Thứ 6, 17/05/2024, 14:57[GMT+7]

Trọng quốc văn thân

Thứ 2, 18/07/2022 | 07:10:53
7,386 lượt xem
Sau tiếng súng của đế quốc Pháp năm 1858 tại Đà Nẵng nã vào thành trì phong kiến nước ta, đến năm 1883 chúng kiểm soát toàn bộ đất nước, trong đó địa danh Thái Bình (ngày nay) được coi là một vùng trọng yếu. Thời điểm lúc bấy giờ, tên đất Thái Bình chưa xuất hiện, chỉ được coi là “ven bờ, cuối bãi” giáp ranh giữa Nam Định và Hưng Yên. Người Pháp đặt tên là An Định. Bị áp bức, tất dẫn đến đấu tranh, vốn xưa kia nơi đây là căn cứ địa của Lý Nam Đế sau đến sự nương nhờ của Đinh Tiên Hoàng và là đất “quan hà” của nhà Lý, vùng đất hưng nghiệp phát tích của nhà Trần… người An Định vốn không chịu khuất phục trước thiên tai, giặc dã đã bắt đầu tập hợp lại dưới ngọn cờ của các văn thân yêu nước, cùng nhau chiến đấu chống lại ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp.

Khu vực chùa Tây Linh, xã Thụy Liên (Thái Thụy) xưa kia từng là nơi hoạt động của nghĩa quân Tạ Hiện chống Pháp thời gian cuối thế kỷ XIX.

Trong những năm đầu thực dân Pháp cai trị đất nước ta, phong trào chống  thực dân Pháp trong giới văn thân lúc bấy giờ đáng chú ý có khá nhiều người đang làm các chức quan trong triều đình nhà Nguyễn đã rũ áo từ quan hoặc đương nhiệm tiên phong chống Pháp. Trong dân gian còn lưu truyền câu ca: “Trên, quan Đề Tạ Quang Lang/Dưới, ông Bang Tốn quê làng Hoàng Nông/Lại thêm Án Kiến - Động Trung/Đông Quan, Ngự sử ở vùng Phù Lưu”. Đại ý là những cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX trên là quan Đề đốc Tạ Hiện ở làng Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, dưới quan Đề đốc là Bang Tốn (Nguyễn Đình Tốn, quê ở làng Hoàng Nông, nay thuộc xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà); ở Trực Định lúc bấy giờ có quan Án Sát của triều đình nhà Nguyễn là Nguyễn Mậu Kiến đã cùng con cháu nổi dậy chống Pháp, còn ở huyện Đông Quan (nay là Đông Hưng) có quan Ngự sử Phạm Huy Quang quê làng Phù Lưu, nay thuộc xã Đông Phương, huyện Đông Hưng. Các nguồn sử liệu ghi, năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của Hàm Nghi, phong trào chống Pháp ở Thái Bình phát triển mạnh mẽ. Quân vụ Đại thần kiêm An Định an Đề đốc Tạ Quang Hiện đã chỉ huy nhiều cánh quân chiến đấu chống thực dân Pháp. Lúc đó, với hàm Đốc binh kiêm lý đốc biện quân vụ, theo lệnh Tạ Hiện, Đinh Khắc Nhưỡng cho truyền đi bản hịch kêu gọi nhân dân cùng các thân hào, chí sĩ góp sức chung lòng ủng hộ kháng chiến, bản hịch nhấn mạnh: “Nay bản chức (chỉ Tạ Hiện) vâng mệnh “Cần Vương” đem quân gấp đến các địa phương, hợp lực cùng các thân hào, kêu gọi nhân dân vì nghĩa lớn, lạc quyên để chi dùng vào việc quân. Nước mà còn thì nhà còn. Nước mà không giữ được, nhà cũng chẳng còn, vợ con, tài sản sẽ về tay giặc. Nước - nhà mất hay còn là ở lúc này đây”. Các sử gia cho rằng, như mất trộm giữa ban ngày, thực dân Pháp bất ngờ bị lực lượng nghĩa quân tấn công chiếm lĩnh hai huyện lỵ là Diên Hà (Hưng Hà) và Tiên Hưng (Đông Hưng) đã điên cuồng trả thù. Quân Pháp tổ chức tấn công từ phía Hải Dương tràn sang qua đò Nhống, đò Gốc Mít, bến Trại (Quỳnh Phụ), lực lượng kháng chiến do Phạm Huy Quang chỉ huy đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đây là một trận đánh đáng nhớ của thời kỳ gay go và ác liệt của nhân dân Thái Bình trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn cuối thế kỷ XIX.

Bị tấn công bất ngờ từ nhiều phía, nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự nổi dậy của người dân vùng đất “cứng đầu” này, thực dân Pháp cho lập hai tiền đồn võ trang cảnh sát kiểm soát sự thông thương, một ở Phúc Hà (nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) là địa phận giáp cửa sông Luộc thuộc huyện Hưng Nhân (cũ), nay là huyện Hưng Hà; một ở cửa sông Trà Lý thuộc huyện Tiền Hải (vùng đất xã Tây Ninh và Đông Quý, huyện Tiền Hải ngày nay). Thời điểm cuối thế kỷ XIX, làng Động Trung như một tâm điểm thu hút phong trào kháng Pháp từ các làng khác trong vùng, chính điều này đã giúp Động Trung dễ dàng xây dựng phòng tuyến chiến đấu, đồng thời xây dựng mối liên hệ mật thiết với các làng xã xung quanh như Đông Nhuế, Đông Vinh, Xuân Vũ, Thân Thượng, Luật Nội, Luật Ngoại, Cổ Ninh, Niềm Hạ, Thượng Cầm, Cam Đích, Đông Trì, Lai Trì, An Bồi, Trình Hoàng, Tri Lễ, Phụng Thượng... Ở làng Động Trung (nay là xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương), dưới sự chỉ huy của cha con nhà văn thân yêu nước Nguyễn Mậu Kiến. Hưởng ứng cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền đất dải tả ngạn sông Hồng từ bến Gùi thuộc địa phận xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho đến Yên Tứ Hạ thuộc xã Nam Hải, huyện Tiền Hải có sự tham gia nhiệt tình, quyết tâm chống thực dân Pháp đến cùng của đông đảo nhân dân khốn khổ dưới sự chỉ đạo của đốc học Doãn Khuê. Thời điểm ấy, tại làng Động Trung, dưới sự chỉ huy của quan Án sát Nguyễn Mậu Kiến, nhân dân quanh vùng nghe theo tiếng gọi yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp. Nghe tin làng Động Trung dấy binh chống Pháp, dân làng ở xung quanh đã kéo đến “nghĩa môn” của làng để thâm thề cứu nước. Tiếng vang ấy cứ lan truyền đến các khu lân cận như Động Nhuế, Đông Vinh, Xuân Vũ, Thân Thượng, Luật Nội, Luật Ngoại, Cổ Ninh, Niềm Hạ, Thượng Cầm, Cam Đích, Đông Trì, Lai Trì, An Bồi, Trình Hoàng, Tri Lễ, Phụng Thượng... Các ông Nguyễn Điển, Vũ Bằng, Nguyễn Công Úc, Nguyễn Vỹ, Phạm Mới, Nguyễn Khí, Nguyễn Đình Kinh, Nguyễn Đình Huân là những nhân sĩ cũng dốc lòng tham gia kháng Pháp với vai trò những người đội trưởng cầm quân. Không lâu sau khi dựng cờ dấy binh, lực lượng nhân dân tham gia chiến đấu chống Pháp có tới hai nghìn người. Vũ khí trang bị chủ yếu là giáo mác. Sự ảnh hưởng của phong trào kháng Pháp ở Động Trung bởi cha con quan Án sát Nguyễn Mậu Kiến đang lan rộng, cổ vũ cho các làng xã ở các địa phương khác từ Tiền Hải đến Hưng Nhân lan sang tận căn cứ Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên khiến cho chỉ huy quân đội Pháp trấn thủ ở Nam Định đau đầu. Chúng liều chết tấn công căn cứ Động Trung. Các nguồn sử liệu ghi ngày 12 tháng 12 năm 1873, sau khi đánh “thủng” thành Nam, tướng Pháp Gác-ni-ê cho quân tiến về Động Trung. Chiến thuyền của quân Pháp xuôi theo dòng sông Hồng đến cửa Hưng, vị trí đền Sóc Lang (nay thuộc xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư) rồi quay nòng đại bác nhả từng đợt đạn man dại vào tàn phá xóm làng bình yên. Chúng định đổ bộ vào làng Ngò, làng Lựa (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng du kích nơi đây. Nghĩa quân từ làng Động Trung nghe tiếng súng biết là thực dân Pháp tổ chức càn liền ra tiếp ứng cho lực lượng du kích. Nếu nhìn vào lực lượng của quân Pháp, rõ ràng nghĩa quân do các văn thân yêu nước chỉ huy không thể đối đầu được vì quân Pháp được trang bị vũ khí quân dụng và hỏa lực mạnh, thế nhưng với lòng yêu nước của văn thân và nghĩa quân cùng hỗ trợ của nhân dân, quân Pháp vẫn bị nghĩa quân đốt trụi một chiến thuyền, gần chục tên lính bỏ mạng chỉ vì giáo mác của nghĩa quân với tinh thần quyết chiến. Quân Pháp không dám nghênh ngang tiến quân bằng đường trục chính vào làng nữa. Chúng dẫn nhau tạt ngang cánh đồng vào đến đầu làng chúng thi nhau đốt phá, tạo lên một vệt lửa kéo dài từ đền Sóc Lang đến Động Trung. Nghĩa quân rút dần về cố thủ Động Trung. Lực lượng không tương quan, thế lực có vẻ nghiêng về quân Pháp. Bị mất chiến thuyền, lại thêm thương vong, quân Pháp điên cuồng đốt phá để trả thù.

Cũng một lòng cùng cha ông chống Pháp, ở làng Động Trung, Nguyễn Công Riệu (ba Liệu) là con trai thứ ba văn thân yêu nước Nguyễn Hữu Cương (con trai cả Nguyễn Mậu Kiến) đã từ bỏ con đường “mũ cao, áo dài” để dấn thân vào con đường chiến đấu chống Pháp “đền nợ nước, trả thù nhà” mà thế hệ ông của ông là Nguyễn Mậu Kiến; cha của ông là Nguyễn Hữu Cương còn dang dở. Năm 1883, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Thái Bình bước sang giai đoạn đấu tranh chống kế hoạch bình định và cướp bóc.

Hai thủ lĩnh kiên cường Đề Hiện và Bang Tốn trong cuộc tranh đấu chống ách đô hộ của thực dân Pháp lên đất nước Việt đã không tránh khỏi sự truy sát của quân Pháp, các cánh quân còn sót lại buộc phải phân tán. Ngọn cờ lãnh đạo các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp từ tay các văn thân cứ thưa mờ dần và vắng bóng nhưng tiếng vang của các cuộc nổi dậy vẫn còn truyền mãi đến mai sau. Lòng kiên trung với giang sơn gấm vóc là nét tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của người Thái Bình trong những ngày đầu chống thực dân Pháp.

Quang Viện