Thứ 6, 22/11/2024, 16:15[GMT+7]

Thủy đồ trọng yếu

Thứ 2, 16/05/2022 | 08:31:03
5,355 lượt xem
Theo các nguồn khảo luận, vùng đất Tây Nam huyện Hưng Hà, Đông Hưng và Bắc huyện Vũ Thư là một dải đất liên hoàn có nhiều đồn quân, kho lương của Lý Nam Đế trong cuộc khởi nghĩa chống nhà Lương năm 541, nên dân gian có câu: “Gạo Lộc Điền, tiền làng Búng, thúng làng Roi, ngòi Thanh Bản” chính là sự tổng kết về một thời vàng son, oanh liệt xây dựng căn cứ địa kháng chiến của vua Tiền Lý ở đất Thái Bình. Ngót ngàn năm sau, sách “Lưu Đồn phả ký” có ghi chép về chiến thuật quân sự nhà Trần trong hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông (1285 - 1288), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã thực hiện chiến thuật “Khởi thủy phương, triệu thủy phương” nghĩa là lấy sông nước làm thế trận đánh giặc và khi rút quân cũng theo đường sông nước mà rút ra biển cả.

Bến đò Nhật Tảo xưa và nay là cầu Thái Hà thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà nối đôi bờ sông Hồng giữa Thái Bình và Hà Nam.

Lý Tử Tấn (thời nhà Lê) đã viết: Đất đai lộ Long Hưng, Thần Khê, Kiến Xương, Thư Trì… sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, cưỡi một chiếc thuyền, bỏ chỗ nọ, đến chỗ kia chẳng ai còn biết lối mà tìm. Còn sách “Long Hưng thần tích” có viết về các vị thần thời Hùng Vương ở đất Long Hưng đều thạo sông nước và có “tài sai khiến” các loài thủy quái ở sông giúp vua Hùng đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Vùng đất ba mặt sông, một mặt biển, phía Tây là dòng sông Cái, nước sâu ngàn trượng, rộng ngàn tầm (thường gọi là Trường Giang, Đại Hoàng Giang nay là sông Hồng), phía Bắc là dòng Bạch Lãng (Tiểu Hoàng Giang nay là sông Trà Lý), xa xa phía Đông là dòng Đức Cương (sông Tiên Hưng) và Đông Nam là đầm Văn Lãng, Ngoại Lãng (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư) sóng nước mênh mông cạnh đó là những cánh rừng Búng, Báng ngút tầm mắt còn gọi là Cự Lâm (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) với rừng Dạ Thanh ngập nước ngàn dặm, lạch nước ngang, dọc như mắc cửi, Lý Nam Đế coi đây là địa đồ quân sự trọng yếu nhử giặc Lương vào “thế cùng, lực kiệt” để tiêu diệt… Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sông Hồng chảy từ miền núi cao xuống vùng hạ lưu qua kinh đô Thăng Long đến góc Tây Bắc lộ Long Hưng thì gặp địa hình nghiêng gấp về phía Đông tạo ra dòng chảy chi lưu gọi là ngã ba cửa Luộc. Do sức mạnh xoáy nước cộng với lượng phù sa phong phú nên dòng nước đã tạo nên nhiều bãi nổi, doi cát liên tiếp và hiểm hóc. Long Hưng cũng là “quê hương” của nhiều gò đống như Đức Cương, Tinh Cương, Cao Cương, Tảo Cương, bởi vậy thời Tây Hán được gọi là hương Đa Cương, bến Triều Dương, dốc Bùi đạt đỉnh cao 2m so với mặt nước biển và thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền và bến Triều Dương (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) luôn là địa điểm quan trọng của nhà nước Văn Lang và sau là Đại Việt.

Theo các tài liệu khảo cứu, đất đai vùng Nam Chu Diên (Thái Bình nay) như một hòn đảo lớn nằm giữa sông và biển, phía Bắc và Đông Bắc là dòng Nông Kỳ (sông Luộc) và sông Hóa, phía Tây Nam là dòng Đại Hoàng Giang (sông Hồng), phía Nam giáp biển. Nội đồng chằng chịt sông ngòi mà tiêu biểu là dòng Trà Lý, Tiên Hưng, Diêm Hộ, Cô… đặc biệt sông Trà Lý (Tiểu Hoàng Giang) như dải lụa chảy từ Tây sang Đông chia đất Thái Bình thành hai nửa, phía Bắc là Châu Đằng, phía Nam là Châu Đặng. Đến thời vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa triều) đổi Châu Đằng thành phủ Thái Bình. Các tài liệu khảo cứu cũng cho thấy, khi “thiên hạ” về tay nhà Trần (1226), họ Trần đã khôn khéo “thu xếp” cho một số thân quyến nhà Lý kết thân với những người thuộc dòng họ Trần, bằng cách đó, nhà Trần đã tranh thủ được sự ủng hộ của một số công thần nhà Lý và cũng là để xóa đi ranh giới mặc cảm nho giáo “tôi trung không thờ hai vua”. Tuy nhiên, có được thành quả rực rỡ, gia tộc họ Trần không quên “gốc” của mình “đời đời làm nghề chài lưới” và không quên vùng đất ngã ba sông Hồng và sông Luộc là nơi dừng chân và hưng nghiệp của họ tộc. Trước khi thành nghiệp đế, gia tộc họ Trần ở Lưu Xá đã thực hiện ý định táo bạo rời bỏ sông nước lên bờ tạo dựng nghiệp nông tang, khẩn điền, làm thủy lợi bắt đầu với việc “quật thổ, bồi cơ” dựng cơ nghiệp lâu dài trên đất Long Hưng. Khi nhắc tới miền sông nước bờ Nam sông Luộc, trong phần “Dư địa chí” của sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã đánh giá rất sắc sảo “Bãi Xích Đằng là kho của, kho người của các đời và là chỗ xung yếu, then khóa”. Theo các nguồn khảo luận, Xích Đằng chính là khúc sông Hồng nối liền với cửa Luộc, nước từ sông Hồng chi lưu vào sông Luộc, ngã ba Luộc là nơi giao tiếp của nhiều dòng chảy và là nơi gặp gỡ của các lộ Khoái (Hưng Yên), Hồng (Hải Dương), Thiên Trường (Hà Nam và Nam Định), Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình). Kết quả điền dã và nghiên cứu tài liệu khảo cổ cho thấy, để trở thành một địa bàn chiến lược với thế trận thủy bộ liên hoàn phục vụ lâu dài cho đường lối chiến tranh nhân dân thời các vương triều Lý - Trần thì hậu cần, hậu phương là tối quan trọng và chỉ có địa thế của lộ Long Hưng, Kiến Xương (Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương nay) mới đáp ứng đủ điều kiện cơ bản và là điều kiện không thể thiếu cho chiến lược quân sự chống giặc ngoại xâm. Thời nhà Trần, miền đất Long Hưng phát triển rất mạnh. Nhà Trần đã xây dựng nhiều điền trang, thái ấp phong cho các vương hầu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển tạo ra nhiều lương thực và của cải phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại mà cụ thể là ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Sử cũ còn ghi, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng tướng Yết Kiêu chặn đánh quân giặc trên dòng Nông Kỳ (sông Luộc); Hoàng Giang (khúc sông Hồng chảy bên phía Tây lăng mộ nhà Trần), chém đầu hàng nghìn quân giặc, nước sông cuộn chảy tắc nghẽn một vùng (dân gian gọi là khu vực Giếng Đầu, làng Đầu… (nay là khu Đầu - Thị An, thị trấn Hưng Nhân). Sử cũ cũng chép “năm 1266 triều đình cho đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, phát triển nghề thủ công trưng dụng trí thức Long Hưng vào việc chấn hưng nông nghiệp khiến cho trình độ thâm canh lúa nước của dân các lộ, phủ phát triển tới đỉnh cao, thóc lúa dư thừa, dân no đủ, trở thành “chỗ dựa” vững chắc của nhà Trần”. Ngoài ra, địa thế chiến lược dựa vào các dòng sông chảy qua địa phận Long Hưng - Kiến Xương cũng giúp cho thế lui binh của vương triều khi cần thiết tránh sức mạnh đang sung mãn của quân địch để bảo toàn lực lượng và vương triều khi chúng tấn công dữ dội vào quân lực các vương triều. Được hưởng những ưu tiên hàng đầu về “cái ăn” nghĩa là có “công cụ” để làm ra lúa gạo nuôi sống con người do vậy mà nhân dân ba lộ Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm đã dốc lòng phò tá nhà Trần vì thế trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược, nhà Trần đã làm nên chiến công oanh liệt.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi giành được ngôi cao, nhà Trần không quên miền đất hưng nghiệp và đã coi Long Hưng, Kiến Xương là 2 trong 6 lộ, phủ thân tín được tuyển chọn đinh tráng đưa vào các đội quân túc vệ, bảo vệ kinh thành. Hẳn trong sâu thẳm tiềm thức, các vua Trần đã quyết định xây dựng lăng tẩm an táng nhiều vị vua đầu triều Trần, trong đó có cả hoàng hậu, vương phi và các thân vương tại Ngự Thiên - Long Hưng đồng thời coi nơi này là chốn tôn miếu linh thiêng của nhà Trần. Tình cảm thiêng liêng mà các vua Trần và vương triều Trần dành cho Long Hưng, Thần Khê, Kiến Xương… (Thái Bình nay) đã tạo cơ hội cho vùng đất ngã ba sông cơ hội bộc lộ tiềm năng, sức mạnh và tầm vóc không ngừng vươn cao của vùng đất “ven bờ cuối bãi” nơi hưng nghiệp và phát tích nhà Trần trong sự nghiệp gìn giữ giang sơn, bờ cõi Đại Việt.


Quang Viện


  • Từ khóa