Thứ 6, 22/11/2024, 22:06[GMT+7]

Điểm hẹn thiên niên kỷ

Thứ 2, 25/04/2022 | 08:35:18
2,854 lượt xem
Tự nhiên ban cho Thái Bình địa thế ba mặt sông, một mặt biển, được các bậc vương triều gọi là “ven bờ cuối bãi”, nơi gặp gỡ hội tụ đủ các thị tộc, các dòng cư dân từ thượng du đến trung du, từ vạn chài khắp Bắc, Trung, Nam và các hải đảo... nên Thái Bình cũng là nơi có đầy đủ sắc màu kinh tế, văn hóa trải dài đất nước. Những yếu tố ấy ngay từ buổi sơ khai đã tạo nên những nét đặc trưng văn hóa của người Thái Bình, trong đó có nhiều tục lệ đẹp, được các bậc vương triều sách tặng “mỹ tục khả phong”. Từ đặc trưng văn hóa, người dân Thái Bình khát khao cuộc sống luôn được “thuận chèo mát mái”, “yên sóng lặng gió”, làm ăn thì “nổi đình, nổi đám”, để giàu “nứt đố đổ vách”.

Chùa Đồng Phú, thôn Đô Kỳ Đông, xã Đông Đô (Hưng Hà), địa danh thời nhà Lê đẹp tựa kỳ quan chốn đô thành.

Từ thời Hùng Vương, vùng đất phía Bắc (nam sông Luộc) tỉnh ta đã có nhiều quý tộc gốc Việt Mường về khai khẩn. Họ Hà chiếm hầu khắp từ Hà Xá xuống Hà Nguyên, Hà Lang. Họ Hoàng chiếm cánh đồng màu mỡ Tam Nông: Hoàng Nông, Đôn Nông, Diên Nông là vùng kinh tế rất thịnh đạt. Nhiều quan lang đã cư trú ở Hà Lang, Khả Lang, Nham Lang, con cái nhà lang chiếm riêng Chiềng óc, Lang Cun (Cun Cương - Hòa Tiến), dân gốc cổ sớm có mặt ở Bùi Phú (Độc Lập), Bùi Xá (Tân Lễ)... Dân Thượng Đạo và dân chài tộc Đãn nhiều vùng đã sớm bỏ sông nước lên bờ sống bằng nghề trồng trọt, khoảng đầu thời Tây Hán họ đã đạt đến trình độ văn hóa cao. Khảo tả di tích Đình Nhội, đình Xuân Lôi, đền Tịnh Thủy (xã Hồng Minh), đình Duyên Lãng, Thượng Lãng (xã Minh Hòa), Phúc Duyên (xã Văn Lang), đình Buộm (xã Phú Sơn), các đền Buộm, Rẫy (xã Tân Tiến), đền Trình (xã Điệp Nông) và đền Tiên La (xã Đoan Hùng) thì trên đất Hưng Hà có 2 căn cứ dấy binh, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Trưng Vương. Tại vùng cửa Luộc, quê hương của họ Hoàng và họ Hà, buổi đầu họ tụ cư trên các vàn cao như Tảo Sơn (thị trấn Hưng Nhân), Nham Lang (Tân Tiến). Hoàng Công đã khai khẩn cả vùng Hoàng Nông (sau tách thành Hoàng Nông, Canh Nông và Phú Nông, nay là xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) nối đời làm lang cun. Dòng trưởng ở hữu ngạn sông Đức Cương (thời nhà Lê gọi là sông Tiên Hưng), ngành trưởng dòng thứ dựng cơ nghiệp ở Cun (Tảo Sơn), dân nghèo tập trung ở các vùng Buộm, Rẫy, Đầu (thị trấn Hưng Nhân), Bùi (Tân Lễ), Hú, Cũ, Nguộn, Mụa, Trạch, Sâm (Hòa Tiến). Bà Hoàng Thị Mầu là con cháu thuộc dòng quý tộc Việt - Mường đã liên kết với quý tộc họ Vũ ở Phong Châu là Vũ Công Chất, quê làng Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc. Ông Vũ Công Chất tuy giỏi chữ Hán, biết cả nho, y, lý, số song không chịu ra làm quan lại liên kết với họ Phạm là Phạm Hương ở Chu Diên, hứa gả con gái cho Phạm Hương. Tô Định muốn mua chuộc họ Vũ, ép Vũ Thị Thục làm ái thiếp, hứa ban chức tước cho Vũ Công. Không lôi kéo được Vũ Công, Tô Định liền giết Phạm Hương, bắt giam Vũ Công Chất, lại kéo quân về Phượng Lâu tàn sát thảm khốc. Vũ Thị Thục được tin ngay đêm tối đã trốn về quê mẹ tại hương Đa Cương. Tương truyền bà náu mình trong Tiên La tự (chùa Tiên La), sáng hôm sau tất cả hương lão trong làng tụ tập tại gốc đa cạnh bờ sông, cùng nối hàng vào chùa đón rước người trưởng nữ và tôn bà làm minh chủ, tổng huy động con em sắm giáo mác, đêm ngày luyện tập để cùng chủ báo thù.

Vùng đất “ven bờ cuối bãi” thời Trần và Hồ có các phủ, lộ: Tân Hưng, Long Hưng, Kiến Xương. Nhà Minh đổi phủ Tân Hưng làm phủ Tân An; phủ Long Hưng làm phủ Trấn Man, sau lại đổi phủ Trấn Man làm châu Trấn Man. Các huyện lệ thuộc vào các phủ trên, cũng có những thay đổi như: Sáp nhập huyện Bố và huyện Bổng Điền vào huyện Kiến Xương (thuộc phủ Kiến Xương); đổi huyện Ngự Thiên làm huyện Tân Hóa; sáp nhập huyện Tân Hóa vào huyện Duyên Hà (thuộc phủ Trấn Man), huyện Thần Khê vào huyện Cổ Lan (thuộc phủ Trấn Man), huyện A Côi vào huyện Đa Dực (buổi đầu thuộc phủ Tân An, sau thuộc phủ Trấn Man), huyện Tây Quan vào huyện Thái Bình (buổi đầu thuộc phủ Tân An, sau thuộc phủ Trấn Man). Sau lại gộp huyện Đa Dực vào huyện Thái Bình. Như vậy, đến thời Minh, phủ Tân An (tức Tân Hưng thời Trần) không còn là huyện cũ của tỉnh ta. Thời Lê có 3 phủ là Tân Hưng (sau đổi là Tiên Hưng), Thái Bình, Kiến Xương. Buổi đầu nhà Lê, Thái Bình thuộc Nam Đạo, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) thuộc thừa tuyên Thiên Trường, năm thứ 10 (1469) đổi làm thừa tuyên Sơn Nam, năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi làm xứ Sơn Nam, giữa năm Hồng Thuận (1510 - 1516) gọi là trấn. Nhà Mạc đem các phủ Thái Bình, Kiến Xương, Tân Hưng lệ thuộc vào Dương Kinh. Đời Lê Quang Hưng (1578 - 1599) trở lại như cũ. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) chia Sơn Nam làm 2 lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ (gồm các phủ Thiên Trường, Thái Bình, Nghĩa Hưng, Kiến Xương và Tiên Hưng), nhà Tây Sơn gọi là trấn Sơn Nam Hạ. Đầu đời Gia Long nhà Nguyễn vẫn theo như thế. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi Sơn Nam Thượng làm trấn Sơn Nam, Sơn Nam Hạ làm trấn Nam Định. Năm thứ 12 (1831) chia tỉnh hạt, phủ Tiên Hưng lệ vào tỉnh Hưng Yên, phủ Kiến Xương và phủ Thái Bình lệ vào tỉnh Nam Định. Năm 1890, thành lập tỉnh Thái Bình gồm 2 phủ Kiến Xương, Thái Bình và huyện Thần Khê của phủ Tiên Hưng. Năm 1894, sáp nhập vào tỉnh Thái Bình 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà tách từ tỉnh Hưng Yên.

Giới hạn bài viết khó tả hết tầng sâu văn hóa, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Vào thời nhà Trần, vua ban cho hoàng đinh trong quân dự bị đến ngày khánh tiết được ăn cơm nếp với cá mắm”. Sau này, sử gia Ngô Sỹ Liên bàn: “Đời xưa, cơm nếp là phẩm vật quý, được ăn cơm nếp với cá mắm là ngon lắm, quý lắm”. Quả thực, tục cúng bằng cá, chế biến cá của dân chài thời cổ khi đặt chân lên mảnh đất “ven bờ cuỗi bãi” này thì chỉ còn ở vài làng có gốc cư dân sông nước. Đó là làng Vân Đài, xã Chí Hòa, làng Tam Đường, Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Các làng Tô Đê (xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ), làng Vân Đài (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà) có lệ sắp cỗ cá để đón quan viên Chạ, cá được bày trên mâm thờ hình chữ nhật, loại mâm dân thường bày bát hương thờ cúng tổ tiên. Tầng dưới bày giò chả, tầng trên đặt một cái giàn làm bằng gỗ mỏng (gọi là gắng) hình chữ nhật theo mâm. Giàn gỗ được chia thành nhiều ô vuông đều nhau để đặt cá. Giò được đặt trong tám cái đĩa, mỗi đĩa bốn khoanh, mỗi khoanh giò được cắt dày bằng hai khoanh giò ngày nay, ngoài giò còn có chả chìa... Cá được đánh bắt ngoài ao, thường là cá trắm đen hoặc cá chép, phải to nặng vài cân. Làng Tam Đường xưa có tục thi và làm cỗ cá được tổ chức vào dịp đầu xuân và cuộc thi được tổ chức giữa các giáp. Ngay sau mùa thi năm trước, dân làng đã nuôi cá để chuẩn bị cho mùa thi năm sau. Cá được “dự thi” là cá trắm đen to vài gang tay (mỗi gang tay gọi là một vỗ), chiều ngang phải một gang, chiều dài phải ba gang trở lên, phải thửa những nồi riêng theo chiều dài để luộc cá. Khi làm và luộc không để cá bong vẩy, quăn vây, vây cá phải theo thân cá. Cá luộc sao cho vừa đủ chín khi bóc thịt cá ra không còn màu hồng của cá chưa chín, không vữa quá vì quá chín. Cá phải có mùi thơm, mới nhìn đã thấy ngon, cá luộc chín được đặt lên mâm, ban giám khảo xét chấm giải, cá nào được giải mới được đưa vào lễ thánh. Lễ thánh xong mọi người cùng hưởng lộc. Cá được ăn với xôi, chấm với nước mắm chắt pha gừng...

Các tài liệu khảo cứu cho thấy, cách ngày nay 2500 - 3000 năm, những làng xóm đầu tiên trên các gò, đống nổi lên dải đất sa bồi ba mặt sông, một mặt biển mà ngày nay là tỉnh Thái Bình đã được các cư dân Việt cổ tạo dựng. Lúc bấy giờ, đất Thái Bình nay là điểm hẹn chào đón các cư dân Việt cổ từ miền núi, trung du tràn xuống vùng đồng bằng châu thổ sau thời kỳ biển tiến Flanria, họ tiến hành khai phá các đầm lầy, ô trũng thành những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu cấy trồng quanh năm, xây dựng cuộc sống định cư lâu dài lấy việc trồng lúa nước là chủ đạo kết hợp với đánh bắt thủy hải sản và chăn nuôi cùng phát triển nghề thủ công.


Quang Viện

  • Từ khóa