Thứ 6, 22/11/2024, 16:51[GMT+7]

Hùng oai một thuở

Thứ 2, 11/07/2022 | 07:02:39
4,457 lượt xem
Tự nhiên không ban tặng cho Thái Bình nguồn tài nguyên để làm giàu nhưng “tạo hóa” trao cho con người nơi đây bản lĩnh phi thường, chất sống giàu tình cảm. Trải nghìn năm chống chọi giặc dã, thiên tai, giữ đất, mở làng, những thế hệ tiền bối ở Thái Bình đã để lại cho con cháu hậu thế những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, đáng kể đến là những chùa chiền, miếu mạo, trong đó còn lưu giữ nguồn sử liệu vô giá. Những gì còn sót lại đến ngày hôm nay đã trở thành tài sản vô giá không kể xiết. Những “nghê ngậm đại bờ”; “hồi văn cách bản”; “lòng thuyền tứ trụ”; những “chồng diêm cổ các” chạm trổ tứ linh tinh xảo... không những thể hiện ý chí độc lập tự chủ, quật cường của những con người “sống ngâm da, chết ngâm xương” nơi mảnh đất bốn bề sông bể này mà còn là bức tường thành vững chắc ngăn chặn sự xâm lăng của văn hóa bắc phương nhằm đồng hóa dân tộc Việt Nam.

Đình làng Phú Mỹ, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà là một trong số ít ngôi đình cổ tọa Đông hướng Tây còn sót lại trên đất Thái Bình.

Triều đại nhà Trần (1226 - 1400), đạo Phật được coi là quốc đạo nên vấn đề “tông miếu - xã tắc” luôn được coi trọng. Làng Thái Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà là nơi xưa kia được chọn để xây tông miếu nhà Trần, địa linh nơi đây phát tích đã hun đúc nên nguyên khí nhà Trần, một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ trong lịch sử, ba lần phá tan đội quân Nguyên Mông tàn bạo, giữ yên bờ cõi. Chính sử còn ghi đại ý là: Quân Nguyên Mông hung tàn đã nhiều lần tìm đến tông miếu Thái Đường đào bới, đập phá nhằm cắt đứt nguồn nguyên khí của vương triều. Chúng đã tàn phá không chút gợn lòng trắc ẩn đối với các công trình kiến trúc lăng tẩm Trần triều và chúng cũng đã gánh chịu đòn trừng phạt quyết liệt của nhân dân Đại Việt, âu cũng là quả báo. Năm Mậu Tý (1288), vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng đã về phủ Long Hưng, đem theo bọn tướng tá giặc đã bắt được như Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Đường Ngột Đãi, Mai Thế Anh, Sầm Đoạn, A Thai, Điền nguyên soái... để hiến tiệp trước bàn thờ của vua Trần Thái Tông, người anh hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1258.

Đứng trước tòa lăng của người ông anh hùng mà quân giặc đã đào bới, tàn phá man rợ hòng xóa đi dấu tích linh thiêng tông miếu nhà Trần oai hùng, đến nỗi mấy con ngựa đá (linh vật coi sóc tông miếu) cũng phải nghiêng ngả lấm bùn. Vị Hoàng đế anh hùng, nhà quân sự thiên tài Trần Nhân Tông không ngăn nổi xúc cảm đã thốt lên hai câu thơ, mãi mãi thể hiện tấm lòng nhân hậu ngay cả với vật vô tri (như ngựa đá) của một con người vừa ra khỏi khói lửa của chiến tranh, cùng niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn vĩnh viễn của dân tộc: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Tạm dịch: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Giang sơn một thuở vững âu vàng.

Trong tĩnh lặng của một vùng quê lúa, nhiều liên tưởng không hiểu tại sao một vùng đất bốn bề sông nước, không có một hòn núi nhỏ mà lại sản sinh ra những nghệ nhân chạm khắc đá mê hồn. Chiếc sập đá chùa Diều, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà là một ví dụ sinh động, cả một khối đá nặng chục tấn, vô hồn được những bàn tay tài hoa chia làm ba tầng, trên mặt sập là bức chạm công phu hình tòa sen, có bông sen, gương sen. Thân sập chạm hoa văn cúc dây, vân sóng nước, dấu móc cùng đủ loại voi, nghê, rồng với dáng vóc hùng dũng, oai phong đầu ngẩng cao quay về sau thế vươn dữ dội. Bốn góc sập có bốn con linh điểu, đầu chim, mình người nâng góc trong thế trụ vững chãi. 

Trên mảnh đất “Duyên hà, Thần khê”, thế kỷ thứ XIII, nhà Trần hưng nghiệp, phát tích đã không quên nguồn gốc tông tộc, Vua Trần đã chọn Thái Đường (xã Tiến Đức), Thâm Động, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà làm nơi an táng những vị vua đầu triều Trần như: Thọ Lăng của Thái Tổ Trần Thừa, Chiêu Lăng của Trần Thái Tông, Dụ Lăng của Trần Thánh Tông và bốn lăng dành cho các vị hoàng hậu cùng thời. Nhà Trần đã cho xây dựng hoành cung Long Hưng uy nghi, lộng lẫy, đến vua Trần Nhân Tông khi từ kinh thành Thăng Long về bái yết tổ tông cũng không cầm nén nổi cảm xúc mà thốt lên: Trượng vệ thiên môn túc/Y quan thất phẩm thông. Tạm dịch: Nghi trượng oai nghiêm diễu qua ngàn cửa/Trang phục của các quan bảy phẩm thật rõ ràng.

Từ ngàn xưa, các bậc vương triều nước ta đều rất coi trọng đời sống tâm linh, tông tổ và cũng vì thế mà diện mạo kiến trúc cổ ở Thái Bình phát triển rực rỡ. Không chỉ có công sức mà người dân và vương triều thời đó cũng dồn nhiều tiền bạc xây dựng chùa chiền, tạo dựng những kiến trúc độc đáo, dãy ngang, dãy dọc, hành cung, lăng tẩm, tầng tầng lớp lớp lầu son, gác tía... thể hiện ý thức tự chủ, tự cường, chống lại thế lực đồng hóa nham hiểm phương Bắc. Nhìn vào các di khảo còn sót lại trong quá trình tìm kiếm khảo sát các di chỉ ở Hưng Hà, các mô hình kiến trúc đất nung trong những ngôi mộ cổ thời Trần chúng ta cũng có thể hình dung ra hệ thống lăng tẩm, cung điện nguy nga tráng lệ với phong cách mái đao, guột, lòng thuyền, tứ trụ, đỉnh tâm đại bờ, lắp ghép những đôi rồng lực lưỡng... in dấu một thời vàng son. Thế hệ cháu con chúng ta sau này mới có dịp cảm tạ các bậc tiền bối bao công sức giữ gìn “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc. Dẫu còn sót lại ít ỏi, nhưng những tác phẩm điêu khắc mang đủ phong cách mềm mại, dẻo dai của thời Lý, cứng rắn và vững chãi của thời Trần, hòa quyện với màu xanh cây lá, sông nước... đã thể hiện sức mạnh quật khởi của vương triều đương đại. Đồng thời thể hiện sự sáng tạo của những nghệ nhân Thái Bình. 

Những ngôi đình, chùa, đền, miếu ở Thái Bình hầu hết đều được xây dựng theo những công thức nhất định theo chữ “nhất”, chữ “nhị”, chữ “tam”, chữ “vương”, chữ “đinh”, chữ “công”, hoặc “nội công ngoại quốc”. Hiện tại, loại “nội công ngoại quốc” thường đã bị đổ nát hoặc bị thu hẹp qua các lần trùng tu. Không gian kiến trúc còn sót lại trên địa bàn tỉnh ta, chúng ta có thể nhận thấy giá trị văn hóa phi vật thể hàm chứa ở đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Thái Bình đã khiến những phiến đá lạnh lẽo, vô cảm, những trụ đá vô tri thành những bức chạm tứ linh, rồng bay, phượng múa mềm mại, gần gũi cuộc sống như những xà trụ ở đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, hay những cỗ kiệu ba tầng sơn thếp vàng ở làng Trực Nội, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng; làng Son, xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương; làng Phương Tảo, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư; làng Đông Hồ, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy... những con rồng khúc ẩn, khúc hiện vàng óng xoắn quyện khi oai phong, lúc rực lửa, có khi lại xoắn xuýt thành động Lambalaty... 

Trên chín tầng mây có đủ mặt các vị tam thế, adida, tuyết sơn, nam tào, bắc đẩu cùng các chư tiên, bồ tát, phật, thánh, tiên cô... tất cả áo mũ trang nghiêm, kính cẩn... Làng Đông Hồ, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy vẫn còn giữ được đạo sắc của vua Lê Cảnh Hưng phong bậc giáp bảng hàm tòng tứ phẩm cho nghệ nhân Bùi Huyên và ở làng Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà có nghệ nhân Nguyễn Thứ cũng được nhà Lê phong cho bậc Ất Bảng. Đó chỉ là những nghệ nhân mà hậu thế còn biết đến, đại diện cho hàng nghìn nghệ nhân “vô danh” không được nhắc đến tên, họ đều là những bậc thầy từng có công lớn trong việc xây dựng cung điện, đền đài ở kinh đô Thăng Long.

Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể nhận thấy các kiến trúc tôn giáo thường quay về hướng Nam hay Đông Nam mát mẻ. Tuy nhiên, nhiều ngôi đình, chùa trên địa bàn tỉnh ta lại quay về hướng Tây, rất có thể là do đòi hỏi chống ẩm của kiến trúc vì buổi chiều đón được ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào, khiến đình (chùa) luôn khô ráo. Tiêu biểu trong kiến trúc đình ở Thái Bình được xây dựng vào thời Lê như đình Phất Lộc, xã Thái Giang; Hậu Trữ, xã Duyên Phúc, huyện Thái Thụy; Duyên Lãng, Phú Mỹ, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà; đình Đông, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương... Vào thời Lê, do chính sách ưu đãi với Phật giáo mà hàng loạt chùa chiền ở Thái Bình được trùng tu, phục dựng.


Quang Viện