Thứ 3, 23/07/2024, 16:24[GMT+7]

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 Giải quyết thành công nhiều yếu tố bất ngờ

Thứ 3, 22/01/2013 | 09:52:00
2,560 lượt xem
Bất ngờ về thời gian tiến công, thời gian phối hợp hành động toàn miền Nam được chọn vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 làm mốc tổng tiến công đồng loạt cho các chiến trường trọng điểm, đây là thời gian có nhiều yếu tố bất ngờ nhất cho cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn, khi một bộ phận sĩ quan và binh lính (kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) đang về quê nghỉ Tết.

Đồng bào Bù Gia Mập vận chuyển đạn phục vụ Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.

Đến cuối năm 1967, kế hoạch “tìm diệt và bình định miền Nam”, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bị thất bại, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp tháng 12-1967 và Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 14 (tháng 1-1968) quyết định: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và cấp bách, đòi hỏi quân, dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc nỗ lực vượt bậc với những cố gắng cao nhất, Bộ Chính trị chủ trương: "Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ở cả hai miền đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định".

 

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, ta đã thực hiện một loạt các biện pháp tổ chức và chuẩn bị, thống nhất cao về tư tưởng và hành động giữa Trung ương với các chiến trường; thực hành nghi binh cả về ngoại giao và quân sự, cả về chiến lược, chiến dịch, làm lạc hướng quân địch, gấp rút chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất và chiến trường trên quy mô rộng lớn, bảo đảm bí mật tuyệt đối ý định chiến lược.

 

Mở đầu cuộc tiến công chiến lược, đêm 20-1-1968, quân ta nổ súng tiến công địch ở Đường số 9 - Khe Sanh nhằm thu hút quân cơ động Mỹ, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân quân địch, tạo thế cho các chiến trường khác, nhất là Huế và Đà Nẵng tiến công và nổi dậy. Trên chiến trường Lào, từ ngày 12 đến 27-1-1968, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào mở chiến dịch Nậm Bạc giành thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự.

 

Đêm 30-1-1968 (đêm Giao thừa), quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 trên 6 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ, tiến công vào hầu hết các cơ quan đầu não ở Trung ương và địa phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Một số trận đánh gây chấn động lớn: Trận tiến công Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Đài phát thanh. Tiến công và làm chủ Huế 25 ngày đêm, tổ chức ra chính quyền cách mạng, đánh hàng trăm trận phản kích gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở hầu hết các vùng nông thôn, LLVT địa phương hỗ trợ nhân dân nổi dậy, phá tan từng mảng hệ thống kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành thắng lợi oanh liệt cả về tiêu diệt sinh lực địch và giành quyền làm chủ.

 

Mặc dù không diễn ra tổng khởi nghĩa như kế hoạch dự kiến, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 “là đòn sét đánh” với đế quốc Mỹ, làm chấn động nước Mỹ và dư luận thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân đội Mỹ có nguy cơ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công buộc Mỹ phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Pa-ri để tìm cách kết thúc chiến tranh. Đây là sự thừa nhận đầu tiên, đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” - chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ chuẩn bị công phu và đánh giá cao trong chiến lược quân sự toàn cầu. Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, nghệ thuật quân sự đã giải quyết thành công nhiều yếu tố bất ngờ.

 

Bất ngờ về hướng tiến công chiến lược chủ yếu, ta không chọn hướng tiến công chủ yếu là rừng núi và nông thôn, mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, nơi địch đang có những sơ hở, cũng là nơi nhạy cảm, nơi dễ gây chấn động, tạo tiếng vang lớn. Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, ta mở hướng tiến công phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh, trước thời điểm tổng tiến công 10 ngày. Ta tiến công một số đơn vị của Mỹ, quân đội Sài Gòn ở Khe Sanh, nhằm thu hút sự chỉ huy, giam chân lực lượng chiến lược của địch. Trong khi đó, ta thực hiện một đòn tiến công chiến lược đánh vào các thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng ở các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn-Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn.

 

Bất ngờ về mục tiêu tiến công, mục tiêu tiến công chủ yếu không phải là các tập đoàn quân chủ lực địch mà mục tiêu là nhằm vào các cơ quan đầu não chiến tranh Mỹ - Sài Gòn, các trung tâm chỉ huy, các hậu cứ, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa phá hủy phương tiện chiến tranh, đây là chỗ hiểm yếu dễ chấn động nhất.

 

Bất ngờ về quy mô, cuộc tiến công không chỉ diễn ra ở một vài vùng mà diễn ra quy mô toàn miền Nam, tiến hành đồng loạt trên quy mô rộng lớn, làm bất ngờ không chỉ toàn bộ chính quyền Mỹ-Sài Gòn ở Sài Gòn, mà làm bất ngờ và chấn động cả nước Mỹ và dư luận trên toàn thế giới.

 

Bất ngờ về thời gian tiến công, thời gian phối hợp hành động toàn miền Nam được chọn vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 làm mốc tổng tiến công đồng loạt cho các chiến trường trọng điểm, đây là thời gian có nhiều yếu tố bất ngờ nhất cho cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn, khi một bộ phận sĩ quan và binh lính (kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) đang về quê nghỉ Tết.

 

Về phương châm đánh địch, ta sử dụng tổng công kích, tổng tiến công, kết hợp với tổng khởi nghĩa, kết hợp tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, trên một diện rộng ở cả ba vùng chiến lược. Nhờ đó đã tạo sự bất ngờ lớn với địch.

 

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, giáng đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay một bước nghiêm trọng ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chuyển sang chiến lược “phi Mỹ hóa chiến tranh” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”, bắt đầu rút dần quân Mỹ về nước, ngừng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Theo qdnd.vn

 

  • Từ khóa