Thứ 3, 23/07/2024, 07:34[GMT+7]

Càn cương phong bái

Thứ 2, 30/08/2021 | 10:07:20
3,191 lượt xem
Thời Tây Hán, trước Công nguyên, Lộ Bác Đức đưa quân vào xâm lược nước ta, thấy vùng đất cửa sông Giữa và sông Dài (sông Thái Bình và sông Hồng ngày nay) có nhiều gò, đống, càn, cương, bái, sơn, phong… nhân đó mà đặt tên là hương Đa Cương (hương có nhiều gò đống). Các địa danh có tên Cương, Bái, Đống, Sơn... đó là các “rẻo” đất cao.

Đình “Cây Trôi” xã Tự Tân, huyện Vũ Thư gắn liền với truyền thuyết Đỗ Phụng Trân, tướng tài thời Hùng Vương đã dùng vồ đập đất để đánh tan quân giặc.

Ví dụ như đất tổng Lập Bái (Hưng Hà), Bái Trang (Quỳnh Phụ), Phong Bái, Quài Bái (Thái Thụy), Bái Long Bối, Phong Lôi (Đông Hưng), Phong Xá (Quỳnh Phụ), Phong Lẫm, Hoành Sơn (Thái Thụy), Mễ Sơn (Vũ Thư), Tảo Sơn (Hưng Hà), Cao Cương, Tiến Cương (Thái Thụy)... đều cao hơn mực nước biển từ 2,2 - 2,5m và có đỉnh cao trên 3,5m. Đó là độ cao đã bị mưa gió 3.000 năm bào mòn...

Thái Bình nay vốn xa xưa đã được dòng sông Hồng, sông Trà ưu ái phù sa đôi bờ, nên hai triền sông từ xã Độc Lập xuống Hồng Minh, xuôi Chí Hòa (Hưng Hà), Bạch Đằng (Đông Hưng) sang Hiệp Hòa, Xuân Hòa, Việt Hùng đều đạt cốt cao (dương) 1,3 - 1,5m. Từ thời Lê trở về trước, ven cửa sông Trà bên tả ngạn vẫn thuộc về phủ Kiến Xương. Truyền ngôn và kết quả điền dã cho thấy dọc đôi bờ sông ken dày nhiều gò đống. Bờ Bắc có đồng Nấm (Đồng Lâm, Hồng Minh, Hưng Hà) xưa là rừng già, rồi càn Mã, càn Nấm và gần 100 gò đất dân quen gọi “bách nhạn quần cư” dày đặc tả ngạn sông Trà. Phía Nam vùng An Để một loạt đống cao như đống Quỳnh, đống Thư, đống Sớ, càn Ngô, gai Cao, vườn Sấm… Vùng Song Lãng có “ngũ mã địa linh”, phía Đồng Đại (Đồng Thanh) có “sơn thủy mã hồi”, “long hổ chầu bái”..., đó đều là các di chỉ trước hoặc sau Công nguyên từ 300 - 400 năm. Tại đống Sớ, vườn Sấm (An Để, Hiệp Hòa), Đồng Nấm (Hồng An), trong khi làm thủy lợi người dân vô tình đào được vỉa gạch gốm Đường Cồ niên đại sớm, cách ngày nay khoảng trên 2.000 năm.
Theo nguồn sử liệu và “thần phả” còn lưu lại chùa Bổng Điền, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư cho biết: “…một dải đất tìm thấy vào cuối thế kỷ thứ III trước Công nguyên, đất ấy dài và rộng từ “thượng chí Tuần Vường, hạ chí Mom Rô”. Đất ấy do dòng chảy của sông Cái (sông Hồng ngày nay) đã tạo nên, dân gian gọi là Bổng Điền. Thuở ấy, đất cồn lên như vồng sóng, lau sậy um tùm, thuồng luồng, ba ba dày đặc sông có cả hổ dữ tìm về. Tương truyền, ngày 15 tháng 8 năm Bính Tuất (năm 25 - 26) thế kỷ I, trên đất Bổng Điền có đôi vợ chồng nọ “sinh” một người con gái, mới lọt lòng mà trời đất tỏa ánh hào quang, cha mẹ đặt tên là Quế Hoa, năm 40 thành nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Thái Bình là vùng đất được bao bọc bởi ba mặt sông, một mặt biển nên địa văn hóa và địa lịch sử nằm gọn trong “trầm tích” đồng bằng Bắc Bộ. Trong sách “Văn hóa và cư dân vùng đồng bằng sông Hồng” ghi rõ: “Về kinh tế, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ là cư dân sống với nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần túy. Người nông dân Bắc Bộ là những cư dân “xa rừng nhạt biển”, nói cách khác nông dân đồng bằng Bắc Bộ chính là những người đắp đê lấn biển trồng lúa, làm muối và đánh cá ở ven biển. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người nông dân chưa có hình thức đánh cá quy mô lớn. Nghề khai thác hải sản không mấy phát triển. Các làng ven biển thực ra chỉ là các làng làm nông nghiệp có đánh cá và làm muối. Ngược lại, đồng bằng Bắc Bộ có nhiều sông ngòi nên người dân làm nghề chài lưới trọng việc khai thác thủy sản. Tận dụng ao, hồ, đầm để khai thác thủy sản là một phương cách được người nông dân chú trọng. Vùng đồng bằng Bắc Bộ  phát triển hệ thống đê điều cũng là để khai thác thủy sản “nhất trì, nhì viên, ba điền” nghĩa là nhất là ao nuôi cá, nhì làm vườn và ba làm ruộng. Dù sao, phương thức canh tác chính vẫn là trồng lúa nước. Để tận dụng thời gian nông nhàn, người nông dân đã làm thêm nghề thủ công. Người ta đã từng đếm được hàng trăm nghề thủ công, có một số làng phát triển thành chuyên nghiệp với những người thợ có tay nghề cao. Một số nghề đã rất phát triển, có lịch sử phát triển lâu đời như nghề gốm, nghề dệt, đúc đồng. Về xã hội, người nông dân đồng bằng Bắc Bộ sống quần tụ thành làng. Làng là đơn vị xã hội cơ sở của nông thôn Bắc Bộ, tế bào sống của xã hội người Việt. Tiến trình lịch sử đã khiến cho làng Việt Bắc Bộ là một tiểu xã hội trồng lúa nước, một xã hội của các tiểu nông”. Cũng theo sách này, bản đồ địa lịch sử của tỉnh ta được hình thành như sau: “Đất đai thuộc huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ và phần lớn đất đai thuộc các huyện Tiên Hưng, Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư), Thụy Anh (nay thuộc huyện Thái Thụy) có lịch sử từ 3.000 - 2.000 năm. Hầu hết đất đai các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thuỵ có lịch sử 2000 - 1000 năm; vùng Nam huyện Kiến Xương, Tiền Hải và một phần Thái Thụy nay có lịch sử từ 1.000 năm trở lại đây theo xu hướng muộn dần”.

Lớp cư dân nông nghiệp đầu tiên trên đất bãi sông Hồng ở tỉnh ta đã biết khai thác rừng Búng (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) làm lương thực. Làng Gạo (làng An Nghiệp, xã Hồng An, huyện Hưng Hà) người dân biết cấy lúa rất sớm trên cồn cao, được mệnh danh làng “Đống Gạo”. Tương truyền khoai lang được trồng từ thời Hùng Vương nên có làng “Nang” (Hồng Lý - Vũ Thư). Điểm tụ cư ban đầu của lớp cư dân trồng trọt có thể là các địa chỉ “Bản” - Thanh Bản (Vũ Thư), Cổ Sách (Cổ Trai), Thâm Động, Hồng Minh và các xá Bùi, xá Lại thuộc Song Lãng - Minh Lãng (Vũ Thư). Một vùng thiên nhiên lý tưởng có nguồn lương thực “trời ban” cho là vùng trung lưu giữa sông Trà và sông Hồng, khu vực này có cả rừng Búng, rừng Báng ở xã Tân Bình và Việt Hùng, huyện Vũ Thư (Từ điển Hán - Nôm và Từ điển tiếng Việt đều chú thích: Cây báng tên chữ là Quang Lang, thân cây có bột có thể dùng ăn thay cơm), loài cây này thuộc họ dừa, thân có lõi, lấy lõi thân cây này xào hoặc nấu với cá thành đặc sản hạng “cao lương mỹ vị”, còn khi đói không có gạo có thể lấy lõi cây đem giã nát, lọc lấy bột làm bánh, nấu cháo béo ngậy. Phong phú hơn là các làng Đào Động (An Lễ), Cách (Ô Cánh) huyện Quỳnh Phụ; Ô Mễ (xã Tân Phong, Vũ Thư) các bãi lầy đều có giống lúa trời tự mọc. Sách Quảng Chí của Quách Nghĩa Cung thời Tấn chép: “Ở phương Nam có lúa Hổ Trưởng, lúa Tử Mang, lúa Xích Khoáng (râu đỏ, gạo đỏ, người Việt gọi là dâu đen) Ô Cánh. Đó là giống lúa hoang dã, thân ngoi cao theo dòng nước lên mùa lũ, bông thưa, dễ rụng hạt, vỏ gạo đen”. Ngày nay một số làng Thái Bình ở “làn ngòi, ruộng trũng” dân vẫn còn cấy thứ lúa ấy gọi là lúa ngoi theo lũ, lúa ấy không năng suất nhưng gạo rất ngon, một số bà con nông dân vẫn cấy để nhớ lại một thuở hồng hoang... Truyền ngôn, giống “lúa ma, lúa trời” vùng Ô Cách, Ô Mễ có vỏ đỏ, cơm cứng nhưng nếu vào những dịp giông lũ, đói kém thì quả là cứu cánh cho dân sống trên sông nước trong những ngày neo đậu lại trên bờ bãi ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý… thuở sơ khai. Ở xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy người dân nơi đây từ xa xưa đã biết gieo sạ lúa ở vàn cao, còn vùng chiêm trũng vẫn cấy lúa “Dâu đen” thuộc họ Tử Mang, Xích Khoáng...

Giáo sư Vũ Khiêu đã viết về mảnh đất và con người Thái Bình thế này: “Con người Thái Bình đã sống, lao động và chiến đấu nhằm bảo vệ và cải tạo mảnh đất này khiến cho mảnh đất đã nổi lên như những thành quả rực rỡ của bao công sức, bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của con người. Từ mảnh đất con người Thái Bình chúng ta thấy toát lên một sức mạnh tinh thần vô giá của Thái Bình, sức mạnh đã hình thành và phát triển từ bao nhiêu thế kỷ. Đó là tình yêu thương vô hạn của con người Thái Bình đối với nhân dân ở địa phương và trong toàn quốc tạo nên những tình cảm yêu nước ngày một mãnh liệt và sâu sắc”.

Chuyện thử tài con rể của Quách Đình Bảo là “ảnh xạ” của phương pháp “Đao canh thuỷ chủng” hay còn gọi là “thuỷ nậu”, một phương thức làm nông nghiệp của người Thái Bình: Thượng thư Quách Đình Bảo muốn thử sức chàng rể Đinh Trinh, liền sai người nhà nấu 10 đấu gạo cơm đãi rồi sai đốn một bãi hoang ven sông Cun (xã Thái Phúc nay). Đinh Trinh ăn no, nằm ngủ gốc đa đầu làng, quá trưa tỉnh dậy, dùng dao phát sạch một khoảnh ruộng cỏ lầy, dùng chân dẫm nát, tôm cá chạy không kịp, chết nổi kín mặt nước rồi về gọi người nhà ra vớt cá, sạ lúa.


Quang Viện

  • Từ khóa