Chủ nhật, 24/11/2024, 22:27[GMT+7]

Địa mạo làng quê

Thứ 2, 12/09/2022 | 08:39:32
4,577 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cổ học về vùng đất “ven bờ cuối bãi” được bao bọc bởi 3 mặt sông, 1 mặt biển vào thời nhà Lý (1010 - 1210) triều đình xác định đây là “vùng đất Quan Hà” trọng yếu của vương triều. Trước đó, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm, người Việt cổ từ miền trung du di chuyển xuống lưu vực sông Hồng và sông Trà Lý ban đầu cư ngụ ở các gò đất cao sau đó lấn dần các vùng thấp để mở mang cơ nghiệp, tiến hành trồng lúa nước, khai thác thủy hải sản với xu hướng tiến dần về phía biển, làng mạc của người Việt cổ cũng dần hình thành và đông đúc hơn theo chiều dài năm tháng...

Đình Hà Nguyên, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, địa danh cổ của người Việt cổ cách ngày nay trên dưới 2.000 năm.

Có nhà nghiên cứu cho rằng, Thái Bình đã hình thành phát triển một nền văn hóa riêng và văn hóa dân gian Thái Bình như một khu rừng nguyên sinh chưa được khai phá. Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh ta có số lượng lễ hội truyền thống và hội làng xếp vào hạng nhiều nhất nhì cả nước (khoảng 600 hội làng, hội vùng). Thái Bình cũng có đủ các loại hình lễ hội như hội lễ nông nghiệp, hội lễ lịch sử, hội thi tài... trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo được xác định là “một trong những chiếc nôi của nghệ thuật chèo”, là “nơi tập trung của nhiều phường hội rối nước dân gian”.

Kết quả khảo cứu về địa danh làng, xã ở tỉnh ta cho thấy, những tên làng gắn với từ “kẻ” còn tồn tại cho đến ngày nay như Kẻ Neo, Kẻ Ón, Kẻ Bái, Kẻ Sài, Kẻ Gú, Kẻ Gọ... gắn với tên gọi Nôm phản ảnh sâu sắc khu vực cư trú của người Việt cổ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, từ “Kẻ” được phiên âm ra “Cổ” là sự chuyển tiếp của Hán Nôm thành Hán Việt, cấu thành địa danh có từ “Cổ” hiện tại trên đất tỉnh ta vẫn còn 14 làng như Cổ Cốc, Cổ Dũng, Cổ Hội, Cổ Quán, Cổ Khúc (thuộc huyện Đông Hưng); Cổ Am, Cổ Lũy, Cổ Việt (huyện Vũ Thư); Cổ Lễ, Cổ Trai (huyện Hưng Hà); Cổ Đẳng, Cổ Tiết (huyện Quỳnh Phụ); Cổ Lũng (huyện Thái Thụy); Cổ Ninh (huyện Kiến Xương). Tương tự như từ Kẻ, một số địa danh trên đất Thái Bình có tên gốc là Kênh (gốc Hán Nôm) được phiên thành Kinh (Hán Việt), ví dụ như Kinh Xuyên, Nguyên Kinh, Kinh Son... Đáng chú ý, huyện Tiền Hải do “sinh sau, đẻ muộn” nên hầu như không có làng nào có tên Nôm. Những làng Việt cổ còn hiện hữu trên địa bàn tỉnh ta vừa có tên Nôm vừa có tên Hán Việt chiếm gần 40% số làng xã hiện có, ước khoảng trên 320 làng. Và, sau “lũy tre làng”, không gian văn hóa địa mạo làng quê Việt vẫn chất chứa hồn dân gian. Nhớ câu “Chiềng làng, chiềng chạ, thượng hạ, tây, đông”, do vậy, chiềng, chạ đã làm phong phú thêm địa mạo làng quê Thái Bình. Làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, nơi có Thần Quang Tự (thường gọi là chùa Keo) tọa lạc với tháp chuông bằng gỗ ghép, không có một cái đinh nào đóng vào, hàng năm hội lễ có những trò chơi dân gian hấp dẫn. Rước kiệu chùa Keo có trò chiềng rối, đoàn rối gồm sáu đầu rối nam, một đầu rối nữ gọi bà Chàng, nhảy múa cùng đoàn rước đi nửa vòng bờ hồ. Khi bà Chàng xuất hiện cũng là lúc các đoàn  tín nữ đi sau kiệu thánh đọc đoạn kệ: “Chàng ơi, ơi hỡi Chàng ơi/ Tôi mời bạn Chàng ở đâu Chàng đến/ Ai ngờ Chàng ở bến Chàng lên/ Đầu Chàng thì đội cờ vóc/ Búi tóc Chàng là búi tóc tiên”. Tượng bà Chàng giơ tay vẫy chào đầy vẻ hân hoan trước kiệu thánh. Sự tích của trò rối được kể rằng: “Vào thời Lý có người con gái tên là bà Chàng làm nghề đánh cá trên sông Nhị Hà (sông Hồng). Hồi ấy trong vùng lắm tôm nhiều cá, rẻ quá không bán được, bà quyết định đi hẳn chợ trời, không ngờ thiên giới bao la, bà Chàng bị lạc không biết lối về. Nhân lúc Dương Không Lộ vào chầu tiên giới, bà mừng theo về, đến chùa Nghiêm Quang chưa hết nỗi mừng, hai tay cứ giương cao vẫy vẫy”. Sự tích sáu đầu rối nam lại được kể: “Xưa có một ông vua tên là Hồ Hiến Chương, lấy người vợ đất Thục, vợ vua sinh ra một bọc, vua cho là yêu quái đem ra bờ biển vứt đi. Vừa khi Thánh tổ đi đánh cá qua, sáu người từ trong bọc chui ra xin Thánh tổ cứu giúp.

Thánh tổ động lòng thương nên đã đem về chùa. Mỗi khi Thánh tổ đi xa về sáu người đều ra đón”. Làng Đó (còn gọi là làng An Phú), xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, cũng có lệ chiềng rối trong đám rước. Làng văn chỉ thờ Khổng Tử. Có cầu “Thượng gia hạ trì” bắc qua con ngòi nối liền hai làng giao chạ. Có quán đá giữa cánh đồng cho người làm ruộng nghỉ ngơi khi nắng bức. Làng có hai đội tuồng, chèo, một đội múa lân, một phường đánh gậy năm nào cũng nô nức mở hội vào xuân. Làng Đó còn có lệ Chiềng rối vào ngày mùng 6 tháng 4 âm lịch. Theo tài liệu khảo cứu, rối làng Đó không giống hình muông thú biết làm trò trong rối nước, rối cạn, rối dây mà là những đầu người sơn son thiếp vàng giống như tượng phật ở đền chùa. Đầu rối quanh năm được cất kín trong hòm, chỉ đến ngày giỗ rối mới bê ra tắm bằng nước giếng trong, tráng nước thơm rồi cắm lên giá thờ đặt đối diện nhau giữa cung đình trước bàn thờ thành hoàng để làm lễ tế rối. Truyền thuyết về các đầu rối nghe có vẻ hoang đường, truyền kể rằng, đời vua Hồ Hán Thương, hoàng hậu sinh ra một bọc con, đầu tròn long lóc, chẳng có tay chân. Vua cha sai đem trênh sông. Bọc thai trôi xuôi sông cái dạt vào nhánh sông nhỏ và dắt cạn tại chân cầu đá đầu làng Đó. Gặp thần nhân báo mộng, sớm hôm sau, các cụ trong làng ra nhìn lên ngọn cây cổ thụ thấy có một lá cờ. Lá cờ được hạ xuống và trên lá cờ đó người ta đọc được những hàng chữ ghi rõ sự tích bọc thai với lời ủy thác nghiêm ngặt rằng: Nơi nào vớt được bọc thai này thì phải khắc tượng để thờ. Từ đó, làng An Phú có đầu rối, có tục lệ giỗ rối, Chiềng rối hàng năm. Rối có 8 đầu (6 nam, 2 nữ) trong 6 nam có một đầu xanh, mắt xếch hẳn là tướng võ; 5 vị tướng văn đều khôi ngô tuấn tú dáng vẻ khoan hòa đáng là con vua cháu chúa. Hai công chúa tuổi chừng mười sáu thanh mảnh chưa chồng. Tế xong thì chiềng. Lễ chiềng rối theo sự điều khiển của người giáo trò, chiêng trống, thanh la nạo bạt nổi lên ầm ầm trong tiếng reo hò của hàng vạn người đứng chật sân đình khi họ nhìn thấy các đầu rối nhô lên hạ xuống, quay phải quay trái “nhìn ngang ngó dọc”, vui vẻ gật đầu chào mọi người. Bài giáo rối được ngắt ra thành nhiều đoạn. Sau mỗi đoạn kể lại một lần chiềng. Chiềng đi chiềng lại nhiều lần mà người xem vẫn reo hò chào đón...

Làng xã tỉnh ta nhìn chung có lịch sử hình thành sớm, muộn khác nhau và có xu hướng “trẻ” dần xuôi theo hướng ra biển, tuy nhiên, thuở ban đầu làng xã trên địa bàn tỉnh ta còn mang tính “thị tộc” với chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất, đặc biệt là quan hệ huyết thống sâu đậm và thường lấy “họ” làm tên làng. Trên địa bàn tỉnh ta đếm được 82 làng có tên làng trùng tên họ, chiếm khoảng 10% số làng xã của Thái Bình.

Một đặc điểm dễ nhận thấy về làng cổ ở Thái Bình ngoài từ kẻ và cổ, còn từ “xá” nghĩa là “nhà”. Xá vốn là làng thị tộc cổ xưa mà nhân tố ban đầu là 1 gia đình, sau đó thành 1 nhóm gia đình rồi giao chạ thành làng có mối quan hệ huyết thống thắm thiết. Hiện ở tỉnh ta còn những làng cổ như Đặng Xá, Nguyên Xá, Bùi Xá, Hà Xá, Lưu Xá, Lê Xá, Trần Xá... Người trong làng mang đặc trưng thị tộc biết sống dựa vào nhau, bồi cơ, quật thổ dựng làng rồi lấy họ của mình làm tên làng để ghi nhận chiến tích dựng ấp, mở làng. Tuy “sinh sau, đẻ muộn” nhưng các làng xã ở huyện Tiền Hải lại có đặc trưng dễ nhận diện là làng nhiều họ, khác hẳn với làng “ít họ” ở khu vực phía Bắc của tỉnh như Hưng Hà, Quỳnh Phụ và Bắc Vũ Thư...

Quang Viện