Địa phát khôi khoa
Quá trình điền dã, khảo cứu về văn hóa truyền thống của các xã phía Bắc huyện Vũ Thư, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy nhiều truyền thống văn hóa, trong đó có truyền thống khoa bảng đậm đặc tập trung ở địa phận cổ xưa trước thế kỷ X, nay thuộc các xã Hiệp Hòa, Xuân Hòa, Song Lãng, Minh Lãng, Đồng Thanh, Tân Lập... Nhiều thư tịch cổ ghi chép bằng Hán Nôm vẫn còn khá nguyên vẹn về vùng đất cổ hương Mần Để và về vùng đất “Địa phát khôi khoa” về những dòng họ khoa bảng, trong đó có dòng họ Đặng ở Hiệp Hòa...
Sự học phát triển mạnh ở hương Mần Để, trong đó phải kể đến danh nhân Đặng Nghiễm (sinh năm 1155, năm mất không rõ) sinh ra và lớn lên ở vùng đất cổ này đã sớm đỗ đạt. Ông tham dự khoa thi năm Bính Thìn (1185) và đỗ Bác học Minh kính đời vua Lý Cao Tông. Theo tài liệu khảo cứu, Đặng Nghiễm là người khai khoa của trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) và một phần tỉnh Hưng Yên. Đặng Ma La (1234 - 1285) là con trai Đặng Nghiễm, Đặng Diễn là cháu (có tài liệu ghi là con trai tiến sĩ Đặng Ma La) đều đỗ đại khoa, Đặng Diễn xếp thứ nhất “Đệ nhị giáp khoa Thái học sinh năm Nhâm Thìn” niên hiệu Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vua Trần Thái Tông và Đệ Nhị Giáp đệ nhất danh (Hoàng Giáp) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình cùng nhiều danh vị khác.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Đặng Nghiễm đỗ thứ 2 (sau Bùi Quốc Khái), khoa thi chọn người giỏi thi thư năm Ất Tỵ, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185) đời Lý Cao Tông. Mùa xuân năm Đinh Mùi 1247, vua Trần Thái Tông mở khoa thi lần đầu tuyển chọn Tam khôi đặt danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Dự khoa thi năm ấy, Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La (con trai Đặng Nghiễm) đỗ Thám hoa. Tương truyền, trong bữa tiệc đãi các tân khoa, vua Trần hỏi “Do đâu mà có tài học như vậy?”. Nguyễn Hiền trả lời: “Sinh nhi tri chi” (nghĩa là sinh ra đã biết hết). Câu trả lời này khiến vua Trần không ưng ý. Vua liền nhìn sang Đặng Ma La, tân khoa họ Đặng lễ độ trả lời: “Đắc ư sư truyền” (nghĩa là nhờ được thầy truyền dạy). Nét mặt vua Trần rạng rỡ hẳn, vua rất hài lòng về câu của tân khoa họ Đặng. Các tài liệu khảo cứu đều ghi, hai cha con nhà họ Đặng (Đặng Nghiễm và Đặng Ma La đều đỗ đại khoa, đỗ đạt ở thứ hạng cao khoa chọn thi thư, thứ nhất Đệ nhị giáp khoa Thái học sinh). Trong sách lịch sử khoa bảng, cụ Đặng Nghiễm đỗ đại khoa triều Lý, năm 1185, cháu Đặng Diễn đỗ đại khoa đời Trần, năm 1232. Sách “Đặng tộc đại tông phả” và gia phả họ Đặng ở An Để có ghi về cụ Đặng Diễn, cụ sinh năm Tân Mùi (1211) thời Lý Huệ Tông, niên hiệu Kiến Gia. Cụ đỗ Thái học sinh khoa Nhâm Thìn (1232) và được vua vời ra làm quan, thăng tiến tới chức Thừa hiến, thăng tiếp Lại bộ Tả Thị Lang cáo thụ Giản nghị Đại phu. Đời thứ 3, dòng họ Đặng ở Hiệp Hòa lại có cụ Đặng Tảo là cháu ruột Thám hoa Đặng Ma La. Cụ Đặng Tảo đỗ Thái học sinh đời Trần, vua vời ra làm quan, thăng chức Thừa hiến nhập thị nội các Đại học sĩ cáo thụ Vân ý vinh lộc Đại phu. Những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được cho biết, cụ Đặng Tảo (họ Đặng ở An Để có 2 cụ đều là Đặng Tảo. Cụ Đặng Tảo nhắc tơi đây được coi là “tị tổ” nghĩa là đời trên) và cụ Đặng Diễn, Đặng Ma La là 3 anh em ruột. Sách “Đặng tộc đại tông phả” cũng bổ sung được ngày sinh, chức quan của cụ Tảo (tị tổ), cụ Diễn, cụ Tảo (ti tổ), theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, vẫn còn nhiều tồn nghi về niên hiệu “năm Trinh Phù thứ 20” và (tính danh), chức quan của cụ Đặng Tảo (tị tổ). Cũng theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, những ghi chép còn lưu lại chỉ thấy ghi năm “Trinh Phù thứ 11”. Đối chiếu với phần chữ Hán in nửa sau sách “Đặng tộc đại tông phả” thấy cụ Đặng Tảo (tị tổ) là Đặng Tảo Sinh, chức quan của cụ là “Thừa hiển”, không thấy ghi “Thừa hiến”.
Theo tài liệu điền dã, hiện dòng họ Đặng ở Hiệp Hòa còn giữ 3 cuốn sách bằng chữ Hán Nôm, loại giấy dó, viết lối thảo bằng bút lông, mực tầu, ghi niên đại “Bảo Đại thập niên, Bảo Đại thập ngũ niên, Tự Đức ngũ niên” ghi về dòng họ Đặng ở An Để đều ghi cụ thủy tổ, tên tự là Cương Nghị, tên hiệu là Phúc Mãn. Cụ bà, họ Đỗ, tên hiệu là Trinh Thuận. Dòng họ Đặng ở đây gọi theo tên hiệu cụ Phúc Mãn, những ghi chép cho biết thủy tổ của dòng họ Đặng ở An Để, Hiệp Hòa, Vũ Thư, là Đặng Cương Nghị, hiệu Phúc Mãn (dòng họ vẫn gọi theo tên hiệu, cụ Phúc Mãn), dòng họ này có cụ Đặng Nghiêm (dòng họ gọi Đặng Nghiễm), đỗ đại khoa đời Lý, cụ Đặng Diễn, đỗ đại khoa đời Trần do chi 5 thờ cúng. Truyền thống trọng thi, thư, có người đỗ học tiến sĩ, thám hoa, chí ít cũng cử nhân, nhiều người đỗ sinh đồ (tú tài), nhiều người làm quan to trong triều, làm thuốc, nhiều người có công lao tu tạo nhà thờ họ, công trình lịch sử văn hóa ở địa phương, được bầu làm Hậu thần qua các triều đại phong kiến.
Cả một vùng đất Giai Lạng - hương Mần với bề dày truyền thống văn hiến, văn hóa, khoa bảng đậm sâu là thế, nhưng người dân nơi đây, phương châm sống lại rất giản dị, khiêm nhường, coi “canh, độc, kiệm, cần” là cốt yếu trong tư tưởng, nhận thức và lâu dần trở thành thói quen trong cuộc sống của không chỉ một dòng họ Đặng mà nhiều dòng họ khác ở Giai Lạng. Từ đường họ Doãn ở Song Lãng có đôi câu đối: “Địa xuất anh hiền, tiên trạng nguyên Đỗ công cố địa/Gia truyền thi lễ, ngã Bảo công biệt tổ thế truyền”, nghĩa là: Đất này (Ngoại Lãng) sản sinh những bậc hiền tài, tuấn kiệt, xưa đây là đất trạng nguyên họ Đỗ/Con cháu họ Doãn truyền đời thi lễ, con cháu Thái Bảo Đại vương (Doãn Thái Bảo, quê An Duyên, Thường Tín, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) biệt tổ rời về đất này nối bước tổ tiên.
Theo thống kê chưa đầy đủ, vùng Giai Lạng - hương Mần ngoài các đại khoa triều Lý: Đặng Nghiễm, Đặng Diễn (riêng Đỗ Đô đỗ đầu khoa Bạch Liên ở Trung Hoa); thời Trần có Đỗ Nguyên Chương (Thái học sinh khoa Ất Sửu (1315) triều Trần Minh Tông. Thời Lê: Trần Củng Uyên, Đỗ Hoàng (tiến sĩ triều Lê Thánh Tông), Đỗ Lý Khiêm (trạng nguyên) đời Lê Hiển Tông; Đỗ Oánh (đời Lê Uy Mục); thời Nguyễn: tiến sĩ Doãn Khuê (triều Minh Mệnh); Hoàng Giáp đình nguyên Đỗ Duy Đê triều Tự Đức... còn hơn 200 vị trung khoa từ hương cống, cử nhân, hiếu liêm, phó trung khoa, sinh đồ, tường sinh, hiệu sinh, tú tài... ở đất Song Lãng. |
Quang Vện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh