Chủ nhật, 24/11/2024, 22:35[GMT+7]

Sinh bất phùng thời

Thứ 2, 25/07/2022 | 08:17:49
9,143 lượt xem
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, tỉnh ta có 115 Tiến sĩ xuất thân thời vương triều phong kiến. Không là ngoại lệ, Nho sĩ tỉnh ta gặp thời thịnh trị mượn đường khoa cử ra phò vua giúp nước thực hiện được hoài bão của mình như Nguyễn Hán Đình, Bùi Sĩ Tiêm... Gặp thời loạn lạc thì các Nho sĩ tỉnh ta “xếp bút nghiên, cầm gươm súng” xông pha nơi chiến trường để tiếng thơm muôn thuở. Cùng bất đắc dĩ gặp lúc sa cơ, lỡ vận hay lúc binh trường quân giặc quá mạnh không thể khôi phục được non song thì các Nho sĩ rút vào hoạt động bí mật, có người chọn nghề làm thuốc, người dạy học hoặc chép sách, lấy đạo đức để duy trì thế giáo, lấy trung nghĩa kêu gọi nhân dân, sống cuộc đời thanh cao khảng khái, khiến quân cướp và bè lũ tay sai phải kính nể như Ngô Quang Đoan, Doãn Vỹ, Trần Xuân Sắc...

Cụm di tích đền, đình, chùa Hậu Tái, xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng, nơi thờ vua Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương cùng nhiều tướng lĩnh nhà Tiền Lý thế kỷ thứ VI.

Dải đất “ven bờ cuối bãi” mà các vương triều phong kiến luôn chú trọng làm hậu cứ vững chắc chống ngoại xâm được xếp vào trấn Sơn Nam hạ và sau này là An Định rồi thành tỉnh Thái Bình như ngày nay, chỉ là dải đất nhưng bởi có đất đai phì nhiêu do hai con sông lớn là Hồng Hà và Trà Lý bồi đắp, do vậy dải đất “Địa linh sinh nhân kiệt” tỉnh ta có nhiều bậc “hiệt kiệt” làm rạng rỡ văn hiến Việt Nam, không thể không nhắc đến những danh nhân như Phạm Đôn Lễ, Quách Đình Bảo, Lê Quý Đôn, Doãn Khuê, Ngô Quang Bích, Nguyễn Mậu Kiến... Nhiều bậc tiền nhân có công lao lớn đối với giang sơn gấm vóc về quân sự và chính trị cả khi bảo vệ đất nước cũng như lúc yên bình không hoặc ít ai biết đến, thậm chí có danh nhân ngay con cháu trong nhà cũng không biết về sự nghiệp của “cha ông”. Có nhiều sử gia phải thốt lên “Than ôi, thực là điều đáng buồn!”.

Trong những tài liệu khảo cứu thu thập được, chúng tôi nhận thấy một khoảng trống vắng về giai đoạn lịch sử của vùng đất “ven bờ cuối bãi” thế kỷ X. Trước đó, thế kỷ V - VI, cũng không có nhiều tài liệu ghi chép về giai đoạn dấy binh khởi nghĩa của nhà Tiền Lý (Lý Nam Đế), mặc dù miếu Hai Thôn, chùa Ông Lâu, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư; đền Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà; đền, chùa, miếu Hậu Thượng, xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng… là chứng nhân lịch sử về Lý Nam Đế và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương thời chống giặc Lương, thế nhưng không đủ cứ liệu khẳng định Thái Bình là quê hương của Lý Bí? Các nguồn sử liệu chỉ ghi: Lý Nam Đế (503 - 548), người hương Thái Bình, dựng nước Vạn Xuân, lấy Cổ Trai (Hồng Minh, Hưng Hà) làm cứ địa liền huy động quân sĩ và dân sở tại xây dựng thành lũy tại vùng cửa sông Tiểu Hoàng Giang nhằm giữ vùng đất ngã ba sông chiến lược quan trọng bậc nhất vùng Nam Chu Diên (Hưng Yên và Thái Bình nay) gọi là Lũy Hồ. 

Tìm về câu ca: “Gạo Lộc Điền, tiền làng Búng, thúng làng Roi, ngòi Thanh Bản (địa danh ở các xã Việt Hùng và Xuân Hòa, huyện Vũ Thư)” chính là sự tổng kết của dân gian về một thời vàng son, oanh liệt xây dựng căn cứ địa kháng chiến của vua Tiền Lý ở đất Thái Bình. Còn sách “Tiên Hưng phủ chí” chép rằng: Triệu Quang Phục (tướng của Lý Nam Đế) vâng mệnh chủ đóng quân ở đây (làng Thần Hậu), sau đổi thành Hậu Tái. Cạnh Hậu Tái (Hậu Trung, Hậu Thượng) là làng Bơn (đều thuộc xã Hồng Bạch) nay còn đền thờ Lý Nam Đế và còn dấu tích cầu Quân (tương truyền thời xa xưa nơi đây nhiều lạch, ngòi nước nên vua cho dựng cầu cho quân lính đi qua) giữa làng Hậu Tái và làng Bơn. Nơi đây còn dấu tích của đống Bắn (truyền ngôn, nơi đây là trường bắn tập của quân sĩ nhà Tiền Lý), cạnh làng Bơn là làng Quán Xá, nơi quân sĩ nhà Tiền Lý nghỉ ngơi và có thể mua bán, trao đổi hàng hoá cũng như giải trí. Cách làng Bơn không xa là Bá Thôn, đình Bá Thôn thờ Lý Nam Đế, trong đình còn bức đại tự ghi: “Vạn Xuân Đế từ” nghĩa là: “Nơi thờ vua Lý Nam Đế”. 

Sử cũ chép, trong những năm tháng bí mật và gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa, nhân danh “Tù trưởng Chu Diên” hợp pháp, Triệu Túc (470 - 555) là bậc lão tướng quân của Lý Bí, ông đã giữ mối quan hệ yên hàn với chính quyền đô hộ tạo lá chắn “cheo mắt” bọn giặc Lương tàn bạo để Lý Bí và con cháu nhà Lý cùng thủ lĩnh các nhóm quân quy tụ dân xiêu tán vùng hạ lưu Chu Diên tích cực cấy trồng lúa ngô, tích trữ lương thảo, rèn vũ khí, dựng thành lũy, luyện binh sĩ trong vòng kiểm tỏa an toàn của quân Lương. Khi nhận tin báo Lý Bí dấy binh khởi nghĩa, Triệu Túc đem quân chi viện cho Lý Bí khiến quân Lương bất ngờ, Thứ sử nhà Lương đô hộ nước ta là Tiêu Tư không đường xoay trở đành cúi đầu xin tạ ơn tha cho mạng sống chạy thục mạng về phương Bắc.

Trong quá trình điền dã, căn cứ vào những tài liệu khảo cứu, nhóm nghiên cứu chúng tôi đặt chân đến làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải. May mắn được các bậc cao niên giúp đỡ, chúng tôi tiếp cận được tài liệu về dòng họ Phạm ở làng này. Theo tài liệu khảo cứu, họ Phạm ở thôn Trung, làng Trình Phố có “thủy tổ” là Quận công Phúc Thiện, người giúp vua Lê đánh giặc cứu nước, cờ, đại tự vua Lê ban tặng vẫn còn. Nhóm ngữ văn Trình Phố với những tác phẩm của Ngô Đức Dung như “Việt sử mông học tứ tự thư” biên soạn từ thời Hồng Bàng đến cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954. Ngược lên xã An Bồi, huyện Kiến Xương, tìm về dòng họ Lê, thăm từ đường Bình Ngô Khai quốc Tuyên Lực công thần, Thái Úy Hiệu quốc công một thời cùng vua Lê Thái Tổ tung hoành dọc ngang đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giữ yên đất nước. Vua cảm kích ban tặng sập gỗ làm quà tặng công thần khai quốc nghỉ ngơi lúc về trí sĩ. Bước chân ngập lối cỏ xưa, tìm về làng Động Trung, nơi có “Án Kiến” từng hội con cháu đứng lên đánh giặc Pháp, cứu nước.

Trong khuôn viên từ đường vẫn còn mảnh vỡ của bía Mão Sơn khắc bằng chữ Hán do cụ Phan Bội Châu và quan Lê Đại soạn và khắc, đại ý về nhân cách và khí tiết gia tộc Nguyễn Mậu Kiến với cuộc chiến chống thực dân Pháp mà cũng ít ai biết. Nguyễn Mậu Kiến hay còn gọi là Án Kiến, người xã Động Trung (nay là Vũ Trung, huyện Kiến Xương). Vốn xuất thân con nhà thường dân, ngay khi còn là học trò, ông đã có tinh thần nghĩa hiệp, khảng khái, có thực tài trên nhiều lĩnh vực, được các danh thần đương thời nhiều lần tiến cử với triều đình nên ông không từ chối được và ra làm quan triều Tự Đức với chức Án sát Lạng Sơn. Khi chưa tham chính và ngay khi làm quan Án Sát, Nguyễn Mậu Kiến vẫn mê viết sách. Ông đã viết các bộ sách sau: Minh sử luận đoán khảo biện; Dịch lý Tân Biên; Thiêm thiên tham khảo trọn bộ 8 quyển; Kính đài tập vịnh. 

Nguyễn Mậu Kiến dành dụm tiền của, dựng nhà in sách và xây dựng nơi thờ Khổng Tử ngay trong khuôn viên gia tộc, nhà in thời bấy giờ được coi là xa lạ với dân chúng và “xa xỉ” với giới quan chức triều Nguyễn, ông đặt tên nhà in là “Chiêm Bái đường” nghĩa là nơi quan sát, chiêm nghiệm. Nhà in thủ công với hàng vạn bản in khắc gỗ và đá, in ấn các trước tác kinh điển của tiền nhân, trong đó có các bộ: Toán pháp ngự chế thông mãn (Toán học), Đăng đàn bái tướng (Binh thư); các loại sách giáo khoa; các loại sách văn học, sử học Việt Nam. In và hiệu đính các bộ: Chu dịch chiết trung, Cận tư lục, Độc thư lạc thú, Tam diệu thiếp... Ông còn là tác giả hai bộ “Chu dịch chiết trung và Ngũ tử cận tư học” theo chúng tôi được biết hiện đang nằm ở bảo tàng Guinet, Pa ri, thủ đô nước Pháp.

Tiêu biểu cho sự “sinh bất phùng thời” và không mấy ai biết là Vũ Đường, một văn thân yêu nước chống Pháp thời Tự Đức, quê ở làng Thượng Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, ông làm quan Án sát Hà Nội, tính cách khảng khái, thương dân, yêu nước, ông đã cùng với Nguyễn Tri Phương lo việc chống thực dân Pháp. Thế nhưng, không mấy khi thấy sử liệu ghi chép về ông và việc ông cùng Nguyễn Tri Phương tích cực kháng Pháp, ngay con cháu ông ở quê khi hỏi về thân thế sự nghiệp của “Vũ Đường quan” cũng không hay biết, chỉ biết “cụ làm quan to trong triều”!


Quang Viện