Thứ 6, 22/11/2024, 22:02[GMT+7]

Lê triều bảo tích

Thứ 2, 27/12/2021 | 08:18:39
2,227 lượt xem
Trong các di tích đã xếp hạng của huyện Thái Thụy có 2 di tích liên quan đến triều vua Lê Thánh Tông là từ đường họ Quách ở xã Thái Phúc thờ hai anh em ruột cùng đỗ tiến sĩ dưới triều vua Thánh Tông là Thám hoa Quách Đình Bảo đỗ “Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh” khoa Quý Mùi năm Quang Thuận 4 (1463) và em trai là Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm đỗ “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân” khoa Bính Tuất năm Quang Thuận 7 (1466). Không nằm trong danh sách được xếp hạng nhưng lại thờ những nhân vật có những đóng góp nhất định cho vương triều của vua Lê Thánh Tông là ngôi đình Ba Nóc, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy thờ Tiến sĩ Nguyễn Mậu đỗ “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân” (Hoàng giáp) khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 (1448).

Từ đường họ Nguyễn, thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng (Thái Thụy) thờ Tiến sĩ Nguyễn Công Định triều Lê, người có công khởi thảo bộ luật Hồng Đức.

Thám hoa Quách Đình Bảo từng giữ nhiều trọng trách trong triều như Lại bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Lễ bộ Thượng thư, Quốc tử giám Tế tửu. Ông là người được vua Lê Thánh Tông giao trông coi toàn bộ công việc dựng bia Tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu từ khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đến khoa thi Hồng Đức thứ 15 (1484). Ông cũng là người được cùng với vua Lê Thánh Tông và các quần thần khác biên soạn bộ Thiên nam dư hạ tập. Còn em ông, Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm từng giữ chức Lại bộ Thượng thư, Ngự sử đài Đô ngự sử. Khi Quách Hữu Nghiêm được cử đi sứ nhà Minh, vua Minh xem thơ ông đã khen là: nhân tài không kém gì Tam đại bên Trung Quốc. Ông cũng từng được cử làm Đề điệu trong các kỳ thi Đình chọn Tiến sĩ như khoa thi năm Bính Thìn Hồng Đức 27 (1496). Gắn với khu từ đường họ Quách ở thôn Vị Khê (nay là Phúc Khê), xã Thái Phúc, còn có khu lăng mộ của Thám hoa Quách Đình Bảo, ngôi mộ vẫn còn, được xây vòng xung quanh, còn kiến trúc lăng mộ thì đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Di vật Lê triều còn lưu giữ được tại từ đường họ Quách của Thám hoa Quách Đình Bảo có hai biển gỗ để rước các ông nghè vinh quy về làng. Mỗi tấm biển gỗ đều được gắn trên đoạn gỗ làm tay nắm dài khoảng 1m50, hai tấm biển có hai mặt đều khắc chữ Hán. Ở biển gỗ thứ nhất, mặt trước khắc hai chữ “Thám hoa” mặt sau khắc chữ “Quý Mùi khoa đình thi”. Đây là biển gỗ để nghênh đón Quách Đình Bảo vinh quy vì chính ông đã đỗ Thám hoa khoa thi đình năm Quý Mùi Quang Thuận 4. Ở biển gỗ thứ hai, mặt trước khắc 4 chữ “Tiến sĩ xuất thân”, mặt sau khắc “Đình thi Bính Tuất khoa”. Biển gỗ này để nghênh rước Quách Hữu Nghiêm đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất Quang Thuận 7. Hai biển gỗ này tuy không dám chắc là của chính thời Quang Thuận nhưng cũng là biển gỗ cổ rất ít khi gặp. Liên quan đến dòng họ Quách, ở xã Thụy Hà có ngôi đền Côn Giang nhìn ra sông Trà Lý, đây là ngôi đền thờ Quách Hữu Nghiêm, đền còn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ và các đồ tế khí. Ngôi đền được xây cạnh sông chỗ mà xưa kia Quách Hữu Nghiêm bị đắm thuyền sau khi đi sứ nhà Minh đang trên đường trở về quê, dân gian gọi là Cửa Vụng. Thăng trầm dâu bể, Cửa Vụng xưa không còn nữa, ngôi đền xây để tưởng nhớ ông. Dân xã Thụy Hà đã tôn ông là thành hoàng làng vì ông đã hiển linh cứu giúp dân.

Hoàng giáp Nguyễn Mậu (xã Thái Nguyên) được xếp thứ nhất trong số 12 người đỗ tiến sĩ xuất thân đệ nhị giáp. Ông giữ chức Hình bộ Tả Thị lang dưới triều vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1470). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Năm Quang Thuận 5 (1404) vua Lê Thánh Tông đã ban sắc dụ và bạc để ngợi khen Tiến sĩ Nguyễn Mậu vì ông đã “thẳng thắn chỉ ra” cho vua thấy những điều gì nên làm, nên tránh. Ở thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng có từ đường dòng họ Nguyễn thờ ông tổ là Tiến sĩ Nguyễn Công Định. Nguyễn Công Định đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi Quang Thuận 4 (1463), cùng khoa thi này có Quách Đình Bảo người “đồng hương” huyện Thanh Lan với Nguyễn Công Định cùng đỗ Thám hoa. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” viết: Nguyễn Công Định người xã Biền Cán, huyện Thanh Lan nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy. Đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư. Quá trình điền dã, nhóm nghiên cứu chúng tôi được các bậc cao niên trong gia tộc họ Nguyễn cho biết, gia phả họ Nguyễn ở thôn Văn Hàn (chỉ còn bản chép tay tiếng Việt) có ghi hành trạng của Tiến sĩ Nguyễn Công Định từng giữ chức Hiệu lý ở Viện Hàn lâm sau làm Tham tá bộ Hình rồi giữ chức Thượng thư bộ Hộ. Ông là người được vua Lê Thánh Tông giao cho khởi soạn “Bộ luật Hồng Đức” và được vua Lê Thánh Tông ban sắc. Theo lời các cụ trong dòng họ Nguyễn, khoảng những năm 1948 - 1950 cuốn gia phả viết bằng chữ Hán và sắc phong của vua Lê Thánh Tông ban cho đã bị cháy cùng với ngôi từ đường họ Nguyễn cổ do pháo kích của giặc Pháp bắn vào làng.

Vượt dòng Diêm Hộ, từ Thái Hưng chúng tôi ngược lên phía Bắc của huyện Thái Thụy tìm về xã Thụy Hưng. Về thôn Xá Thị, chúng tôi được các bậc cao niên cho biết, ngôi đình làng Xá Thị thờ Tiến sĩ Phạm Tử Hiền làm Thành hoàng làng. Phạm Tử Hiền đỗ “Đồng tiến sĩ xuất thân Đệ tam giáp” khoa Tân Sửu Hồng Đức 12 (1471). Làng còn giữ 5 đạo sắc thời Nguyễn sắc cho dân làng phụng thờ ông. Thần tích đình làng còn ghi: Phạm Tử Hiền sau khi thi đỗ “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ” được vua vời ra làm quan, ông làm Hiệu lý Hàn lâm viện và sau đó làm Hiến sát sứ đạo Thanh Hoa. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê cũng là lúc ông ngoài 60 tuổi nên cáo quan về quê, ông đã truyền nghề trồng cau cho dân làng. Hiện con cháu trong dòng họ của ông đã “thất tán” nên ở làng không còn từ đường dòng họ.

Dạt về phía Đông của huyện Thái Thụy, đặt chân đến di tích đình chùa thôn Hổ Đội, xã Thụy Lương, các bậc cao niên nơi đây cho chúng tôi biết, địa phương hiện còn giữ được cột mốc đê giới thời Đồng Đức, cột Mốc đê bằng đá xanh, cao 39cm, rộng 10cm. Trên bề mặt cột mốc đê khắc dòng chữ Hán: “Hồng Đức tam niên Hoàng đế ngự chế chiếu lập văn bi” nghĩa là: Năm Hồng Đức thứ 3 (1472) Hoàng đế ngự chế lệnh cho đặt văn bia. Điều đặc biệt là vị trí hiện tại của cột mốc theo các bậc cao niên vẫn nguyên vị trí cũ từ thời Hồng Đức. Tính từ cột mốc này ra đến đê biển hiện nay khoảng hơn 1km. 

Theo các cụ, quá trình khai hoang lấn biển của cư dân ở đây trong suốt hơn 500 năm qua đã tạo ra vùng đất bồi trên nền bãi biển cũ thời vua Lê. Cùng thời Hồng Đức, dấu tích còn lưu tại khu chùa thôn Chiêm Thuận (xã Thái Hồng) nay là Hồng Dũng còn một tấm bia đá to đặt trước cửa chùa nhưng chữ đã mờ gần hết chỉ còn dòng niên đại “Hồng Đức tứ niên”, theo các lão phật tử chùa cho biết, đó là bia ghi về một số cư dân ở vùng Nga Sơn - Thanh Hóa di cư ra vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, dựng lên xóm ấp...

Ngoài các di tích cổ, về di văn (văn bản Hán Nôm), ghi nhận địa bàn huyện Thái Thụy còn có hai văn bản chép tay thời Hồng Đức là hai đạo sắc “phong ban” cho vị Thành hoàng làng Quang Lang xã Thụy Hải. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hai đạo sắc này cùng với một số đạo sắc khác còn giữ được ở ngôi đền thờ thành hoàng là những đạo sắc cổ nhất nước ta. Sắc phong được viết trên một loại giấy trắng ngà, mỏng, mịn, trong lòng sắc còn rõ hình rồng, tua mây được quỳ vàng mỏng. Cả hai đạo sắc đều bị rách mất phần đầu vài dòng chữ viết nhưng nội dung cơ bản cùng niên đại, dấu ấn triện còn rất rõ ràng.

Quang Viện 

  • Từ khóa