Thứ 6, 19/04/2024, 15:24[GMT+7]

Tổ phái Trúc Lâm

Thứ 2, 12/07/2021 | 08:37:45
4,170 lượt xem
Vua Trần Thái Tông (1218 - 1277) chủ ý xây dựng giáo lý gọi là “Khóa hư lục” nhằm thống nhất ba thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường vốn đã có từ thời nhà Lý hợp nhất thành thiền phái Trúc Lâm. Về sau, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đã khai mở dòng thiền Trúc Lâm phát triển rực rỡ gọi là “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, trong đó có đóng góp to lớn của hai trí thức Long Hưng.

Chùa làng Lộng Khê, xã An Khê (Quỳnh Phụ).

Thời nhà Lý, Phật giáo đã phát triển, hình thành “tứ điện”, Phật giáo trở thành quốc giáo. Đến thời nhà Trần, sự hình thành giáo phái Trúc Lâm, một dòng thiền của Đại Việt đánh dấu một thời vàng son của Phật giáo nước nhà là một trong những thành tựu nổi bật về hệ tư tưởng và chính trị của triều đại phong kiến nhà Trần tạo ra một hệ ý thức độc lập, thống nhất. Sự hình thành giáo phái Trúc Lâm trải qua quá trình lâu dài trong lịch sử với bao biến đổi thăng trầm của xã hội, khẳng định một nền độc lập dân tộc, một quốc gia thống nhất, một nền văn minh Đại Việt.

Để có một quốc gia Đại Việt độc lập, dân tộc ta đã đổ không ít xương máu, xây dựng đất nước từ một “quân chủ” như Khúc Thừa Dụ đến Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn... nhưng phải đợi đến thời kỳ nhà Trần mà tình hình kinh tế - xã hội từ triều Lý về trước đã đặt nền móng phát triển, nay lại có một triều đại phong kiến hưng thịnh, phất cao ngọn cờ độc lập dân tộc đã tạo điều kiện cho chế độ phong kiến tập quyền với những thứ bậc “rạch ròi” được xây dựng với bộ máy nhà nước trung ương hùng mạnh. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chỉ có quốc gia Đại Việt với thể chế chính trị nhà nước phong kiến tập quyền mới đủ khả năng thực hiện được sự thống nhất quốc gia, mới xây dựng được các công trình lớn có ý nghĩa chiến lược của một quốc gia nông nghiệp, chăm lo, củng cố, mở rộng hệ thống thủy lợi và các công trình kiến trúc tầm cỡ. Trên cơ sở đó, nhà nước phong kiến tập quyền Đại Việt mới động viên, tổ chức được những cuộc chiến tranh giữ nước khi có nạn ngoại xâm xảy ra, đòi hỏi một sự hình thành những quan điểm, hệ thống lý luận về mặt chính trị, xã hội trong lĩnh vực tư tưởng để chỉ đạo thực tiễn. Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm không nằm ngoài những nhu cầu tất yếu đó.

Nhắc đến sự thành công của thiền phái Trúc Lâm người ta không quên nhắc đến Thiền sư Đỗ Đô và Đạo sĩ Phùng Tá Thang là hai trí thức Long Hưng (nay thuộc hai huyện Vũ Thư và Hưng Hà) đã có những đóng góp rất lớn vào sự hình thành của thiền phái Trúc Lâm với tư cách là những “tiền sư”. Thiền sư Đỗ Đô quê làng Lạng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, ông xuất thân trong một gia đình quý tộc lâu đời. 

Theo sách “An Nam chí lược” thì Đỗ Viện là Thái thú thời nhà Tống được nhà Tống cử sang cai quản Giao Chỉ sinh ra Đỗ Huệ Độ tiếp nối cũng làm đến chức Thứ sử đời Đường. Con cháu “các cụ” họ Đỗ làng Lạng ngày càng sinh sôi, đông đúc rồi chia nhánh phân tán đi các nơi. Có một đặc tính của họ Đỗ làng Lạng là con cháu “chi cành” đi đến vùng đất mới nào là tiến hành công cuộc khai hoang, lập ấp ngay đến đó và hòa nhập rất nhanh với cuộc sống của người dân bản địa. Đến triều Ngô, Đinh có Đỗ Cảnh Thạc và sứ quân Đỗ Đông Giang đã bị sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đánh bại trong “loạn 12 sứ quân”, theo sử cũ ghi lại thì Đỗ Thích, một thái giám triều Đinh đã bị luận tội “đầu độc” vua Đinh Tiên Hoàng. Thực hư “oan ức” thế nào trải bao đời cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời “đích đáng” quan thái giám Đỗ Thích có thật hay không và chuyện hãm hại vua Đinh do Đỗ Thích có thật hay do tị hiềm.

Theo các nguồn sử liệu, đến đời ông, bà, cha, mẹ thân sinh ra Đỗ Đô ở vùng Lạng tuy không còn “phú gia, địch quốc” như xưa nữa nhưng vẫn giữ được nếp “thi thư”. Trong dân gian vẫn còn nhiều chuyện kể về Thiền sư Đỗ Đô. Hồi nhỏ, Đỗ Đô theo học hương sư, do nhà nghèo, hết gạo, ông được mẹ “cử” sang hàng xóm vay gạo. Nhà hàng xóm cũng vào loại phú ông lại biết “nho nhe” Hán tự, thấy Đỗ Đô sang vay gạo, ông này ra điều kiện nếu đối được sẽ cho vay. Vế đối như sau: “Trong nhà để đỗ, ngoài sân phơi đỗ, anh vay đỗ, lão giao đỗ, thi vân: “Đãi đỗ bất diệc lạc hồ”. Không ngần ngừ, Đỗ Đô đối lại ngay: “Trên cây có hoa, dưới gốc vun hoa, ông vinh hoa, tôi thám hoa, cổ viết: “Trùng hoa thử chi vị dã”. Ông hàng xóm “cứng lưỡi” vì Đỗ Đô đối quá hoàn chỉnh lại tỏ rõ niềm lạc quan tin chắc tương lai của mình sẽ đỗ thám hoa, ông hàng xóm liền cười gượng rồi mang gạo cho Đỗ Đô mang về mà không có một điều kiện nào kèm theo. Có gạo nấu cháo qua ngày, thời điểm đó triều Lý mở khoa thi “Minh kính bác học”, 1 trong 6 khoa thi chọn nhân tài, Đỗ Đô ứng thí và đỗ Minh Kính bác học, lấy điểm tựa dự khoa thi “tam giáo” vào năm Hội Phong thứ 6 (1097) và khóa thi này Đỗ Đô đỗ loại ưu cùng với Nguyễn Úc, sau này là Thiền sư Viễn Thông.

Theo sử cũ, Phật giáo thời Lý rất thịnh, có nhiều giáo phái, tông phái như Phật giáo Ấn Độ, Trung Á, Đông Á và đặc biệt là thiền tông Trung Hoa du nhập vào nước ta. Do ảnh hưởng của “thời thế”, xã hội phong kiến triều Lý ngả sang chiều hướng Phật giáo là quốc đạo, sau khi đỗ loại ưu khoa thi tam giáo, Đỗ Đô đã soạn riêng cho triều Lý một giáo lý mang đậm màu sắc dân tộc Việt và lấy cảm hứng từ dòng chảy của sông Cái (sông Hồng) chảy qua trước mặt vùng Lạng mà đặt tên cho giáo phái của mình là “Hoàng Giang giáo phái” mà chủ đạo là thuyết “Tam giáo đồng nguyên” không “đạo thích” nhưng cốt lõi quan điểm của Đỗ Đô khác với quan điểm của người sáng lập thuyết “Tam giáo đồng nguyên” của Trung Hoa Liễu Tôn Nguyên đời nhà Đường là: người theo đạo Phật không phải là vô vị, xuất thế mà nhập thế như các ông Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt, Đại sư Ngô Chân Lưu, sư Vạn Hạnh... đã thực hiện. Không luyến thế, công thành thân thoái, không màng vinh hoa, phú quý đúng với tinh thần vô ngã, vị tha của đức Phật. Sự xuất thế tìm thấy ngay trong dòng nhập thế.

Thiền sư Đỗ Đô sống thọ trên 100 tuổi, qua 5 đời vua triều Lý... Trong đám tăng đồ phái Trúc Lâm truy tư công lao Đỗ Đô, suy tôn là bậc tiền sư, có đôi câu đối thờ Đỗ Đô: “Chiếm Bạch Liên khoa, Nhân thánh nhị tông suy thượng phụ/Dẫn Hoàng Giang phái, Trúc Lâm tam tổ nhận tiền sư” (tạm dịch: Đỗ khoa Bạch Liên, vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông suy tôn ông là bậc thượng phụ/Dẫn dắt phái Hoàng Giang, ba vị tam tổ Trúc Lâm nhận ông là người thầy đi trước). Cũng trong triều Lý, một đạo sĩ được triều đình trọng dụng đó là Phùng Tá Thang. Truyền rằng ông quê ở phủ Lý Nhân sau rời sang làng Mẽ (Mỹ Xá), nay thuộc thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà. Ông là thân phụ Phùng Tá Chu, tể tướng đầu tiên của triều Trần. Lớp học trò của Phùng Tá Thang truyền dạy về giáo lý Phật pháp có Trần Tự Khánh, Trần Liễu, Trần Cảnh (Trần Thái Tông), Tiêu Dao đại đức... Khi nhà Lý suy vi, nhà Trần tiếm ngôi, Trần Cảnh lên ngôi vua, mở đầu triều Trần đã phong Phùng Tá Thang là “Tả nhai đạo lục” một chức sắc cao nhất của đạo giáo. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 3 (1244) cho cha sinh Phùng Tá Chu là Phùng Tá Thang làm Tả nhai Đạo lục tước Tân long”. Theo sử cũ, lúc bấy giờ phàm các tước, vương, hầu bổ quan tăng đạo thì gọi là “Tả nhai” vì không được đứng vào hàng các quan trong triều. Cũng theo Toàn thư: “Tả nhai là phẩm hàm cao nhất trong ngạch tăng đạo không phải là người thông thạo về tôn giáo của mình thì không được dự vào, nay đem phong cho Tá Thang là lẽ ưu hậu lắm”.

"Sự thống nhất quan điểm về đạo giáo giữa Trần Thái Tông với Phùng Tá Thang được các sử gia đánh giá là “Niềm tin sắt đá”. Đây là bước chuẩn bị về lý luận, quan điểm, ý thức hệ cho giáo phái Trúc Lâm ra đời và sứ mệnh là thống nhất các tông phái, hệ phái Phật giáo ở nước ta thời điểm đó, mở ra một thời vàng son cho Phật giáo phát triển. Trước đó, triều Lý, vua Lý Thánh Tông cũng đã nhận thấy nhất thiết phải xây dựng một ý thức hệ Phật giáo mới mà cụ thể là giáo phái Thảo Đường nhưng không thành công, sau đó là thời kỳ suy thoái của nội bộ tăng đoàn ngày một thêm trầm trọng."


Quang Viện