Thứ 6, 22/11/2024, 22:30[GMT+7]

Tiền đồn dựng nước

Chủ nhật, 27/02/2022 | 20:40:18
5,174 lượt xem
Sử cũ ghi nhận, nhà nước Vạn Xuân thời Tiền Lý (thế kỷ V - VI) được xây dựng trên nền tảng cuộc chiến tranh nhân dân, trong đó có đóng góp to lớn của người dân hương Mần Để (nay là huyện Vũ Thư), quê hương của Hoàng hậu Đỗ Thị Khương (vợ vua Lý Nam Đế). Nhà nước Vạn Xuân đã đi vào lịch sử hơn 1.500 năm, đất nước ta cũng trải bao cuộc trường chinh, bao lần đánh thắng giặc ngoại xâm. Mỗi cuộc trường chinh, vùng đất hương Mần, xứ Lạng luôn có những người con kiệt hiệt vì nước, vì dân tộc mà hiến dâng trọn cuộc đời, danh thơm để mãi muôn đời...

Di tích lịch sử văn hóa đình Tịnh Xuyên, xưa là Tĩnh Xuyên, Lãng Bạc, nay thuộc thôn Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà - địa danh tiền đồn dựng nước Vạn Xuân thế kỷ VI của nhà Tiền Lý.

Theo các nguồn khảo luận, thời Lý Cao Tông (1176 - 1215), vua quan sa đọa, trộm cướp hoành hành, nạn đói triền miên khiến bao dân lành chết thảm, quyền thần nắm chính sự trong triều ngu muội, tài năng, đức độ suy vi nên nhiều nơi người dân nổi lên chống triều đình. Nhiều bậc sĩ phu không chịu khoanh tay, bó gối đã chiêu tập dân chúng, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra. Đất Giai Lạng (nay thuộc Vũ Thư) có Đinh Kiến, Phí Long, Nguyễn Bảo Lương, Bùi Đô... vì dân nghèo mà nổi lên đánh lại bọn quan tham, phá kho thóc công do quan lại bòn vét, vận chuyển về kinh đô xài phí để chia cho dân nghèo cứu đói. Nghĩa quân của Bùi Đô, Đinh Khả, Đinh Kiến, Phí Long và Nguyễn Bảo Lương đã giết chết nguyên soái nhà Lý là Tử Anh, chức Binh quan bộ thượng thư và nhiều binh lính nhà Lý để giải phóng cho dân lành đói khổ, từ đó dấy lên phong trào lớn nông dân lật đổ cường quyền, bảo vệ dân lành. 

Nhà Lý suy vi, nhà Trần lên ngôi, hưng thịnh đất nước, lực lượng bạo động Giai Lạng trước đây với nhà Lý nay chuyển sang phò giúp nhà Trần. Thể hiện sự cách tân phò giúp nhà Trần, họ Phí đổi thành họ Bùi, sau có Bùi Mộc Đạc, nhân vật lịch sử có tiếng hàng cao tổ, quốc lão thời Trần. Ngoài ra, họ Bùi ở Giai Lạng còn có Bùi Quốc Hưng, danh tướng Bùi Bị sát cánh kề vai cùng Lê Lợi dự hội thề Lũng Nhai, quyết tâm đánh tan giặc Minh xâm lược. Thời Trần, đất nước hưng thịnh, dân no đủ nên muôn dân trăm họ mừng vui, các phong trào nông dân nổi dậy chỉ quay lại vào thời vua Lê, chúa Trịnh dưới triều Lê Cảnh Hưng. Nhân dân Giai Lạng, hương Mần Để lại đi theo cuộc khởi nghĩa của Tú Cao, Sự Bình chống lại cường quyền, giành lại ruộng đất cho dân nghèo. Dấu tích còn sót lại của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Song Lãng cho đến ngày nay là “đấu đong quân”, còn Gò Súng vẫn còn ở làng Vô Ngại, xã Dũng Nghĩa. Cho đến cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành khởi xướng đã thu hút nhiều nghĩa sĩ ở hương Mần Để tham dự. Đỉnh điểm là cuối năm 1826, trên địa bàn huyện Kiến Xương và Vũ Thư, khi quan quân triều Nguyễn chốt giữ mà điển hình là đại thần triều Minh Mệnh là Nguyễn Công Trứ đóng đồn ở Hội Khê (nay thuộc xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư), Phạm Đình Bảo đóng đồn ở chợ Quán (nay là thôn Tân Quán, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình) ngăn chặn đường bộ rút quân của nghĩa quân về thành Nam (Nam Định); đô đốc Phạm Văn Lý rải thuyền chiến dọc sông Hồng từ bến đò Yên Tứ (Tiền Hải) đến đò Lưu Đông đối diện với làng Minh Giám quê của Phan Bá Vành. Giành thế chủ động, quân của Phan Bá Vành chặn đường thủy bộ của quan quân triều đình nhà Nguyễn ở dọc các tuyến sông chảy qua địa phận huyện Vũ Thư, đem quân vây đánh quan triều Nguyễn là Phạm Đình Bảo ở chợ Quán, sát với Giai Lạng nhằm bẻ gãy mũi nhọn lợi hại của quan quân triều Nguyễn rút quân sang Thần Khê. Tướng Phạm Văn Lý của triều đình nhà Nguyễn đã “khôn ngoan” điều binh thuyền từ Liêu Đông đánh lui chiến thuyền của quân Phan Bá Vành ở khu vực làng Bổng Điền, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư rồi hợp lực với quân của Nguyễn Công Trứ chỉ huy chia ba mũi tiến công quân của Phan Bá Vành nhằm giải cứu quân của Phạm Đình Bảo. Lúc này, quan quân triều Nguyễn chiếm thế chủ động, trong đánh ra, ngoài đánh vào, đẩy nghĩa quân do Phan Bá Vành chỉ huy vào thế bất ổn. Nhận thấy nguy cơ bị tấn công thảm hại và dìm trong biển máu, nhân dân Giai Lạng, Phương Cáp, Đức Hiệp thuộc hương Mần Để đã kéo ra giúp nghĩa quân Phan Bá Vành bằng cách gom rạ thành từng đống trên cánh đồng đang phơi ải rồi đốt, làm như nghĩa quân Phan Bá Vành đang đốt lửa sưởi ấm, còn quân của Phan Bá Vành thì âm thầm rút lui. Khi quan quân triều Nguyễn kéo tới thì không thấy bóng dáng nghĩa quân Phan Bá Vành đâu nữa. 

Ngược dòng lịch sử, vùng đất Giai Lạng, hương Mần Để có những dòng họ phát khôi khoa. Đơn cử như dòng họ Đỗ, nguyên là dòng họ lớn của đất Việt, theo sách “Yên Tử cực lục” của Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Bính và “Đạt Mạn thiền sư bảo lục khảo chính” của Cồ Mai cao sĩ Doãn Cảnh Tinh biên soạn thì tổ họ Đỗ xưa từ phương Bắc chạy loạn Vương Mãng xuống nước Việt từ thời nhà Hán, sinh sống ở huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Họ Đỗ có nhiều con cháu đỗ đạt thành danh. Khoảng thời gian năm 350 - 395 (thế kỷ IV), Đỗ Viện, một quan chức nhà Tấn được cử xuống Giao Chỉ làm thái thú. Khi đó, nước Lâm Ấp và Chiêm Thành đem quân cướp bóc, xâm chiếm đất đai, thái thú Đỗ Viện đem quân ra đánh, Đỗ Viện tử trận, con trai là Đỗ Tuệ Độ được cử thay cha giữ chức thái thú. Quân Chiêm Thành quen mùi quay lại cướp phá Giao Chỉ, được Lư Tuần từ Hợp Phố (Quảng Châu) hỗ trợ, chúng hò nhau tiến đánh Giao Chỉ, Đỗ Tuệ Độ với tài binh lược đã cầm chân giặc, đánh hợp quân của Lư Tuần tan tác, chạy thục mạng về phía Nam (nay thuộc các huyện của Nghệ An, giáp Lào). Sau trận thua, Lư Tuần tính kế trả thù, hắn đem tàn quân của mình còn khoảng 2.000 binh kết hợp với quân bản bộ, xin thiên triều cử viện binh gồm Lý Tốn, Lý Thoát với người Thái (Sái Lão) được khoảng 7.000 quân, dồn đánh Long Biên (nay thuộc thành phố Hà Nội). Đỗ Tuệ Độ đem tiền của và bán sạch gia tài của mình mua đồ khao quân, ông chế ra thuốc nổ rồi dùng cách đánh hỏa công tiến đánh quân giặc. Bị tấn công bằng hỏa công, quân của Lư Tuần không chống đỡ nổi, bị tiêu diệt gần hết. Đất Giao Chỉ trở lại yên bình. Không bao lâu, vào năm 413 (thế kỷ V), quân của nước Lâm Ấp lại kéo đến quấy phá vùng Cửu Chân, Đỗ Tuệ Độ lại đem quân đánh đuổi, quân Lâm Ấp bỏ chạy, đến năm 415 chúng lại quay lại cướp bóc Giao Chỉ, Đỗ Tuệ Độ dốc quân đánh thẳng vào trung ương của nhà nước Lâm Ấp (nay thuộc Nam Trung Bộ) phá tan căn cứ. Từ đó yên bờ cõi phía Nam. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi, Đỗ Tuệ Độ khi làm thứ sử Giao Châu vô cùng bình dị, mặc dù là đại quan của thiên triều nhưng vẫn mặc áo vải, ăn cơm rau, cấm dân thờ nhảm, tự tay làm nhà, dạy học cho dân. Lúc đói kém, ông mang hương lộc của mình chu cấp cho dân. Đỗ Tuệ Độ là vị quan gần dân, giữ nghiêm kỷ cương khiến cho bọn trộm cướp khiếp vía, đêm đêm mọi nhà mở cửa mà không sợ trộm cắp. 

Quang Viện