Thứ 3, 23/07/2024, 07:31[GMT+7]

Thượng chí Sa Lung

Thứ 2, 07/06/2021 | 09:28:03
3,293 lượt xem
Thượng thư Lương Quý Chính (1825 - 1907), người làng Đông, xã Phú Khê, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Hưng Tứ Đông, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng), sinh trưởng trong gia đình nhà nho, được học hành, giáo dưỡng từ nhỏ nên sớm chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo.

Sông Sa Lung dài 40km chảy qua địa phận nhiều xã ở hai huyện Hưng Hà và Đông Hưng, đây là đoạn chảy qua địa phận xã Hồng Việt (Đông Hưng).

Ông đỗ cử nhân năm 1850, được triều đình Huế bổ dụng vào các chức Giáo thụ, Tri huyện, Tri phủ, sau được thăng chức Án sát, Bố chính, Khu Mật viện. Ông là tác giả của công trình thủy lợi nổi tiếng thời bấy giờ - sông Sa Lung, dòng sông mát lành như dòng sữa mẹ đem lại những mùa vàng bội thu.

Theo các tài liệu khảo cứu, sau khi được triều đình Huế bổ dụng, ở chức vị nào, Lương Quý Chính cũng cúc cung tận tụy vì triều đình và vì thương dân. Ông được mệnh danh là vị quan thanh liêm, chính trực, rất mực thương dân. Năm 1886, vua Đồng Khánh điều Lương Quý Chính về kinh thành Huế bổ dụng chức Thượng thư Bộ Hộ (lo việc sản xuất, thuế khóa). Cuối năm 1888, ông cùng “tam cung, tứ trụ” tôn lập hoàng tử thứ 7 của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi vua nhưng phải đến đầu năm 1889, Bửu Lân mới chính thức đăng quang ở điện Thái Hòa lấy hiệu là Thành Thái. Vua Thành Thái ân sủng Lương Quý Chính vì ý chí khảng khái, tận tụy và thương dân liền phong chức Khu Mật viện cho ông. Các nguồn sử liệu cho biết, vua Thành Thái là vị vua cấp tiến, mặc dù ông là người có tư tưởng chống Pháp nhưng ông lại chủ trương “không bài ngoại”, do vậy bên cạnh việc trau dồi chữ nho vua còn học thêm tiếng Pháp, khuyến khích các hoàng tử, công chúa cùng quần thần học chữ Pháp, đọc sách Pháp để du nhập kiến thức tiên tiến. Bằng chứng ông đặt mua “báo tây” để đọc. Khi thành thạo “tiếng tây” vua Thành Thái tìm kiếm các tài liệu nghiên cứu thiết bị kỹ thuật tiên tiến của phương Tây nhằm sản xuất vũ khí, tàu thuyền chiến…

Theo các nguồn khảo luận, để giúp việc học hành “chữ tây” được quy củ, năm 1896 (tức Thành Thái năm thứ 8) vua Thành Thái ban dụ giao cho Khu Mật viện (Viện Cơ mật) xem xét lập Trường Quốc học trong kinh thành để chuyên dạy chữ Pháp đồng thời với chữ Hán. Dụ rằng: “Việc học hành muốn mở mang tất phải luôn đổi mới, việc dạy dỗ muốn chuyên sâu tất phải lập trường. Học có rộng thì sau mới thông tuệ mà làm được việc, dạy có chuyên sâu thì sau mới tinh nghiệp mà thành tài. Nước ta từ Quốc Tử giám ở kinh cho đến các tỉnh, phủ, huyện không đâu không có học hành. Nho học thì đã tường nhưng tây học còn khiếm khuyết nhiều… Nay chuẩn cho phép mở trường học chữ tây gọi là Trường Quốc học để chuyên dạy nói chữ Pháp và dạy thêm chữ Hán. Chuẩn cho các học sinh tuổi từ 15 đến 20 phàm là công tử, tôn sinh, ấm tử con cháu các quan viên người nào đã thông chữ nho cùng sinh viên Quốc Tử giám và học sinh các trường tỉnh người nào tình nguyện nhập học dù tuổi quá 20 mà tư chất tuấn tú đều theo lệ chi học bổng cho đến học”. Cùng năm 1896, theo lời bàn của Khu Mật viện lại được sự ủng hộ của Khâm sứ đại thần Pháp, vua Thành Thái quyết định cho xây dựng 1 cây cầu sắt bắc qua sông Hương tại kinh thành Huế. Khu Mật viện bàn rằng: Dòng sông Hương trước mặt kinh thành là nơi quan lộ, nhân dân qua lại rất nhiều, xây dựng cây cầu sắt qua sông là rất tiện. Nay theo các lý lẽ bàn bạc nghĩ cũng là việc nên làm. Sau đó vua Thành Thái ban dụ: “Chính trị, nhân đức không gì quan trọng bằng gia ân cho dân, gần đây phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Khu Mật viện tâu nghĩ nên làm 1 chiếc cầu sắt để thông hành, duy việc liên quan đến phí tổn rất lớn, vì vậy nên tính toán trù biện thật kỹ…”. Năm 1899, cầu hoàn thành được đặt theo tên của nhà vua là cầu Thành Thái, sau này cầu nhiều lần được đổi tên và cuối cùng gọi là cầu Trường Tiền. Sau những việc làm đầy uy tín, vua Thành Thái nhận ra ở quan Khu Mật viện Lương Quý Chính có đồng quan điểm, tư tưởng thương dân, chống Pháp giống mình nên rất trân trọng quan. Có người đồng cảm, vua Thành Thái ngày càng bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao khiến người Pháp lo ngại tìm cách kìm hãm. Khâm sứ Pháp tại Trung kỳ Leveque phát hiện ra vua Thành Thái có ý định chống Pháp liền tìm cớ bắt ép vua thoái vị đồng thời ép đình thần và vua cho quan Khu Mật viện Lương Quý Chính từ quan về quê trí sĩ.

Biết tin Khu Mật viện triều đình Lương Quý Chính về quê trí sĩ, người học trò quý của ông là Phan Kế Toại đang làm Tri phủ Tiên Hưng liền “đón” thầy đến phủ, “nhờ” thầy vốn có nhiều kinh nghiệm lúc làm Thượng thư Bộ Hộ quy hoạch giúp hệ thống sông tưới, tiêu phục vụ nông nghiệp và trị thủy cho các huyện Bắc sông Trà Lý. Ông nhận lời và trực tiếp đi khảo sát, thiết kế và chỉ huy “thi công”. Dân chúng phủ Tiên Hưng tích cực tham gia đào sông, họ ý thức được tầm quan trọng của con sông với đời sống kinh tế là đường giao thông, là nguồn cung cấp nước tưới lúc khô hạn, là nơi tiêu nước mùa mưa lũ. Khảo sát thực địa, sông Sa Lung được khởi tạo từ nhánh chi lưu của sông Luộc mà thực chất là dòng Thái Sư bắt nguồn từ cửa Xuân Hải (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) chảy qua nhiều làng, xã của huyện Hưng Hà, Đông Hưng với chiều dài 40km rồi đổ ra sông Trà Lý. 

Theo các nhà nghiên cứu, sông Sa Lung là công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ giúp nông dân có thể canh tác hai vụ lúa. Sau khi hoàn thành sông Sa Lung và phát huy hiệu quả thủy lợi, Tổng đốc Thái Bình rất đỗi ngưỡng mộ Lương Quý Chính, đích thân ông này lại đến “cậy nhờ” Lương Quý Chính tham gia thiết kế sông Kiến Giang nối từ xã Hội Khê, huyện Thư Trì (nay là xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư) xuống Long Hầu (Tiền Hải nay) dài hơn 30km. Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Pierre Pásquie kiêm Phó Văn phòng Thống đốc Bắc Kỳ đã phải thừa nhận: “…Thái Bình bị bao quanh bởi các con sông có chế độ nước khác nhau, lại chưa rõ bình độ của các cánh đồng nên bất cứ một hành động nào hình như là liều lĩnh thiếu thận trọng. Với một mục đích tốt có thể dẫn đến mất trắng một diện tích lớn. Sau những cố gắng dài lâu và cần cù với sự giúp sức mạnh mẽ của những dân phu họ đã thiết lập được một mạng lưới dòng sông mà ta có thể đánh giá không quá lời là tuyệt vời”.

Cuộc đời Thượng thư Lương Quý Chính cũng “ba chìm, bảy nổi” từ lúc được triều đình Huế vời vào làm quan sống nơi kinh thành đô hội, gấm nhung lụa là cho đến lúc về trí sĩ, ông lại về chính căn nhà tranh vách đất của cha mẹ ông để lại ở làng Đông, xã Phú Khê sống quãng đời còn lại thanh bạch rồi dùng 10 lạng bạc do chính Thái hậu Từ Dũ ban cho xây dựng Mật Hòa Miếu. Thượng thư Lương Quý Chính tạ thế ở tuổi 82. Trước đó, ông đã dặn con cháu rằng khi ông “ra đi” thì đặt ông yên nghỉ tại khu bến Tắm bên dòng Sa Lung mà ông từng nặng lòng trăn trở, bên cánh đồng Dồi để linh hồn ông được hòa quyện với dòng nước mát lành Sa Lung và được gần lăng mộ thân mẫu ông là Nghiêm Từ Ngô Thị.

Trong chuyến điền dã về xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng tìm hiểu về dòng sông Sa Lung gắn với cuộc đời của quan Thượng thư Lương Quý Chính, nhóm nghiên cứu chúng tôi được các bậc cao niên cho biết, hàng năm 3 thôn làng Đông, Đoài, Tứ có lệ tổ chức rước tượng “cụ” Lương từ lăng về đình làng khai hội, hết hội lại rước “cụ” về lăng. Khu lăng mộ hiện nay nằm cạnh đường giao thông liên thôn, nối liền với cầu Đoài bắc qua sông Sa Lung. Từ đường Lương Quý Chính không cầu kỳ về họa tiết hoa văn nhưng trầm mặc, tòa bái đường 3 gian mái chảy, hồi văn 3 đấu, vì kèo kiểu chồng rường con nhị biến thể, 2 xà vượt, xà hạ, 3 cửa tiền, 3 cửa hậu thông thoáng, cửa không lắp cánh, gian chính có bức Đại tự đời Thành Thái thứ 9 “Lương Thượng Thư từ đường” và hai bức đại tự hai bên có khắc chữ: Tân Hưng Quan Miện và Tứ Triều Nguyên Lão.

Năm 1907, toàn quyền Đông Dương của Pháp là Pierre Pásquie kiêm Phó Văn phòng Thống đốc Bắc Kỳ sau khi thực địa trên dòng Sa Lung bằng thuyền máy đã viết trên báo Đông Dương như sau: “...Người (Lương Quý Chính) vẫn có mặt tại hội đồng hương chức và sẽ ngoạn thưởng cảnh mùa xuân trở lại. Người sẽ nghe nông dân ca ngợi, nhớ ơn người, mùa màng sẽ chắc ăn, không còn sợ thiên tai đe dọa nữa...”.

Quang Viện

  • Từ khóa