Thứ 6, 26/04/2024, 11:16[GMT+7]

Nam bang đệ nhất

Thứ 2, 10/10/2022 | 08:20:04
8,057 lượt xem
Tương truyền, xưa lắm, có một đoàn quân qua làng Sơn Cao (còn có tên gọi khác là Sơn Đường, nay thuộc xã Hòa An, huyện Thái Thụy) đã đào giếng để lấy nước ngọt nấu ăn. Vì xung quanh toàn là bãi ngập nước và là nước lợ nên họ đã chọn làng Sơn Cao, nơi cao nhất vùng để đào giếng. Có truyền ngôn rằng, những giếng cổ còn sót lại ở làng Sơn Cao có từ thời tiền Lý (Lý Bí thế kỷ thứ VI), lúc đó Lý Bí đóng quân ở vùng này. Để cho cát không lở xuống lòng giếng, quân lính dùng vại sành ghép thành giếng, vì vậy có tên giếng Vại, gần đó có “ngã ba hàng hầu” chính là nơi họp chợ bán sò và hầu biển... Xưa làng Sơn Cao nằm sát biển, nay biển đã lùi xa vài ki-lô-mét...

Tục thờ cá Ông, linh vật trong tín ngưỡng dân gian được thờ trong đình làng Sơn Thọ, xã Thái Thượng, địa danh cổ trước khi chia tách của làng Sơn Cao, nay thuộc xã Hòa An, huyện Thái Thụy.

Một ngôi làng cổ nằm sát mép biển, xung quanh có nhiều sông ngòi chằng chịt mà có tên Sơn Cao khiến nhiều người khi đặt chân tới làng không khỏi ngạc nhiên. Theo các bậc cao niên kể, xưa kia, làng là gò đất nổi lên bên bờ biển, gò đất cao như núi nên các cụ đặt tên là Sơn Cao. Có người lại bảo, vì người làng này có nhiều người học giỏi, nhiều người thành đạt, có mưu kế cao lại ở trên gò đất cao nhất vùng nên gọi tên là Sơn Cao. Tuy nhiên, không chỉ ở nơi gò cao nhất vùng, làng Sơn Cao còn nổi tiếng hơn các làng trong vùng bởi vì làng có “Đình Ngang, giếng Vại, ngã ba hàng hầu”. Khẳng định về thế đất “phong thủy” của làng, các thế hệ người dân làng Sơn Cao vẫn truyền tụng câu ca: Thụy Anh Sơn Đường/Cát địa khả tàng/Long hổ bái liệt/Hình thế hiên ngang/Sơn loan điệp điệp/Thuỷ tụ dương dương/Khôn bút hổ bái/Bảo ấn long bàng/Huyệt tàng trung cấp/Thế xuất khoa trường/Danh ngôi giáp đệ/Vệ cận quân vương.

Làng còn có những truyền thuyết về thời vua Tiền Lý Nam Đế (544 - 548) về thời kỳ Cao Biền ở nước ta thế kỷ VIII. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Lý Bí là người Thái Bình, phủ Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ vì việc đánh dẹp, mới tránh sang đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn, võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thù lệnh tàn bạo, hà khắc, Lâm Ấp cướp biên giới, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Tương truyền, thế kỷ thứ VIII, Cao Biền được vua Đường Y Tông phong làm Thứ sử, cử sang nước ta khảo cứu phong thủy, yểm triệt thế đất phát đế vương, chỉ để huyệt đất phát khôi khoa, sử cũ chép: Khi Cao Biền được cử sang làm thái thú Giao Châu và nhận thêm nhiệm vụ như lời Đường Y Tông căn dặn “Trẫm nghe An Nam có nhiều ngôi đất thiên tử, ngươi tinh thông về địa lý nên hết sức yểm đi và vẽ hình thế đất ấy đem về cho trẫm xem “Biền đến An Nam dạo qua sông núi nơi nào tốt thì đều yểm cả”. Khi đặt chân đến làng Sơn Cao, hắn quan sát thế đất của làng và phán rằng: Sơn Đường có thế đất đẹp nhưng chưa hoàn chỉnh, có bút nhưng thiếu nghiên mực “Khôn bút hổ bái/Bảo ấn long bàng...” và vì hắn biết: “Danh ngôi giáp đệ/Vệ cận quân vương” nghĩa là huyệt đất ở làng Sơn Cao có thể sinh ra người tài ba, phát đế vương mà đã phát vương thì dễ chống lại Bắc quốc nên hắn “xúi” dân làng Sơn Cao đào hồ nước trước làng vì cho rằng, làng có thế đất “Khôn bút hổ bái” mà thiếu nghiên mực thì bút vô dụng! Nghe lời Thứ sử lại kiêm nhà phong thủy, dân làng đào một cái hồ to trước làng, ngờ đâu, hồ đào xong, nước hồ có màu đỏ máu (thực chất là đất chua mặn ven biển khi đào đất thành hồ, nước xung quanh sẽ trút chua phèn xuống hồ nên nước có màu đỏ).

Theo các bậc cao niên, xưa, làng Sơn Cao có chín gò cao, mỗi gò rộng tới một sào Bắc bộ (360m²), từ xa xưa truyền lại những gò đất này do máu rồng nhỏ xuống, tụ lại mà thành, dân gọi những gò ấy là gò hạt châu. Trong chín gò ấy có một gò mang tên gò Nồi, rộng tới ba sào, gò này ngày xưa gần chợ, nơi bán nồi đất nên có tên gò Nồi. Làng Sơn Cao có 4 giếng khơi cách đều nhau, trong làng còn có một số giếng mà thành giếng ghép toàn bằng vại sành, giếng có độ sâu trên 10m, trên lát bằng các phiến đá. Nước giếng trong mát, ngọt. Thời xa xưa và cho đến gần đây, khi chưa có nước lọc của nhà máy nước, cả làng đều dùng những nước giếng này, có điều dù mùa hạn hán, giếng không bao giờ cạn nước. Thời xưa, để giữ nước trong lành, không nhiễm bẩn, dân làng lấy nước bằng những quả bầu khô, mo cau vây quấn với những cây tre nhỏ làm dây kéo... Quá trình lấy nước cộng với phong hóa của thời gian đã làm mòn đá ở miệng giếng, khiến miệng giếng còn lại như những chiếc răng cưa.

Làng Sơn Cao, xã Thái Hòa cũ, nay là xã Hòa An, huyện Thái Thụy, thời Lê có tên là Sơn Đường, thời Nguyễn tách Sơn Đường thành 2 xã Sơn Cao, Sơn Thọ. Làng có đình, có chùa. Đình Sơn Cao đã qua nhiều lần tôn tạo, thời vua Thành Thái (1889 - 1907) đã hai lần dân làng bỏ công sức, tiền của để tu sửa, nay vẫn còn một vế đối ghi lại việc làm đó “Toàn giáp tôn thần hương Dần cơ chỉ cựa” (Toàn dân đồng lòng sửa đình theo hướng đông trên nền cũ). Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Câu đối ở đình làng Sơn Cao ghi: “Sinh vi tướng, tử vi thần, uy trấn Nam bang đệ nhất/Công tại triều, danh tại sử, lưu truyền Bắc hải vô song”. Tạm dịch: Sống làm tướng, chết làm thần là người anh hùng nổi tiếng ở nước Nam, công tích đã được triều thần ghi nhận, sử sách biên chép lưu truyền cả ở Bắc quốc. Ngoài thờ “Lục vị thành hoàng” theo nội dung 4 chữ Hán Nôm khắc trên bức hoành phi của đình ghi: “Lục long chính vị” làng Sơn Cao còn thờ phúc thần là quan Phạm Ngọc Hiền đại quan triều Nguyễn, khi làng bị thiên tai, ông đã dâng sớ xin miễn thuế cho làng, ông cũng là thầy dạy của Tiến sĩ Phạm Thế Hiển, người làng Luyến Khuyết (xã Thụy Phong) và là người đã cùng Nguyễn Tri Phương tham gia chống Pháp những ngày tháng đầu tiên khi thực dân Pháp nã pháo vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), ghi dấu cuộc xâm lược nước Việt vào năm 1858. Làng Sơn Cao còn có một ngôi chùa, dân gian xưa nay vẫn gọi là chùa Bụt mọc. Sự tích kể rằng: Một buổi sáng dân làng trông thấy một luồng ánh sáng lạ, có người tò mò đến tận nơi xem, thấy ở đó có một bức tượng Phật, sau dân làng xây chùa ở đây nên mới có tên chùa Bụt mọc. Một truyền ngôn khác cho biết, một người đi te (bắt tôm cá) nhiều lần “bắt” được bức tượng Phật trong te, liền nhặt vứt ra, chẳng hiểu sao lần sau nhấc te lên, bức tượng Phật lại “rơi” vào, thấy lạ, người đi te khấn Phật phù hộ cho được nhiều tôm cá, quả nhiên ứng nghiệm. Khi đã đầy giỏ tôm cá, người đi te vác te và ôm tượng Phật về, đến chỗ chùa ngày nay đặt tượng và te xuống nghỉ, khi đứng lên không thể nhắc nổi tượng Phật, sau dân làng xây chùa trên đất ấy. Chùa Bụt mọc được dân gian truyền tụng từ thuở ấy.

Tương truyền, khi đào xong hồ mực, phong thủy cả vùng đất quanh làng Sơn Cao bị thay đổi, từ lòng hồ vút lên một luồng khí sáng, cuộn lại thành hình con rồng rồi tụ lại vùng Bắc cửa sông Diêm Hộ; truyền ngôn, có một làng nhỏ cách đó không xa, dân tứ xứ đổ về tụ sinh bằng nghề làm muối và đánh cá, làng ấy có tên là làng Quang Lang (nay thuộc xã Thụy Hải). Làng Quang Lang có chùa Hưng Quốc (tương truyền vua Tiền Lý Nam Đế sinh ra ở đây, khi lên ngôi vua, ông đã sắc phong là chùa Hưng Quốc), chùa có một con rồng đá mất mõm, mất đuôi, người dân làng Quang Lang truyền ngôn rằng: Rồng vốn ở làng Sơn Đường, khi đào hồ, rồng bay lên, dân Sơn Đường muốn giữ rồng lại nên lấy mai cuốc bổ tới tấp để giữ rồng không bay lên, không ngờ những nhát cuốc đó làm rồng mất mồm, mất đuôi.


Quang Viện