Thứ 6, 22/11/2024, 21:41[GMT+7]

Hưng binh dấy nghiệp

Thứ 2, 15/11/2021 | 09:21:36
3,383 lượt xem
Các bậc cao niên làng Xuân Trúc, xã Phú Sơn (nay là khu Kiều Thạch - Xuân Trúc, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) cho biết, xưa kia ở cánh đồng Xuân Trúc rộng mấy chục héc-ta còn một số gò, đống rộng chừng mấy nghìn mét vuông (sát cạnh quốc lộ 39A) sau bị san thành ruộng. Khi đào mương người dân tìm thấy nhiều gốm sứ cổ, được cơ quan chuyên môn xác định niên đại thuộc thời Trần. Có nhiều đồ gốm men thô, men rạn cũng được xác định là gạch lát nền cho dinh thự cổ, có thể nơi đây là thủ phủ của bậc vương hầu Trung Thành Vương nhà Trần.

Di tích lịch sử - văn hóa đình làng Đầu, nay là khu Đầu - Thị An, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà.

Các tài liệu khảo cứu cũng cho thấy, khi “thiên hạ” về tay nhà Trần (năm 1226), họ Trần đã khôn khéo “thu xếp” cho một số thân quyến nhà Lý kết thân với những người thuộc dòng họ Trần. Bằng cách đó, nhà Trần đã tranh thủ được sự ủng hộ của một số công thần nhà Lý và cũng là để xoá đi ranh giới mặc cảm nho giáo “tôi trung không thờ hai vua”. Tuy nhiên, có được thành quả rực rỡ, gia tộc họ Trần không quên “gốc” của mình “đời đời làm nghề chài lưới” và không quên vùng đất ngã ba sông Hồng và sông Luộc là nơi dừng chân và hưng nghiệp của họ tộc. Trước khi thành nghiệp đế, gia tộc họ Trần ở Lưu Xá đã thực hiện ý định táo bạo rời bỏ sông nước lên bờ tạo dựng nghiệp nông tang, khẩn điền, làm thủy lợi bắt đầu với việc “quật thổ, bồi cơ” dựng cơ nghiệp lâu dài trên đất Long Hưng.

Trong sử và sách còn ghi vùng đất hưng nghiệp nhà Trần thuở ban mai gồm 8 xá chính là dải đất hương Tinh Cương - Mả Sao có tên gọi nôm như Lưu Xá, Phạm Xá, Bùi Xá, Dương Xá, Mỹ Xá, Đào Xá, Hà Xá, Lê Xá. Đây là 8 xá tiêu biểu trong các trang ấp gắn liền với công cuộc khẩn điền, trị thủy của gia tộc họ Trần ở Lưu Xá cũng gắn với công lao khai khẩn của ba anh em họ Lưu ở đất Lưu Xá hay còn gọi là vùng Hải Ấp (nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) là Nhị vị Thái phó Lưu Khánh Đàm, Lưu Ba và người em út Lưu Điều. 

Theo các tài liệu khảo cứu, sau cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi năm 1075 - 1077, anh em Nhị vị Thái phó họ Lưu cùng Lý triều Quốc sư Dương Không Lộ, Thiền sư Giác Hải dâng kế sách trị thủy bằng việc đắp đê ngăn lũ thượng nguồn đổ về vùng đất ngã ba sông, chiêu tập dân siêu tán về khai khẩn đất hoang đồng thời chu cấp lương thực cho nhân dân tiến hành công cuộc trị thủy thành công. Vùng “Bát xá” lúc bấy giờ được triều đình nhà Lý phong thực ấp cho anh em họ Lưu nhưng theo “quốc triều hình luật” và những quy ước đương thời thì đó là đất “phong phân” của triều đình không mang tính kế thừa “cha truyền, con nối”. Khi Nhị vị Thái phó qua đời, triều đình phong phúc thần cho Nhị vị Thái phó và sắc chỉ dân lập đền, phụng thờ. Còn đất đai vốn trước là của anh em họ Lưu lúc đó trở thành đất công nên dân “siêu tán” kéo đến mạnh ai lấy làm đã chia nhỏ thành tư hữu. Thời điểm đó, họ Trần vốn là dân chài lưới, lênh đênh theo dòng nước “đâu cũng là nhà” đến Lưu Xá gặp cảnh “vào đồng, ra sông” không mấy thuận lợi nên đã quyết định dừng thuyền “neo đậu bến quê”, quyết lên bờ định cư làm ruộng.

 Sử cũ ghi, mở đầu trang sử họ Trần trên miền đất Hải Ấp (Long Hưng) là Trần Hấp, con trai là Trần Lý đã đến định cư, chiếm lĩnh vùng “200 năm đất quan hà” một thời nổi tiếng triều Lý. Cha con, anh em họ Trần dần dà khẳng định vị thế của họ tộc mình với vùng đất trù mật này. Để có thêm hậu thuẫn, Trần Lý sang làm rể họ Tô làng Phù Ngự (nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà). Đứng chân trên đất Lưu Gia, Trần Lý sinh được 2 người con trai là Trần Thừa và Trần Tự Khánh, 2 người con gái là Trần Tam Nương và Trần Thị Dung. Trần Thừa tính khoan hòa, cẩn trọng. Trần Tự Khánh tài trí hơn người. Trần Thừa sinh Trần Liễu và Trần Cảnh. Trần Tự Khánh được thầy dạy là đạo sĩ, Tả nhai đạo lục Phùng Tá Thang (sử cũ chép xưa là người phủ Lỵ Nhân, sau rời sang làng Mỹ Xá, nay thuộc thị trấn Hưng Nhân) dạy dỗ. Tuổi trưởng thành Tự Khánh là trụ cột của dòng tộc họ Trần ở Lưu Xá. Khi Trần Lý vì nghĩa cả tử trận, Tự Khánh được sự ủng hộ của người anh Trần Thừa, Tự Khánh thay cha cai quản trang ấp, nắm giữ lực lượng họ Trần. Lúc này, được sự trợ giúp của họ Tô, thế lực họ Trần do Trần Tự Khánh chỉ huy đã trở thành một trong những lực lượng cát cứ mạnh nhất lúc bấy giờ. Năm 1209, kinh thành xảy ra loạn Quách Bốc, trong lúc Lý Cao Tông chạy về kinh bắc thì Thái tử Sảm được sự hỗ trợ của Tô Trung Từ đã chạy về Hải Ấp - Lưu Gia, nơi có thế lực họ Trần, họ Tô lừng lẫy bao bọc. Trần Tự Khánh do có Tô Trung Từ hỗ trợ đã đem quân đánh đông dẹp bắc mở đường lên kinh thành Thăng Long dẹp tan biến loạn Quách Bốc đưa Thái tử Sảm về kinh. Khi Lý Cao Tông băng hà, Lý Huệ Sảm lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Lý Huệ Tông. Trần Tự Khánh được tấn phong làm Chương Thành hầu, phụ chính Đại thần, Trần Thủ Độ được phong Điện Tiền chỉ huy sứ.

Sử sách cũng thừa nhận, thời nhà Trần nhiều người họ Trần sinh ra và lớn lên trên đất Long Hưng, họ trở thành nhân tài góp công lao lớn với quốc gia Đại Việt như Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ... Nhà Trần thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực từ họ Lý, vương triều Trần không ngừng lớn mạnh, bậc vương triều không quên công lao họ Phùng ở làng Mỹ Xá (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân) là Phùng Tá Thang (được tấn phong là Tả Nhai đạo lục - Tăng Thống, tức Quốc sư số 1); con trai là Phùng Tá Chu làm Tể tướng, khi mất được truy phong Hưng Nhân Đại vương (ngang tước hiệu con vua) và sau này triều đại kế tiếp đã lấy tước hiệu Hưng Nhân đặt cho vùng đất Ngự Thiên.

Trong thời nhà Trần, miền đất Long Hưng phát triển rất mạnh. Nhà Trần đã xây dựng nhiều điền trang, thái ấp phong cho các vương hầu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển tạo ra nhiều lương thực và của cải phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại mà cụ thể là ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Sử cũ còn ghi, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuần đã cùng tướng Yết Kiêu chặn đánh quân giặc trên dòng Nông Kỳ (sông Luộc); Hoàng Giang (khúc sông Hồng chảy bên phía Tây lăng mộ nhà Trần), chém đầu hàng nghìn quân giặc, nước sông cuộn chảy tắc nghẽn một vùng (dân gian gọi là khu vực Giếng Đầu, làng Đầu... nay là khu Đầu - Thị An, thị trấn Hưng Nhân). Cuối thời Trần giai đoạn suy vi, Giản Định Đế (Trần Ngỗi) chạy về Long Hưng dựa vào thế thành Ngự Thiên cũ của ông cha để lại xây dựng đồn binh rất lớn chống lại giặc Minh xâm lược.

Sử cũ chép, sau những chiến thắng oanh liệt trước kẻ thù hung hãn, nhà Trần thường cấp thuyền, cấp ngựa cho kẻ chiến bại về nước cũng như đốt hết tàng thư ghi tên những kẻ bán nước cầu vinh hoặc những người lầm đường theo giặc nay đã quay về với chính nghĩa quốc gia. Tấm lòng nhân ái thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc là một trong những yếu tố góp phần duy trì hòa bình cho đất nước được dài lâu sau những cơn binh đao, khói lửa. Đường lối quân sự của nhà Trần cùng với xây dựng lực lượng quân đội thống nhất ba thứ quân, chính sách “ngụ binh ư nông” và chủ trương “lúc thường thì khoan sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc” toát lên tính ưu việt của đường lối chiến tranh nhân dân.


Quang Viện