơi này có phủ đệ riêng, có cả quân lính phục dịch chỉ khi có lệnh của triều đình họ mới về kinh. Việc gắn bó với điền trang, thái ấp cũng là điều kiện để các bậc vương hầu, quý tộc nhà Trần sống gần dân, hiểu dân và có điều kiện thay mặt triều đình chăm lo, dạy dỗ dân chúng. Kế sách “ngụ binh ư nông” của nhà Trần phát huy tác dụng và những đội quân tinh nhuệ cũng được nuôi dưỡng từ những điền trang, thái ấp này “rồi” chính những điền trang, thái ấp này đã trở thành chỗ dựa về kinh tế, hùng binh của nhà Trần. Cũng theo các tài liệu còn lưu giữ được, nông dân và “nông nô” của những điền trang, thái ấp kể trên lúc đất nước yên ả, không giặc ngoại xâm thì họ là người tham gia lao động, sản xuất; khi đất nước lâm nguy, giặc dã, chiến chinh thì họ chí ít cũng là “hương binh”, cao hơn là lính trong đội quân “tinh cương”, một nguồn binh lực sung mãn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ non sông.

Nhà Trần đã ban cho các vương hầu, quý tộc, hoàng hậu, công chúa… của mình điền trang, thái ấp không những tạo ra của cải vật chất phục vụ triều đình mà còn tạo nguồn binh lực sẵn sàng phục vụ chiến đấu, đồng thời cũng ban cho họ có quyền chọn nơi an nghỉ vĩnh hằng, do đó họ luôn gắn bó với mảnh đất mà triều đình ban tặng. Cũng do được hưởng những ưu tiên hàng đầu về “cái ăn” nghĩa là có “công cụ” để làm ra lúa gạo nuôi sống con người, do vậy mà nhân dân ba lộ Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm đã dốc lòng phò tá nhà Trần. Vì thế, trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược, nhà Trần đã làm nên chiến công oanh liệt. Đổi lại, lúc “yên hàn” triều đình nhà Trần cũng thường có những hành động đối đãi “hậu hĩ” với dân chúng. Khi thắng trận, nhà Trần cũng không quên về Long Hưng nơi đặt mộ tổ và lăng miếu nhà Trần để làm lễ hiến tiệp, thăm viếng Chiêu Lăng ở Long Hưng…

Bà Phạm Thị Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận khu Đặng Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Khu Đặng Xá có hai di tích lịch sử nổi bật là đình Đặng Xá phối thờ tri thức Long Hưng quan Hộ quốc công thần Phạm Kính Ân có công lao dựng nghiệp nhà Trần và đền Quỳnh Hoa công chúa nhà Trần. Sắc phong còn lưu giữ ở đình Đặng Xá khẳng định điền trang, thái ấp của công chúa Quỳnh Hoa ở làng Đặng Xá, công chúa từ kinh thành phồn hoa về sống với dân, giúp dân có cuộc sống no đủ.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Trưởng khu Đặng Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Cách đây hơn một năm, có người ở bên Hưng Yên tìm về Đặng Xá xin được sao chép thần tích công chúa Quỳnh Hoa. Họ cho rằng công chúa Quỳnh Hoa được thờ ở đền Quỳnh Hoa công chúa là Thánh mẫu Quỳnh Hoa, tức công chúa Khúc Thị Ngọc con gái Khúc Thừa Dụ. Chúng tôi mong các cơ quan hữu quan nghiên cứu làm sáng tỏ đức độ, công lao của công chúa Quỳnh Hoa.

Cựu chiến binh Trần Huy Du, khu Đặng Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Đền thờ Quỳnh Hoa công chúa trước kia uy nghi, lộng lẫy tọa lạc trên diện tích đất khá rộng, tương truyền đây là thực ấp của bà. Khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ XX có một đoàn khảo cổ được bảo vệ chặt chẽ về đây khai quật ngôi mộ cổ sau đó đem tất cả những đồ khai quật được mang đi đâu không rõ.

Quang Viện

  • Từ khóa