Thứ 6, 22/11/2024, 22:05[GMT+7]

Hùng triều bảo điện

Thứ 2, 06/12/2021 | 08:21:25
2,669 lượt xem
Làng Ngận (nay gọi là làng Thượng Ngạn, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà) có ngôi đền cổ, truyền đời từ thời vua Hùng dựng nước, đền còn câu đối tối cổ: “Hồng Bàng khai quốc giang sơn cẩm tú truyền hậu thế/Linh tích Hùng triều bảo điện huy hoàng vạn niên xuân”, tạm dịch là: Hồng Bàng dựng nước non sông giàu đẹp truyền con cháu/Dấu tích vua Hùng đền thờ hoành tráng mãi đẹp tươi. Làng còn tục truyền thi bắt cuốc, tương truyền tục này gắn với sự tích thời Hùng Nghị Vương (Hùng Vương 17), giặc Ô Lý ở Châu Bố Chính liên kết với bọn giặc Lục Man chia quân đến xâm lược Văn Lang, làng Ngận có 5 ông tình nguyện xin vua Hùng cho cầm quân đánh giặc, vua chuẩn y cấp cho 30 vạn hùng binh, lại giao cho chiếc búa tượng trưng cho quyền uy…

Đền Thượng Ngạn dân gian thường gọi đền nhà vua, làng Ngận, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, nơi thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương độc đáo của Thái Bình.

Các cụ già trong làng Ngận kể lại, làng Ngận có tục đuổi bắt cuốc, tục lệ này có từ thời vua Hùng Nghị vương. Truyền ngôn, khi ấy giặc Lục Man vào xâm lược ở Tháp Khu (nay là Thượng Ngạn), làng có 5 nam nhi tráng kiện đã tình nguyện ra giúp vua dẹp giặc được vua Hùng phong làm tướng cầm quân đi đánh giặc. Giặc Lục Man thua trận hóa thành chim cuốc trốn chạy, chui lủi trong các đám lau sậy, bờ bụi. Để nhớ công ơn và ôn lại truyền thống đánh giặc cứu nước của “Ngũ vị Đại vương” hàng năm dân làng Thượng Ngạn thường mở lễ hội, trong lễ hội có tục đuổi cuốc. Bắt được cuốc (nay được thay bằng gà đen), người chỉ huy đánh trống lệnh thu quân, mọi người trở về sân đình làm lễ tế thánh. Người bắt được cuốc tắm rửa, thay quần áo chỉnh tề để vào lễ thánh và nhận phần thưởng. Giải thưởng chỉ là một quan tiền và một chiếc khăn điều nhưng cả giáp, cả làng đều phấn khởi. Cuốc được làm thịt để tế thánh xong dân làng thụ hưởng. Đầu cuốc được dành cho chủ hội và đãi quan trên về dự hội, mặc dù nhỏ nhưng khi làm cỗ mỗi “miếng cỗ” chặt phải có đầu, có mỏ, vì vậy người làm thịt cuốc phải có kỹ thuật cao. Thân cuốc chia đều cho các giáp, mỗi giáp lại phải chia đều cho từng suất đinh, vì vậy mỗi suất đinh may lắm chỉ được một “miếng” bằng hạt đỗ xanh. Các đinh nam mang về nhà lại phải làm thế nào để cả nhà được ăn để lấy may, thế là có một, hai con chim cuốc nhưng cả làng trai, gái, già, trẻ, lớn, bé đều được hưởng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đất đai tỉnh ta hình thành đồng thời với quá trình hình thành đồng bằng Bắc Bộ, muộn nhất là vào trung kỳ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang cách ngày nay trên 2.000 năm. Kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất học cho biết từ khởi đầu kỷ Đệ tứ (kỷ Nhân sinh) cách ngày nay trên 2 triệu năm vào sơ kỳ đồ đá giữa và đồ đá mới, cả vùng duyên hải Việt Nam và toàn bộ khu vực thềm lục địa Biển Đông sát các quốc gia hải đảo nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương lúc bấy giờ tồn tại trong môi trường lục địa. Do băng hà, nước đại dương thấp hơn ngày nay trên 100m, con người có thể đi bộ từ miền duyên hải Việt Nam (cụ thể từ đất Thái Bình) sang tận Philippin và xa hơn nữa. Vào thời canh tân và toàn tân, tuy có vài lần nước biển dâng lên nhưng không xâm nhập lên đồng bằng Bắc Bộ. Lòng đất Thái Bình dưới lớp trầm tích đáy biển từ cửa Lục đến cửa sông Hồng, (có thể xa hơn) các nhà khoa học tìm được dấu vết các dòng sông cổ chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông nhỏ sâu 1,5 - 2m, sông lớn sâu tới 40m, nhiều nơi vẫn còn dòng chảy ngầm chứa nước ngọt hoặc nước khoáng.

Các nhà địa chất thế giới và Viện Nghiên cứu đại dương Việt Nam đều thừa nhận có đợt biển tiến khủng khiếp vào khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên. Nước biển do tan băng ở hai đầu địa cực đã dâng cao hơn ngày nay 1,5 - 2m. Hầu hết đồng bằng Bắc Bộ bị biển xâm thực và chia cắt. Tùy theo độ cao - thấp mà vùng tam giác Bắc Bộ bị biển ngự trị 1 - 2 ngàn năm. Hiện trên đồng đất Thái Bình từ các huyện phía Bắc Hưng Hà, Quỳnh Phụ đến các huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải khi đào sông, đào giếng, khơi ngòi thường gặp một tầng đất dày từ 0,2 - 0,3m chứa đầy bã thực vật. Ở vùng Hưng Nhân (Hưng Hà), Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), Thư Trì (Vũ Thư), Tiên Hưng (Đông Hưng) đều đào được lớp xác các loài thảo mộc. Vùng ven biển Diêm Điền (Thái Thụy) có khá nhiều rừng cây lớn, có cây đường kính 0,3 - 0,4m chết đứng hoặc xô đổ gẫy gối nhau. Vùng Thái Ninh cũ (Thái Thụy), Nam Kiến Xương và Tiền Hải thấy dấu vết những rừng sú vẹt chết đứng hoặc xô đổ... Đó là dấu vết đồng bằng thời kỳ Hùng Vương.

Truyền ngôn, thời Hùng Vương thứ 17, vùng Tháp Khu (nay là làng Thượng Ngạn) có 39 người của 8 họ Đinh, Nguyễn, Lê, Phạm, Bùi, Đặng, Hoàng, Đỗ trong gia thần cùng 5 nam nhi tráng kiện chia quân làm 2 đạo tiến đến địa phận 16 châu, cắm trại, cho quân nghỉ 10 ngày rồi mới giao chiến. Trong lúc đánh nhau, bọn tướng giặc dùng phép yêu quái khiến trời đất tối tăm, những loài hổ, báo, voi, tê giác và các yêu quái vây kín 30 vạn quân ở 16 châu. Quân thám mã báo về, Hùng Nghị Vương ngửa mặt lên trời than thở, cầu khấn Đức Phật Đại Đạo Thiên tôn. Đức Phật Đại Đạo Thiên tôn và 12 vị Dương niên Hành Khiển và các Phật ở tứ phương đều cầm gậy tích trượng, đáp xuống giữa đám quân của Lục Man, chuyển tối thành sáng, phá tan đạo quân Lục Man. Nghị Vương liền cho 3 vạn quân, lại cho 16 châu chi viện. Giặc Lục Man tan, vua Hùng cảm tạ Đức Đại Đạo Thiên tôn. Ngài tạ từ vua rồi bay lên trời. Vua và 5 vị Đại vương kéo quân về Tháp Khu mổ trâu, bò khao quân, truyền cho dân làng mở hội vào ngày 12/11 (âm lịch). Vua miễn tô thuế và tạp dịch cho dân ở Tháp Khu để phụng thờ Đức Đại Đạo Thiên tôn và khi 5 vị Đại vương của làng “trăm tuổi” cũng được phụng thờ...

Các nghiên cứu chỉ ra rằng đợt biển tiến vào thời kỳ “hậu” Hùng Vương (cách ngày nay hơn 2.300 năm) để lại tầng “bổi”, vùng Hưng Hà thường ở độ sâu 0,8 - 1,2m. Vùng ven thị xã Thái Bình thường ở độ sâu 1,2 - 1,5m. Vùng ven biển Kiến Xương thường có độ sâu trung bình 2 - 2,5m. Tuy nhiên, ở ngay các ô trũng có những đống, gò, càn, cương không có rừng bị chết ngập, chứng tỏ ngay cả khi lũ cực điểm vẫn có những vùng giúp con người có thể bám trụ “sống chung với lũ”. Quá trình điền dã các địa danh có tên Cương, Bái, Đống, Sơn... nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy các rẻo đất cao vẫn còn dấu tích thời Hùng Vương đến ngày hôm nay như Lập Bái, xã Kim Trung (Hưng Hà), Bái Trang (Quỳnh Phụ), Phong Bái, Quài Bái (Thái Thụy), Bái Long Bối, Phong Lôi (Đông Hưng), Phong Xá (Quỳnh Phụ), Phong Lẫm, Hoành Sơn (Thái Thụy), Mễ Sơn (Vũ Thư), Tảo Sơn (Hưng Hà), Cao Cương, Tiến Cương (Thái Thụy)… đều cao hơn mực nước biển từ 2,2 - 2,5m và có đỉnh cao trên 3,5m. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là độ cao đã bị mưa gió 3.000 năm bào mòn, ngày xưa còn cao hơn bây giờ rất nhiều.

Thời Tây Hán, trước Công nguyên, Lộ Bác Đức đưa quân vào xâm lược nước ta, thấy vùng đất cửa sông Giữa và sông Dài (sông Thái Bình và sông Hồng ngày nay) có nhiều gò, đống, càn, cương, phong… nhân đó mà đặt tên là hương Đa Cương (hương có nhiều gò đống). Phạm Vậng Chinh (1862 - 1922) ghi lại trong “Lịch sử Trần Biên bị khảo” có đoạn viết về đất Long Hưng như sau: “Truyền rằng gò này rất cao và bằng phẳng, cây cối um tùm, các giống chim trời tụ tập về đây, những người dân đánh cá cũng về đây trú ngụ... về sau người đến gò này dần đông, dựng nhà cửa, các họ tụ tập thành làng xóm”.


Quang Viện 

  • Từ khóa