Càn Bà Quốc Thái
Sử cũ chép: Lê Thánh Tông lên ngôi vua phong cho ông ngoại (Ngô Từ) là Duyên Ý Đại vương, mẹ Ngô Thị Ngọc Dao là Hoàng Thái hậu, minh oan cho Nguyễn Trãi, vời con cháu Nguyễn Trãi ra làm quan. Khi vua đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam, Hoàng Thái hậu về thăm mẹ (Đinh Thị Ngọc Kế) ở Sáo Đền (Song An, Vũ Thư), thăm viếng mồ mả tổ tiên bên ngoại và thăm mộ bà Sang ở Tây Đô. Trở về triều, bà yêu cầu vua ban sắc chỉ lập 2 đền thờ họ ngoại ở Sáo Đền (Song An, Vũ Thư) gọi là Đốc Hựu (Hổ) điện và ở Đô Kỳ (Đông Đô, Hưng Hà) gọi là Phúc Dụ điện. Vua Lê Thánh Tông chiều theo ý mẹ, giao cho công chúa Bảo Thanh lo góp tiền hương đăng hàng năm cho hai di tích này.
Thời Trần ở làng Đô Kỳ, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có chàng trai tên Đinh Thỉnh quê gốc châu Ái (nay là Thanh Hóa) văn hay chữ giỏi, vì quê nghèo loạn lạc đã phiêu dạt đến Đô Kỳ xin làm gia sư nhà họ Phạm vừa để kiếm sống vừa để đợi thời… Cũng ở làng ấy có người quả phụ tên Sang đến nhờ vả nhà họ Phạm vừa lo giúp việc vừa tá túc nuôi đứa con côi. Một hôm bà Sang đi cấy ở bãi đồng Ngày (nay thuộc Đa Phú, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà) thì trời bỗng nổi cơn giông gió. Giữa đồng không mông quạnh, bà Sang rét run người cố leo lên gò cao giữa đồng tránh mưa rét, bà bị trúng gió, cảm mạo phong hàn gục ngay giữa gò. Sáng hôm sau, nhà họ Phạm trong làng đi làm nhìn thấy bà Sang chết gục, chưa kịp hoàn hồn thì bỗng đâu đàn mối lớn kéo đến xông thành gò đất xốp, vùi kín thi thể bà Sang. Một thầy địa lý đi ngang qua nhìn thấy vậy chẳng những không hoảng sợ mà còn bình thản khen rằng: Tường vân bảo nguyệt, địa phát nữ tôn, kiếm ấn cư khôn, đại phát nữ tôn, nữ tằng vi hậu, nghĩa là: Mây lành ôm ấp vành trăng sáng, đây là ngôi mộ phát cho cháu gái, ấn kiếm được trao cho nữ nhân, cháu gái thành người hiển vinh còn chắt gái ắt thành hoàng hậu.
Nhà họ Phạm một phần tin vào lời phán của thầy phong thủy, phần thương đứa con côi cút của bà Sang liền nhận con gái bà Sang làm con nuôi và đặt tên là Phạm Thị Gái. Cô con gái nuôi nhà họ Phạm lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của nhà họ Phạm cùng dân làng Đô Kỳ và kỳ thay Gái càng lớn lại càng xinh. Được giáo dưỡng chu đáo, Gái xinh đẹp, nết na, đủ tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh. Đinh Thỉnh thấy người con gái nuôi họ Phạm đẹp người, đẹp nết nên đem lòng thầm yêu, trộm nhớ. Nhà họ Phạm biết chuyện liền se duyên cho đôi trai gái. Chẳng bao lâu họ sinh hạ được một bé trai, cả nhà họ Phạm mừng vui khôn xiết, Đinh Thỉnh đặt tên con là Đinh Lan, tự là Tôn Nhân, hàm ý biết ơn gia đình họ Phạm đã cưu mang và vun đắp hạnh phúc cho mình.
Theo tài liệu điền dã và sách “Vũ Thư văn hóa, sự tích” của tác giả Lê Xuân Quang thì cùng thời điểm bấy giờ tại làng An Lão, tổng An Lão, phủ Kiến Xương (nay là xã Song An, huyện Vũ Thư) có Trần tướng quân, cháu Thái úy Trần Nhật Duật sinh được quận vương tên là Trần Thị Ngọc Huy xứng dòng lá ngọc cành vàng, tướng quân thấy Đinh Lan khôi ngô, tuấn tú, võ lược song toàn, văn hay chữ tốt liền gọi đến gả quận chúa Ngọc Huy cho về làm vợ. Trong một lần về quê nội Thanh Hóa, hai bố con ông Đinh Thỉnh tìm đến nhà ông Lê Khoáng mưu cầu việc lớn và xin làm quản gia. Lúc ấy, Lê Lợi (con trai Lê Khoáng) dấy binh khởi nghĩa chống giặc Minh, thấy Đinh Lan khôi ngô tuấn tú, văn hay chữ tốt liền xin cha mình gả em gái Lê Thị Ngọc cho Đinh Lan. Đinh Lan và Lê Thị Ngọc sinh hạ được ba người con trai là Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt. Cả ba ông sau này trở thành “Tam quốc công thần” của nhà Lê. Đinh Lễ sinh ra Đinh Thị Ngọc Kế, khi Đinh Lễ tử trận, Đinh Thị Ngọc Kế được chú ruột là Đinh Liệt đem về nuôi dạy nên người. Quản gia họ Lê lúc bấy giờ là Ngô Từ thấy Đinh Thị Ngọc Kế xinh tựa ngọc, đức hạnh vẹn toàn liền đón về làm chính thất phu nhân. Quả nhiên, Đinh Thị Ngọc Kế có tài tề gia không kém gì các bậc tu mi, lại đắc lực giúp Ngô Từ quản cai đồn điền đại quân, tích trữ lương thảo, cung cấp binh lương cho vạn quân ở mọi chiến trường, do vậy Ngô Từ được phong chức Thái úy Chương Khánh Công Diên ý Dụ Vương còn bà Đinh Thị Ngọc Kế được phong Quốc Thái phu nhân.
Sau những cống hiến lớn lao cho cuộc kháng chiến chống quân Minh, Dụ Vương được Lê Thái Tổ trọng dụng, đưa vào kinh, Quốc Thái phu nhân đưa hai con gái là Ngô Thị Xuân, Ngô Thị Ngọc Dao và người em út là Đinh Công Thái về ngoại tổ ở làng An Lão để phụng dưỡng kế mẫu Trần Thị Ngọc Huy đồng thời trông nom ruộng đất thế tập của thân phụ Đinh Lễ. Các nguồn khảo luận cho biết, Quốc mẫu kế nghiệp họ Trần An Lão giúp dân dựng nhà, xây đình, bắc cầu, mở quán, coi người lân ấp như ruột thịt, lấy đạo tam tòng, tứ đức dạy bảo các con, lo cho Đinh Công Thái tầm sư, học đạo đến hiển đạt, lập nhiều võ công, trải nhiều chức tước quan trọng. Hai quận chúa đều thông tuệ, trọn vẹn tứ đức, Ngô Thị Ngọc Dao được vua Lê chọn làm cung phi đúng như lời truyền của thầy địa lý. Về sau, hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao sinh hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông) dù bị Thái hậu Ngọc Anh ám hại vẫn được triều thần tôn kính, sau loạn Nghi Dân, triều đình sai các quan đến tận cung rước hoàng tử Lê Tư Thành về kinh lên ngôi vua, trở thành vị vua anh minh nhất vương triều Lê. Con gái Quốc Thái được phong Quang Thục Hoàng Thái hậu, còn Quốc Thái Đinh Thị Ngọc Kế được triều đình liệt phong “ngang” trời đất: Càn Bà vương.
Quốc Thái phu nhân Càn Bà vương mất, vua Lê Thánh Tông sai người lấy đất Mão Diệc, thôn Kiều Thần, tổng An Lão, huyện Thư Trì (nay là thôn Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư) để xây lăng mộ. Xứ lăng ấy gọi là đất cấm. Năm 1496, Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mất, vua Lê Thánh Tông thân khâm liệm và làm chủ tế, lập đền lớn ở An Lão để cùng thờ Quốc Thái và Quốc mẫu. Bia đá tại đền thờ họ Đinh làng Y Đún (Đô Kỳ) chép: Đời Lê Trung Hưng, con cháu công thần họ Đinh là Đô chỉ huy đồng tri, quý hầu Lê Công Vinh (tức Đinh Thế Vinh) và Lê Công Nghị (tức Đinh Công Nghị) “Khâm sắc chỉ nhà vua phụng thờ Đốc Hổ điện, Thánh Mẫu, Hoàng Thái hậu các tôn vị cùng 4 lăng sở. Kính vâng mệnh vua chuẩn cấp tế điền ở xã An Lão, thổ trạch nội điện trong khu trồng cây… ruộng các nơi và thổ trạch nội điện… con cháu họ Đinh nhận cày cấy dùng vào việc tế lễ, hương hỏa 4 mùa, 8 tiết… thờ cúng theo đúng nghi lễ. Quốc Thái phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế được thờ ở hai đền miếu: “Đinh thế miếu” ở thôn An Lão, xã Song An, huyện Vũ Thư còn có tên gọi là Nha Quý, nay là thôn Quý Sơn (hiện là đền thờ Tam Quốc Công) và Đốc Hổ điện (còn gọi là Sáo Đền) phối thờ bà cùng với Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.
Gia phả họ Đinh (xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà) ghi: - Một đạo sắc của vua Lê Dụ Tông phong cho Đinh Lễ vào năm Vĩnh Thịnh 9 (1913), khen ngợi Đinh Lễ đã có công lao to lớn ngay từ buổi đầu dựng nghiệp nhà Lê từ hội thề Lũng Nhai, rồi xông pha trận mạc mà hy sinh, được Thái Tổ tặng đến chức Nhập nội Tư không, Bình chương quân quốc trọng sự Bân quốc công và phong làm phúc thần: Đại vương thượng đẳng thần làng Y Đún. - Một đạo sắc do vua Lê Duy Phường tặng cho Đinh Lễ, nhắc lại nội dung đạo sắc ở trên và thêm mỹ tự: Huy Nhu, Y Cung, Minh Doãn, Đốc Thực Đại vương. Năm Vĩnh Khánh 44 (1730). - Một đạo sắc do Lê Hiển Tông tặng cho Đinh Lễ vào năm Cảnh Hưng 44 (1783), nội dung nhắc lại các đạo sắc trước và thêm mỹ tự: Khoan Hậu, Chính Trực, Quảng Trạch Hồng Ân, Khuông Vận Tế Trị, Thạc Đức Hoằng Tài, Vĩ Vọng Đại vương. - Ba đạo sắc phong đồng thời do vua Nguyễn Khải Định tặng cho 3 ông họ Đinh: Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Phúc Diên (mỗi ông một đạo) vào Khải Định 9 (1924). Nội dung khẳng định việc phong tặng của các triều trước, nay nhân dịp đại lễ của nhà vua 40 tuổi ban sắc cho thần dân trăm họ biết, để ai nấy đều lo phận sự của mình. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh