Thứ 7, 27/04/2024, 09:01[GMT+7]

“Vương bà” quán Miễu

Thứ 2, 28/06/2021 | 09:55:11
3,814 lượt xem
Truyền ngôn, Đại tướng quân Đàm Thì Phụng có thứ nữ là Đàm Chiêu Trinh bẩm sinh đã xinh đẹp, nết na. Tuy sinh ra trong một gia đình quyền cao, chức trọng nhưng Đàm Chiêu Trinh vẫn sống gắn bó với quê hương, “đồng cam cộng khổ” cùng dân ấp.

Cụm đình, chùa quán Miễu và lăng mộ An Hạ Đại vương, Vương bà Đàm Chiêu Trinh, thôn Tô Hiệu, xã Đông Quang (Đông Hưng).

Tương truyền, vua Lý Cao Tông có một tướng quân thân cận ở “sách” Động Nhuế (nay là xã Đông Quang, huyện Đông Hưng), làm quan triều Lý được phong tước hầu, bà hoàng hậu Đàm Thị đã gả em gái mình cho quan tước hầu. Phận “gái má hồng”, Chiêu Trinh “cúi đầu” chấp thuận “xa giá” về nhà chồng.

Chuyện kể rằng, vào thời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210) ở vùng nam Châu Đằng, tại ấp Mỹ Xá (nay là khu Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) có gia đình họ Đàm nổi tiếng một nhà quyền thế, cha là tướng quân Đàm Thì Phụng, con gái Đàm Thị là hoàng hậu của vua Lý Cao Tông, là mẹ của thái tử Lý Huệ Sảm. Sau khi “tiến cung” năm 1186 được Hoàng đế Lý Cao Tông “sơ phong” Đàm Thị làm An Toàn Nguyên phi. Tới năm Giáp Dần (1194), bà “hạ sinh” hoàng tử Lý Hạo Sảm. Năm 14 tuổi, Lý Hạo Sảm được phong làm Hoàng thái tử, nghĩa là “danh chính ngôn thuận” sẽ kế thừa ngôi báu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép Lý Huệ (Hạo) Sảm là trưởng tử, không có thêm ghi chép về hoàng huynh hay hoàng tỉ nào. Vì lẽ, có thái tử Sảm mà nguyên phi Đàm Thị bước lên “Bảo tọa trung cung” được tấn phong An Toàn Hoàng hậu. Các nguồn khảo luận khác cũng khẳng định, An Toàn Hoàng hậu Đàm Thị là “mẫu hậu” của Lý Huệ Tông, tức “nội tổ” mẫu của Lý Chiêu Hoàng và Thuận Thiên công chúa. Năm Thiên Tự Gia Khánh thứ 19 (1211), thái tử Sảm lên ngôi Hoàng đế, Đàm Thị thành Hoàng Thái hậu, em trai Đàm Thị là Đàm Dĩ Mông được phong chức Thái phó phụ chính, cuối đời được phong chức Thái Bảo.

Các nguồn khảo luận cho biết, cuối triều đại nhà Lý, đất nước lâm vào suy thoái, chính quyền trung ương bất lực, chính trị hỗn loạn, triều chính rối ren, thế nước nghiêng ngả nguy ngập, lúc ấy vua Cao Tông nhà Lý chẳng lo việc nước vẫn mải mê sa đọa, say đắm thanh sắc, ăn chơi xa xỉ, xây cung điện trăm nóc để thưởng ngoạn. Hơn nữa, khi ngôi vị đã vững, An toàn Hoàng hậu Đàm Thị cất nhắc người em trai Đàm Dĩ Mông (dân gian truyền rằng ông tướng này trước đó chỉ giữ chức “Hỏa đầu” thời Lý Anh Tông) trở thành “đại thần” nhà Lý. Vì có chị gái là vợ vua nên Đàm Dĩ Mông nắm giữ nhiều chức vụ trọng yếu của triều đình. Lúc này các quan lại triều đình nổi lòng tham đẩy dân khốn cùng lầm than, khổ cực mà việc nước thì vua lại phó mặc cho bọn ngoại thích lộng quyền. Vận nước suy vi, cả nước xảy ra nạn đói lớn, thảm thương nhất là vào các năm Tân Sửu (1181), Mậu Ngọ (1198), Đinh Mão (1207), Mậu Thìn (1208)... người chết đói đầy đường. Niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 6 năm Tân Mùi (1191), Lê Vãn nổi dậy ở Thanh Hóa chống triều đình. Niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 13 năm Mậu Ngọ (1198) bọn Hổ Đỗ, Ngô Công Lý nổi dậy ở Diễn Châu (Nghệ An)... Sử cũ ghi: Năm 1192, giáp Cổ Hoành thuộc Thanh Hóa theo Lê Vãn nổi dậy chống lại triều đình, Đàm Dĩ Mông được lệnh phát binh đánh Lê Vãn. Tới nơi, Dĩ Mông cho quân chặt cây cối quăng xuống sông ngăn chặn thuyền quân nổi dậy. Thuyền quân của Lê Vãn chỉ có thể di chuyển ngang dọc mà không thể xếp thành thế trận; thừa cơ, Đàm Dĩ Mông thúc quân đánh gấp, phá tan và bắt được chủ tướng Lê Vãn nhốt vào cũi đưa về Thăng Long trị tội. Tháng Chạp năm 1192, Hồ Điệp ở Diễn Châu nổi dậy chống lại triều đình, Đàm Dĩ Mông lại được cử đi dẹp, ông lại thắng trận, bắt sống được Hồ Điệp. Đầu năm 1194, thủ lĩnh châu Chân Đăng là Hà Lê nổi dậy, Đàm Dĩ Mông lại được cử cầm quân đi dẹp. Lần này Đàm Dĩ Mông cũng thắng và bắt được Hà Lê.

Nhà lý kiệt mệnh, Lý Huệ Tông chết, ngôi báu trong tay “yếu nhi” Lý Chiêu Hoàng, ngày 1 tháng 10 năm 1226, dưới “bàn tay” đạo diễn của Hoàng Thái hậu Trần Thị Dung, sự yểm trợ của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng phải tuyên bố “nhường” ngôi báu cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý mất với 215 năm trị vì thiên hạ. Cũng bởi “phận nữ nhi” nên Chiêu Hoàng không cam nổi việc nước mà đành nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Trần nối ngôi, quan tước hầu nhà Lý “ngả” theo nhà Trần và được nhà Trần tin dùng, trọng dụng. Bấy giờ, giặc Chiêm Thành quấy rối phía Nam, hầu tướng được vua Trần giao cho đi đánh giặc và cho trấn giữ vùng Nghệ An, lập công, hầu được phong là An Hạ vương. Vua Thái Tông rất quý An Hạ vương song vì hầu tướng tuổi đã “xế bóng” nên đành để An Hạ vương về quê trí sĩ, “ngậm ngùi” ban ấn chỉ cho hầu tướng thân cận bấy lâu nay của mình cùng phu nhân là Đàm Chiêu Trinh, vua lại ban cho hầu tướng thái ấp, điền trang ở quê nhà gọi là trang ấp Hà Nội (nay là thôn Tô Hiệu (làng Miễu), xã Đông Quang, huyện Đông Hưng). Theo các nguồn khảo luận, về quê ở trang ấp Hà Nội, ông bà hầu tướng An Hạ vương tổ chức cho dân nghèo đào sông, khơi nguồn đưa nước vào đồng cho dân cấy cày, nới lỏng tô thuế, phu liễm cho dân. Vương phi bỏ tiền ra xây chùa, mở chợ Nội để dân có điều kiện giao thương, buôn bán... Công ơn của hai ông bà An Hạ vương và Đàm Chiêu Trinh được nhân dân trang ấp Hà Nội và lân ấp kính trọng, họ gọi Đàm Chiêu Trinh bằng tên gọi thân mật “Vương bà”.

Đất nước thanh bình chẳng được bao lâu thì giặc Mông Cổ lại tràn sang xâm lược nước ta (1258), hưởng ứng hiệu triệu của vua Trần, An Hạ vương cùng Vương phi đã cho gia tướng của mình là Thanh Hà tuyển mộ dân binh đi đánh giặc. Chẳng may, gia tướng Thanh Hà tử trận, vua Trần thương xót sắc phong làm thành hoàng ấp Hà Nội. An Hạ vương và Vương phi lập đàn cầu siêu cho gia tướng cùng các binh sĩ theo gia tướng vì nghĩa lớn mà tử trận tại chùa. Một hôm, An Hạ vương và Vương phi đi chùa bỗng trời đổ cơn mưa xối xả, sấm chớp ầm trời, ông bà hóa thân về trời, hôm đó vào ngày 3 tháng 8 (nhuận) Mậu Thìn 1268, tương truyền An Hạ vương nghỉ trí sĩ hưởng thọ 90 tuổi. Vua Trần Thánh Tông vô cùng thương tiếc, truy phong tước An Hạ Đại vương, ban quốc tính họ Trần. Theo ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, khi biết tin An Hạ vương mất, vua Trần Thái Tông đã cử người về quê truy niệm và lo hậu sự, truyền chỉ sắc phong của vua cho An Hạ vương là An Hạ Đại vương, quốc tính là Trần An Hạ, đồng thời cho dựng bia đá ghi công muôn thuở. Một điều đáng lưu ý, do được ban quốc tính họ Trần nên hậu thế có người nhầm lẫn An Hạ Đại vương chính là Trần An Quốc, anh trai của Thống quốc, Thái sư Trần Thủ Độ. Còn “Vương bà” do có công lao giúp chồng là An Hạ Đại vương phò vua giúp nước lại có đức hạnh lớn lao nên vua sắc phong “Trinh Thục phu nhân”, vua còn chuẩn cho hai cỗ áo quan bằng gỗ tốt, cho phép mai táng tại nguyên quán trên gò đất Ninh Cường, cho dân lập lăng mộ thờ cúng, tự sở được dựng bia và sức cho dân cúng tế hàng năm.

Trước lăng mộ có câu đối, tương truyền do vua Trần Thánh Tông ban: “An Hạ hầu, An Hạ vương, công tích liệt oanh tồn quốc sử/Vi Vương phi, Vi hậu muội, phương danh ngật ngại tại thiên thu”. Dân gian truyền tụng một đôi câu đối khác do một cụ già là khách vãng lai đề tặng: “Cổ thượng lưu truyền vi hậu muội, vi vương phi vi nhất vương hiển thánh/Kim khả khảo chứng, hữu cát trang, hữu hoa thị, hữu bách thế gia thành”. Tạm dịch: “Xưa còn truyền lại bà là em hoàng hậu, vợ tước vương hiển thánh một phương. Nay xét thấy còn một trang trại, một chợ và một nếp sống đẹp”. Chợ ấy là chợ Nội, chợ vẫn còn họp đến ngày nay và thuộc địa phận xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng.

Tương truyền, lăng mộ An Hạ vương và Vương phi Đàm Chiêu Trinh rộng tới vài chục mẫu, cây mọc thành rừng, dân quen gọi là Miễu. Trong khu lăng mộ có tượng lực sĩ có sấu đá đứng chầu... Khu lăng mộ thời nhà Trần chỉ có người trông coi ra vào, những thế kỷ tiếp sau, dân cư nhiều nơi phiêu tán đến ở dần dần hình thành xóm (làng) Miễu. Dân nơi đây kính trọng An Hạ Đại vương và “đức” Vương bà Đàm Chiêu Trinh nên lập đền thờ. Rất tiếc khu lăng mộ đã bị tàn phá, chưa có điều kiện khôi phục lại.

Quang Viện


  • Từ khóa