Thứ 7, 23/11/2024, 04:03[GMT+7]

Đồn binh Bài Cát Trang

Thứ 2, 04/10/2021 | 08:58:03
3,322 lượt xem
Tương truyền, Hoan Nương phu nhân ở trang Bài Cát (nay thuộc làng Chàng, thôn Phương Cúc, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng) mộng thấy có cây gỗ lớn trôi sông, Hoan Nương vớt đem về cho người lấy búa bổ thân cây làm đôi, khi thân cây vỡ bỗng thấy trong đó có hai đứa trẻ, bụng có đề chữ: Mộc Hoàn - Vương Vị. Tỉnh mộng, Hoan Nương phu nhân thấy người khác lạ, sau đó phu nhân hoài thai, 11 tháng mẫn kỳ sinh hạ một bọc đen, bọc nở ra hai đứa con trai khôi ngô, tuấn tú, tướng mạo “tam đình bình đẳng, ngũ nhạc triều thiên”. Thân quan và hai họ vui mừng cho là “hữu phúc trùng lai” đúng là máy Then (ý là Trời) ban cho bèn làm biểu tâu vua...

Một góc khu Chàng nơi đóng đồn binh của tướng công Lê Ngọ thời Tiền Lý chống giặc Lương, nay là làng Chàng, thôn Phương Cúc, xã Đông Dương (Đông Hưng).

Theo sử liệu, thời Hùng Duệ vương, triều vận cuối thế nước suy vong, Thục An Dương vương tiếm ngôi vương, giữ nước được 55 năm. Triệu Đà đem quân giao chiến với Thục An Dương vương, quân Thục cũng đến kỳ vận suy không chống đỡ nổi, An Dương vương bỏ thành chạy ra biển tự vẫn, đất nước về tay nhà Triệu. Triệu suy trước thế giặc phương bắc, nhà tiền Lý (Lý Nam Đế) lên ngôi trị vì, đóng đô tại đất Cổ Liêu, “trong” thì xây dựng Văn Đức, “ngoài” phòng bị biên cương dốc lòng giữ nước hưng thịnh, dân dã yên bình, thực đáng vua sáng tôi hiền.

Trong lúc vận nước long đong thì ở khu Đông Thành, xã Hương Cần, tổng Lương Khê, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, đạo Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hóa) có một cự gia họ Lê, huý là Ngọ Công, hiệu là Quốc Công, thân “trường” sáu thước, sức nặng trăm cân, võ nghệ tinh thông, giỏi Thái công binh pháp, sức mạnh địch cả trăm người. Gia thế Lê Ngọ 3 đời danh bảng vốn dòng trâm anh lệnh tộc, do vậy nhiều người tài cao thuật giỏi. Nghe tin xứ Hà Trung có nhân tài, vua liền sai sứ thần về tận quê triệu Lê Ngọ về triều. Lê Ngọ nhận chỉ nhà vua cùng 5 người thuộc hạ theo sứ về kinh làm lễ yết kiến. Vua thấy Lê Ngọ tướng mạo đường đường, cao lớn khác thường, râu dài một thước, mặt đỏ như mặt trời, từ ức đến chân lông mày dài một tấc vua thấy làm lạ mới hỏi han về tài hay thuật giỏi. Lê Ngọ cúi đầu bái tạ, tấu đối lưu loát, thông thiên văn, tường địa lý. Vua thấy vậy rất hài lòng liền sắc chỉ phong Lê Ngọ làm Đốc Lĩnh hầu, thăng nhiệm vụ chức quan phủ Tân Hưng.

Nhận lệnh bài vua ban, Đốc Lĩnh hầu xe ngựa về phủ Tân Hưng cùng gia nô thăm thú cảnh phủ. Nhân dân đón mừng Đốc Lĩnh hầu nơi thì múa trúc, thi thư phượng nhạc, oanh ca đủ thanh sắc màu, chỗ diễn tích tiên cô lão ngư buông câu trên mặt ngũ hồ, kia cảnh yên hàn vạn trượng trong lúc hoàng hôn mây bay khói tỏa lững lờ. Cảnh sắc phủ Tân Hưng làm mê hoặc tân Đốc Lĩnh hầu trong nửa gánh càn khôn, nước biếc, đồng xanh nơi Thánh nam, thần Bắc dập dìu... Xe ngựa đưa Đốc Lĩnh hầu trở về Bài Cát Trang, nhân dân nam phụ, lão, ấu tưng bừng ra đó quan còn mổ lợn đen làm lễ bái hạ quan phủ, quan phủ dừng xe trú lại. Lúc đó, có nhà họ Đỗ, huý Viên công, vợ là Trần Thị Hai tuổi ngoại tứ tuần, sinh được một gái đặt tên là Hoan Nương, tuổi trăng rằm, Hoan Nương nhan sắc “chim sa, cá lặn” khiến nhiều giai nhân đi ngang qua cũng không tránh được cảnh “đắm nguyệt say hoa” bởi Hoan Nương ngôn dung nhị hạnh, tứ đức vô hà. Thấy quan Đốc Lĩnh hầu tướng mạo uy dũng, vợ chồng họ Đỗ nhất quán cho Hoan Nương về làm hầu thiếp. Đốc Lĩnh hầu nể phục Đỗ gia liền sai người mang một hốt vàng tới nhà Đỗ công làm sính lễ. Quan phủ sai giai nhân cùng nhân dân trang Bài Cát xây dựng du cung hình đất chính ngôi, trước có dòng nước uốn quanh, sau có kim tinh dẫn mạch chầu về cung chính làm liên tục trong một tuần trăng thì hoàn thành. Quan phủ đón Hoan Nương phu nhân về du cung.

Ba tháng sau, quan phủ lại được triều đình ban chức làm “Thống lĩnh tiền quân thăng nhậm đạo Sơn - Tây”, muôn dân mừng vui, đàn ca sáo nhị tưng bừng lối ngõ. Nơi du cung, Hoan Nương phu nhân sinh hạ hai nam tử, tướng mạo lạ kỳ, vua nhận tin thấy lạ liền lệnh trấn quan đưa phu nhân và hai hài nhi về phụng thị. Trấn quan phụng mệnh vua, lập tức đưa hai hài nhi về tâu vua, nhà vua ngắm nhìn hai hài nhi đúng như lời của trấn quan tấu trước đó liền phái văn võ bá quan: Hai con trai của trấn quan sau này ắt văn võ kiêm toàn, con nhà dòng dõi có tài hộ quốc, tế thế an dân. Phán xong, vua ban cho 30 hốt vàng để Hoan Nương phu nhân nuôi dưỡng hai hài nhi. Vua còn đích thân đặt tước tên cho hai hài nhi, một là Mộc Hoàng hầu, một là Vương Vị hầu.

Được nhà vua ân sủng, ban phước lộc, Hoan Nương phu nhân dốc tâm sức nuôi dạy hai hài nhi khôn lớn. Thấm thoắt thoi đưa Mộc Hoàng hầu và Vương Vị hầu lớn khôn, cùng theo học với hai anh con đệ nhất phu nhân là Lê Điện, Lê Á. Bốn anh em họ Lê đều tinh thông võ nghệ, thơ phú sáo trường loại nào cũng giỏi, thừa hưởng tài đức của quan cha trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đọc thiên kinh vạn quyển, thấu suốt cung tường Khổng Mạnh, bốn khóa tam truyện không nhường thao lược Tôn Ngô. Đúng thời điểm nhà vua mở khoa thi chọn người tài giúp nước, anh tài trong thiên hạ một lần nghe chiếu nhà vua nô nức về kinh ứng thí. Bốn anh em họ Lê ở Bài Cát Trang cùng bái tự gia đường, cầu đảo trời đất ứng nghiệm phù hộ cho về kinh ứng thí thành đạt. Vào đến kinh thành, bốn anh em họ Lê cúi đầu bái tự nhà vua. Vào thi, bốn anh em họ Lê trổ tài võ nghệ mà hổ báo nghe tiếng gió cũng khiếp vía kinh hồn, thi văn nét chữ như rồng bay phượng múa, ngôn từ tâu đối như lưu, muôn vật thông suốt. Ngự chấm thi, vua cho bốn anh em họ Lê là bậc danh tài nhất hạng trong toàn thiên hạ, phong cho làm Hào quan lưu lại giúp việc trong triều đình.

Đất nước thanh bình khoảng gần một thập kỷ (khoảng những năm 530 - 550), nước nhà có giặc Lương sang xâm lược, chúng kéo 6 vạn quân tinh binh, 500 chiến thuyền, một nghìn cỗ ngựa, cờ xí rợp trời ầm ầm tiến quân đến đạo kinh Bắc, Quảng Yên (Quảng Ninh nay), vào Lộ Đông (Hải Dương nay) ra sức cướp bóc của cải của nhân dân, chiếm đất lập đồn luỹ. Quan quân đạo kinh Bắc chống đỡ không nổi, quân sĩ tử trận nhiều quá nửa, giặc đông quân tấn công mạnh, tin cấp báo về kinh thành, vua liền triều văn võ bá quan bàn bạc chống đỡ. Bá quan văn võ hầu hết bàn lùi, chấp nhận thua giặc chỉ có 5 cha con Lê Ngọ là không khuất phục, xin nhà vua cho lãnh quân đến nghênh chiến với kẻ thù. Vua đồng ý cho tướng quân Lê Ngọ cùng 4 con trai tuyển mộ binh gồm 4 vạn hùng binh, 300 thuyền chiến, 10 viên tướng chỉ huy. Vua cả mừng liền phong cho Ngọ Công chức Đô Thiện nguyên soái đại tướng quân, Lê Điện là Tả đạo binh nhung tướng quân, Á Thánh làm hữu đạo binh nhung tướng quân, Mộc Hoàn là tiền đạo thông quảng nhị quân thuỷ bộ tướng quân, Vương Vị làm hậu đạo đốc vận lương thuyền tướng quân.

Trải 5 tháng với 30 trận huyết chiến, quân Lương thua trận, binh mã tiêu hao quá nửa hè nhau bỏ chạy, bọn tàn binh ùn nhau xuống cửa Cun (nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy) hòng chạy ra biển thoát thân đến nỗi nước sông không chảy được. (Tồn dư đảng giai nhập Côn Giang thuỷ, thuỷ bất năng lưu - Nguyên bản chữ Hán bi ký Ngọc phả miếu Chàng, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng). Trong trận huyết chiến với quân Lương, Ngọ Công trúng tên độc, quân sĩ đưa tướng công về đồn Bài Cát Trang, huyện Thanh Lan (nay là làng Chàng, thôn Phương Cúc, xã Đông Dương) phục thuốc nhưng không qua được. Ngọ Công trút hơi thở ở nơi này.

"Nhận tin tướng công Lê Ngọ tử trận, vua đau xót ban hoàng kim cùng lụa là gấm vóc, sai sứ thần đem về Bài Cát Trang an táng tướng quân. Bốn tướng con nhất cầu xin nhà vua cho xây ngôi miếu ở Bài Cát Trang phụng đề huý tự, huý hiệu Ngọ Quốc Công đại vương. Bốn tướng công con ở lại chịu tang giữ lăng ấp mộ cùng nhân dân Bài Cát trong ba năm phụng thờ, tận báo đức cù lao tướng công."

Quang Viện