Thứ 5, 25/04/2024, 10:53[GMT+7]

Phật đài chứng tấm lòng son

Thứ 2, 24/10/2022 | 08:06:59
7,107 lượt xem
Theo các nguồn khảo luận, trong muôn vàn lý do người tụ cư về miền đất Long Hưng (Thái Bình nay) có người tìm nơi cư trú mới, khai khẩn đất hoang, quật thổ bồi cơ hoặc chỉ là muốn “xa rừng, nhạt biển”, thèm ăn cơm cá mà tìm về nơi sông biển nhưng cũng không ít người tìm về chốn này để tránh sự truy sát của thế lực đàn áp hoặc lập căn cứ chống ách xâm lược, cai trị hà khắc... Có nhiều người là hoàng thân, quốc thích của các vương triều Lý, Trần, Lê... được phân phong đất đai làm thực ấp.

Đền Trần làng Trung Liệt, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi thờ Bảo Hoa công chúa có công khai khẩn đất đai, lập ấp, dựng làng, xây chùa hoằng dương Phật pháp.

Bối cảnh cuối triều đại nhà Trần (1226 - 1400), năm 1373, khi vua Duệ Tông (tên húy là Kính, sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu, dương lịch là năm 1337), là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông, mẹ đẻ của ông là cô ruột của Lê Quý Ly, tên hiệu là Đôn Từ Hoàng Thái phi, được vua anh là Nghệ Tông truyền ngôi. Duệ Tông làm vua thì sự nghiệp triều Trần đang trên đà xuống dốc, các vị “vua sáng, tôi hiền” đã không còn, thay vào đó là triều chính ngả nghiêng, một số gian thần như Lê (Hồ) Quý Ly, Đỗ Tử Bình lũng đoạn triều đình. Phía Nam, quân Chiêm Thành liên tục quấy rối, xâm phạm biên cương. Sử cũ chép: Sau biến cố vua Trần Duệ Tông tử trận ở Đồ Bàn (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) bởi truy quét quân Chiêm Thành quấy nhiễu biên cương, Gia Từ hoàng hậu đưa ba công chúa của mình chạy về trấn Sơn Nam hạ, tìm về đất Tây Quan, lộ Long Hưng (nay là tỉnh Thái Bình), đến những nơi đầm lầy, lau lách không bóng người qua lại để dựng cơ nghiệp nhằm trốn chạy sự truy sát của bọn gian thần khi triều đình không còn “vua sáng, tôi hiền”. Khi nhận tin vua tử trận, Gia Từ hoàng hậu đã tiên đoán chính xác kết cục thê thảm của thái tử Trần Hiện (con trai bà). Không vãn hồi thế trận, để cứu ba cô công chúa, Gia Từ hoàng hậu đã cho ba công chúa đi tu theo bà nên sống sót, khi chết vẫn còn trinh tiết, vì thế ba ngôi đền ở làng Giắng, còn gọi là Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng); làng Trung Liệt, Phất Lộc (xã Thái Giang) và làng Quài Miễu, thôn Thanh Miếu, trước thuộc xã Thái Sơn, nay thuộc xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy đều có ba đôi câu đối với nội dung giống hệt nhau: “Nhất môn phấn đại tam trinh tiết/Vạn cổ huân cao tứ đại từ”, tạm dịch: “Son phấn một nhà ba trinh tiết/Nửa hương muôn thuở bốn đền thiêng”.

Chuyện kể rằng, cuối triều Trần thời vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377), do biết triều đình lục đục, phân rã có phần suy yếu, chớp thời cơ giặc Chiêm Thành thường xuyên kéo đến quấy nhiễu biên cương, có lần chúng còn kéo đến tận kinh thành Thăng Long, cướp của, giết người nhưng quân đội triều đình nhà Trần chỉ chống trả yếu ớt. Sau đó, các vua Trần nhiều lần phải thân chinh cầm quân đánh đuổi. Theo các nguồn khảo luận, thế kỷ XIV, Đại Việt thường bị Chiêm Thành đem quân cướp bóc, xâm chiếm đất đai; thấy vậy, Duệ Tông ra sức xây dựng quân đội hòng muốn dùng binh lực áp chế Chiêm Thành. Sử cũ chép, năm 1376, Chế Bồng Nga đem quân khiêu chiến Đại Việt, Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga vờ sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Tử Bình giấu vàng đi rồi về triều tâu với Dụ Tông rằng chúa Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Nghe vậy, Duệ Tông ức lắm liền quyết định thân chinh đi bình Chiêm mặc cho các đại thần ra sức khuyên can. Tháng 12 năm 1376, Duệ Tông đem 12 vạn quân đánh Chiêm Thành, lấy được đồn Thạch Kiều, thừa thắng tiến đánh kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Chế Bồng Nga lập mưu trốn ngoài thành nhưng sai người giả vờ đầu hàng lại còn rủa Chế Bồng Nga hèn hạ bỏ thành chạy trốn. Duệ Tông thấy vậy càng nôn nóng tiến đánh ngay nhưng tướng Đỗ Lễ nhận thấy điều bất thường liền can ngăn vua. Duệ Tông bỏ ngoài tai, nói với quân sĩ rằng: “Ta mình mặc giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại, đó là trời giúp. Huống chi nay chúa Chiêm nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại. Cổ nhân nói “Dụng binh quý ở nhanh chóng, nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy, để nó lại có mưu khác thì hối không kịp”. Nói rồi Duệ Tông thúc quân tiến đánh. Đợi cho Duệ Tông vào sâu trong thành, quân Chiêm bất ngờ chặn đánh, Duệ Tông cùng các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh bị hãm trong thành và tử trận. Lúc đó, Đỗ Tử Bình được giao hậu quân nhưng không tới cứu ứng cho Duệ Tông, Lê Quý Ly thấy thế bỏ chạy. Thượng hoàng Nghệ Tông nghe tin Duệ Tông tử trận sợ hãi lên thuyền cùng gia nô chạy về Thiên Trường. Bờ cõi tạm yên, xét công lao vì việc nước mà tử trận, Thượng hoàng Nghệ Tông xót xa cho lập đàn chiêu hồn Dụ Tông chôn ở Hy Lăng và lập con của Duệ Tông là Kiến Đức Đại vương Trần Hiện lên ngôi vua (tức Trần Phế Đế). Thái tử Trần Hiện lúc này mới 16 tuổi còn non nớt chưa thể cứu vãn cơ nghiệp đế vương nhà Trần đang trên đà suy sụp. Biết rõ điều đó, Gia Từ hoàng hậu liền hết lời van xin Thượng hoàng Nghệ Tông đừng đưa con trai mình lên ngôi nhưng Thượng hoàng không nghe. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Hậu từ chối không được bèn khóc lóc nói với những người thân thích rằng con ta phúc bạc, khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn nó đến phải tai họa vì việc đó thôi. Tiên hoàng xa lìa cõi thế, kẻ chưa chết này chỉ muốn chết theo, không muốn trông thấy việc đời nữa, huống chi lại phải nhìn thấy con mình sắp bị nguy hiểm”. Nói rồi, Gia Từ hoàng hậu đem ba công chúa rời kinh thành hoa lệ cùng đám gia nô, thân tộc tìm về trấn Sơn Nam đầm lầy, lau lách xuống tóc đi tu. Không lâu sau, Trần Phế Đế bị Thượng hoàng Nghệ Tông ép phải thắt cổ chết.

Theo các nguồn khảo luận, từ thời nhà Trần ở Thượng Liệt (Đông Tân, Đông Hưng); Trung Liệt (Thái Giang); Quài Miễu (nay là Thanh Miếu, Sơn Hà, Thái Thụy) đều có “ruộng miễn hoàn”. Thực chất đây là số ruộng giao cho dân làng nơi đây cấy lúa lấy hương phẩm để duy trì việc thờ cúng gia tộc nhà Trần, sau này thờ ba công chúa nhà Trần. Các bậc cao niên làng Trung Liệt, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy kể rằng, công chúa Bảo Hoa, con gái thứ hai của vua Trần Duệ Tông tìm về đất Trung Liệt khai khẩn đất đai, cùng đi với công chúa có Thượng vị Thương Phẩm hầu, Thượng vị Túc Quốc hầu, Nội thị Trí Gián hầu và nhiều dân thường xiêu tán, nghèo khó khắp nơi xin làm gia nô. Truyền ngôn, thời nhà Trần, làng Trung Liệt, Phất Lộc, Sặt (thuộc xã Thái Giang) đã có manh nha, tuy người ở lưa thưa, ruộng đất phì nhiêu nhưng chưa thành làng xã, công chúa Bảo Hoa bỏ tiền mua ruộng đất cùng các gia nô dựng làng, lập ấp, dạy dân cấy cày nhưng không vì ỷ thế con vua cháu chúa mà át dân chúng. Lúc này, quân Chiêm Thành tiếp tục quấy nhiễu biên cương, triều đình nhà Trần xuống chiếu dân chúng phải tăng gia cấy cày, tạo nhiều lương thảo đóng góp cho triều đình. Thấy dân nơi đây còn nghèo, Bảo Hoa công chúa lấy tiền cá nhân dành dụm được mua thóc gạo nộp thuế thay dân. Công chúa còn đem nghề dạy cho dân, vốn đi tu, công chúa bỏ tiền mua đất các làng Trung Liệt, Hạ Liệt, Phất Lộc xây chùa, dựng tượng Phật, huấn đạo từ bi, bác ái cho dân, tu nhân tích đức...

Hồ Quý Ly lộng quyền, soán ngôi nhà Trần, công chúa Bảo Hoa và 2 công chúa nhà Trần về đất Tây Quan phải mai danh, ẩn tích. Nhà Hồ tại vị được 7 năm (1400 - 1407) thì vong quốc, công chúa Bảo Hoa cùng danh tướng Trần Thiên Hy lúc này mới phục hồi danh tính nhà Trần của mình, cho lập họ Trần Trung Liệt, hiệu là “Trần Thiên Hoàng diễn phái biệt kỳ”. Câu đối trong đền Trần làng Trung Liệt, xã Thái Giang còn ghi: “Để nữ chân tu thành Phật tổ/Từ ân lập tộc nghiệp Trần gia” nhằm ghi nhớ công ơn công chúa Bảo Hoa với dân làng nơi đây.

Quang Viện