Chủ nhật, 19/05/2024, 21:26[GMT+7]

Ngã quốc tôi trung

Thứ 2, 08/08/2022 | 08:07:58
4,627 lượt xem
Cuối đời Hậu Lê, vua Lê Hiển Tông (1717 - 1786) băng hà, triều chính vốn đã rối ren lại càng thêm bế tắc bởi quốc nạn “lưỡng đầu chế” vua Lê chúa Trịnh. Lúc này, anh em nhà Tây Sơn kéo quân ra Bắc với khẩu hiệu “phù Lê, diệt Trịnh” đã nhận được sự ủng hộ lớn của quan lại trung thành với nhà Lê và dân chúng. Loạn “lưỡng đầu chế” tạm lắng xuống, anh em nhà Tây Sơn giao lại quyền bính cho vua Lê. Lê Duy Kỳ nối ngôi, hiệu là Chiêu Thống (1765 - 1793) nhưng vị vua cuối đời Lê này không đủ tài năng và đức độ để giữ yên triều chính, lòng người xiêu tán, nhiều đại quan “đứng, ngồi” không yên trong cảnh “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào”…

Đường vào khu lưu niệm họ Uông, làng Vũ Nghị, nay là thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, địa danh vua Lê Chiêu Thống trên đường tòng vong đã tìm đến gõ cửa nhà họ Uông cầu mong viện giúp.

Nạn “lưỡng đầu chế” hay còn gọi là chế độ “vua Lê, chúa Trịnh” khiến nhiều tước quan trong triều hậu mạt Lê lao sâu vào con đường hưởng lạc, sa đọa. Triều đình nhà Lê chỉ còn là bóng ma mờ nhạt, quyền bính tập trung trong tay phủ Chúa, Bình Chương sự Uông Sĩ Điển (tức Uông Sĩ Lãng 1737 - 1802) quê làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy) vốn là văn thần đời vua Lê Hiển Tông đã đem ấn Thượng thư bộ Binh được vua Lê Chiêu Thống nhà mạt Lê tin tưởng giao trọng trách giữ gìn nộp cho Nguyễn Hữu Chỉnh nhà Tây Sơn mong được trọng dụng, ngay lập tức ông bị đám quần thần trong phủ Chúa phỉ báng. Ông uất ức mà bỏ quan về quê, thề đóng chặt cửa bất quan hệ với bên ngoài.

Theo các tài liệu khảo cứu, thời điểm này, trị quốc bất thành, Lê Chiêu Thống để Bắc Hà rơi vào loạn lạc, làm vua nhưng phải dựa hết vào thế lực này đến thế lực khác, từ Đinh Tích Nhưỡng đến Nguyễn Hữu Chỉnh, chẳng may Nguyễn Hữu Chỉnh bị Võ Văn Nhậm tiêu diệt, Lê Chiêu Thống phải sai người sang Quảng Tây, Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Nhân cơ hội này, quân Thanh do Tổng Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị cầm đầu kéo sang. Ngay khi vào Thăng Long, chúng đã chẳng coi Lê Chiêu Thống ra gì. Vua ta phải hàng ngày vào chực ở bản doanh của Tôn Sỹ Nghị để nghe lời sai bảo. Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” chép: “Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. 

Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc…”. “Hoàng Lê nhất thống chí” còn ghi: “…có hôm, Lê Chiêu Thống tới yết kiến, Tôn Sĩ Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng ở dưới linh các truyền bảo: “Hôm nay không có việc quân, việc nước gì, hãy về cung yên nghỉ!” Sử cũ chép: Tháng 6 năm 1786 khi giải phóng toàn bộ đất đai Đàng trong, Nguyễn Huệ tiến đánh thành Phú Xuân (Huế) và hạ thành nhanh chóng rồi vượt sông Gianh tiến ra Bắc. Tin nhà Tây Sơn tiến đánh Bắc thành lan ra phủ Chúa và toàn Bắc Hà khiến cho tình hình triều chính vốn đã lùng bùng lại thêm rối ren. Trong khi quần thần vua Lê - chúa Trịnh chưa biết tính sao thì ngày 26 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ đã kéo quân đến thành Thăng Long. 

Là quan đại thần (Tể tướng) của triều Lê Cảnh Hưng với quyền cao chức trọng nhưng Uông Sĩ Điển (tức Lãng) đã giữ trọn cho mình một cuộc sống thanh liêm, chính trực. Ông làm quan nhưng không phải xông pha trận mạc vì phần lớn thời gian ông được giao làm công tác sưu tầm, viết sách. Khi làm Đốc thị Thuận Quảng ông vẫn dành thời gian viết sách cho đến năm Tân Sửu (1781) ông được triều đình nhà Lê trao chức Bồi tụng kiêm Đô ngự sử, ông càng có điều kiện thực hiện những công trình đồ sộ về sách, đáng chú ý là bộ “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục”. Uông Sĩ Điển lúc quân Tây Sơn kéo ra Bắc đang giữ chức Bồi tụng, tước Thao Đường hầu là một trong những đại quan của triều Lê - Trịnh phải đối mặt với tướng quân nhà Tây Sơn, vốn là “tôi trung” của nhà Lê, nên Uông Sĩ Điển bỏ ra ngoài thành. Tình thế đầy bất an, vua Lê Chiêu Thống liền xuống chiếu vời Uông Sĩ Điển vào triều, ông đã đem chiếc ấn bộ Binh mà ông được giao trọng trách giữ gìn trao cho Nguyễn Hữu Chỉnh nhà Tây Sơn. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” có ghi: Nhóm quan văn triều Lê do Uông Sĩ Điển cầm đầu cùng Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên, Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ, Luyện Đường hầu Trần Công Thước, Hoàn quận công Nguyễn Hoàn… ngày ngày lui tới triều để bàn việc nước và tùy công việc mà giao tiếp với Bình (tức Nguyễn Huệ). 

Có thể viên quan chức Đồng Bình Chương sự (ngang với Tể tướng) lúc này đã nhìn rõ vai trò to lớn của phong trào Tây Sơn đối với vận mệnh sống còn của đất nước mà cũng có thể “tôi trung” sợ vua Lê xuống lời quở trách mà nhiệt tình làm việc công. Trong số hàng ngàn nho sĩ Bắc Kỳ ăn lộc triều đình nhà Lê, Nguyễn Huệ có nhiều tâm đắc với Uông Sĩ Điển nhưng tiếc thay, trong số những nho sĩ dám vứt bỏ sự ràng buộc hủ nho nặng nề “thâm căn, cố đế” để đến với Tây Sơn cùng Nguyễn Huệ lo lắng công việc lớn lao của đất nước lại không có tên Uông Sĩ Điển mà mãi sau này khi ông rũ áo chạy về quê đóng cửa không giao tiếp với ai, mọi người mới vỡ lẽ, trong lúc loạn triều, vua Lê Chiêu Thống đã đổi chức Tham tụng thành “Bình Chương sự”, Bồi tụng thành Tham tri, phong cho Uông Sĩ Điển chức Đồng Bình Chương sự kiêm Lại bộ hữu thị lang thực chất để níu kéo ông ở lại với vua, tìm cách trói buộc chân ông vào ngai vàng. Uông Sĩ Điển bất đắc chí bỏ quan trường về quê.

Trên đường tòng vong, Lê Chiêu Thống đã ghé qua phủ Kiến Xương tìm gặp Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ Đồng Bình Chương Sự ở làng Nê, tìm về làng Nguyễn, nơi có nhũ mẫu đã từng nuôi vua Lê nhưng tất cả đều là sự thất vọng. Cuối cùng, Lê Chiêu Thống tìm về huyện Thanh Lan quyết gặp cho được nguyên Đồng Bình Chương Sự mà ông ta tin rằng sẽ nhận được sự ủng hộ bởi lòng tôi “Trung”. Với thái độ cương quyết cự tuyệt chuyện triều chính nhất là sự hèn nhát của Lê Chiêu Thống, Uông Sĩ Điển quyết không mở cửa đón tiếp. Bực tức với thái độ của nguyên Đồng Bình Chương sự Uông Sĩ Điển, Lê Chiêu Thống lấy viên gạch non vạch lên cửa nhà câu đối: “Ngã quốc Bình Chương thiên hạ trọng/Nhữ gia phong tục thế gian khinh” nghĩa là chức Bình Chương Sự (ngang với Tể tướng) vốn ở nước ta được thiên hạ coi trọng/Đến nhà mới hay cách đối xử khiến thế gian khinh.

Trong triều có đến bốn, năm trăm hoạn quan, triều chính nghiêng ngả lại không còn những “tôi trung” như Trương Đăng Quỹ Đồng Bình Chương Sự (quê làng Nê, nay thuộc thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương), Uông Sĩ Điển kề bên, Lê Chiêu Thống chao đảo giữa vương triều. Tìm cách giữ ngôi báu, khôi phục vị thế triều hậu Lê, Lê Chiêu Thống đã cầu viện nhà Thanh (Trung Quốc). Chút hy vọng cuối cùng vào “tôi trung” đã từng cận kề bên ngai vàng quyền lực mưu sự bao năm có thể vì nể triều đình mà sẵn sàng cùng Lê Chiêu Thống sang gặp nhà Thanh, Lê Chiêu Thống “lần mò” tìm đường về làng quê nghèo ven biển Vũ Nghị để tìm gặp Uông Sĩ Điển. Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí có đoạn chép: “Đối với quân lính và bọn người Hoa ở Đại Việt, thì Tỗn Sĩ Nghị lại dung túng cho chúng mặc sức làm điều phi pháp. Vua Lê tuy biết sự tệ hại ấy nhưng đã trót mời quân Thanh sang, chỉ sợ vì việc đó mà làm mếch lòng chúng, nên không dám nói gì”.


Quang Viện