Thứ 6, 29/03/2024, 01:16[GMT+7]

Nhân thần tiên thánh

Thứ 2, 19/09/2022 | 08:11:08
4,809 lượt xem
Vào thời nhà Lý (1010 - 1225), trang Đào Động được triều đình liệt vào hạng “Tứ cố cảnh”. Đây cũng là một trong những phòng tuyến quan trọng của quốc gia Đại Việt thế kỷ XIII ghi dấu son chói lọi trong ba cuộc chiến chống quân Nguyên Mông mà hào khí liệt oanh vẫn vang vọng đến hôm nay trong tứ thơ của tướng quân Điện súy Phạm Ngũ Lão được khắc treo trong đền Đồng Bằng (còn gọi là đền đức vua cha Bát Hải Động Đình, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) khi ông bái yết cửa đền trước khi sát cánh cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xuất trận đánh tan quân giặc bạo tàn Nguyên Mông.

Đền vua Rộc, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, địa danh cổ được xác định là “ngưỡng kiều biên” triều đại An Dương Vương.

Trước đó, thời Hùng Vương, truyền ngôn rằng, Vua Hùng thứ 18 không con trai nối dõi nên buồn bã, đau yếu khiến cho trăm quan triều đình lo lắng. Lúc ấy, nhiều thế lực trong nội bộ Bách Việt muốn nhòm ngó ngai vàng Lạc Việt. Thục Vương, phụ thân của Thục Phán cũng mưu toan chiếm ngôi. Chuyện kể rằng: Khi Mỵ Nương đến tuổi lấy chồng, nhan sắc tuyệt vời, phong tư đoan chính, Thục Vương mê lắm, rất muốn cưới về làm thiếp. Vua Hùng cũng có ý ưng thuận nhưng các Lạc tướng ra sức khuyên can, Vua Hùng liền gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh. Thục Vương uất giận quyết thôn tính bằng được Lạc Việt. Nhân Vua Hùng già yếu, các thế lực ngoại bang tìm cách xâm lấn nhằm thôn tính Lạc Việt. Rồi tin giặc dữ cũng truyền về Kinh đô khiến Vua Hùng rất lo lắng liền cho người đi mời Sơn Tinh về kinh hiến kế phá giặc. Sơn Tinh tâu rằng: Trời đã “đa giáng anh tài” xuống làm dân đất Việt, để mà hộ quốc cứu dân đó thôi!”. Vua Hùng hỏi, Sơn Tinh thưa: “Đó là Long cung Hoàng Thái Tử đã thác sinh, đang náu ở Hoa Đào Trang, thuộc Sơn Nam Hạ (sau là trang Đào Động, xã An Lễ). Bệ hạ nên cử Thái tử Long cung trấn giữ và đánh giặc tại các cửa sông, cửa biển trọng yếu, còn thần nguyện đích thân tiên phong cự địch tại các cánh đường bộ. Thần đồ rằng chỉ vài hôm là giặc tan”. Vua Hùng nghe nói cả mừng, lập tức lệnh lập đàn cầu trời ứng trợ, tuần hương vừa tàn thì Thánh Y Tiên Ông lai giáng, mách Vua cho người về Hoa Đào trang mà triệu, sẽ có dị nhân đánh tan giặc. Hùng Vương cả mừng, sai sứ giả về Hoa Đào trang để truyền chỉ dụ triệu kỳ nhân dẹp giặc. Khi sứ giả về hỏi, dân Đào trang kể về việc Giao Long ẩn thân trong giếng cạn, sứ giả đến bên giếng xướng truyền sắc chỉ thì thấy Hoàng Xà hiện ra rồi bỗng hóa thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với Vua Hùng là sẽ triệu hai em, tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả 8 cửa biển nước Nam, hứa sau 3 ngày là giặc tan. Vua Hùng liền phong người này là Vĩnh công đại vương. Vĩnh công lập đàn cầu trời điều Tam Thái Tử xuống đầu quân, tương truyền nghe thấy tiếng sét dữ dội tại đó, rồi một luồng hào quang bay về nơi Vĩnh công tuyển tướng, tụ thành chàng trai tuấn tú xin ứng tuyển, đó chính là Quan Điều Thất. Sau khi chọn được Quan Điều Thất, đủ số 10 tướng, Vĩnh công còn chọn được mưu sĩ tài ba, quê ở Nuồi (Hải Dương nay) làm quân sư. Vĩnh Công còn chọn được 28 vị Nội tướng tài ba. Lúc ấy, hai mũi tấn công của giặc phương Bắc chủ yếu bằng đường thủy nhằm vào cửa sông Cái (sông Hồng) và cửa sông Bạch Đằng. Vĩnh công cùng Quan lớn Đệ nhất chặn giặc ở cửa sông Cái, Quan lớn đệ Tam cùng Quân sư Nuồi và quan đệ Ngũ chặn giặc tại cửa sông Bạch Đằng, Quan Điều Thất phụ trách ứng chiến và phối hợp tác chiến cùng các cánh quân chặn giặc đường bộ của Sơn Thánh, các vị Quan lớn khác đều được phân công đánh giặc trên 6 cửa biển khác của nước Nam. Đúng hẹn 3 ngày, Vĩnh công cùng tướng sĩ đánh tan giặc dữ trên cả 8 cửa biển. Đất nước trở lại thanh bình, vua Hùng Vương triệu Vĩnh công về triều, phong là “Vĩnh Công Nhạc phủ thượng đẳng thần”, lại có ý muốn lưu ở kinh đô giúp việc triều chính nhưng Vĩnh công xin cáo quan về quê vui việc nông tang giúp Vua Hùng giữ yên 8 cửa biển. Quan Điều Thất về trời ngay sau khi thắng giặc, Vĩnh công thương xót vô cùng cho lập đền Công đồng thờ Quan Điều Thất. Quan lớn đệ Tam được phân công giữ yên vùng duyên hải từ sông Cái lên hết biên giới biển phía Bắc Lạc Việt. Có lẽ từ đó xuất hiện tích Quan lớn đệ Tam thắng giặc trên cửa sông Bạch Đằng rồi cai quản vùng này nên các đời sau khi đánh giặc trên sông Bạch Đằng, các bậc quân vương cũng từ đấy về cầu và tạ tại đền đức Vua (đền Đồng Bằng) và đền Quan lớn đệ Tam vì cho rằng sẽ được âm phù dương trợ mà chiến thắng.  

Cách trang Đào Động xưa không xa là đền vua Rộc, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, nơi đây được xác định có ngôi đền cổ trong đền phối thờ hai vị nhân thần đã trở thành thiên thần mà nhân dân quen gọi là “tiên thánh”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, căn cứ vào câu đối được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian coi là “tối cổ” trong đền vua Rộc, nội dung như sau: “Thụy ứng Kim Quy, thần trảo y y lưu tỉnh thượng/Uy dương mộc mã, kiện đề ẩn ẩn ngưỡng kiều biên”. Tạm dịch: “Linh ứng Rùa vàng, móng thần y nhiên nơi giếng cũ/Oai dương Ngựa gỗ, vó hùng thấp thoáng chốn cầu biên”. Cứ chiết tự thì Tây Hải Đại vương chính là vua An Dương Vương, còn câu đối “Oai dương Ngựa gỗ, vó hùng thấp thoáng chốn cầu biên” có thể hiểu rằng “Ngựa gỗ” ám chỉ nỏ thần có nẫy nỏ bằng móng Rùa thần (Kim Quy) đã bị đánh tráo (thời xưa, các cụ thường kỹ húy). Tương truyền khi bị Triệu Đà truy đuổi, An Dương Vương cưỡi ngựa để công chúa Mỵ Nương ngồi sau, nhằm hướng Nam mà đi. Đến vùng đất Vũ An ngày nay, xưa còn là bãi biển, biển cả mênh mông, cùng đường, An Dương Vương xuống ngựa, thần Kim Quy hiện lên nói với An Dương Vương: “Giặc ở ngay sau lưng nhà ngươi mà ngươi không biết”. An Dương Vương quay lại nhìn con gái, cả giận liền rút gươm chém chết Mỵ Nương. Câu đối này còn gửi thông điệp cho hậu thế biết, vào thời Vua Hùng dựng nước, bãi biển mà nay là xã Vũ An, huyện Kiến Xương là “...ngưỡng kiều biên” có thể hiểu là “cửa biển”. Căn cứ vào các nghiên cứu khoa học sau này, quá trình biển lùi cộng với sự bồi tụ phù sa mà lộ ra vùng đất mới được sự bồi đắp của sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa mà đất bãi cứ vươn dài về phía biển như hiện nay. Ngoài đền vua Rộc ở xã Vũ An, huyện Kiến Xương, nhiều địa danh trên đất Thái Bình cũng xây đền thờ An Dương Vương như xã Việt Hùng; làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư... và đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, nơi thờ Triệu Đà, người thắng cuộc trong trận chiến giành ngôi báu của Âu Lạc, bằng chứng trên nóc của ngôi đền cổ này có đắp nổi ba chữ “Nhất thống thủy” và đền còn thờ thanh bảo kiếm của Triệu Đà. Còn chữ “Rộc” trong văn tự “đền vua Rộc” là từ thời Vua Hùng nhân dân quen dùng để chỉ nơi canh tác lúa màu, ngày nay vẫn còn nhiều địa phương trong tỉnh vẫn quen gọi nhưng cũng đã được đọc chệch đi thành chữ “ruộng”. Nguyên bản là “Rộc Nam, rộc Bắc, rộc Khuôn, rộc Đống...” nghĩa là khu ruộng phía Nam, ruộng phía Bắc...

Bản thần tích đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ do Đông các Đại học sĩ Thượng thư bộ Lại Nguyễn Bính ghi rằng: Trần Hưng Đạo đã vào vãng cảnh đền vua cha Bát Hải và Phạm Ngũ Lão đi cùng có đề thơ lưu bút tại đền. Bài thơ “thất ngôn tứ tuyệt” của ông được khắc trên cuốn thư treo trang trọng tại cung đệ Nhị, bài thơ như sau: “Xuân nhật tảo di hoa ảnh mộng/Thu phong viễn tống hạc thanh lai/Lưu quang điện hạ thiên tùng thụ/Quả thịnh thần tiên nhất thủ tài”. Một số bài vị, sắc phong khác của các triều đại Lê, Nguyễn còn thờ trong đền có nhắc tới các tước hiệu “Tả giai Minh Hiến phò mã Đô Uý”; “Phụ quốc văn hầu hạp quân”... vẫn còn tồn nghi cần có thời gian nghiên cứu, sưu tầm...


Quang Viện