Thứ 7, 23/11/2024, 03:23[GMT+7]

Long thuỷ tối linh

Thứ 2, 13/09/2021 | 11:09:29
2,396 lượt xem
Lớp cư dân miền trung du tràn xuống tiếp cận với vùng châu thổ Nam sông Luộc trên địa bàn tỉnh ta đầu tiên là tộc Đãn (nay còn dấu tích địa danh dốc Đãn Chàng, thôn Đa Phú, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà) và những dân chài thuộc hệ Nam Á từ nhiều nơi đổ về vùng đất trù mật này. Theo các nguồn khảo luận, tộc Đãn rất giỏi đóng thuyền, chèo thuyền, đánh cá. Câu đối ở đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ nơi thờ vua cha Bát Hải Động Đình (tức Lạc Long Quân) ghi: “Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích/Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh”. Tạm dịch: Bốn nghìn năm nước gọi thượng thần, biển Bát rồng bay truyền tích lạ/Mười tám hiệu triều Hùng xuất thế, sông Đào hổ lược dậy danh thiêng.

Đền Buộm, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, nơi phối thờ Đông Nhung đại tướng quân và Hoàng Mế thân mẫu, cũng là địa danh cổ xưa của người Việt - Mường du lưu đến Thái Bình.

Thời xa xưa, phía Bắc tỉnh ta là hương Đa Cương, bắc huyện Vũ Thư là hương Mần Để, Đông Bắc tỉnh ta hương Thái Bình. Theo thần tích làng Đào Xá, tổng Đào Xá, huyện Phụ Dực (nay là thôn An Quý, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ) làng nằm kề cận sông Cô có ghi Hoa Lang, Hài Lang, Hoan Lang đều là tướng Hùng Vương, là hào trưởng đất này. Làng Đào Xá trực tiếp thờ Hùng Quyền, Hùng Thụ, Hùng Tuấn Chỉnh đều là hoàng thân về trị nhậm lưu vực sông Cô, cương vị ngang hàng một tù trưởng, đứng đầu một địa vực. Làng Thân Thượng (xã Đông Cường, huyện Đông Hưng) thờ Nam Bồ đại vương nghĩa là người “Bồ” trưởng, tù trưởng ở phương Nam. Sách “Bắc Kỳ trấn phủ huyện xã” ghi rõ thời Lê trở về trước vùng hạ lưu sông Cô có 2 trại, ấp có tên thể hiện rõ bề dày lịch sử đáng quan tâm đó là làng Lạc Cổ và Cổ Đẳng (nay Lạc Cổ thuộc xã An Dục, Cổ Đẳng thuộc xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ). Lạc Cổ và Cổ Đẳng còn có tên gọi khác là “Cô Cổ”. Sông Cô dài 60km chảy quanh co, khởi nguồn từ Nam khu vực thị trấn Quỳnh Côi, chảy xuôi xuống Bắc thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ hợp lưu với sông Diêm ở Vô Hối (Thụy Thanh), với sông Hóa Hệ (An Mỹ), ôm lấy Tò Hương (An Mỹ, An Thanh). Hai bờ tả, hữu sông Cô sớm phân rạch ròi hai dòng cư dân, dân sông nước và dân trồng trọt, hệ thống thờ Bát Hải long vương được phối thờ suốt từ làng Đào Xá, An Quý xuống tận đò Vô Hối, xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy với truyền thuyết Vua cha Bát Hải Động Đình ở Đào Động, An Lễ, Quỳnh Phụ với chín Long Vương hoàng tử được thờ ở Kẻ Ón (An Quý); Đào Động, Lãng (An Lễ), Cổ Tiết (An Vinh), Đồng Lệ (Đông Hải, Quỳnh Phụ), Vô Hối (Thụy Thanh). Ở làng Đại Điền (xã An Vũ) thờ Đông Đại Bàng và Tây Đại Bàng. Các thần: Long Cung, Bình Giang, Hộ Vật, Đào Tiên, Cống Đôi, Đống Giang... các thần được thờ tại các đền ven sông Cô hầu hết đều là thủy thần.

Các tài liệu khảo cổ thu được trên địa bàn tỉnh ta cho thấy lớp cư dân trồng lúa đến các rẻo cao bao quanh vùng trũng sông Cô tuy tiếp cận sau dân chài nhưng đem theo nền văn minh Gò Mun - Đường Cồ tới đây, họ đã có rìu đồng, giáo đồng, mũi tên đồng, từ chỗ cùng cư dân sông nước hái lượm lúa trời Ô Cách, họ phát triển thành vựa lúa, tạo dựng nên cánh đồng ruộng nước Lạc Cổ, chiềng Nhuế (xã An Dục, An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ), mở mang ven ngư trường sông Cô thành những kẻ chợ như kẻ Ón, kẻ Cô (nhiều tài liệu còn nhắc tới kẻ Sài, kẻ Neo) nhưng có khả năng kẻ Sài, kẻ Ón đều thuộc làng Lai Ổn, xã An Quý, Neo Cô thuộc làng Bất Nạo, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ được gọi với tên gọi khác nhau. Theo dã sử, dân trồng lúa ghi nhiều sự kiện như anh em Hùng Quyền, Hùng Thụ, Hùng Tuấn Chỉnh khai hóa đất làng Đào, Nam Bồ nguyên soái giữ Thân Thượng nhưng trên thực tế là đến sau, từng đợt, từng tốp nhỏ bị hòa vào dân đánh cá và đánh cá kiêm trồng lúa nên trong ký ức tâm linh và tín ngưỡng thì các vị thủy thần có vị thế lớn hơn là các sơn thần. Căn cứ các thần phả, thần tích các đền thờ ven sông Cô còn lưu truyền được cho biết dân chài sông Cô thời ấy vốn từ nhiều tộc khác nhau tràn về khai thác ngư trường và dải đất bãi bồi thâm canh lúa nước nhưng đều tôn thuận Hùng Vương và khi giang sơn của vua Hùng bị giặc đe dọa xâm lăng thì thủy thần (thực chất là ngư dân sông Cô) đã đoàn kết, hội tụ lại cùng tham gia chiến đấu để giữ lấy giang sơn Văn Lang - Âu Lạc.

Các nguồn sử liệu đều thống nhất cho thấy trên địa bàn tỉnh ta, một hệ thống sông, ngòi chằng chịt, phía Bắc từ sông Luộc xuống phía Nam, chia chi lưu thành nhiều nhánh sông như sông Hóa, sông Tiên Hưng, sông Diêm, sông Cô… Đáng chú ý vùng trũng ven sông Hóa từ xa xưa dân di cư tràn về khai thác thủy sản và lập thành làng như Lộng Khê, xã An Khê; Tô Xuyên, Tô Đàm, xã An Mỹ (huyện Quỳnh Phụ); Đăng Tràng, Trà Khê, Trà Hồi, Trà Linh (nay thuộc huyện Thái Thụy) là môi trường nước lợ có nhiều tôm, tép, cá, sò. Trong nội đồng có những bến sông chật cá mà đến nay còn địa danh làng Chiếp Đông, Chiếp Đoài (xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà) có ngữ nghĩa là cá Chép lại có cả làng Cá (Đông Huy, Đông Hưng), làng Mòi (cá Mòi, sau đọc chệch thành Môi, xã An Bài, nay là thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ), làng Chạch (xã Hòa Tiến, Hưng Hà), làng Cáp (“trai, hến”, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư và xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà). Nhu cầu mở rộng môi trường sống, tìm kế sinh nhai nên lớp lớp cư dân thời đại các vua Hùng đã từ vùng trung du, miền núi tràn xuống khai phá miền đồng bằng đem theo nền văn minh trồng lúa nương “gieo” nơi đồng bãi, sông bồi, trong đó dòng dân cư muộn hơn có số lượng đông đảo hơn (trước đó, dòng dân cư sớm tràn xuống đồng bằng, trong đó có địa phận Nam sông Luộc đã bị bật trở lại trung du do thiên tai nghiệt ngã), nhưng tới muộn hơn là cư dân Việt - Mường. 

Chính họ, lớp cư dân được thừa hưởng thành tựu nền văn minh đồ đồng thau của cư dân văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ), Quang Vinh (Hà Tây) sớm thúc đẩy việc làm giàu cho bộ Dương Tuyền và bộ Lục Hải hình thành hàng trăm động, xá ở tỉnh ta. Ngoài vùng trũng do các sông xoáy nước tạo nên, những vàn cao cổ xưa là “rừng”, có thể chỉ là rừng trên gò cao hạ lưu, người dân khai canh đã làm theo cách “đao canh hỏa chủng” nghĩa là phát rừng cây, đốt cỏ cây để làm rẫy. Dấu tích còn lại từ thời cổ xưa trên đất tỉnh ta còn lưu lại ở xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà vì xã này có làng Rẫy (nay là thôn An Nhân). Theo truyền ngôn dòng họ Hoàng nay còn ở nhiều làng quanh khu vực Tiên La (Hoàng đọc chệch từ Vàng, dòng họ thuộc tộc Việt - Mường cổ, dòng quan lang. Tổ tiên quốc mẫu Hoàng Thị Mầu là thân mẫu Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, nữ tướng của Hai Bà Trưng) được dân tôn là Mế, người đã khai thác đồng Mế (thôn Nham Lang, xã Tân Tiến) cho gia nhân làm rẫy.

Loại hình văn hóa phi vật thể, dã sử về phong tục, đời sống, tâm linh của cư dân Việt trên địa bàn tỉnh ta thuở xa xưa truyền ngôn lại qua sự tích các phúc thần có nguồn gốc từ thuở vua Hùng mở nước lại rất phong phú. Chung quanh vùng tổng Tiên Bố, các xã An Khê, An Quý, An Đồng, Quỳnh Hoa, Quỳnh Nguyên huyện Quỳnh Phụ đều có phúc thần thời Hùng Vương hoặc liên quan tới thời Hùng Vương như: Hồng Thức, Hùng Lược, Cao Sơn, Quý Minh, Cao Các, Nam Hải... với mật độ dầy, trùng khớp với dấu gốm Đường Cồ và sớm hơn. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh thì thần tích không hẳn là lịch sử; dã sử lại càng không phải là chính sử nhưng, giống như chuyện Lạc Long Quân “Vua Rồng” lấy tiên nữ Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng, nở trăm con thể hiện trăm họ dân tộc Việt và lần theo các truyền thuyết còn lưu giữ được trên địa bàn tỉnh ta mà ngành khảo cổ học đã phát hiện được hàng trăm di chỉ thời vua Hùng mở nước.

Quang Viện

  • Từ khóa