Long Hưng - Điểm tựa Chu Diên
Nhiều triều đại phong kiến đã cho sử gia đề cập đến nhà Tiền Lý nhưng chưa thấy sử liệu nào khảo sát và viết rõ ràng, chi tiết về diễn biến cuộc chiến đấu giữa Lý Bôn và quân Lương. Các cuốn ngọc phả, thần tích ở Thái Bình, các thần tích Trương Lữu (Thụy Vân), Phú Sơn (nay là thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà), Tử Đường (Thái Hòa, Thái Thụy)... đều nói: Trai tráng đầu quân theo vua đuổi giặc, tiến đánh đô thành Long Biên. Tiêu Tư cả sợ, phải chạy về Bắc quốc.
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua họ Lý, tên húy là Bí người Thái Bình (phủ) Long Hưng... có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân”. Sử chép: “Vua (Lý Bí) đem 3 vạn quân ra Chu Diên đánh giặc”, đó là quân chủ lực, còn dân binh không thấy sử chép, theo suy đoán có thể rất đông vì sau khi thất thủ Chu Diên, Gia Ninh... vua rút lên hồ Điển Triệt (Vĩnh Phúc), sau 4 tháng củng cố và bổ sung lực lượng vua đem quân ra giữ hồ. Thuyền bè đậu kín mặt hồ nhưng quân số cũng chỉ còn 2 vạn, vậy mà cơ trời, vận nước khó khăn, mưa thượng nguồn gây lũ quét, nước sông Cà Lô dâng cao 7 thước (2,8m). Bá Tiên dựa vào thế nước chảy như thác cho toàn quân lao vào hồ. Thuyền ta không thể ngược dòng đối trận, bị tổn thất nặng. Vì thế, quân vỡ vua phải lui về giữ động Khuất Liêu (vùng Tam Nông, Phú Thọ).
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi Nam Đế tránh ở động Khuất Lão, Thiên Bảo cùng với tướng người cùng họ là Lý Phật Tử đem 3 vạn người vào Cửu Chân”. Các nguồn sử liệu đặt nghi vấn: 3 vạn nghĩa sĩ này lấy từ đâu mà nhanh chóng đến vậy? Các tài liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Khi đại quân của Trần Bá Tiên đánh vào trung tâm phòng tuyến Chu Diên, quân ta thất bại, phải lui lên phía Bắc, giặc đuổi theo vua, số tướng lĩnh vùng Nam Chu Diên đã lui về củng cố căn cứ cũ, hậu phương của mình (Thần tích Trương tướng quân, Lê tướng quân (Lê Ngọ) đều chép vậy). Khi giặc còn bận tốc chiến tốc thắng đánh ở trung du thì hậu phương (Long Hưng) Nam Chu Diên vẫn yên tĩnh. Khi vị chủ tướng nhân hậu, uy tín (anh ruột của vua) quay về thì các tướng vùng Nam Chu Diên đều đem quân theo. Mỗi người dân Thái Bình - Long Hưng đều là nghĩa sĩ, nhờ vậy mới bổ sung được một đội quân đông đảo. Nếu có thêm lực lượng các phủ, huyện khác thì lực lượng bổ sung nhanh chóng cho Lý Thiên Bảo vẫn là từ đất Thái Bình (Long Hưng). Sau này nhờ đó mà Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử mới thắng được quân Lương. Sau khi Lý Thiên Bảo (Hậu Lý Nam Đế) mộ được 3 vạn quân giữ vùng ven biển thì Trần Bá Tiên đuổi theo xuống vùng Thái Bình Long Hưng tiến đánh. Sử không chép cụ thể chỉ ghi vắn tắt: “Khi Nam Đế tránh ở Khuất Lão, Thiên Bảo cùng với tướng người cùng họ Lý Phật Tử đem 3 vạn người vào Cửu Chân. Trần Bá Tiên đuổi theo đánh. Thiên Bảo bị thua, bèn thu nhặt quân còn sót được vạn người chạy sang đất Di Lao ở Ai Lao…”.
Thần phả các làng ở Thái Bình cho biết, dưới sự chỉ đạo của hoàng huynh Lý Thiên Bảo, quân dân vùng biển Thái Bình đã quyết tử với giặc. Các tướng Lê Á, Lê Điện, Vương Vị và Mộc Hoàn đã chỉ huy 9 đồn thành trận địa liên hoàn, bám vào dòng kênh, lũy tre, cồn sú mà tử chiến. Xác địch trôi đầy sông, “cửa Hộ” được coi là “cửa thiêng” nhưng cả 4 tướng đã tử chiến, tận trung vì nước.
Theo sách Thành hoàng Việt Nam tập I, khi Lý Nam Đế băng hà, các tướng Đinh Linh, Đinh Thống, Đinh Minh bàn với Triệu Quang Phục tìm người họ Lý tôn phò. Quang Phục không nghe, các tướng Đinh Linh, Đinh Thống, Đinh Minh lui về giữ bến La Tiến (nay là cầu La Tiến, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) tìm Lý Phật Tử để tôn phù, làm chủ cả vùng sông Luộc. Ngọc phả đình Thụy Vân (Hưng Hà) cho biết, gia đình Trương Lữu đã giữ vùng cửa Luộc phò tá Lý Phật Tử. Con trai Đào Lang Vương là Lý Bảo Quốc sau thất bại bị dồn chạy lên A Lối, khi Lý Phật Tử về nước ông đã vâng lệnh, dẫn binh chúng về Thái Bình hội binh, đem quân giao chiến với Triệu Quang Phục. Các nguồn khảo luận cộng với tài liệu sưu tầm ở Thụy Vân, La Tiến (Hưng Hà), Đông Châu (Quỳnh Phụ) và Hữu Tiệm (Quang Hưng - Kiến Xương) thể hiện rõ sự phân liệt trong hàng ngũ tướng lĩnh thời sau Tiền Lý. Khi Triệu Quang Phục chia nửa nước, phía Tây Ô Diên cho Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương giữ từ Long Biên về phía Đông, chính tướng Trương Lữu và anh em họ Đinh đã dùng kế để Phật Tử tạm hòa với Việt Vương, tham mưu để Lý Nhã Lang lấy nàng Ngốc nương công chúa khiến Việt Vương chủ quan, không cảnh giác. Lại cũng chính từ Thái Bình - Long Hưng, Hoàng Đại Lang và Hoàng Nhị Lang bầy tôi thân tín của Việt Vương quyết không hòa hoãn và càng không thể thông gia với Lý Phật Tử đã khuyên Việt Vương cự tuyệt. Việt Vương không nghe, Hoàng Đại Lang phẫn uất lui quân về thủ hiểm vùng cửa sông Hồng.
Các nguồn khảo luận cho thấy, năm 571, khi Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp Triệu Việt Vương, Việt Vương chủ quan, không đề phòng, Long Biên đã thất thủ. Triệu Việt Vương bỏ kinh thành chạy về phía biển. Một chi tiết quan trọng cũng cần được chú ý để thấy vị trí của Thái Bình trong sự nghiệp tái lập hậu Lý Nam Đế là đường rút chạy của Triệu Việt Vương. Hành trình bôn tẩu của Triệu Việt Vương từ Long Biên (tả ngạn sông Hồng), không vượt sông Hát vòng sau Ô Diên (nơi là đại bản doanh của Phật Tử) để theo sông Đáy xuôi cửa Liêu (còn gọi cửa Đại An thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), mà xuôi sông Hồng xuống Chu Diên. Tại Chu Diên ông bị Lý Phật Tử và các tướng của Lý Phật Tử hội quân đón đánh. Việt Vương thua trận, phải rẽ vào sông Vĩnh Trụ sang Phủ Lý, rồi rẽ vào sông Đáy.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Quân của vua (Lý Phật Tử) càng tiến, Triệu Việt Vương đem con gái chạy về phía Nam, muốn tìm nơi đất hiểm để ẩn náu tung tích nhưng đến đâu cũng bị quân của vua đuổi theo sau gót. Việt Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha, bị nước chắn, than rằng: “Ta hết đường rồi” bèn nhảy xuống biển. Họ Triệu mất nước. Lý Phật Tử lên ngôi lập Hậu Lý Nam Đế và ở ngôi 32 năm (571 - 602).
Vùng Nam Kiến Xương ở Thái Bình ngày nay, các làng Đắc Chúng (Quốc Tuấn), Cao Mại (Quang Hưng), Cao Bạt Ngoại (Hòa Bình) có thờ Triệu Quang Phục và Ngốc nương. Còn toàn bộ phía Đông sông Trà Lý ra biển và cả vùng cửa Vường lòng dân đều thờ vua Lý Nam Đế, Lý Phật Tử. Các bộ sử cũ đều ghi nhận: Lý Phật Tử đem quân xuống đánh nhau với vua (Triệu Việt Vương) ở huyện Thái Bình. Khi hai bên hòa hiếu, Triệu Việt Vương giữ vùng tây Ô Diên (nghĩa là Triệu Quang Phục giữ vùng chiến khu cũ của Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử). Các nguồn sử liệu không bình luận nhưng qua thực tế việc phân chia này hoàn toàn bất lợi cho Việt Vương. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025