Thứ 5, 25/04/2024, 11:51[GMT+7]

Giang môn yếu hải

Thứ 2, 26/09/2022 | 08:26:59
6,561 lượt xem
Dân gian vùng Nam sông Luộc vẫn còn truyền tụng câu ca: “Nhất cao là núi Tản Viên/Nhất sâu là nước Thủy Tiên, Phú Hà”. Phú Hà là làng cổ nằm cạnh ngã ba sông Hồng và chi lưu sông Luộc, nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Lại có câu: “Trăm cửa bể phải nể cửa Vường, cửa Vường phải nhường cửa Luộc” (cửa Tuần Vường, nay thuộc khu vực giáp ranh xã Hồng Lý (Vũ Thư) và xã Hồng Minh (Hưng Hà), điều đó cho thấy từ ngàn xưa Thái Bình là vùng đất trù mật được bao bọc bởi các con sông, phù sa bồi đắp nên bờ bãi xanh tươi, cũng là “giao lộ” của những dòng sông tiềm ẩn thế mạnh quân sự, tạo nên phòng tuyến bảo vệ giang sơn...

Chi lưu sông Hồng và sông Luộc, một trong những “giang môn” trọng yếu thời Lý - Trần và các triều đại về sau trong sự nghiệp bảo vệ giang sơn Đại Việt.

Ở nước ta, thời phong kiến, nhà nước trung ương tập quyền chăm lo việc sắc phong nhân thần và thiên thần (gọi tắt là thờ thần), tôn là “thần quyền”. Các tài liệu khảo cứu cho thấy, việc thờ thần vốn có từ rất sớm. Sự tích “thần” được “văn bản hóa” lần đầu tiên được biết đến trong tập sách “Việt điện U linh” xuất bản năm 1329 và “Lĩnh Nam chích quái” cũng được biên soạn vào cuối thời Trần. Đó là các truyền thuyết dân gian được “văn bản hóa”, theo đó quyền lực chính trị và thần quyền đều được thâu tóm cùng với tiến trình tổ chức bộ máy nhà nước tập quyền cao độ về mặt thế tục. Về sau, do ảnh hưởng của tinh thần Nho giáo, tín ngưỡng, tục thờ thần càng được chú trọng, trong đó thủy thần (thần sông nước) có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân tỉnh ta bởi địa thế tỉnh ta nhiều sông ngòi chằng chịt. Bách thần được tập hợp, phân loại, phân cấp theo tinh thần Nho giáo chính thống. Các thứ bậc Thượng Đẳng thần, Trung Đẳng thần, Hạ Đẳng thần (Tôn thần) bắt đầu được dùng từ thời Lê trở đi. Những thần linh quan trọng đối với vương triều được nhà nước nâng cấp, chăm lo cúng tế tại kinh đô và các địa phương theo nghi lễ nhà nước (dân gian gọi là quốc tế). Thần bảo hộ các làng xã được vua ban sắc phong và ra lệnh cho dân sở tại thờ cúng.

“Giang môn” đầu tiên trên địa bàn tỉnh ta phải nhắc đến đó là đoạn sông Hồng chảy tới làng Phú Hà thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, thành ngã ba sông (sông Hồng, sông Luộc) dòng nước chảy xiết, tàu thuyền xuôi ngược đến nơi này thường ghé thăm đền thờ Thủy Tiên công chúa (con vua Thủy Tề), dâng lễ nguyện cầu may mắn, xuôi buồm, mát mái. Thần tích kể rằng: Thuở ấy có người ở xã Ngọc Lạp, huyện Thanh Miện, phủ Hồng Châu, lộ Hải Đông (nay là Thanh Miện, Hải Dương), họ Liễu, tên Nghị, là danh sĩ. Một hôm Nghị cùng gia đồng chèo thuyền ngắm cảnh. Thuyền đến cửa Luộc (Phú Hà) bỗng nghe tiếng ngâm thơ văng vẳng, lời lẽ thảm thê, Nghị lấy làm lạ, bèn nói với bọn gia đồng đi theo rằng: “Không biết thần tiên hay ma quỷ mà lại có lời lẽ thê thảm đến như vậy”. Liễu Nghị bèn cho người dừng thuyền bên bờ sông, một mình lên bờ, chợt Nghị nhìn thấy bóng dáng thiếu nữ tuổi độ đôi tám mi xanh như liễu rủ, má thắm tựa hoa đào, Liễu Nghị chợt nghĩ “dẫu tiên nữ ở cung trăng hay phi tần nơi thượng giới, cũng không thể hơn được”. Người con gái nhìn thấy dung mạo Liễu Nghị đoán là người tử tế, mắt ứa lệ thưa rằng: “Thiếp vốn là con gái vua cha Bát Hải Động Đình, là vợ của Kinh Xuyên (Kinh Dương Vương), chẳng ngờ thiên sứ giáng họa vô cớ, nay may gặp người tốt ở đây, dám xin người có kế sách gì cứu giải oan khiên, thiếp nguyện thề có sông núi không quên ơn nghĩa”.

Quá trình điền dã kết hợp với khảo tả di tích, nhóm nghiên cứu chúng tôi thu nhận được nhiều tài liệu cổ về địa danh thờ thần, trong đó có nhiều nữ thần và thánh mẫu, nhiều địa danh cổ xưa thuộc cửa sông, cửa biển trọng yếu. Nhiều làng xã trong tỉnh có thần tích trùng với bản “Thần tích Hùng vương” do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố soạn năm Hồng Đức I (1470), thần tích về “Cao Sơn đại vương” do Lê Tung soạn vào năm Hồng Thuận 2 (1510) như ở các xã Văn Lang (Hưng Hà), Việt Hùng (Vũ Thư), Đông Hải, An Vũ (Quỳnh Phụ)... 

Theo các tài liệu khảo cứu, đa số các thần tích được lưu giữ ở các đền, miếu, chùa trên địa bàn tỉnh ta đều được ghi do “Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám Bách Thần Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hựu 3 (1736)”. Trong các văn bản này, thì thần tích có lai lịch là thần tự nhiên khá phổ biến, thường gắn bó với các cổ tích như thần Đá, thần Nước, thần Mưa, thần Sấm, thần Cây (Cây Trôi - Đình Cây Trôi, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư), thần Gò (gồ), Đống... Đó là biểu hiện của tín ngưỡng vật linh có từ lòng xã hội nguyên thủy. Một dạng khác là nhân thần có nguồn gốc từ thiên thần và nhân thần là anh hùng dân tộc hoặc có công, có liên hệ với dân làng.

Các triều đại phong kiến luôn đánh giá tầm quan trọng các cửa sông, bãi biển Thái Bình. Thời nhà Trần, Thái sư Trần Quang Khải trong một lần tháp tùng vua Trần Thánh Tông về Hải Ấp khảo sát thực địa trước cuộc tấn công quy mô mạnh của quân Nguyên Mông, đáp bến Lưu Gia (làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà nay), tức cảnh sinh tình, Thái sư đã hạ bút phóng tác bài thơ “Lưu Gia độ”, trong đó khẳng định: “Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý/Lý đại quan hà nhị bách niên”. Tạm dịch: “Thái Bình ngàn năm cơ đồ rộng/Triều đại nhà Lý hai trăm năm vận mệnh dài”. Nhìn từ kinh thành Thăng Long dọc xuôi theo dòng Nhị Hà (còn gọi là sông Cái, sông Hồng), đến khu vực ngã ba sông Nông Kỳ (còn gọi là sông Luộc) chảy vào bến Hải Thị được nhà Trần gọi là Hoàng Giang. Hoàng Giang thuận theo dòng chảy, bên phải là phủ Lỵ Nhân (nay là Phủ Lý, Hà Nam) xuôi xuống một quãng nữa là phủ Thiên Trương và bên trái là Long Hưng, Ngự Thiên tạo nên thế “tay Long tay Hổ”. Trong suốt 174 năm trị vì, nhà Trần luôn dựa chính vào Long Hưng cung cấp sức người, sức của cho quốc gia đại sự. Kế sách “ngụ binh ư nông” cũng xuất phát từ đây. Đội quân Tinh Cương đánh đông dẹp bắc của nhà trần cũng “lấy” quân chủ yếu ở Long Hưng và được Thái úy Trần Nhật Hạo tập trung huấn luyện ở thái ấp Dương Xá (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), từng góp mặt ngay từ trận đầu đánh giặc Nguyên Mông. Trần Nghệ Tông vị vua cuối triều Trần từng phải “vi cực” bởi loạn phản Dương Nhật Lễ buộc rời bỏ kinh thành chạy loạn, khi “nhàn tản” vẫn nhớ về Ngự Thiên với tâm thức đó là miền quê cha, đất tổ của mình mà thốt lên thành thơ: “Trông tường thấy bóng, ăn canh nhớ người...”. 

Miền quê Hải Ấp (Hưng Hà nay) chính là nơi mà ông, cha vua Trần đã sinh ra và lớn lên cùng với sự lớn mạnh của họ tộc nhà Trần từ khi rời bỏ nghề sông nước vốn đã đưa họ tộc nhà Trần trở thành hào kiệt nức tiếng lên bờ canh tác và bước chân vào kinh thành Thăng Long mà khởi đầu từ triều Lý. Khi đã thống lĩnh thiên hạ xây nghiệp đế để rồi các bậc vương triều khi “về già” lại lui về quê hương bản quán nơi đã sinh ra để gửi thân xác vào vùng đất ngã ba sông.

Sách “Đại Việt sử ký” ghi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), ngoài là nơi rút lui chiến lược, nhà Trần đã cho “đóng cọc, đắp đê ngăn địch” tại bến Hải Thị (nay là xã Tân Lễ) và Ngự Thiên (nay là xã Hồng An và thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) mà sách “An Nam chí lược” có ghi quân Nguyên Mông gọi cửa Hải Thị là “cửa nhà Trần”. Còn sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rằng trong cuộc chiến đầy cam go, ác liệt chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2, ngày 10 tháng 5 năm 1285, tướng Trần Quang Khải đã chỉ huy đội quân từ Long Hưng đánh thẳng vào trung tâm đầu não đóng quân của giặc tại kinh thành Thăng Long và bến Chương Dương khiến quân giặc thiệt hại nặng nề. Nhận tin thắng trận, ngày 15 tháng 5 năm 1285, hai vua Trần đã về Ngự Thiên - Long Hưng làm lễ bái yết tổ tông, báo công thắng trận.

Quang Viện