Thứ 6, 22/11/2024, 22:06[GMT+7]

Chân Định Thảo Đường

Thứ 2, 14/02/2022 | 08:54:57
3,946 lượt xem
Các cụ cao niên ở Kiến Xương vẫn truyền tụng câu thơ Nôm: “Sóng yên, bể lặng lòng xây dựng/Quốc phú binh cường dạ khuếch trương/Trời giáng Phúc thần Chân Định đón/Ngàn thu nhang khói vẫn tỏa hương”, hàm ý nhắc nhở hậu thế nên biết về lịch sử vùng đất được sách cổ gọi là “Đảo Vông” và “Cổ Trảm”, nơi mà trải qua ngàn năm đô hộ của phương bắc với cách cai trị hiểm độc, tàn khốc, nền tảng văn hóa Chân Định không bị đồng hóa, chỉ hòa nhập, không hòa tan...

Chùa cảnh “Phúc Linh tự”, xã Bình Nguyên (Kiến Xương).

Thời nhà Lý (1010 - 1225), Phật giáo phát triển, ở huyện Chân Định (nay là một phần thành phố Thái Bình, Vũ Thư và huyện Kiến Xương) có Phật giáo Thảo Đường phát triển rất mạnh, các nơi trong huyện, chùa được xây dựng nhiều, bước đầu hình thành “Tam giáo đồng nguyên”. Theo các tài liệu khảo cứu, Thiền phái Thảo Đường do thiền sư Thảo Đường sáng lập thời nhà Lý năm 1069, thiền phái là sự dung hợp triết lý Phật giáo với tư tưởng Nho giáo. Sang đầu nhà Trần (1226 - 1400) từ nền tảng văn hóa và tôn giáo cùng với tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” làm gốc, phát triển lên, các nhà “tư tưởng, văn hóa” Phật giáo nơi đây đã có công giúp vua Trần hoàn chỉnh giáo lý Phật giáo phái Trúc Lâm Phật giáo của Đại Việt. Tăng Thống Đạo lục Phùng Tá Thang người làng Mẽ, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân) đã về vùng đất Chân Định xây dựng chùa chiền làm nơi tu hành Phật pháp, giúp Trần Thái Tông hoàn thành cuốn “Khóa Hư Lục”...

Theo các tài liệu khảo cứu, Tả Nhai Đạo lục Phùng Tá Thang từng giúp Tuệ Trung thượng sĩ (1230 - 1291) tên thật là Trần Tung, con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh ruột hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm vợ vua Trần Thánh Tông hoàn thành nguyện ước tu hành Phật pháp tại Chân Định. Đại Việt sử ký toàn thư ghi khi Phụng Kiền vương Trần Liễu mất (1251), Thượng hoàng Trần Thái Tông “cảm vì nghĩa, phong cho Trần Tung tước Hưng Ninh Vương”. Cũng như phần lớn các vương hầu thân tín của nhà Trần, trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1257, 1285, 1288), Trần Tung đã trực tiếp tham gia cầm quân chống giặc. 

Dưới quyền điều khiển của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, vào ngày 10 tháng 6 năm 1285, khi Thoát Hoan lâm vào thế cùng lực kiệt phải rút quân khỏi Hoàng Giang thì Trần Tung cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân đến đón đánh, kịch chiến với tướng giặc là Vạn hộ Lưu Thế Anh, tướng giặc bị chém đầu ở cửa Tuần Vường (cửa Trà Lý), xác giặc tắc nghẽn dòng sông và đuổi Thoát Hoan cùng đám tàn binh chạy dọc sông Hồng đến bến Như Nguyệt. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), ông được giao nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, nhiều lần đến đồn trại giặc “vờ” hẹn ước trá hàng làm cho quân giặc mất cảnh giác, sau đó cho quân đến đánh doanh trại giặc. Sau ngày kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, triều đình không thấy nhắc tới Trần Tung và công trạng của ông.

Theo một số nhà nghiên cứu, Trần Tung theo Phật mà không xuất gia, ông không giữ đúng các phép “tam quy - ngũ giới” có thể có vợ, có con như mọi vương hầu khác. Trần Tung trở thành một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, giàu thực tiễn và ít phụ thuộc kinh sách. Có nhà nghiên cứu cho rằng Trần Tung là người “hòa quang đồng trần” và biết “đập vỡ” thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn. Trần Tung được Thượng hoàng Trần Thánh Tông rất kính trọng tôn làm sư huynh và vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy. Có tài liệu ghi ông được nhận chức Tiết độ sứ, coi giữ phủ Thái Bình (đến thời Nguyễn, nhà Nguyễn chia đất nước thành 31 tỉnh, phủ Thái Bình và phủ Kiến Xương thuộc trấn Nam Định), Trần Tung tu tập Phật pháp mà không trực tiếp tham gia xây dựng phái Trúc Lâm sau đó ông đã lui về ấp Tịnh Bang, trang ấp được phong, dựng Dưỡng Chân trang tiếp tục theo đạo Phật. Ngoài Tuệ trung Thượng sĩ Trần Tung, Chân Định còn đón Đại sư Pháp Loa, Thuyền Quang, nơi dừng chân của nhiều thiền sư như Đại Minh Không, Minh Không, Tiểu Minh Không, Dương Không Lộ, Giác Hải, Nguyễn Chí Thành...

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trên nền tảng nền văn hóa nông nghiệp, các tôn giáo như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo xâm nhập vào nước ta đã được biến đổi linh hoạt để phù hợp với văn hóa bản địa. Để khẳng định chỗ đứng trong đời sống tinh thần của người Việt, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo có lối đi riêng với những hình thức khác nhau, có khi ôn hòa, có khi gay gắt, dần ăn sâu, cắm rễ vào mảnh đất Đại Việt. Các tôn giáo này đã dần hòa nhập với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt và bản thân chúng cũng kết hợp, hòa hợp, thống nhất lẫn nhau, ở cùng một nguồn gốc, hình thành hình thức “Tam giáo đồng nguyên”. 

Qua những chuyến điền dã, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy hầu hết đền, chùa, miếu ở Kiến Xương đều thể hiện tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” được thể hiện sinh động qua các truyền thuyết như Triệu Đà (nước Triệu, phương Bắc) kết hôn với Trình Thị Đào Nương ở Đảo Vông (nay là xã Hồng Thái) là người Chân Định, hoặc như hơn 30 vị tướng người Bắc quốc từ thời Hán, Tần, Lương, Tấn, Đường, Nam Hán... nhận lệnh thiên triều sang đô hộ nước ta đã đến khu vực Đảo Vông lập đồn trại. Chúng áp đặt chế độ cai trị hà khắc và tìm mọi cách để đồng hóa dân tộc, nhưng chúng gặp phải sự kháng cự mãnh liệt bởi nền tảng văn hóa Chân Định không dễ nhạt phai và cuối cùng, chúng gặp thất bại. Ngay cả đến danh vị chúng cũng đánh mất khi chúng “chạm” tới văn hóa Chân Định. 

Đã không đồng hóa dân tộc, không xóa nhòa bản sắc văn hóa Việt được mà chúng còn bị cảm hóa, bằng chứng ghi nhận 9 đại tướng và 2 đại quan Bắc triều đã Việt hóa, quy thuận trở thành “công dân” tốt của Chân Định và khi chết được thờ tại đền, miếu, đình, chùa như ở các địa danh Vũ Lễ, Vũ An, Vũ Ninh, Vũ Vinh, Vũ Thắng, Đồng Xâm, Vũ Hòa, Vũ Quý, Vũ Đông... Hiện 300 đôi câu đối, đại tự cổ còn lưu tại hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa của huyện Kiến Xương thờ trên 30 vị danh thần, danh tướng trong đó 11 người Bắc quốc quy hàng, trở thành thành hoàng làng. Cuốn “Bùi Gia thế sự trạng” của dòng họ Bùi ở xã Vũ Hòa tuy là cuốn gia phả một dòng họ thế nhưng bản sắc văn hóa của Chân Định còn trống vắng trong các tài liệu cổ sử thế kỷ X lại được ghi chép rất đầy đủ, các chuyên gia sử học của Viện sử học Việt Nam đánh giá rất cao cuốn sách mang đạm bản sắc dòng họ này.


Theo thần phả, thần tích ở các di tích lịch sử đền, chùa trên địa bàn huyện Kiến Xương và kết quả nghiên cứu của nhiều ngành khoa học về lịch sử, văn hóa Kiến Xương, bước đầu có thể xác định phần nhiều làng, xã thuộc huyện Kiến Xương được hình thành từ thế kỷ thứ X. Một số làng, xã hình thành sớm hơn gắn với những huyền tích về Triệu Đà và Hoàng hậu Trình Nương hoặc các tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng (thế kỷ I) hoặc các tướng lĩnh thời kỳ chống giặc Lương thế kỷ V...

Theo các tài liệu khảo cứu, địa danh Kiến Xương được xác lập từ thời nhà Trần (1226 - 1400) với tên gọi của một lộ, phủ. Trước thế kỷ X, vùng đất Kiến Xương ngày nay thuộc về Đằng Châu. Thời tiền Lê (thế kỷ X) đổi đạo thành lộ, thuộc lộ Thiên Trường và đến thời Trần lộ Kiến Xương được tách ra từ lộ Thiên Trường, thành lộ độc lập, kiêm lý 3 huyện Chân Lợi, Vũ Tiên và Thư Trì. Cuối thế kỷ XV lại đổi thành Chân Định, đến cuối thế kỷ XIX đổi thành Trực Định. Đất đai, cương vực tỉnh ta thời nhà Trần chủ yếu của 3 lộ Long Hưng, Kiến Xương và An Tiêm. Sau thời điểm thành lập tỉnh Thái Bình (ngày 20 tháng 3 năm 1890), toàn quyền Pháp tại Đông Dương quyết định đổi huyện Trực Định thành phủ Kiến Xương, huyện Vũ Tiên và Thư Trì thành huyện độc lập trực thuộc tỉnh. Bề dày lịch sử của các làng xã này trải dài theo chiều sớm dần từ Bắc xuống Nam do phần đất được bồi tụ theo chiều dài năm tháng do hệ thống sông Hồng, sông Trà Lý cùng quá trình huy động dân siêu tán khắp nơi về lấn biển, lập làng.

Quang Viện