Thứ 7, 23/11/2024, 03:49[GMT+7]

Tiền địa kháng Lương

Thứ 2, 11/10/2021 | 08:44:28
3,131 lượt xem
Các nguồn sử liệu cho rằng, từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 - 43) đến cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (542 - 545) và sau đó là Mai Thúc Loan, Phùng Hưng... đều phải tấn công vào sào huyệt của quân giặc ở các quận trị, các châu ngay trên đất quê hương mình. Đại bản doanh đóng quân của quân địch thường đắp thành cao, đào hào sâu, tổ chức tuần phòng nghiêm ngặt và đặc biệt là đội quân tinh nhuệ đông đến hàng vạn quân. Muốn đánh tan đồn binh của địch, nghĩa quân của ta phải có nhiều vũ khí (tên, cung, nỏ, hỏa lực) rất mạnh và số lượng quân binh cũng phải đông...

Sa Cát thuộc phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, địa danh cổ gắn với vùng đất Cát Hộ, Bài Cát Trang là nơi Lý Bí dựng xây cửu đồn chống giặc Lương thế kỷ VI.

Cuộc chiến đấu đánh quân xâm lược ngay trên đất của tổ tiên mình vô cùng ác liệt, công cuộc kháng chiến có thể kéo dài hàng chục năm, do vậy các bậc anh hùng hào kiệt chỉ ra rằng, muốn đánh tan quân giặc cần phải có nơi sản xuất lương thảo, nơi cất trữ lương thảo, nơi sản xuất và cất giấu vũ khí đồng thời địa hình cất trữ phải thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí, lương thảo ra mặt trận. Lý Bí (503 - 548) đã xác định rõ những yếu tố hợp thành cuộc khởi nghĩa nên đã chọn vùng đất ba mặt sông, một mặt biển để xây dựng căn cứ khởi nghĩa, vùng đất đó nay thuộc địa phận tỉnh ta. Sử cũ ghi: Lý Bí bỏ quan về hương Thái Bình tụ tập hiền tài dấy binh khởi nghĩa.

Quá trình thực hành điền dã các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy… nhóm nghiên cứu chúng tôi thu nhận nhiều dấu tích của cuộc khởi nghĩa chống giặc Lương thế kỷ VI, sau khi đối chiếu với các cứ liệu lịch sử còn sót lại ở các cửa sông, cửa biển và đền, miếu cổ có liên quan đến Lý Nam Đế (Lý Bí) có thể khẳng định vùng đất An Để (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) và Bài Cát Trang bên dòng Bạch Lãng hay còn gọi là sông Trà Lý (nay thuộc khu vực phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), Đông Dương, Đông Quang, Đông Xuân (Đông Hưng)… là nơi Lý Bí chọn xây dựng căn cứ quân sự cho cuộc khởi nghĩa đồng thời cũng là vùng đất trù mật, dân cư đông đúc vừa cung cấp lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân chiến đấu lâu dài. Thời Lạc Long Quân và Âu Cơ nước Văn Lang có 15 bộ, thực ra là 15 thị tộc, bộ lạc khác nhau, hoặc là cùng huyết thống, hoặc cùng cư trú theo địa bàn, vì yêu cầu trị thủy và hợp sức giúp nhau chống kẻ thù từ xa tới chiếm đất, cướp người, cướp của, họ nương tựa vào nhau. Hùng Vương là thủ lĩnh Văn Lang “có nhiều phép thuật” được tôn làm vua chung của 15 bộ, làm chủ một dải gấm vóc. Đất đai tỉnh ta khi ấy nằm ở phía Bắc cùng Hải Dương, Hưng Yên thuộc bộ Dương Tuyền. Vùng ven biển gắn với Nam Định thuộc bộ Lục Hải. Lớp cư dân tiếp cận với vùng châu thổ Nam sông Luộc đầu tiên là tộc Đãn, tộc Xá, Thượng, Tày, Mường… và những dân chài thuộc hệ Nam á, họ giỏi đóng thuyền, chèo thuyền, đánh cá. Bờ bãi Thái Bình hồi ấy còn thưa vắng, rừng ven biển cung cấp củi lửa. Thượng nguồn sông Trà, sông Cô, sông Tiên Hưng đầy nước ngọt. Ngoài khơi có đủ các loài chim, thú, mực, đé, ba ba như ngày nay nhưng mật độ dày đặc hơn nhiều. Vùng trũng ven sông Hóa như Lộng Khê, Tô Xuyên, Tô Đàm (Quỳnh Phụ), Đăng Tràng, Trà Khê, Trà Hồi, Trà Linh (Thái Thụy) là môi trường nước lợ có nhiều tôm, tép, cá, sò. Trong nội đồng có những bến sông chật cá mà đến nay còn địa danh làng Chiếp Đông, Chiếp Đoài (xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà)… Một vùng thiên nhiên lý tưởng có nguồn lương thực “trời ban” cho là vùng trung lưu giữa sông Trà Lý và sông Hồng, khu vực này có cả rừng Búng, rừng Báng ở xã Tân Bình và Việt Hùng, huyện Vũ Thư, loài cây này thuộc họ dừa, thân có lõi, lấy lõi thân cây này xào hoặc nấu với cá thành đặc sản hạng “cao lương mỹ vị”, còn khi đói không có gạo có thể lấy lõi cây đem giã nát, lọc lấy bột làm bánh, nấu cháo béo ngậy. Phong phú hơn là các làng Đào Động (An Lễ), Cách (Ô Cánh) huyện Quỳnh Phụ; Ô Mễ (xã Tân Phong, Vũ Thư) các bãi lầy đều có giống lúa trời. Ở xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy người dân nơi đây từ xa xưa đã biết gieo sạ lúa ở vàn cao, còn vùng chiêm trũng vẫn cấy lúa “râu đen” thuộc họ Tử Mang, Xích Khoáng... Nghề trồng lúa nước “bén duyên” mảnh đất “ven bờ cuối bãi” cho những mùa vàng bội thu, người từ miền núi, trung du tràn xuống “hòa trộn” với dân chài ven biển hình thành dân châu thổ. Do dân số ngày một đông nên những nhóm người tụ tập với nhau tạo nên làng, xã. Mô hình làng, xã phát triển khá nhanh trở thành tế bào quan trọng của xã hội. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì bối cảnh của sự biến đổi từ nhóm người du canh hòa trộn dân vạn chài (thủy cơ) đến trước (trước Công nguyên) cho đến thời kỳ sau Công nguyên, tỉnh ta từ vùng đất hoang vu, lầy lội đã trở thành nơi tụ cư đông đúc, ruộng vườn trù phú, kinh tế nông nghiệp phát triển. Với ưu thế của vùng đất ven sông, ven biển với hệ thống sông, ngòi chằng chịt, lau lác um tùm là nơi thuận tiện ẩn giấu, gây dựng lực lượng của nhiều thủ lĩnh nổi dậy chống nhà Hán (Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục quê gốc trang Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) sinh và lớn lên ở Tiên La, bà đã coi đây là quê hương của mình. Bà có ba thuộc tướng là Chiên Nương, Nguyễn Hồng và Nguyễn Tuyền, quê gốc ở Ứng Hòa, Hà Nội buổi đầu dấy binh chống nhà Hán, bị đánh bại đã chạy về Thái Bình nương náu, sau gia nhập đội quân của Bát Nàn). Đến thế kỷ VI, tất cả những yếu tố kinh tế, chính trị và quân sự đã tạo nên cấu trúc quan trọng của làng, xã và đó là nơi để Lý Bí cũng như các thủ lĩnh khác xây dựng đồn luỹ chống giặc ngoại xâm. Theo sử chép, Lý Bí là người văn võ toàn tài, những năm tháng ông cùng nghĩa quân sống trên đất Thái Bình, ông đã hiểu lợi thế kinh tế, chính trị của vùng đất “ba mặt sông, một mặt biển” này và từng bước nhen nhóm gây dựng lực lượng đầu tiên cho cuộc khởi nghĩa.

Tương truyền, thời nhà Đinh, cửa Kỳ Bố có bến Cát Hộ (nay thuộc phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) vốn là cửa sông, cửa biển nên có nhiều xoáy nước, nguy hiểm đến tính mạng con người, dân gian truyền tụng nhau nơi đây có loài Giao Long thường xuyên xuất hiện nhấn lật tàu, thuyền của dân chài. Lại có con rùa sắc vàng to gấp đôi một gian nhà thường vươn cổ lên, thuyền bè qua đây đều bị nhấn chìm, dân gian gọi đó là “thủy quái” linh thần. Các tàu, thuyền buôn bán trước khi qua đây đều phải lập đàn cầu đảo, hương khói phụng thờ. Do phù sa bồi đắp, đất liền vươn ra biển, cửa Trà Lý giao với cửa Lân nên Cát Hộ lùi vào dĩ vãng và chỉ còn dấu tích thời gian. 

Sử cũ chép: Cát Hộ là một trong tám cảnh đẹp của huyện Thanh Lan. Thế kỷ VI, Cát Hộ vẫn thuộc Bài Cát Trang. Lợi dụng bến cảng và cửa biển hiểm hóc, Lý Bí đã cho xây dựng hệ thống đồn lũy bề thế gọi là Cửu Đồn và cử tướng Lê Ngọ xây dựng đồn luỹ và trực tiếp cai quản.

Theo những ghi chép trong bản thần tích của miếu Hai Thôn (làng Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) thì vùng đất Quang Lang được Lý Bí chọn rất kỹ để xây đồn lũy. Ông tuyển chọn trai tráng, chiêu tập hiền tài. Chỉ trong thời gian ngắn, dựa vào ưu thế vùng cửa sông, ven biển cây cối um tùm, rậm rạp, nghĩa quân của Lý Bí phát triển lực lượng rất nhanh. Bằng thuyền nhỏ, lúc ẩn, lúc hiện, tiến thoái nhanh khiến quân giặc nhà Lương khó phát hiện và theo dõi. Để hỗ trợ cho căn cứ An Để, Lý Bí đã cho xây dựng một loạt các chốt điểm khác nhau ở bốn xung quanh và dọc theo sông Trà Lý (Theo “Đại Nam nhất thống chí). Tương truyền, miếu Hai Thôn ngày nay được xây dựng trên chính đồn lũy của Lý Bí thời xưa. Hai bên miếu là khu gò đất cao, rộng khoảng 2 mẫu. Theo các cụ làng Quang Lang kể lại, trận lụt do vỡ đê Phú Chử năm 1913, xung quanh ngập lụt đến nóc nhà, duy chỉ có khu vực miếu Hai Thôn là vẫn khô ráo.


Quang Viện

  • Từ khóa