Thứ 4, 22/05/2024, 00:42[GMT+7]

Cổ nhân cổ nghệ

Thứ 2, 30/05/2022 | 08:57:06
5,969 lượt xem
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cách ngày nay hơn 2000 năm, người Việt cổ từ miền núi cao tràn xuống lưu vực sông Hồng, sông Luộc dựng làng, bám biển kiếm kế sinh nhai. Họ mang theo nghề mộc để dựng nhà, dệt thủ công để đáp ứng “cái mặc” và “cái ăn” là nghề trồng lúa nước nhằm tồn tại, khái niệm nghề và làng nghề có từ thuở ấy. Làng nghề là một làng có nghề thủ công, cộng đồng làng cùng một lúc có thể tham gia nhiều hoạt động sản xuất, trong đó có nông nghiệp, thủ công, thương nghiệp… “Làng nghề truyền thống là làng cổ truyền làm nghề thủ công, ở đấy không nhất thiết tất cả dân làng đều sản xuất hàng thủ công. Người thợ thủ công cũng đồng thời là nông dân nhưng yêu cầu chuyên môn hóa cao đã tạo thành những người thợ chuyên sản xuất hàng truyền thống ngay tại làng của mình”.

Làng An Cố, nay là An Tân, xã An Tân, huyện Thái Thụy.

Trên địa bàn tỉnh ta, những giai thoại về làng cổ chạm bạc Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương) vẫn còn được truyền ngôn chuyện Trình Hoàng Hậu, vợ Triệu Vũ Đế, thần được thờ ở nhiều xã trong huyện Kiến Xương. 

Chuyện kể rằng, bản ấp xưa có người con gái họ Trình tên gọi là Lan Nương nhan sắc chim sa, cá lặn. Một ngày Triệu Đà đi tuần thú phương Nam vừa gặp Nương đã đem lòng yêu say đắm bèn xin Trình Công lấy làm vợ, Trình Công thuận cho. Về sau Đà lên làm vua, phong Trình Lan Nương lên làm hoàng hậu. Nhiều công trình đền miếu đều do bà gia công tu bổ, bà còn để lại nhiều ruộng đất cho dân lo việc hương đèn, sửa chữa đền miếu. Hoàng hậu qua đời, dân làng lập miếu thờ.

Chuyện về chiếc búa sắt của Triệu Đà được thờ ở đền Đồng Xâm lại kể “Triệu Vũ Đế được vua nhà Hán giao cho một chiếc búa sắt “Thiết Việt”, giao cho cai quản địa phận Giao Châu, sau đó đi tuần hành, xem xét công việc của bộ thuộc các nơi, đến xã Đường Thâm (nay là Đồng Xâm, Hồng Thái), Đế lấy con gái nhà họ Trình làm vợ. Khi Đế chết, dân lập đền thờ, chiếc búa sắt cũng được thờ ở đấy”. 

Lịch sử nghề chạm bạc hàng Đồng Xâm được kể rằng, vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) ở làng Đồng Xâm lúc đó có ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng (“Bổ trữ đồng oa”) lên Châu Bảo Lạc (nay thuộc Cao Bằng) hành nghề, rồi cũng ở đó ông học được nghề kim hoàn, trở về làng ông đem truyền dạy nghề cho dân. 

Lúc đầu ông mở “xưởng” tại nhà, sau truyền ra cả làng. Từ làng Đồng Xâm đến các làng Tả Phụ, Hữu Bộc, Dương Cước, Xuân Cước… Ban đầu mới chỉ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng, qua năm tháng phát triển thành nghề mỹ nghệ chuyên chạm, khắc các đồ gia dụng bằng đồng, dần dần làm được các đồ trang sức bằng vàng, bạc… Nghề chạm bạc Đồng Xâm càng phát triển thì tay nghề càng tinh xảo. Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lư đỉnh bằng bạc, tranh xuân, hạ, thu, đông, tranh tứ bình… xưa nay khách sành chơi hàng vàng bạc đều đánh giá thợ Đồng Xâm khéo tay. Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm chuốt tinh xảo, đường ve, nước vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, sợi tóc, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng dù là khó tính nhất.

Ngược lên phía Bắc của tỉnh, ngay sát bến Triều Dương ta gặp một làng nghề dệt chiếu nổi tiếng, làng chiếu Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Xưa làng Hải Triều có tên Hải Hồ tục gọi là làng Hới. Làng Hải Triều nằm ở vùng đất cổ của tỉnh Thái Bình, đất của hương Tinh Cương thời thuộc Hán, huyện Chu Diên thời Tiền Lý, phủ Thái Bình thời Tiền Lê và lộ Long Hưng thời Trần. Từ thời Lê sơ (hậu Lê) Hải Triều thuộc huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (năm 1601 vì phạm húy Lê Kính Tông (Duy Tân) đổi gọi là phủ Tiên Hưng), Hải Triều nằm kề ngã ba sông, sông Hồng mở thêm chi lưu - sông Luộc. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi gọi là sông Nông Kỳ, một trong ba “kỳ quan” của trấn Sơn Nam thời đó.

Từ làng Hới, nghề làm chiếu đã được truyền sang các làng Thanh Triều, Xuân Trúc, Quan Khê, Kiều Thạch, Tây Xuyên, Hà Xá, Thụy Vân, Xuân Hải..., Phú Hà, Phú Vật, Trung Hòa và nhiều làng xã trong vùng, nhưng chiếu Hới (Hải Triều) vẫn nổi tiếng trong nước. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong mục “Sản vật” có ghi về hai vùng sản xuất chiếu là Uông Thượng, Uông Hạ, Chu Đỗ, Mạc Xá, huyện Thanh Lâm (Nam Sách, Hải Dương) và Thanh Triều, Hải Triều, huyện Hưng Nhân (Hưng Hà, Thái Bình) nhưng thừa nhận “Chiếu Hải Triều, Thanh Triều, huyện Hưng Nhân sản xuất tốt hơn cả”.

Theo các tài liệu khảo cứu, làng nghề là một làng có nghề tiểu thủ công đã từng tồn tại trong lịch sử hoặc một thời gian nhất định, có sản phẩm hàng hóa nổi tiếng hoặc có khối lượng hàng hóa lớn có vai trò nhất định đối với thị trường trong nước và quốc tế, có số đông người trong làng cùng làm một hoặc nhiều nghề, dân làng sống chủ yếu bằng các nghề đó. Còn các làng nghề truyền thống trước hết phải là một làng nghề, nhưng phải có lịch sử tồn tại lâu dài đến nay vẫn sản xuất một hoặc nhiều mặt hàng có giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Ví như làng cốm Thanh Hương nay thuộc xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, làng nhỏ nằm giữa sông Hồng và sông Trà Lý, cách thị trấn Vũ Thư 12km. Xa xưa Thanh Hương có tên gọi là Mạt Hương với nghĩa làng nổi trên mặt nước. Các thế hệ người làng Thanh Hương vẫn nhớ đất Thanh Hương xưa là vùng đất “thập niên cửu đạo”. Nghề làm cốm Thanh Hương đã có từ rất lâu, đến nay không ai còn nhớ nghề ấy có từ thời nào, năm nào, các cụ già chỉ kể lại rằng đời ông, đời cha xưa đã từng làm, cốm Thanh Hương làm ra đem sang Nam Định, đem lên Hà Nội bán… chỉ có một số ít người quang gánh trên vai đi bán rong trong vùng. Những năm chiến tranh chống thực dân Pháp đi lại khó khăn, rồi những năm kháng chiến chống Mỹ phải tiết kiệm lương thực, chi viện cho tiền tuyến, nghề làm cốm của làng tưởng chừng phải bỏ hẳn. 

Người dân làng Thanh Hương phần nào nhớ nghề, phần nào nhớ hương vị của cốm nên mùa đến, dăm ba nhà có làm cốm chẳng phải để bán mà chỉ để ăn, giờ nghĩ lại dân làng lại thấy phải cảm ơn họ vì nhờ đó làng giữ được nghề. Người làng Thanh Hương thấy tự hào vì Thái Bình xưa không chỉ có cốm Thanh Hương mà còn có cốm Nguyễn (Nguyên Xá, Đông Hưng), cốm Bồ Trang, Bái Trang (Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ) những làng cốm đã từng đi vào ca dao, dân ca…. vậy mà nay không còn nghề “Giai Bồ Trang tay rang, tay xẩy/Gái Ngọc Quế tay bế, tay vun”, hoặc Giai Bồ Trang vừa rang, vừa giã…

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Làng nghề (ví như như làng chạm bạc Đồng Xâm, rèn Cao Dương, An Tiêm, làm hương Lai Triều, đúc đồng An Lộng, dệt chiếu Hải Triều…, làng cổ như Hú (Hòa Tiến), Vế, Diệc (Tân Hòa, Hưng Hà); Giành (An Ninh, Quỳnh Phụ); Hệ (Thụy Ninh, Thái Thụy)… làng ấy tuy vẫn còn trồng trọt theo lối tiểu nông và chăn nuôi nhỏ (lợn, gà…), cũng có một số nghề phụ khác (đan lát, làm tương, làm đậu phụ…) song đã nổi lên một số nghề cổ truyền, tinh xảo với một tầng lớp thủ công chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, có phường (cơ cấu tổ chức), có ông trùm, ông phó cả… cùng một số thợ và phó nhỏ đã chuyên tâm, có quy trình công nghệ nhất định “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” sống chủ yếu được bằng nghề đó và sản xuất ra những hàng thủ công, những mặt hàng đã có tính mỹ nghệ đã trở thành sản phẩm hàng hóa và có quan hệ tiếp thị với một thị trường là vùng xung quanh với thị trường đô thị, thủ đô (Kẻ Chợ, Huế, Sài Gòn) và tiến tới mở rộng ra cả nước rồi có thể xuất khẩu ra cả nước ngoài. Những làng nghề ấy ít nhiều đã nổi danh từ lâu (có một quá khứ ngàn năm); dân biết mặt, nước biết tên, tên làng đã đi vào lịch sử, vào ca dao, tục ngữ... trở thành di sản văn hóa dân gian”.

Quang Viện