Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị
Chuyện về bức thư thiêng
Thầy giáo Trần Trung Thiện, Hiệu trưởng Trường THCS Thành cổ Quảng Trị lần đầu tiên ra thăm quê hương Thái Bình và được gặp các cựu chiến binh quê lúa trực tiếp chiến đấu, kiên cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, gặp lại người lính trong phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh để lại “Nụ cười chiến thắng” cho hôm nay và cho cả mai sau, thương binh, cựu chiến binh Lê Xuân Chinh người con của quê hương xã Thái Phương (Hưng Hà). Thầy giáo Thiện cũng được hiểu cặn kẽ thêm về “Bức thư thiêng” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi (Kiến Xương) gửi mẹ và vợ trước khi vào trận đánh khốc liệt. Thầy giáo Thiện được gặp người phụ nữ chỉ có “6 ngày làm vợ, cả đời làm dâu” - chị Đặng Thị Xơ, vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Sự kỳ diệu của “Bức thư thiêng” và bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” trong Thành cổ đều là đóng góp của người Thái Bình” - thầy giáo Trần Trung Thiện cảm nhận. Thầy Thiện ngồi lặng nghe đọc lại lá thư thiêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh:
“...Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...
Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh...
Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh chị anh...
Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó... Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này...
Chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương”.
Nửa thế kỷ vẹn nguyên ký ức “Nụ cười chiến thắng”
Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh kể lại: Hôm đó là ngày 15/8/1972, hạ sĩ Lê Xuân Chinh - chiến sĩ thông tin Đại đội 18, Trung đoàn 48 được giao nhiệm vụ đón và dẫn đường cho nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đến các điểm chốt trong Thành cổ Quảng Trị chụp ảnh động viên các cán bộ, chiến sĩ giữ thành. Tiếng súng, tiếng đạn pháo của địch vừa ngớt, giây phút hiếm hoi giữa hai trận đánh, tốp chiến sĩ thuộc đơn vị K8 đang củng cố lại công sự và ngồi lại bên nhau cười nói vui vẻ. Nhà báo Đoàn Công Tính nói với Lê Xuân Chinh: “Dừng ở đây! Chinh ngồi trước các đồng đội, cười rạng rỡ lên nhé! Sau đó là bức ảnh Lê Xuân Chinh với “Nụ cười chiến thắng” cùng đồng đội dưới chân Thành cổ Quảng Trị tan hoang bởi đạn pháo và bom của quân thù. Bức ảnh chụp lúc 9 giờ sáng ngày 15/8/1972. Bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ Đoàn Công Tính đăng trên Báo Nhân Dân đúng dịp 2/9/1972 được đánh giá cao bởi thể hiện được sự lạc quan của các chiến sĩ giữa chiến trận ác liệt. Chính nhờ bức ảnh này mà chiến sĩ Lê Xuân Chinh đã được “tìm lại”, được hưởng chính sách vì những năm tháng cống hiến cho cách mạng.
Ngày 5/9/1972, Lê Xuân Chinh bị thương trong Thành cổ và được đưa về điều trị vết thương tại Viện 43. Khi lành bệnh, anh được điều động trở lại chiến trường thuộc D18, F320 tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường tỉnh Quảng Trị, cho tới tháng 6/1974 thì được về phục viên. Trở về quê hương xã Thái Phương, Lê Xuân Chinh không biết rằng hình ảnh và nụ cười của anh trong Thành cổ Quảng Trị năm 1972 trở thành biểu tượng của “Nụ cười chiến thắng”, nụ cười rạng danh người lính Cụ Hồ, nụ cười rạng danh dân tộc. Năm 1979, Lê Xuân Chinh lấy vợ ở cùng quê và sinh được 2 cô con gái. Hạnh phúc đến với Lê Xuân Chinh những tưởng sẽ viên mãn. Nhưng không phải vậy, với người lính trở về như Lê Xuân Chinh không có nghề, lại thiếu sức lao động, thiếu vốn sản xuất, một năm cấy vài sào ruộng không đủ thóc ăn thì lấy gì tích lũy và như vậy cái nghèo, cái đói bủa vây. Năm 1985, khi vợ anh sắp sinh con thứ ba, Lê Xuân Chinh quyết định đưa vợ con đi xây dựng vùng kinh tế mới xã Thanh Yên, tỉnh Điện Biên được chính quyền địa phương ưu tiên cấp cho 700m2 đất làm nhà và 4.000m2 ruộng để cấy lúa. Có đất làm nhà, có ruộng cấy lúa nhưng lại thiếu sức lao động hai vợ chồng lại sinh thêm cháu nữa thế là khó khăn chồng khó khăn với gia đình anh. Trên quê hương mới không ai biết Lê Xuân Chinh đã để lại nụ cười trở thành báu vật ở Thành cổ Quảng Trị. Tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cũng không ít người cho rằng người chiến sĩ có nụ cười chiến thắng đã không còn sau chiến tranh, nhà báo, nghệ sĩ Đoàn Công Tính người chụp bức ảnh mất nhiều năm tìm kiếm Lê Xuân Chinh cũng đã từng có nhận định như vậy. Mãi tới năm 2002 có đoàn cựu chiến binh huyện Hưng Hà thăm lại chiến trường tỉnh Quảng Trị, từ đây danh phận Lê Xuân Chinh mới được khẳng định, anh còn sống cùng gia đình đang định cư ở vùng kinh tế mới xã Thanh Yên, tỉnh Điện Biên. Nhà báo, nghệ sĩ Đoàn Công Tính, các đồng đội thuộc D18, F320B tìm đến chia sẻ và hoàn thiện hồ sơ, được đồng đội, đơn vị xác nhận Lê Xuân Chinh được giám định, được xếp hạng thương tật, được hưởng trợ cấp nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin... Năm 2004, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tặng gia đình cựu chiến binh Lê Xuân Chinh sự quan tâm đặc biệt, xây tặng thương binh Lê Xuân Chinh căn nhà mái bằng 3 gian rộng rãi, từ đây gia đình Lê Xuân Chinh mới chính thức có một nếp nhà đàng hoàng.
Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm mùa hè rực lửa năm 1972 khốc liệt, đẫm máu xương bao đồng đội của Lê Xuân Chinh đang nằm lại dưới lớp cỏ non Thành cổ, Lê Xuân Chinh chưa tròn 18 tuổi vào trận mà “Hy sinh không sợ, gian khổ không sờn” nét cười rạng rỡ tạc vào thế kỷ XX niềm tự hào dân tộc. Dẫu thời gian có là lớp bụi phủ đi những thương đau của chiến tranh, nhưng hôm nay và mai sau thời gian sẽ mãi khắc ghi “Nụ cười chiến thắng” của Lê Xuân Chinh nơi Thành cổ Quảng Trị.
Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình