Thứ 5, 28/03/2024, 18:35[GMT+7]

Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2022) Sáng mãi truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Thứ 5, 15/09/2022 | 21:56:30
6,785 lượt xem
Cách đây tròn nửa thế kỷ, giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, nhiều chiến sĩ quê lúa mang trong tim khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã có mặt tại Thành cổ Quảng Trị, góp xương máu qua 81 ngày đêm viết lên khúc tráng ca bất tử, biểu tượng bất diệt cho tinh thần quả cảm, bền gan vững chí, hiên ngang bất khuất của một dân tộc anh hùng.

Hội viên Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình gặp mặt ôn lại truyền thống hào hùng một thời hoa lửa.

Anh dũng chiến đấu trong chiến tranh, giờ đây, phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa đã và đang ngày đêm nhiệt huyết với hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân người có công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Sau cuộc chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972 và cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, Thái Bình có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trở về quê hương, trong số đó có đến 95% là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam. Những người lính bước ra từ trận mạc tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, ra sức cống hiến trí lực trong công tác, học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương. Để ghi nhận và tôn vinh công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, năm 2013, Đảng, Nhà nước cho phép thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ngày 9/6/2015, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình.

Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Duy Tùng 

Sau 7 năm được thành lập và hoạt động, Hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích và điều lệ Hội để hoạt động, đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào. Ngay sau Đại hội lần thứ nhất, Ban Chấp hành Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh đã xây dựng quy chế hoạt động; chỉ đạo, hướng dẫn các huyện thành lập hội hoặc liên chi hội. Đến nay đã có 3 huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Kiến Xương được UBND tỉnh cho phép thành lập hội, các địa phương khác thành lập liên chi hội. Riêng đối với lực lượng an ninh Quảng Trị năm 1972 được thành lập chi hội riêng trực thuộc Tỉnh hội. Tổng số hội viên trong toàn tỉnh hiện có 2.482 hội viên, 100% hội viên đã được tặng kỷ niệm chương hoặc Huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị. Hội luôn phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, gương mẫu, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức gắn với các phong trào thi đua, thường xuyên sơ kết, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến để tạo động lực học tập trong hội viên. Nhiều hội viên tuy tuổi cao nhưng vẫn gương mẫu tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và các phong trào chung của địa phương.

Cùng với đó, các hoạt động tình nghĩa, “Đền ơn đáp nghĩa” là dấu ấn đậm nét của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình. 7 năm qua, Hội đã tập trung lãnh đạo và hướng dẫn các cấp hội tham gia tích cực phong trào “Đi tìm đồng đội” do Hội phát động. Thông qua những ký ức trong chiến trường, thông tin của đồng đội, thân nhân liệt sĩ nhiều đồng chí không quản ngại công sức, ủng hộ tiền của để cùng với thân nhân vào chiến trường Quảng Trị thăm viếng, xác định danh tính, vị trí khi chôn cất đồng đội để thông báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định và cất bốc đưa 6 hài cốt, di chuyển 15 hài cốt về quê hương an táng.

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hội viên đã góp công sức, hiến đất làm đường, hỗ trợ kinh phí xây dựng đường nông thôn, công trình phúc lợi, tu sửa tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ... tại các địa phương. Hội đã tranh thủ sự ủng hộ của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 toàn quốc, Bộ Công an, Bộ CHQS tỉnh cùng nhiều mạnh thường quân xây dựng 16 ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ 35 xe lăn, tặng 2 sổ tiết kiệm, hàng trăm suất quà trao tặng thăm hỏi đồng đội, tổ chức khám sức khỏe cho hội viên... với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Hội đã tổ chức cho trên 4.000 lượt hội viên thăm lại chiến trường xưa, dâng hương, cầu siêu tri ân đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Các cấp hội đã trực tiếp quyên góp, ủng hộ gần 100 triệu đồng, 20 tấn gạo và 1 xe ô tô dây khoai lang giống trực tiếp ủng hộ đồng bào Quảng Trị bị lũ lụt ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất... Qua 7 năm, tất cả những chương trình, hoạt động tình nghĩa của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình có tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Vật chất tuy chưa nhiều song đã khơi dậy tinh thần, bản chất của người lính Cụ Hồ, thể hiện được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Những hoạt động của Hội được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ghi nhận và quan tâm tạo điều kiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin yêu. Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình thực sự là ngôi nhà nghĩa tình chung của tất cả các hội viên.

Nửa thế kỷ đã qua, những chiến sĩ Thành cổ quê lúa năm xưa từng cống hiến tuổi xuân và xương máu trên chiến trường nay mái tóc đã điểm bạc nhưng vẹn nguyên chất lính với tinh thần đồng đội thiêng liêng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không gì có thể làm phai nhạt, xóa nhòa. Chính phẩm chất này đã phát huy và tỏa sáng, giúp những cựu chiến binh vững vàng trong cuộc sống, sống trọn nghĩa, vẹn tình, luôn tri ân công lao to lớn của các đồng đội đã hy sinh, nỗ lực lao động sản xuất góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Quang Tiệp
(Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình)

Ông Đỗ Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình
Chúng tôi, những người lính trở về từ Thành cổ luôn đau đáu phải sống có nghĩa tình và biết tri ân, giúp đỡ nhau trong cuộc sống khi máu xương của hàng vạn chiến sĩ đã đổ xuống và hàng nghìn đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn trên chiến trường. Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình được thành lập là mái nhà chung để đồng đội có thêm nhiều điều kiện kết nối, sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của chiến sĩ Thành cổ làm nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục sống vui, sống khỏe, gương mẫu, tích cực tham gia, cống hiến, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Kiến Xương
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Kiến Xương hiện có 14 chi hội với 250 hội viên. Hội đã tích cực tham gia hoạt động hội và các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, vận động xã hội hóa được 500 triệu đồng thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; hỗ trợ xây dựng 2 nhà tình nghĩa, trao tặng 5 xe lăn và hàng trăm suất quà; hiến hàng trăm mét vuông đất, tham gia hàng nghìn ngày công xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Xuân Chinh, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (Điện Biên)
Rời quê hương Thái Phương (Hưng Hà) lên đường cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tôi cùng đồng đội đã tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm; sau khi rời quân ngũ tôi đã lên Điện Biên lập nghiệp. Tuy ở xa nhưng tôi luôn dõi theo sự phát triển của quê hương và cảm thấy rất tự hào khi những đồng đội một thời hoa lửa đang sinh hoạt trong Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung đó.

Ông Trần Văn Hiệu, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình)
Chúng tôi là lực lượng an ninh làm nhiệm vụ cơ yếu và tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm kiên cường chiến đấu trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù để bảo vệ Thành cổ và trải qua khói lửa của chiến tranh, chúng tôi thêm trân quý cuộc sống hôm nay. Mỗi cựu chiến binh luôn tự nhủ phải phát huy phẩm chất anh hùng cách mạng trong chiến đấu, noi gương sáng, tích cực phát triển kinh tế, tham gia các phong trào, góp phần xây dựng quê hương.

Ông Hoàng Liễn, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình)
Chúng tôi tự hào bởi là những thế hệ sinh viên từ giảng đường ra thẳng chiến trường vào năm 1972. Từ sinh viên Đại học Nông nghiệp rồi trở thành chiến sĩ pháo cao xạ trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, những năm tháng ở chiến trường là giai đoạn rất đẹp và không thể nào quên của thế hệ sinh viên chúng tôi hồi đó. Trở về sau chiến tranh, tôi cùng đồng đội lại tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, đóng góp một phần trí tuệ, công sức để phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, “Đền ơn đáp nghĩa”.

Trịnh Cường - Tiến Đạt