Thứ 6, 17/05/2024, 16:10[GMT+7]

Lý Trần quán Miễu

Thứ 2, 15/08/2022 | 09:00:02
3,828 lượt xem
Thời cuối nhà Lý (1010 - 1225), làng Miễu lúc ấy chưa có tên gọi, chỉ có hai gia đình; sang thời nhà Trần (1226 - 1400) làng có nhiều dòng họ khác tới khai hoang, sinh cơ lập nghiệp, sinh sôi, nảy nở, người đông dần, làng chia thành phe, giáp. Đến thời nhà Lê, năm 1697 các dòng họ, phe, giáp trong làng đã trình vua xin cho được lập làng. Triều đình nhà Lê đã chuẩn y. Làng được mang tên “Miễu”, trực thuộc hương Động Nhuế, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng. Miễu có nghĩa là rừng nhỏ, làng Miễu nghĩa là làng có cánh rừng nhỏ và tên làng đi vào tiềm thức dân gian từ đó.

Bia đá cổ trước đình Miễu, thôn Tô Hiệu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng vẫn được nhân dân làng Miễu coi sóc, bảo vệ.

Theo các nguồn khảo luận, cuối triều đại nhà Lý, vua Cao Tông nhà Lý chẳng lo việc nước vẫn mải mê sa đọa, say đắm thanh sắc, ăn chơi xa xỉ, xây cung điện trăm nóc để thưởng ngoạn khiến đất nước lâm vào suy thoái, chính quyền trung ương bất lực, chính trị hỗn loạn, triều chính rối ren, thế nước nghiêng ngả nguy ngập. Lúc này các quan lại triều đình mạnh nổi lòng tham nhũng đẩy dân khốn cùng lầm than, khổ cực mà việc nước thì vua lại phó mặc cho bọn ngoại thích lộng quyền. Vận nước suy vi, cả nước xảy ra nạn đói lớn, thảm thương nhất là vào các năm Tân Sửu (1181), Mậu Ngọ (1198), Đinh Mão (1207), Mậu Thìn (1208)... người chết đói đầy đường. Niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 6 năm Tân Mùi (1191), Lê Vãn nổi dậy ở Thanh Hóa chống triều đình. Niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 13 năm Mậu Ngọ (1198) bọn Hổ Đỗ, Ngô Công Lý nổi dậy ở Diễn Châu (Nghệ An)... Sử cũ ghi: Năm 1192, giáp Cổ Hoành thuộc Thanh Hóa theo Lê Vãn nổi dậy chống lại triều đình. Lý Cao Tông băng hà, năm Thiên Tự Gia Khánh thứ 19 (1211), Thái tử Sảm lên ngôi Hoàng đế, em trai Đàm Thị (mẹ vua Lý Cao Tông, con gái tướng quân Đàm Thì Phụng, quê làng Mẽ, nay là tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) là Đàm Dĩ Mông được phong chức Thái phó phụ chính, cuối đời được phong chức Thái Bảo. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ chép Lý Huệ (Hạo) Sảm là trưởng tử, không có thêm ghi chép về hoàng huynh hay hoàng tỉ nào. Vì lẽ, có Thái tử Sảm mà Nguyên phi Đàm Thị bước lên “Bảo tọa trung cung” được tấn phong An Toàn Hoàng hậu. Các nguồn khảo luận khác cũng khẳng định, An Toàn Hoàng hậu Đàm Thị là “mẫu hậu” của Lý Huệ Tông, tức “nội tổ” mẫu của Lý Chiêu Hoàng và Thuận Thiên Công chúa, cả hai sau đều là hoàng hậu phi tần của nhà Trần.

Khi Lý Huệ Tông chết, nhà Lý kiệt mệnh, ngôi báu trong tay “yếu nhi” Lý Chiêu Hoàng, ngày 1/10/1226, dưới “bàn tay” đạo diễn của Hoàng Thái hậu Trần Thị Dung, sự yểm trợ của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng phải tuyên bố “nhường” ngôi báu cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý suy vong với 215 năm trị vì thiên hạ. Cũng bởi “phận nữ nhi” nên Chiêu Hoàng không cam nổi việc nước mà đành nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Trần nối ngôi, quan tước hầu nhà Lý “ngả” theo nhà Trần và được nhà Trần tin dùng, trọng dụng. Bấy giờ, giặc Chiêm Thành quấy rối phía Nam, hầu tướng được vua Trần giao cho đi đánh giặc và cho trấn giữ vùng Nghệ An, lập công, hầu được phong là An Hạ vương. Vua Thái Tông quý trọng An Hạ vương song vì hầu tướng tuổi đã “xế bóng” nên đành để An Hạ vương về trí sĩ, “ngậm ngùi” ban ấn cho hầu tướng thân cận bấy lâu nay của mình cùng phu nhân là Đàm Chiêu Trinh, về thái ấp, điền trang ở vùng quê xa, gọi là trang ấp Hà Nội (nay là thôn Tô Hiệu (làng Miễu), xã Đông Quang, huyện Đông Hưng). Đất nước thanh bình chẳng được bao lâu thì giặc Mông Cổ lại tràn sang xâm lược nước ta (1258), hưởng ứng hiệu triệu của vua Trần, An Hạ vương cùng Vương phi đã cho gia tướng của mình là Thanh Hà tuyển mộ dân binh đi đánh giặc. Chẳng may, gia tướng Thanh Hà tử trận, vua Trần thương xót sắc phong làm thành hoàng ấp Hà Nội. An Hạ vương và Vương phi lập đàn cầu siêu cho gia tướng cùng các binh sĩ theo gia tướng vì nghĩa lớn mà tử trận tại chùa. Một hôm, An Hạ vương và Vương phi đi chùa bỗng trời đổ cơn mưa xối xả, sấm chớp ầm trời, ông bà hóa thân về Trời, hôm đó vào ngày 3 tháng 8 (nhuận) Mậu Thìn 1268, tương truyền An Hạ vương “nghỉ trí sĩ” hưởng thọ 90 tuổi. Vua Trần Thánh Tông vô cùng thương tiếc, truy phong tước An Hạ Đại vương, ban quốc tính họ Trần.

Tìm trong vốn cổ sử, tên làng Miễu thuộc hương Động Nhuế, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng chính thức được pháp lý hành chính thừa nhận từ năm 1697 (năm Đinh Sửu, hiệu Chính Hòa triều vua Lê Hy Tông). Theo các bậc cao niên làng Miễu kể lại, trước cửa đình làng Miễu có 2 tấm bia đá, bên phải là bia hậu thần (công đức) ghi lại công lao của vợ chồng giám sinh Lê Tuấn Hiển và vợ là Vũ Thị Hạnh đã hiến tiền và đất để dân làng xây đình; bên trái là bia “công trạng” ghi lại công lao của vợ chồng An Hạ Đại Vương đối với hai triều Lý - Trần trong việc chống giặc Chiêm xâm lược. Theo bản di tích lịch sử văn hóa đình làng Miễu của Ban Quản lý di tích lịch sử thôn Tô Hiệu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng và căn cứ vào bản dịch bia “công trạng” thì đình làng Miễu thờ: An Hạ Đại Vương và phu nhân là bà Đàm Chiêu Trinh. Hai vợ chồng An Hạ Đại Vương đã có công lao to lớn trong việc đánh giặc Chiêm Thành bảo vệ châu Nghệ An vào các năm 1216 - 1218 triều vua Lý Huệ Tông. An Hạ Đại Vương đã được vua Lý cấp đất thang mộc ở hương Động Nhuế. Năm 1268, hai vợ chồng An Hạ Đại Vương cùng qua đời ở Nghệ An. Vua Trần Thánh Tông đã ban “chỉ tiễn” đưa hài cốt hai vợ chồng An Hạ Đại Vương từ Nghệ An về an táng tại hương Động Nhuế. Triều đình truyền cho dân hương lập miếu thờ, trông coi lăng mộ. Nhân dân hương Động Nhuế đã cử hai gia đình họ Đặng và họ Nguyễn đến trông nom, phụng sự thờ cúng. Trên phần lăng mộ đặt các tượng đá khắc hình lực sĩ đứng sắp hai hàng trước mộ. Cạnh đó là các con vật được tạc bằng đá như voi, ngựa, chó, rùa đá xếp hàng đứng chầu vây bọc xung quanh lăng.

Hàng năm, vào ngày 8 tháng Giêng, dân hai làng Kênh (xã Đông Xuân) và Miễu (xã Đông Quang) cùng mở hội làng. Theo văn tế trong lễ hội làng đầu xuân và nội dung văn bia còn lưu lại ở đình làng Miễu thì An Hạ Vương là cháu vua Lý Anh Tông (con của hoàng tử Lý Long Xưởng) vì có công đánh giặc Chiêm Thành thời Lý Huệ Tông nên được phong tước Quý Thịnh Hầu. Sau này ông được nhà Trần ban cho quốc tính (mang họ vua) và khi chết được truy tặng là An Hạ Đại Vương. Tấm bia còn sót lại trước cửa đình làng Miễu vẫn đọc rõ chữ, gần 10 năm trước, cố dịch giả Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn, quê làng Động Trung, Kiến Xương đã dịch những dòng văn khắc trên bia đá như sau: “Lý triều, An Hạ Vương, Anh Tông hoàng đế chi tôn, Quý Thịnh Hầu dã, nguyên sách Động Nhuế hương nhân”... Tạm dịch: “... Ngài là An Hạ Vương đời Lý, là cháu hoàng đế Lý Anh Tông, tước Quý Thịnh Hầu, vốn là người hương Động Nhuế”.

Căn cứ vào văn bia ở đình làng Miễu cùng các tư liệu thần phả, thần tích, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng An Hạ Vương là quan tướng triều Lý và tồn nghi ông là người họ Lý vì phong tục kỵ húy nên khi mất người đời không biết tên thực của ngài. Vì là hoàng thân quốc thích của nhà Lý lại có công với vương triều Trần nên khi mất ông được triều đình nhà Trần ban quốc tính. Đúng như câu văn khắc ở văn bia làng Miễu; sau khi An Hạ Vương mất, triều đình nhà Trần đã “Gia phong hoàng tông vinh tộc” (cho mang họ vua là họ Trần). Bia đá có thể phai mòn theo thời gian nhưng câu đối tạc bia đá trên lăng mộ của An Hạ Vương vẫn còn nguyên nét, tương truyền do vua Trần Thánh Tông ban cho thì không thể phủ nhận: “An Hạ hầu, An Hạ vương, công tích liệt oanh tồn quốc sử/Vi Vương phi, Vi hậu muội, phương danh ngật ngại tại thiên thu”.


Quang Viện