Thứ 7, 23/11/2024, 03:47[GMT+7]

Tâm thức dòng sông

Thứ 2, 23/08/2021 | 08:48:24
4,064 lượt xem

Cửa Hải Thị (sông Luộc hay còn gọi là Nông Kỳ, nay thuộc Triều Dương, Tân Lễ, Hưng Hà) yết hầu kinh tế, chính trị của vùng đất “Quan Hà” triều Lý và nhiều triều đại về sau...

Từ ngàn xưa, câu thành ngữ: “Một trăm cửa bể phải nể cửa Vường, cửa Vường phải nhường cửa Cun (xã Thái Hà, huyện Thái Thụy)” đã ăn sâu vào tâm thức người dân quê lúa và nơi chia dòng Trừng Hoài chảy ra Vạn Yên bên sông Diêm Hộ. Từ đời Lê trở về trước, sông là huyết mạch giao thông, bến sông là “xa cảng”, lưu vực sông Cô (Quỳnh Phụ) có địa hình cực kỳ thuận lợi nơi sông Hóa, sông Đại Lẫm dẫn tới sông Luộc, rẽ sang Đông nối với sông Thái Bình, rẽ về Tây gặp sông Hồng, hai trục giao thông quan trọng bậc nhất của Đại Việt. Xuôi theo sông Hóa ra cửa Đại Bàng, xuôi theo sông Diêm Hộ ra cửa biển Hoa Diêm (Thái Thụy)...

Sách “Nam Châu đồng phả” gia phả dòng 2 Thượng thư họ Quách đời Hồng Đức cho biết: “Khi Quách Hữu Nghiêm đi sứ sang Minh, văn chương cái thế, ứng đối như thần, được khen là nhân tài đời Tam Đại của Trung Hoa, người Bắc muốn hại nhân tài nước ta, vua Minh hỏi: “Đường về quê khanh có sông nào sâu rộng”. Quách Hữu Nghiêm trả lời là sông Cun. Vua Minh tặng chiếc hộp bằng bạc, dặn về cửa Cun hãy mở ra xem. Khi về tới bến Thuyền Quan, mở hộp ra xem, không bệnh mà mất”. Phía Bắc sông Hoài có nhiều vàm cao ở các làng Văn Ông (Đông Vinh), Kỳ Trọng (Đông Hà), Cổ Hội (Đông Phong), Lịch Động (Đông Động) và triền cao Đông La, Đông Sơn, Đông Xá nối liền với Đông Cường, huyện Đông Hưng (thuộc lưu vực giáp sông Cô). Trên bản đồ địa chính hiện đại vẫn còn hơn 20 gò cao đều là khu mộ địa trên dưới 2.000 năm. Đống Tự (chùa Phất Lộc, Thái Thụy), Mả Ý, Mả Léc, Mả Lái, Mả Vời (Đông Hà), Đống Nhất... Đống Năm (Đông Động, Đông Hưng) đều là mộ gạch đầu Công nguyên. Các làng Vị Xuyên, Vị Thủy (Thái Dương), Phúc Khê Trung, Phúc Khê Tiền (Thái Phúc, Thái Thụy) đều thờ phúc thần thời Hùng Vương như Cao Đế, Cao Sơn, Quý Minh. Các làng Đồng Lang, Lương Đống (Đông Vinh) thờ Cao Phát, Cao Tuệ, Cao Tâm, Cao Đẩu, Cao Cơ, Cao Tình, Cao Dục các đệ tử của thần núi Tản Viên. Các làng Trừng Hoài, Vị Thủy, Đồng Tỉnh, Thượng Tầm (Thái Thụy)... đều thờ Nam Hải Đại vương, An Dương Vương... Truyền ngôn kể rằng: Đồng Lang là ruộng lộc của quan Lang, nơi quan Lang ở và dòng trưởng quan Lang ở là cửa Cun (Thái Phúc) và làng Cun (Thuyền Quan, Thái Hà). Nơi Lang Cun dựng nhà là Chiềng Hoài (Trừng Hoài), Lang Cun ăn lộc tại đó.

Cả dải đất nam sông Hoài nhiều làng thờ Hắc tôn thần. Quan Đại vương vì lặn lội mom sông, da đen như đồng đen, dân tôn kính gọi là Hắc Đại vương, hoặc Hắc tôn thần. Tuy không còn thần tích song đều có truyền thuyết. Vào đời Hùng Huy Vương, được vua sai về trấn cửa Lang Phố, Nha Xuyên mở đất, La Nga công chúa (Mỵ Châu) đã dạy dân cấy lúa, trồng dâu. Quá nửa phần dân thuộc 2 tổng Trừng (Chiềng) Hoài và Thượng Tầm đều thờ ông. Trừng Hoài (bao gồm 2 làng Trừng Đôi và Trừng Uyên), Lang Phố, Cun (Thuyền Quan), Cun (Vị Thủy), Động Xá, Đào Xá, Lại Xá, Phương Xá, Đông Động, Bì Động, Động Hối và 2 trung tâm giao lưu hàng hóa là kẻ Gọ (làng Cổ Hội, xã Đông Phong) và kẻ Gú (làng Cổ Dũng, xã Đông La), để 2.000 năm sau kẻ Gọ (Châu Giang) trở thành phủ lỵ phủ Thái Ninh và kẻ Gú thành ngoại biên huyện lỵ Đông Hưng.

Ngược lên phía Bắc là đất Tiên Bố (Quỳnh Côi) nơi có Kẻ Bái, Kẻ Ón dân đông, buôn bán sầm uất, áp mạn phía Tây là vùng cao: Sổ (Vọng Lỗ, An Vũ, Quỳnh Phụ), Vàng (Hoàng Xá, Đông Phương), Dù (Đông Kinh) có độ cao +1,5m với các thần gốc gác trước thiên niên kỷ, miễu Thân Thượng (Đông Cường, Đông Hưng), Miễu Sổ (An Vũ, Quỳnh Phụ) nay vẫn là những vườn rừng, rộng vài mẫu, cây cối um tùm. Giống như lịch sử vùng Thượng Hộ, Tuần Vường, hai bờ tả hữu sông Cô sớm phân rạch ròi hai dòng cư dân, dân sông nước và dân trồng trọt, dân sông nước có phần đông hơn. Hệ thống thờ Bát Hải long vương được phối thờ suốt từ An Quý xuống tận đò Vô Hối với Vua cha Bát Hải ở Đào Động, chín Long Vương hoàng tử được thờ ở Kẻ Ón (An Quý), Đào Động, Lãng (An Lễ), Cổ Tiết (An Vinh), Đồng Lệ (Đông Hải, Quỳnh Phụ), Vô Hối (Thụy Thanh). Ở làng Đại Điền (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ) thờ Đông Đài Bàng, Tây Đài Bàng. Các thần: Long Cung, Bình Giang, Hộ Vật, Đào Tiên, Cống Đôi, Đống Giang... Đất tổng Tiên Bố nay là các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Minh, An Thái, An Quý, An Ấp (Quỳnh Phụ), phía thượng nguồn án cửa sông Đại Lẫm, ngược phía Tây là đầu nguồn sông Luộc lối ra cửa Hải Thị (Triều Dương, Tân Lễ, Hưng Hà) yết hầu kinh tế, chính trị của nhiều thời đại. Chảy về Đông theo sông Cầu Xe là đường thủy thông sang hệ thống sông Thái Bình, chếch xuống Đông Nam là sông Hóa thông nguồn ra biển để tiếp nối với các ngư trường lớn như Văn Tràng, Vạn Niên, Vạn Xuân. Trục sông Đại Lẫm xuôi xuống Đào Động, xã An Lễ nối sang dòng sông Cô ôm lấy Tù Hương (sau đọc là Tò Hương, gồm các ấp Tô Xuyên, Tô Đàm, Tô Hồ (nay gồm các xã An Thanh, An Mỹ), dải phía Đông là Lộng Khê xưa gọi là làng Nhống), bấy giờ còn nhiều bờ bãi và Vạn Đường (An Khê) là bến cá dân chài hồi giữa thiên kỷ I trước Công nguyên. Chung quanh vùng tổng Tiên Bố, các xã An Khê, An Quý, An Đồng, Quỳnh Hoa, Quỳnh Nguyên đều có phúc thần thời Hùng Vương hoặc liên quan tới thời Hùng Vương như: Hồng Thức, Hùng Lược, Cao Sơn, Quý Minh, Cao Các, Nam Hải... với mật độ dầy, trùng khớp với dấu gốm Đường Cồ...

Theo các tài liệu khảo cứu, lớp cư dân trồng lúa đến các rẻo cao bao quanh vùng trũng sông Cô tuy tiếp cận sau dân chài nhưng đem theo nền văn minh Gò Mun - Đường Cồ tới đây, họ đã có rìu đồng, giáo đồng, mũi tên đồng, từ chỗ cùng cư dân sông nước hái lượm lúa trời Ô Cách, họ phát triển thành vựa lúa, tạo dựng nên cánh đồng ruộng nước Lạc Cổ, chiềng Nhuế (An Dục, An Mỹ), mở mang ven ngư trường sông Cô thành những kẻ chợ như Kẻ Ón, Kẻ Cô. Cư dân trồng trọt cũng tham gia tích cực vào việc đánh bắt hải sản dưới hình thức thả “chà”, nay còn cả địa danh làng Đó (Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ), làng Đăng (Thụy Văn, Thái Thụy), làng Chạch (Hòa Tiến, Hưng Hà). Thương lái đã xuất hiện, dân miền cao và trung du về các “kẻ” để bán nồi đất nung, chĩnh, chum, vại, công cụ đồ sắt, đồ đồng, mua lương thực, tôm, cá, muối. Đời sống người dân bản địa không văn minh bằng đời sống cư dân các trung tâm Phong Châu, Kẻ Loa song mức sống hẳn cao hơn các bộ khác. Các thần tích làng xã còn lưu giữ được đều nói các xá, động (trên địa bàn tỉnh ta) “Sơn thủy hữu tình, dân sống no đủ, phong tục thuần hậu”.

Theo dã sử, nhiều sự kiện như anh em Hùng Quyền, Hùng Thụ, Hùng Tuấn... khai hóa đất làng Đào (Đào Hoa Trang thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ); “Nam Bồ nguyên soái” giữ Thân Thượng... từng đợt, từng tốp nhỏ đã hòa vào dân đánh cá và đánh cá bán trồng trọt nên trong ký ức tâm linh và tín ngưỡng thì các vị thủy thần có vị thế lớn hơn là các sơn thần. Dân chài sông Cô thời ấy đã quy thuận Hùng Vương và khi giang sơn lâm nguy thì “thủy thần” (thực chất là ngư dân) đã cùng tham gia chiến đấu để giữ lấy biên cương Văn Lang - Âu Lạc.

Thuở hồng hoang, một số lớp dân cư đầu tiên từ miền trung du xuôi xuống hạ du thuộc địa phận tỉnh ta bị “đánh bật” trở lại núi rừng, họ tiếp tục cuộc sống du canh. Một số giàu nghị lực bám trụ sống chung với lũ của các con sông vừa tìm cách trồng cấy trên các đống, càn, cương, bái... ven các con sông đánh bắt thủy, hải sản bảo đảm cuộc sống và một số chuyển hẳn sang nghề đánh bắt thủy, hải sản. Họ phải thích nghi với môi trường sông nước trong đất liền và đối mặt với “bão lũ” vùng ven biển mà tồn tại. Nhờ những dòng sông mà có tôm cá vì thế sông nước vừa là “thủy tặc, thủy quái” mà cũng là ân nhân, sông nước bỗng hoá thành “thủy thần” nhập thế. Trên địa bàn tỉnh ta miếu “Long thần” nhiều hơn lầu “Thổ địa”, thần Hà Bá, Long Vương nhiều hơn thần núi và các đền đài tiêu biểu đều gắn với thủy long thần.

Quang Viện 

  • Từ khóa