Thứ 3, 23/07/2024, 07:22[GMT+7]

Hàm Nhiêu tráng sĩ

Thứ 2, 20/09/2021 | 08:38:23
3,406 lượt xem
“Hàm Nhiêu” hay “Tráng sỹ Nông Kỳ” đều là danh tước được vua Hàm Nghi và các bậc sĩ phu Nam Định, Hưng Yên tấn phong cho cha con văn thân yêu nước Nguyễn Thành Thà (không rõ năm sinh - 1895), Đốc, Lãnh quê ở làng (Phan) Phươn Bổng, xã Đô Mỹ, tổng Y Đún, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng nay thuộc thôn Bổng Thôn, xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà. Cha con ông được nhắc đến trong câu đối: “Tích nhật Lục (Luộc) giang Pháp phí kinh hồn, Phươn Bổng anh hùng, Đốc, Lãnh dân xưng bất hủ/Kinh thiên Lô Đổng, Ngụy quân táng đởm, Nông Kỳ tráng sĩ, Nhiêu Nam đề tặng trường linh”. Dịch nghĩa: Ngày trước sông Luộc giặc Pháp kinh hồn, anh hùng Phan Bổng, Đốc Giới, Lãnh Mịch dân còn tôn mãi/Hôm nay Đồng Lau, Ngụy quân vỡ mật, tráng sĩ Nông Kỳ, Nhiêu Nam Vua tặng không mờ.

Cầu Bổng, thôn Bổng Thôn, xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, thời thuộc Pháp đây là bến đò Phiên, cánh đồng Lau, nơi thực dân Pháp chém đầu Lãnh Mịch.

Nông Kỳ là địa danh của một vùng đất cổ xưa do dân gian gọi tên vùng đất bờ nam sông Luộc, địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử và văn hóa đặc sắc, nơi hùng cứ của nữ tướng của Hai Bà Trưng chống quân đô hộ nhà Hán như Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương, nữ tướng Đinh Thị Tố, nữ tướng Cẩm Hoa, căn cứ quân sự của vua Tiền Lý (Lý Nam Đế), người anh hùng lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược nhà Lương; là nơi hùng cứ của sứ quân Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh. Lô Đổng là cánh đồng lau ở làng Phươn Bổng, nơi cha con văn thân yêu nước Nguyễn Thành Thà; Đốc, Lãnh “Cần Vương kháng Pháp” và bị thực dân Pháp sát hại bên dòng Tiên Hưng. Nông Kỳ cũng là tên gọi khác của sông Luộc và cũng là tên vùng đất cổ phía Nam sông Luộc, quê hương của Thiền sư Đinh La Quý thời nước ta còn thuộc nhà Đường; thực ấp của Lưu Ngữ thời nhà Đinh và sau này là đất của Nhị vị Thái phó Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Ba công thần triều Lý, kế tiếp là hương ấp của họ Trần ở Lưu Xá như Thượng hoàng Trần Thừa, Thái sư Trần Thủ Độ, Quốc mẫu Trần Thị Dung và là đất phát tích của vương triều Trần (Thái Đường, Tiến Đức, Hưng Hà), quê hương của Thái úy Hùng Quốc công Đinh Tôn Nhân thời nhà Lê...

Nhắc tới Nông Kỳ không thể không nhắc tới Lãnh Mịch, ông tên thật là Nguyễn Mịch, con trai thứ tư của văn thân yêu nước Nguyễn Thành Thà, Chánh quản tỉnh Hưng Yên. Theo các tài liệu khảo cứu, năm 1885 khi Nguyễn Thiện Thuật trở thành thủ lĩnh phong trào Cần Vương kháng Pháp trở về căn cứ Bãi Sậy (nay thuộc thành phố Hưng Yên) thay Đinh Gia Quế người tiền nhiệm lãnh đạo phong trào Cần Vương khu vực này tử trận giương cao ngọn cờ “Nam Đạo Cần Vương - Bình Tây phạt tội”. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thiện Thuật, phong trào Cần Vương kháng Pháp lan rộng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vua Hàm Nghi phong cho ông chức Bắc Kỳ hiệp thống quân vụ Đại thần. Nguyễn Mịch đã tìm về căn cứ Bãi Sậy đầu quân cho thủ lĩnh Cần Vương. Chánh quản Nguyễn Thành Thà cũng sai người con trai cả và thứ là Nguyễn Khả Lương, Nguyễn Sung sang hội quân cho Nguyễn Thiện Thuật. Đến năm 1885, quan Chánh quản Nguyễn Thành Thà lại cử tiếp người con trai thứ ba là Nguyễn Giới cùng về hội quân cho Nguyễn Thiện Thuật. Cả 4 người con trai của ông đều hội quân xây dựng căn cứ Bãi Sậy và tiến hành cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nhất tâm hưởng ứng phong trào Cần Vương kháng Pháp. Thời điểm bấy giờ, ở làng Hoàng Nông (nay thuộc xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Tốn (tự Bang Tốn) vốn là võ quan triều Nguyễn, bất mãn với triều đình đã bỏ quan về quê lập căn cứ chiến đấu chống thực dân Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Nhận thấy đây là lực lượng yểm trợ trọng yếu cho Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Thuật đã cử Nguyễn Mịch và người anh trai thứ ba Nguyễn Giới quay trở về Hoàng Nông, giúp Bang Tốn xây dựng phòng tuyến sông Luộc. Nguyễn Mịch được cử chỉ huy một đồn binh trong làng vạn chài sông Luộc, cách đồn Ứng Lôi của thực dân Pháp một đoạn, nghĩa quân của Nguyễn Mịch chủ yếu là dân vạn chài ven sông Hồng, sông Luộc, sông Tiên Hưng cùng các hương binh hai huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) và Thần Khê (Thái Bình nay). Đảm trách nhiệm vụ quan trọng, Nguyễn Mịch miệt mài luyện binh, chiêu tập binh sĩ, tích tụ lương thảo chuẩn bị lực lượng cho cuộc tiến công của nghĩa quân căn cứ Bãi Sậy chống thực dân Pháp. Ngoài ra, Nguyễn Mịch còn đảm nhiệm đầu mối liên lạc giữa trung tâm chỉ huy chiến lược Dạ Trạch (Hưng Yên) với phong trào “Cần Vương kháng Pháp” ở hai huyện Thần Khê và Duyên Hà (nay là Đông Hưng và Hưng Hà) bờ nam sông Luộc. 

Theo các nguồn sử liệu, để hỗ trợ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và căn cứ Dạ Trạch mỗi khi có cuộc hành quân của nghĩa quân Bãi Sậy vượt sông Luộc thì Nguyễn Mịch liền cho quân bao vây đồn Ứng Lôi ngăn không cho quân Pháp trong đồn ra ngoài. Theo kế hoạch này đã 2 lần Đốc Lãnh cho quân đốt trụi đồn Ứng Lôi khiến quân Pháp phải xua quân bỏ chạy. Do vị trí đồn Ứng Lôi đặc biệt quan trọng đối với đường giao thông thủy trên sông Luộc nên thực dân Pháp lại dồn quân chiếm giữ và xây dựng lại đồn lũy.

Do lập nhiều chiến công, thủ lĩnh phong trào Cần Vương phía Bắc Nguyễn Thiện Thuật đã tấn phong Nguyễn Mịch là Lãnh binh, quen gọi là Lãnh Mịch. Từ những chiến công mà Lãnh Mịch giành được trước quân Pháp đã thôi thúc Nguyễn Thiện Thuật chủ trương phát triển lực lượng nghĩa quân tại chỗ ở bờ Nam sông Luộc thuộc hai huyện Thần Khê và Duyên Hà, đặc biệt chú trọng phòng tuyến sông Luộc và đường rút quân dọc sông Tiên Hưng. Người anh Nguyễn Giới cũng được Nguyễn Thiện Thuật phong Đề Đốc, gọi là Đốc Giới. Hai anh em Đốc Giới, Lãnh Mịch cùng nhau về quê, làng Phươn Bổng bên dòng “cổ giang” Tiên Hưng xây dựng nhiều đồn luỹ chặn đứng nhiều đợt càn quét của quân Pháp từ Nam Định và đồn binh ở Vũ Tiên, Thư Trì kéo sang đồng thời kiểm soát đường tiến quân của quân Pháp từ phủ Thái Ninh, phủ Thái Bình chi viện lên sông Luộc rồi sang Hưng Yên và Hải Dương. Bị tấn công từ phía nghĩa quân của Nguyễn Mịch, Đốc Giới, quân Pháp thiệt hại khá nhiều, chúng cho quân tiến đánh nghĩa quân nhưng do thế trận lòng dân yêu nước lại có lợi thế sông ngòi hiểm yếu nên nghĩa quân của Đốc Giới, Lãnh Mịch tiếp tục làm quân Pháp thương vong. Không chặn được nghĩa quân, chỉ huy quân Pháp liền sai Việt gian Hoàng Cao Khải cho tay sai tìm cách dụ hàng Lãnh Mịch. Đáp trả, Lãnh Mịch và Đốc Giới chỉ huy nghĩa quân đánh du kích nhằm tiêu hao binh lực địch. Tiến đánh không được, dụ hàng không xong, chỉ huy quân Pháp khu vực đồng bằng Bắc Bộ tập trung quân, kéo đại bác từ thành Nam (Nam Định) và nhiều căn cứ khác dồn tổng lực về làng Phươn Bổng. Chúng nã đại bác, bao vây, xiết chặt làng Phươn Bổng. Do chênh lệch lực lượng lại thiếu lương thực, vũ khí, đạn dược, nghĩa quân của Lãnh Mịch, Đốc Giới cầm cự yếu dần. Quân Pháp nhận thấy nghĩa quân suy yếu đã tung quân tinh nhuệ vào làng, nghĩa quân chống cự không nổi, chỉ huy nghĩa quân là Lãnh Mịch và Đốc Giới bị địch bắt. Chúng tra tấn vô cũng dã man hai ông nhưng không khuất phục được ý chí hai vị chỉ huy, cuối cùng Đốc Giới bị thực dân Pháp giải về Căng Bo (thành phố Thái Bình nay) và bị hành quyết tại đây còn Lãnh Mịch bị giặc Pháp đem xử tử tại bến đò Phiên cạnh làng để uy hiếp tinh thần dân chúng. Làng Phương Bổng bị đốt phá tàn trụi.

Nhận tin chỉ huy nghĩa quân Lãnh Mịch, Đốc Giới và nhiều nghĩa quân của phong trào Cần Vương bờ Nam sông Luộc bị giặc Pháp giết hại, vua Hàm Nghi vô cùng thương xót, vua truy tặng hai anh em Lãnh Mịch, Đốc Giới hàm “Nhiêu”, một hàm tước cao quý của triều Nguyễn.

Triều Nguyễn, năm 1831, phủ Tiên Hưng vẫn thuộc tỉnh Hưng Yên. Tháng 3 năm 1890, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương (gọi tắt là Toàn quyền Đông Dương) ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bỏ cấp huyện, do vậy phủ Tiên Hưng có tổng mới là tổng Đô Kỳ, được chia tách từ tổng Y Đún. Tổng Đô Kỳ có 8 xã: An Lạp, Chí Linh, Đa Phú, Đồng Phú, Khánh Lai, Mậu Lâm, Phú Lãng Đông, Phú Lãng Hữu. Tổng Y Đún có 9 xã: Bổng Thôn, Duyên Trường, Đô Mỹ Kinh, Đô Mỹ Thịnh, Ngoại Thôn, Ninh Thôn, Nội Thôn, Y Đún Kinh.

Quang Viện