Rũ áo không để sờn chữ trung
Làng Kim Bôi là một làng cổ của huyện Thần Khê, thời điểm đầu triều Lê sơ, phủ (lộ) Long Hưng được đổi tên thành phủ Tân Hưng. Làng được thành lập sau khi Lê Lợi lên ngôi, lập ra triều Lê, làng có tên Nôm là làng Lác. Truyền ngôn, người lập ra làng Lác lại chính là Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Thành, khi ông rời chức Tế tửu Quốc tử giám về nghỉ trí sĩ ở quê, ông đã cùng thân hữu phát cỏ lác, cỏ lau, đào đất, lấp trũng mở trường dạy học, dựng lên ngôi trường nhỏ giữa vùng quê hẻo lánh, xa phủ lỵ. Cũng từ đây, Nguyễn Thành có tên Bồ Giảng tiên sinh. Người dân quý mến ông, gọi ông bằng cái tên “Phán Lác”, Nghè Tân… Nguyễn Thành đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) khoa Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên 1, đời Hồ Quý Ly (1400) và đã từng phò giúp cha con Hồ Quý Ly chống đỡ giặc Minh và ông cũng là người có công lao lớn giúp Lê Lợi kháng Minh thành công. Khi Lê Thái Tổ băng hà, triều đình nhà Lê sơ tín nhiệm Tiến cử Nguyễn Thành viết điếu văn “Văn Thái tổ Cao hoàng đế” tiễn biệt nhà vua.
Đỗ Thái học sinh năm Canh Thìn 1400 dưới triều Hồ Quý Ly, Nguyễn Thành là quan văn nhưng trước hoạ mất nước ông cũng không ngại “xắn tay” lao vào cuộc chiến. Bắc quốc thời đó là Minh Thành Tổ thấy nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần mà từ đó nảy sinh ý định “phù Trần, diệt Hồ” đem quân chinh phạt nhà Hồ, viện cớ đó mà xâm lược nước ta. Năm 1406, nhà Minh sai tướng Chu Năng cùng hai phó tướng Trương Phụ, Mộc Thạch đem 10 vạn binh sang xâm lược nước ta. Hồ Hán Thương sai tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đem quân thuỷ bộ đi ứng chiến. Nguyễn Thành đã sát cánh cùng Hồ Nguyên Trừng đem quân lên chặn giặc ở phòng tuyến sông Lô thuộc lộ Tam Giang. Nguyễn Thành được tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng tin cẩn giao nhiệm vụ vận động nhân dân lập thành các đội quân tại chỗ sẵn sàng chiến đấu khi giặc Minh tràn vào nước ta. Dọc phòng tuyến sông Lô, Hồ Nguyên Trừng cho cắm cọc gỗ nhằm ngăn chặn những chiến thuyền của giặc. Tuy nhiên, thế giặc mạnh như chẻ tre và phần vì lòng dân ly tán, không tin tưởng nhà Hồ nên đội quân do Hồ Nguyên Trừng chỉ huy nhanh chóng bị giặc đánh tan rã. Nhà Hồ bị đánh bại, Hồ Nguyên Trừng cùng các tông thất nhà Hồ đã sớm trở thành “anh hùng di hận” và bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc. Nguyễn Thành cũng không tránh khỏi bị bắt và bị giải về bắc quốc nhưng trên đường giải đi, bằng trí thông minh và tài địch vận, Nguyễn Thành đã trốn thoát khỏi tay giặc, ông tìm đường trở về quê.
Nhà Minh đem quân sang cai trị nước ta, chúng uất hận vì từng bị nhà Trần đánh bại do vậy khi tràn sang cai trị nước ta, việc đầu tiên là chúng đổi tên Long Hưng thành phủ Trấn Man và xua quân tàn phá lăng tẩm cùng dấu tích nhà Trần trên đất Long Hưng. Biết tài năng Nguyễn Thành, nhà Minh cho người dụ dỗ, mua chuộc và cuối cùng ép buộc ông phải ra nhậm chức “phán sự” tại phủ Trấn Man. Thời bấy giờ, một đại quan triều đình mà phải làm chức “phán sự” được coi là một sự “sỉ nhục” nhưng thay vì chống lại Nguyễn Thành chấp nhận “hợp tác”, nhận chức quan nhỏ trong phủ lỵ cốt để an thân, chờ thời. Cái tên “Phán Lác” cũng bắt nguồn từ đó. Các nguồn khảo luận cho biết, thời còn ở Thượng xá sinh trong Quốc tử viện triều đình, Nguyễn Thành và Nguyễn Trãi là đôi bạn thân. Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, Nguyễn Trãi đã tìm vào Lam Sơn, dự hội thề Lũng Nhai. Là bạn thân, Nguyễn Thành hay tin Nguyễn Trãi vào Lam Sơn tìm minh chủ, ông cũng bỏ chức phán sự ở phủ Trấn Man, tìm đường vào Lam Sơn theo Lê Lợi. Cũng vì có công lao trong việc phò giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh mà khi Lê Thái Tổ băng hà, triều đình đã tín nhiệm Nguyễn Thành viết điếu văn “Văn Thái tổ Cao hoàng đế”, còn người bạn thân Nguyễn Trãi trước đó được Lê Lợi giao viết “Bình Ngô Đại cáo” kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh. Điều đáng quan tâm là khi Lê Lợi lên ngôi, việc tu sửa Quốc tử giám nhằm chăm lo sự nghiệp giáo dục, quốc sách hàng đầu của một triều đình mới, Nguyễn Thành lại được bổ dụng giữ chức quan Tế tửu Quốc tử giám (Hiệu trưởng) rồi Thái tử tân khách (dạy con vua), điều này khẳng định công lao, đức độ và tài trí của Nguyễn Thành.
Tuy nhiên, con đường hoan lộ của Nguyễn Thành không thuận buồm, mát mái. Xét qua chính sử, dã sử thấy ông học hành tu dưỡng thời nhà Trần, đỗ Thái học sinh và ra làm quan thời nhà Hồ, hai lần làm quan Tế tửu thuộc hai triều đại (nhà Hồ và nhà Lê), hai lần tham gia khởi nghĩa chống giặc Minh (nhà Hồ và nhà Lê), hai lần bỏ triều đình về quê ẩn dật. Lần thứ nhất là vì nhà Minh kéo sang nhằm “phù Trần diệt Hồ” để cướp nước. Lần thứ hai vì môn sinh Lê Tử Dục đang học trong Quốc tử giám lêu lổng, phủ chú hoan dâm vợ lẽ người khác, vu cáo quan lại triều đình bị Quan tư đồ phát giác, ông liên đới bị triều đình quở trách nên bỏ về quê dạy học.
Quê gốc ông ở làng An Vĩnh, một làng cổ trù mật, ông không ở, ông tìm vùng đất bên cạnh làng đầy lau lác. Là quan văn triều đình nhưng ông không ngại gian khổ, lội bùn phát lau lác, quật đất đắp bờ cơi thông luồng lạch, tạo dựng cơ đồ mới, lập nên làng Lác. Ông dựng ngôi trường làng truyền dạy kiến thức cho con em dân nghèo, trong đó có nhiều người đỗ đạt. Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, quá trình thâm nhập thực tế, nghiên cứu các văn bia còn sót lại ở làng An Vĩnh cùng các truyền ngôn về Nguyễn Thành cho biết, người mở làng Kim Bôi là ông “Phán Lác”, nhân dân nhớ ông là nhớ về làng Lác và chỉ biết Nguyễn Thành từng có thời gian giữ chức “phán xử” ở phủ Trấn Man thời thuộc Minh chứ không hề biết Nguyễn Thành từng làm quan Tế tửu Quốc tử giám qua hai triều đại phong kiến nhà Hồ và nhà Lê sơ. Bởi lẽ, Nguyễn Thành là người trọng chữ “trung”, cuộc đời ông sống thanh liêm, giản dị, vì thế mà ngay cả khi đang là trọng quan của triều đình, mỗi lần về quê ông đều khiêm nhường, không võng lọng phô trương. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi Lê Thái Tông qua đời, Lê Nhân Tông lên ngôi đã có chiếu dụ Nguyễn Thành về triều bổ dụng nhưng ông ngẫm cảnh triều chính phức tạp lại thêm cái chết oan khuất của Nguyễn Trãi cùng nạn “tru di tam tộc” nên ông một mực dâng khải cáo từ.
Cha ông Nguyễn Thành do có công lao giúp họ tộc Trần ở Long Hưng dựng xây nghiệp đế nên một đời “ăn lộc” triều đình nhà Trần. Nguyễn Thành khi còn là Thượng Xá sinh Quốc tử viện đã rất buồn vì Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nhưng ông vẫn dự thi Thái học sinh và đỗ đạt làm quan triều Hồ. Ông là đại quan tiên phong chống giặc Minh qua hai triều Hồ và Lê để rồi cuối đời “đau đáu” một nỗi niềm gửi gắm ý nguyện vào lớp học trò làm người phải giữ “lòng trung”.
Đỗ Thái học sinh thời nhà Hồ (1400), Nguyễn Thành ra làm quan và giữ chức Tế tửu Quốc tử giám. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Việt sử thông giám cương mục” chép: “Mùa thu, tháng 8, Quý Ly thi Thái học sinh, cho bọn Lưu Thúc Kiệm 20 người đỗ, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiển, Nguyễn Thành đều dự đỗ”. Đầu thời Lê (Lê Thái Tổ), ông lại được bổ dụng chức Tế tửu Quốc tử giám. Cuối đời, Nguyễn Thành về nghỉ trí sĩ, ông mở trường dạy học, học trò của ông nhiều người đỗ đạt cao, được triều đình vời ra làm quan như Hoàng giáp Nguyễn Mậu, Thám hoa Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiễm, Tiến sĩ Nguyễn Công Định… |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Thiên hạ Thái bình 26.07.2021 | 00:00 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất